“Sự Phục Hồi Phúc Âm,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Sự Phục Hồi Phúc Âm
Phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ chúng ta
Ngay sau lễ báp têm của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô bắt đầu giáo vụ của Ngài giảng dạy dân chúng cách sống theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúa Giê Su dạy rằng có hai giáo lệnh lớn: thứ nhất, phải hết lòng, hết ý và hết sức yêu mến Thượng Đế; và thứ hai, phải yêu thương người khác như chúng ta yêu thương bản thân mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40). Sứ điệp của Ngài là mời những người nam và người nữ đến cùng Ngài, tin tưởng và sống theo các lẽ thật của phúc âm Ngài, và được cứu rỗi.
Chúa Giê Su kêu gọi Các Sứ Đồ và ban cho họ thẩm quyền để đại diện cho Ngài và phụ giúp trong công việc của Ngài. Ngài tổ chức Giáo Hội của Ngài và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nguyên tắc và giáo lễ đầu tiên của phúc âm: đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh (xin xem Ma Thi Ơ 9:13; 16:15–19; 17:19–20; Giăng 3:5).
Theo thời gian sau cái chết của Các Sứ Đồ của Chúa, nhiều lẽ thật phúc âm quan trọng cũng như tổ chức và thẩm quyền nguyên thủy của Giáo Hội của Đấng Ky Tô đã bị thay đổi hoặc bị mất (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 20:29–30). Nhưng để làm ứng nghiệm lời tiên tri, Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài Là Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi, hoặc tái thiết lập Giáo Hội và phúc âm trọn vẹn. Sự Phục Hồi này bắt đầu vào năm 1820 qua Tiên Tri Joseph Smith. Nó tiếp tục ngày nay qua sự mặc khải thiêng liêng được ban cho các vị tiên tri hiện nay.
Phần 1
Thế Gian Đã Được Chuẩn Bị cho Sự Phục Hồi Phúc Âm
Sau khi Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô qua đời, nhiều khía cạnh quan trọng trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bị hiểu sai, bị lu mờ, hoặc thay đổi. Nếu không có các vị tiên tri tại thế và thẩm quyền nguyên thủy do Chúa Giê Su Ky Tô ban cho, thì Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô không còn tồn tại nữa. Trong thời gian này, mà đôi khi được gọi là Sự Đại Bội Giáo, nhiều người đã tìm kiếm một sự hiểu biết thực sự về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Nhiều sự kiện đã giúp chuẩn bị thế gian cho Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa và Giáo Hội của Ngài. Ví dụ, các nhân vật nòng cốt đã hy sinh rất nhiều, kể cả cuộc sống của họ, để phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh và bắt đầu phân phát Kinh Thánh cho người khác. Sự sẵn có của thánh thư đã làm cho mọi người dễ học hỏi thêm về Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Các nhà cải cách lên tiếng chống lại những sự khác biệt mà họ đã thấy trong giáo hội với điều mà thánh thư dạy. Nhiều người Châu Âu tìm kiếm tự do tôn giáo bằng cách đến định cư ở Bắc Mỹ. Vô số người đang tìm kiếm một sự hiểu biết rõ ràng hơn về Chúa Giê Su Ky Tô và cách tìm thấy sự bình an trong cuộc sống này.
Những điều để suy nghĩ
-
Nhiều khía cạnh quan trọng trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã bị mất sau khi Các Sứ Đồ của Ngài qua đời. Thời đại xa rời phúc âm chân chính này đôi khi được gọi là Sự Đại Bội Giáo. Đọc Ê Sai 24:4–5; Ma Thi Ơ 24:9–12; Giăng 16:1–3; 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–4; và 1 Nê Phi 13:26–29. Các đoạn này nói điều gì sẽ xảy ra sau khi Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài đã chết? Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của anh chị em?
-
Đọc lời tường thuật của Joseph Smith về Khải Tượng Thứ Nhất của ông được tìm thấy trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–20. Joseph Smith đã học được điều gì về tình trạng của thế giới tôn giáo xung quanh ông? Tại sao là điều quan trọng để đạt được một chứng ngôn về lẽ trung thực của Sự Phục Hồi phúc âm?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Mời những người trong nhóm mô tả cảm giác đói bụng là như thế nào. Cơn đói có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta, những ưu tiên của chúng ta, những ước muốn của chúng ta ra sao? Sau cuộc thảo luận này, hãy cùng nhau đọc A Mốt 8:11–12. Anh chị em nghĩ tại sao tiên tri A Mốt đã chọn hình ảnh này để mô tả thế gian trong thời kỳ Đại Bội Giáo? Việc mất đi lẽ thật phúc âm tương tự như “sự đói kém đến trong đất” như thế nào? Cuộc sống của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu chúng ta đói khát các lẽ thật thuộc linh giống như cách chúng ta đói khát thức ăn?
