Thư Viện
Sự Phục Hồi Chức Tư Tế


“Sự Phục Hồi Chức Tư Tế,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

ban phước Tiệc Thánh

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Sự Phục Hồi Chức Tư Tế

Thượng Đế đã ban cho thẩm quyền để hành động trong danh Ngài

Hãy tưởng tượng cuộc sống của anh chị em sẽ khác biệt như thế nào nếu Thượng Đế đã không phục hồi thẩm quyền chức tư tế để lập các giao ước, giáo lễ, và nhiều ân tứ thiêng liêng khác dành sẵn cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Một phần quan trọng của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là sứ điệp rằng vì Thượng Đế yêu thương con cái của Ngài, nên Ngài đã ban quyền năng và thẩm quyền chức tư tế cho các tôi tớ của Ngài trong Giáo Hội. Chức tư tế gồm có thẩm quyền để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thực hiện công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế. Hàng triệu người ngày nay được ban phước bởi các giao ước, các giáo lễ thiêng liêng, và các phước lành khác được ban cho qua thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế của Thượng Đế.

Chức tư tế của Thượng Đế đã ban phước cho con cái của Ngài trong suốt lịch sử của thế gian. Sau cái chết của Các Sứ Đồ của Đấng Ky Tô trong thời Tân Ước, thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế đã bị mất. Mãi sau này, vào những thập niên 1800, các sứ giả thiên thượng đã đến và truyền giao thẩm quyền chức tư tế và các chìa khóa chức tư tế cho Joseph Smith và Oliver Cowdery. Sự phục hồi quyền năng này của Thượng Đế là một phần quan trọng của toàn thể Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài. Thẩm quyền và các chìa khóa chức tư tế vẫn còn trong Giáo Hội ngày nay.

Sự Phục Hồi Chức Tư Tế Là Gì?

Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế. Thẩm quyền thiêng liêng này cho phép con cái của Thượng Đế tiếp nhận các giáo lễ và giao ước thiết yếu cho sự cứu rỗi và sự tôn cao. Chức tư tế đó đã bị mất sau cái chết của Các Sứ Đồ của Chúa trong thời Tân Ước. Trong thời gian đầu của thập niên 1800, các sứ giả thiên thượng đã phục hồi chức tư tế cho thế gian bằng cách truyền giao chức tư tế này cho Joseph Smith và Oliver Cowdery.

Khái quát về đề tài: Sự Phục Hồi Chức Tư Tế

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Sự Phục Hồi Phúc Âm, Joseph Smith, Chức Tư Tế A Rôn, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, Các Chìa Khóa Chức Tư Tế, Các Phước Lành của Chức Tư Tế, Các Giao Ước và Các Giáo Lễ

Tiết 1

Thượng Đế Chia Sẻ Quyền Năng Chức Tư Tế của Ngài để Ban Phước cho Con Cái của Ngài

mọi người đang đi bộ đến đền thờ

Thượng Đế đã ban quyền năng chức tư tế cho các tôi tớ của Ngài từ lúc ban đầu (xin xem Môi Se 6:7). Các tộc trưởng thời xưa là A Đam, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se, và vô số người khác nắm giữ chức tư tế vì mục đích ban phước cho con cái của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Thượng Đế đã cho phép dân Ngài chia sẻ sứ điệp phúc âm và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng với tính cách là một phần của sự thờ phượng của họ. Bất cứ khi nào Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri, thì Ngài đều hướng dẫn họ qua sự mặc khải thiêng liêng và ban cho họ quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế.

Ngày nay, mỗi tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đều có đặc ân để nhận được các phước lành liên quan đến chức tư tế của Thượng Đế. Qua chức tư tế, chúng ta có thể nhận được phép báp têm, lễ xác nhận và ân tứ Đức Thánh Linh, các giáo lễ đền thờ, và còn nhiều nữa. Qua các giáo lễ chức tư tế, “quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt” (Giáo Lý và Giao Ước 84:20), cùng chuẩn bị cho chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Những điều để suy nghĩ

  • Việc lập và tuân giữ các giao ước liên quan đến các giáo lễ chức tư tế tạo ra một sự kết nối thuộc linh quan trọng giữa anh chị em và Thượng Đế. Anh Cả Dale G. Renlund đã dạy: “Việc tuân giữ các giao ước được lập trong hồ báp têm và trong đền thờ … mang đến cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng những thử thách và nỗi đau khổ của cuộc sống trần thế. Giáo lý liên kết với các giao ước này giúp con đường của chúng ta dễ dàng hơn và mang đến niềm hy vọng, sự an ủi và bình an.” Anh chị em sẽ làm gì để lập và tuân giữ các giao ước có sẵn cho anh chị em qua chức tư tế? Làm thế nào anh chị em có thể hỗ trợ người khác và giúp họ lập giao ước với Thượng Đế?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Mời các thành viên trong nhóm của anh chị em đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

    “Vì Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã được phục hồi, cả người nữ lẫn người nam biết tuân giữ giao ước đều có quyền tiếp cận với ‘tất cả các phước lành thuộc linh của giáo hội’ [Giáo Lý và Giao Ước 107:18] hoặc, chúng ta có thể nói, là với tất cả những kho báu thuộc linh mà Chúa dành cho con cái của Ngài.

    “Mọi người nữ và mọi người nam nào lập giao ước với Thượng Đế và tuân giữ các giao ước đó và là những người tham dự một cách xứng đáng vào các giáo lễ của chức tư tế đều có quyền tiếp cận trực tiếp với quyền năng của Thượng Đế. Những người đã được làm lễ thiên ân trong ngôi nhà của Chúa đều nhận được một ân tứ về quyền năng chức tư tế của Thượng Đế nhờ vào giao ước của họ, cùng với một ân tứ về kiến thức để biết cách có được quyền năng đó.”

