“Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)
Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm
Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc
Quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế để ban phước cho con cái của Ngài
Cha Thiên Thượng sẵn sàng giúp anh chị em nhận được quyền năng và sự hướng dẫn thuộc linh trên con đường của anh chị em dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Thẩm quyền chức tư tế của Thượng Đế làm cho tất cả con cái của Thượng Đế mà chọn đến cùng Ngài có thể tiếp cận được các phước lành này. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc … là phương cách mà qua đó tất cả sự hiểu biết, giáo lý, kế hoạch cứu rỗi, và mọi vấn đề quan trọng đều được mặc khải từ thiên thượng.” Qua quyền năng của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, tất cả các con trai và con gái của Thượng Đế có thể lập các giao ước và tiếp nhận các giáo lễ nhằm giúp họ trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:52–60; 84:19–22).
Tiết 1
Thượng Đế Giao Phó Thẩm Quyền và Quyền Năng Chức Tư Tế cho Các Tôi Tớ của Ngài
Trong suốt lịch sử, Thượng Đế đã giao phó thẩm quyền chức tư tế cho các tôi tớ của Ngài để hành động trong danh Ngài và phụ giúp với sự cứu rỗi và sự tôn cao của con cái Ngài. Joseph Smith đã dạy: “Tất cả các vị tiên tri đều có Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.”
Thời xưa, chức tư tế được gọi là “Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Nhưng vì kính trọng hay tôn kính danh của Đấng Tối Cao, để tránh khỏi phải lặp đi lặp lại quá thường xuyên danh [của Ngài],” nên chức tư tế đã được gọi là “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc” (Giáo Lý và Giao Ước 107:3–4). Mên Chi Xê Đéc là một thầy tư tế thượng phẩm và vị tiên tri ngay chính trong thời Cựu Ước. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, cái tên Mên Chi Xê Đéc có nghĩa là “vua sự công bình” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Mên Chi Xê Đéc,” Thư Viện Phúc Âm).
Trong Kinh Tân Ước, chúng ta biết được rằng Chúa Giê Su sắc phong các môn đồ của Ngài và ban cho họ thẩm quyền chức tư tế (xin xem Lu Ca 9:1–2; Giăng 15:16; Hê Bơ Rơ 5:1–10). Trên Núi Biến Hình, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã nhận được các chìa khóa của chức tư tế. Với các chìa khóa đó, Các Sứ Đồ này có thẩm quyền để tiếp tục công việc của Giáo Hội của Đấng Ky Tô sau khi Ngài thăng thiên (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sự Biến Hình,” Thư Viện Phúc Âm; xin xem thêm Ma Thi Ơ 16:15–19; 17:1–9; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21–26; Ê Phê Sô 4:11–13).
Trong nhiều thế kỷ sau cái chết của Các Sứ Đồ của Chúa, thẩm quyền chức tư tế đã bị mất khỏi thế gian. Trong thời kỳ chúng ta, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đã được phục hồi qua Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng cho Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 27:12–13; Joseph Smith—Lịch Sử 1:72). Về sau, các thiên sứ khác đã giao phó các chìa khóa của chức tư tế cho họ trong Đền Thờ Kirtland ở Ohio, Hoa Kỳ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16).
Những điều để suy nghĩ
-
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã nói: “Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền thiêng liêng được tin tưởng giao phó để sử dụng cho công việc của Thượng Đế nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các con cái của Ngài. Chức tư tế không ám chỉ những người đã được sắc phong vào một chức phẩm trong chức tư tế hoặc những người sử dụng thẩm quyền của chức tư tế. Những người nam nắm giữ chức tư tế không phải là chức tư tế. Mặc dù chúng ta không nên gọi những người nam được sắc phong là chức tư tế, nhưng là điều thích hợp để gọi họ là những người nắm giữ chức tư tế. Tại sao là điều quan trọng để phân biệt giữa chức tư tế và những người nắm giữ chức tư tế?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Chức tư tế hiện có ở đây. … Chúng ta biết, vì chúng ta đã thấy quyền năng của chức tư tế này. Chúng ta đã thấy người bệnh được chữa lành, người què được làm cho đi lại, và sự hiện đến của ánh sáng, kiến thức và sự hiểu biết cho những người đang ở trong bóng tối.” Anh chị em đã thấy những bằng chứng nào về quyền năng và thẩm quyền chức tư tế của Thượng Đế đang hoạt động trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ của chúng ta?
Tìm hiểu thêm
-
An Ma 13:14–19; Giáo Lý và Giao Ước 84:23–26; 107:2–8, 18, 42–52
-
“Chương 8: Chức Tư Tế Trường Cửu,” Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2011), trang 101–113
Tiết 2
Qua Các Giao Ước và Các Giáo Lễ của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, Anh Chị Em Có Thể Chuẩn Bị để Trở Về Nơi Hiện Diện của Thượng Đế
Chủ Tịch Brigham Young đã dạy: “Phúc Âm và Chức Tư Tế là phương tiện mà [Thượng Đế] sử dụng để cứu rỗi và tôn cao con cái biết vâng lời của Ngài hầu có được với Ngài cùng vinh quang và quyền năng để được đội mão triều thiên của sự vinh quang, bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.” Dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, chúng ta có thể lập giao ước với Thượng Đế và tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng cần thiết để nhận được cuộc sống vĩnh cửu.