-
Trong bài nói chuyện của ông “Preparations for the Restoration and the Second Coming: ‘My Hand Shall Be over Thee’ (Những Chuẩn Bị cho Sự Phục Hồi và Ngày Tái Lâm: ‘Tay Ta Sẽ Ở Trên Ngươi’),” Anh Cả Robert D. Hales đã vạch ra vài sự kiện cụ thể trong lịch sử thế gian mà đã giúp chuẩn bị thế gian cho Sự Phục Hồi. Cùng nhau lắng nghe hoặc đọc bài nói chuyện này, và sau đó mời những người trong nhóm chia sẻ điều họ đã học được. Bàn tay của Chúa đã hiển nhiên như thế nào trong các sự kiện dẫn đến Sự Phục Hồi?
Tìm hiểu thêm
-
“Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” Thư Viện Phúc Âm
-
D. Todd Christofferson, “Chia Sẻ Sứ Điệp về Sự Phục Hồi và Sự Phục Sinh,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 110–113
-
Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley (năm 2016), trang 43–53
Phần 2
Sự Phục Hồi Phúc Âm Đã Khai Mở Gian Kỳ của Thời Kỳ Trọn Vẹn
Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã mang ánh sáng mới đến với thế gian. Nó bắt đầu vào mùa xuân năm 1820, khi thiếu niên Joseph Smith cầu nguyện trong một khu rừng gần nhà của ông ở Palmyra, New York. Ông băn khoăn về vị thế thuộc linh của mình trước mặt Thượng Đế và muốn biết giáo hội nào là đúng. Để đáp ứng cho lời cầu nguyện của ông, Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng ông.
Trong một thời gian, Thượng Đế bắt đầu phục hồi lẽ thật phúc âm cho Joseph Smith. Sự trút xuống lẽ thật này đã mang đến thánh thư, thẩm quyền chức tư tế, tổ chức Giáo Hội, giáo lý, và các giáo lễ thiết yếu của sự cứu rỗi và sự tôn cao. Tiến trình này một lần nữa mang phúc âm đến thế gian về điều mà thánh thư gọi là “gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn” (Ê Phê Sô 1:10; Giáo Lý và Giao Ước 112:30). Một gian kỳ là thời gian mà Chúa có một vị tiên tri và phúc âm của Ngài trên thế gian. Trong gian kỳ cuối cùng này của phúc âm, thế gian đang được chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những điều để suy nghĩ
-
Chúng ta sống trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn—một thời kỳ không giống như bất cứ thời kỳ nào khác. Chúng ta biết gian kỳ này sẽ không kết thúc trong sự bội giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không gặp phải những thử thách đáng kể. Nghiên cứu sứ điệp của Anh Cả Jeffrey R. Holland “This, the Greatest of All Dispensations.” Anh Cả Holland nhận ra những thử thách nào trong sứ điệp này? Anh chị em học được điều gì từ sứ điệp của ông về thái độ mà anh chị em có thể chọn để có khi gặp phải những thử thách này?
-
Một phần đầy phấn khởi của việc sống trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn là tham gia vào Sự Phục Hồi đang tiếp diễn của phúc âm. Đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21; Ê Phê Sô 1:3, 10; Giáo Lý và Giao Ước 27:13; 112:30; 128:18. Anh chị em học được điều gì từ các câu này về điều sẽ xảy ra trong gian kỳ này? Làm thế nào anh chị em có thể đóng góp cho công việc vĩ đại này?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Việc tìm kiếm và tin tưởng vào sự mặc khải liên tục có thể có một ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của anh chị em. Trong “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Hai trăm năm nay đã trôi qua kể từ khi Sự Phục Hồi này được khởi xướng bởi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. … Chúng tôi hân hoan tuyên bố rằng Sự Phục Hồi đã được hứa sẽ tiến bước nhờ vào sự mặc khải liên tục.” Yêu cầu những người trong nhóm chia sẻ những điều mặc khải hiện đại hoặc những lời giảng dạy được soi dẫn mà đã có một ảnh hưởng đáng kể đến họ. Anh chị em học được điều gì từ kinh nghiệm của những người trong nhóm với sự mặc khải hiện đại?
-
Khái niệm về các gian kỳ có thể khó hiểu. Hãy cùng nhau xem video “Dispensations: The Pattern of Apostasy and Restoration” (6:52), dừng lại nếu cần để đặt câu hỏi cho nhau và tìm câu trả lời. Việc hiểu được mẫu mực của các gian kỳ củng cố chứng ngôn của anh chị em như thế nào về Sự Phục Hồi trong thời kỳ của chúng ta? Anh chị em cảm thấy như thế nào về việc sống trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn?