    Một số “kho báu thuộc linh” hoặc các phước lành nào anh chị em đã nhận được bằng cách tiếp nhận các giáo lễ cũng như lập và tuân giữ các giao ước?

Tìm hiểu thêm

  • Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước,” Thư Viện Phúc Âm

  • Jeffrey R. Holland, “Điểm Nổi Bật Nhất của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2005, trang 43–45

  • Chapter 5: The Holy Priesthood—for the Blessing of God’s Children,” Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith (năm 2011), trang 45–56.

Tiết 2

Giăng Báp Tít Phục Sinh Đã Phục Hồi Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery

Giăng Báp Tít ban chức tư tế A Rôn cho Joseph Smith và Oliver Cowdery

Chúa đã chuẩn bị một cách có trật tự để phân phát thẩm quyền của chức tư tế của Ngài. Loài người không thể tự mình nhận lấy thẩm quyền này (xin xem Hê Bơ Rơ 5:4). Chỉ những người nắm giữ chức tư tế mới có thể sắc phong những người khác, và họ chỉ có thể làm như vậy khi được cho phép bởi những người nắm giữ các chìa khóa cho lễ sắc phong đó (xin xem Những Tín Điều 1:5).

Trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph Smith và Oliver Cowdery bắt gặp những đoạn về phép báp têm. Joseph và Oliver có những câu hỏi về điều đó (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:68) và quyết định cầu vấn Chúa. Họ đi vào rừng để cầu nguyện, và để đáp ứng lời cầu nguyện của họ, Giăng Báp Tít hiện đến cùng họ và ban cho họ thẩm quyền chức tư tế bằng phép đặt tay (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13). Ông chỉ dẫn họ làm phép báp têm cho nhau và sắc phong cho nhau chức tư tế (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–72).

Những điều để suy nghĩ

  • Thiếu niên Joseph Smith có thắc mắc về những lời giảng dạy tôn giáo trong thời của ông. Để tìm kiếm sự hướng dẫn, ông đã tìm đến Thượng Đế trong lời cầu nguyện và được Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến. Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:17–20. Làm thế nào đoạn này giúp anh chị em hiểu rõ hơn lý do tại sao sự phục hồi chức tư tế là cần thiết?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cùng với các thành viên trong nhóm của anh chị em, hãy xem video “Restoration of the Priesthood” (2:00), cùng lắng nghe các phước lành đến với cuộc sống của chúng ta nhờ vào sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn. Làm thế nào chúng ta có thể cầu xin các phước lành của Chức Tư Tế A Rôn một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình?

Tìm hiểu thêm

Tiết 3

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc Đã Được Phục Hồi cho Joseph Smith và Oliver Cowdery bởi Các Sứ Giả Thiên Thượng Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng

Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng ban chức tư tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph Smith

Trong vòng một tháng sau sự hiện đến của Giăng Báp Tít, có thêm nhiều sứ giả thiên thượng đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery. Lần này, Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng của thời Tân Ước đã truyền giao cho Joseph và Oliver Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các chìa khóa của vương quốc của Thượng Đế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13; 128:20). Trong khi Chức Tư Tế A Rôn mang đến cho Joseph và Oliver thẩm quyền để làm phép báp têm thì Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã mang đến cho họ thẩm quyền để chủ tọa Giáo Hội và thực hiện tất cả các giáo lễ cần thiết để nhận được sự cứu rỗi và sự tôn cao.

Về sau, Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã được ban cho thêm các chìa khóa chức tư tế, hoặc thẩm quyền để giám sát và hướng dẫn một số phần việc của Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội. Trong Đền Thờ Kirtland, các sứ giả thiên thượng khác—Môi Se, Ê Li A, và Ê Li—đã trao các chìa khóa về sự quy tụ Y Sơ Ra Ên, gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham (gồm có sự phục hồi giao ước Áp Ra Ham), và các chìa khóa của quyền năng gắn bó (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16).

Những điều để suy nghĩ

  • Mỗi người nắm giữ chức tư tế có thể truy nguyên thẩm quyền của mình ngược lại đến sự kiện thiêng liêng của sự phục hồi chức tư tế. Anh Cả Jeffrey R. Holland đã giải thích: “Trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể truy nguyên hệ thống thẩm quyền của chức tư tế mà được người thầy trợ tế mới nhất sử dụng trong tiểu giáo khu, vị giám trợ là người chủ tọa thầy trợ tế ấy, và vị tiên tri là người chủ tọa tất cả chúng ta. Hệ thống đó đi ngược lại trong một chuỗi hệ thống liên tục đến các thiên sứ phục sự là những người đến từ chính Vị Nam Tử của Thượng Đế, mang ân tứ có một không hai này từ thiên thượng.” Hệ thống thẩm quyền chức tư tế của một người có thể được yêu cầu từ trụ sở Giáo Hội.

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Anh chị em đã cảm thấy cuộc sống của mình thay đổi như thế nào sau khi nhận được một giáo lễ chức tư tế? Trong khi anh chị em và những người còn lại trong nhóm xem xét câu hỏi này, thì hãy đọc lời phát biểu này từ Joseph Smith—Lịch Sử 1:74: “Tâm trí chúng tôi giờ đây được soi sáng, nên chúng tôi bắt đầu thông hiểu thấu đáo thánh thư; ý nghĩa và ý định thật của những đoạn bí ẩn nhất trong đó, nay cũng được sáng tỏ trong tâm trí chúng tôi một cách mà từ trước tới giờ chúng tôi chẳng hề đạt được, cũng như chẳng hề nghĩ tới.”

Tìm hiểu thêm

Các Nguồn Tài Liệu Khác về Sự Phục Hồi Chức Tư Tế