Những điều để suy nghĩ
-
Khi một người nam tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế, thì người ấy lập “lời thề và giao ước của chức tư tế.” Đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:33–44. Một người nắm giữ chức tư tế giao ước phải làm những điều gì? Thượng Đế lập lời hứa thiêng liêng nào với những người nhận được và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ?
Sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Mời các thành viên trong nhóm đọc Giáo Lý và Giao Ước 84:17–22 và thảo luận điều Chúa đã mặc khải về chức tư tế. Để làm sáng tỏ ý nghĩa của đoạn thánh thư này, hãy cân nhắc việc chia sẻ rằng “những điều kín nhiệm của vương quốc” là “những lẽ thật thuộc linh chỉ biết được qua mặc khải mà thôi” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Những Điều Kín Nhiệm của Thượng Đế,” Thư Viện Phúc Âm). Cũng có thể là điều hữu ích để giải thích rằng quyền năng của sự tin kính là quyền năng của sự ngay chính, mà qua đó chúng ta tiến đến việc biết Thượng Đế và trở nên giống như Ngài (xin xem Bruce R. McConkie, The Promised Messiah [năm 1978], trang 589). Trong những phương diện nào các giáo lễ thiêng liêng có thể dẫn chúng ta đến việc hiểu biết Thượng Đế và chuẩn bị cho chúng ta trở nên giống như Ngài hơn?
Tìm hiểu thêm
-
Henry B. Eyring, “Gia Đình trong Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 62–65
-
Kent F. Richards, “Quyền Năng của Sự Tin Kính,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 118–120
-
Julie B. Beck, “Sự Trút Xuống Dư Dật Các Phước Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2006, trang 11–13
-
“The Holy Priesthood—for the Blessing of God’s Children,” Teachings of Presidents of the Church: George Albert Smith (năm 2011), trang 45–56
Tiết 3
Cả Người Nữ lẫn Người Nam Đều Phục Vụ trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô với Thẩm Quyền và Quyền Năng của Chức Tư Tế
Thượng Đế kêu gọi cả người nữ lẫn người nam trong Giáo Hội của Ngài để phụ giúp vào công việc cứu rỗi và tôn cao thiết yếu. Mặc dù chỉ những người đàn ông mới được sắc phong các chức phẩm trong chức tư tế, nhưng việc tiếp cận với thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế dành sẵn cho cả người nữ lẫn người nam để giúp họ hoàn thành công việc của Thượng Đế. Quyền năng trong chức tư tế được tiếp nhận riêng cho mỗi cá nhân khi các tín hữu của Giáo Hội tuân giữ các giao ước của họ với Chúa một cách ngay chính. Dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế, các cá nhân được phong nhiệm để hành động trong các chức vụ kêu gọi của Giáo Hội. Bằng phép đặt tay, người ấy nhận được thẩm quyền chức tư tế để thực hiện các bổn phận đã được chỉ định. (Xin xem Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 50–51).
Những điều để suy nghĩ
-
Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Cha Thiên Thượng rất rộng rãi với quyền năng của Ngài. Tất cả những người đàn ông và tất cả phụ nữ đều có quyền tiếp cận với quyền năng này để được giúp đỡ trong cuộc sống của họ. Tất cả những người đã lập các giao ước thiêng liêng với Chúa và tôn trọng các giao ước đó đều có đủ điều kiện để nhận được sự mặc khải cá nhân, để được ban phước bởi các thiên thần phục sự, để giao tiếp với Thượng Đế, để nhận được phúc âm trọn vẹn, và cuối cùng, để trở thành người thừa kế bên cạnh Chúa Giê Su Ky Tô tất cả những gì Đức Chúa Cha chúng ta có.” Tại sao là điều quan trọng để nhận ra rằng các phước lành thiêng liêng không phụ thuộc vào một người được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế?
Các sinh hoạt học hỏi với người khác
-
Cùng đọc với các thành viên trong nhóm của anh chị em đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:
“Mọi người nữ và mọi người nam nào lập giao ước với Thượng Đế và tuân giữ các giao ước đó và là những người tham dự một cách xứng đáng vào các giáo lễ của chức tư tế đều có quyền tiếp cận trực tiếp với quyền năng của Thượng Đế. Những người đã được làm lễ thiên ân trong ngôi nhà của Chúa đều nhận được một ân tứ về quyền năng chức tư tế của Thượng Đế nhờ vào giao ước của họ, cùng với một ân tứ về kiến thức để biết cách có được quyền năng đó.
“Các phước lành có sẵn cho các phụ nữ đã được làm lễ thiên ân với quyền năng của Thượng Đế bắt nguồn từ các giao ước chức tư tế của họ cũng như cho những người đàn ông mang chức tư tế.”
Thảo luận cách mà bất cứ tín hữu xứng đáng nào của Giáo Hội cũng có thể sử dụng quyền năng của Thượng Đế.
Tìm hiểu thêm
-
Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 76–79
-
Dallin H. Oaks, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 49–52
-
Jean B. Bingham, “Hiệp Một trong Công Việc của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 60–63