Tìm hiểu thêm
-
Gordon B. Hinckley, “At the Summit of the Ages,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, trang 72–74
-
Faith Sutherlin Blackhurst, “Điều Gì, Tại Sao, và Bằng Cách Nào: Sự Phân Tích về Sự Phục Hồi,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 58–61
Phần 3
Sự Phục Hồi Tiếp Tục qua Các Vị Tiên Tri và Sứ Đồ Hiện Nay
Giờ đây, hơn 200 năm sau khi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng Joseph Smith, Sự Phục Hồi vẫn tiếp tục. Các vị tiên tri và sứ đồ tại thế tìm kiếm và nhận được sự mặc khải để hướng dẫn Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đang chuẩn bị Giáo Hội của Ngài và dân Ngài cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Công việc của Thượng Đế tiếp tục tiến triển nhanh qua Sự Phục Hồi đang tiếp diễn và sự lãnh đạo được soi dẫn của các tôi tớ của Chúa (xin xem Những Tín Điều 1:9).
Vào năm 2018, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta là nhân chứng cho một tiến trình phục hồi. Nếu anh chị em nghĩ là Giáo Hội đã được phục hồi trọn vẹn, thì thật ra anh chị em chỉ đang thấy sự khởi đầu. Còn nhiều điều nữa sẽ tới. … Hãy đợi sang năm sau. Và rồi năm kế tiếp nữa. Hãy uống vitamin. Hãy nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Sẽ đầy hào hứng đó.”
Những điều để suy nghĩ
-
Trong bài nói chuyện năm 2014 của ông “Các Anh Em Có Đang Ngủ suốt Thời Kỳ Phục Hồi Không?” Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc bấy giờ thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói về ba cám dỗ mà có thể ngăn cản chúng ta tham gia tích cực vào Sự Phục Hồi đang tiếp diễn của phúc âm. Hãy nghiên cứu bài nói chuyện này, chú ý đến những trở ngại mà ông nói có thể ngăn cản chúng ta đạt được tiềm năng của mình. Anh chị em có thể cố gắng khắc phục những trở ngại nào trong số các trở ngại này? Hãy lập một kế hoạch để làm như vậy.
-
Một số người chứng kiến nhiều sự kiện của Sự Phục Hồi đã được soi dẫn để viết về chúng. Chọn một bài thánh ca từ trang chủ đề “Restoration of the Gospel” trang về đề tài trong sách Hymns, và đọc lời của bài thánh ca đó. Những lời ca này dạy cho anh chị em điều gì về tầm quan trọng của Sự Phục Hồi? Những lời ca này làm cho anh chị em cảm thấy như thế nào? Anh chị em cảm thấy được truyền cảm hứng để làm điều gì?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Trong một bài nói chuyện năm 2020 có tựa đề “Sự Ứng Nghiệm Lời Tiên Tri,” Anh Cả Ronald A. Rasband đã liệt kê vài lời tiên tri thời xưa và hiện nay mà đã được ứng nghiệm như là một phần của Sự Phục Hồi phúc âm. Cùng nhau nghiên cứu bài nói chuyện này, và sau đó mời những người trong nhóm chia sẻ những sự ứng nghiệm của lời tiên tri nào có ý nghĩa nhất đối với họ. Sự thực hành này thay đổi cách anh chị em nghĩ về Sự Phục Hồi như thế nào? Anh chị em cảm thấy thế nào khi xem xét tầm quan trọng của việc sống trong khoảng thời gian đã được mong đợi từ lâu này?
-
Trong bài viết “Sự Phục Hồi Liên Tục,” Anh Cả LeGrand R. Curtis Jr., Sử Gia và Người Ghi Chép của Giáo Hội, đã liệt kê ba cách chúng ta có thể tham gia vào Sự Phục Hồi đang tiếp diễn:
-
Lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng
-
Làm tròn những sự kêu gọi và chỉ định chúng ta nhận được
-
Giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên
Hãy đọc chung với cả nhóm điều Anh Cả Curtis đã dạy về mỗi đóng góp này cho công việc ấy. Anh chị em cảm thấy có ấn tượng để tham gia vào điều gì vào lúc này? Anh chị em sẽ làm điều đó bằng cách nào? Chia sẻ những ý kiến của anh chị em với cả nhóm, và nhận ra những cách thức mà anh chị em có thể giúp nhau đạt được các mục tiêu của mình.
-
Tìm hiểu thêm
-
Khải Huyền14:6–7; Giáo Lý và Giao Ước 1:17–30; 43:28; Những Tín Điều 1:6, 9
-
Gary E. Stevenson, “The Ongoing Restoration” (bài nói chuyện trong Tuần Lễ Giáo Dục ở Brigham Young University Campus, ngày 20 tháng Tám năm 2019), speeches.byu.edu