Thư Viện
Ngày Sa Bát


“Ngày Sa Bát,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
các thiếu nữ đang ở tại nhà thờ

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Ngày Sa Bát

“Hãy nhớ ngày Sa Bát đặng giữ cho ngày ấy được thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8)

Thường thường, ngày Sa Bát là như thế nào đối với anh chị em? Khi tìm cách tôn trọng ngày Sa Bát theo cách của Chúa, anh chị em sẽ bắt đầu xem ngày Sa Bát là một ngày vui thích (xin xem Ê Sai 58:13–14). Việc cùng với những người khác thờ phượng Thượng Đế ở nhà thờ, dự phần Tiệc Thánh, và giữ ngày Sa Bát được thánh ở nhà sẽ mang quyền năng thuộc linh vào cuộc sống của anh chị em và mang anh chị em đến gần Thượng Đế hơn. Việc dành ra một ngày mỗi tuần để nghỉ ngơi khỏi công việc làm và các sinh hoạt giải trí là một cách chúng ta cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Thượng Đế và ước muốn của mình để vâng lời Ngài và tuân giữ các giao ước của mình. Chủ Tịch M. Russell Ballard đã giải thích: “Quyền năng của ngày Sa Bát là để cảm nhận ở nhà thờ và ở nhà sự vui thích, niềm vui, và cảm giác ấm áp của Thánh Linh của Chúa mà không có bất cứ hình thức sao lãng nào.”

Ngày Sa Bát Là Gì?

Ngày Sa Bát là một ngày thánh mà Thượng Đế đã biệt riêng cho chúng ta để nghỉ ngơi khỏi công việc làm của mình và thờ phượng Ngài. Tiếp theo Sự Sáng Tạo thế gian, Thượng Đế đã ban phước cho ngày thứ bảy và làm cho ngày đó trở nên thiêng liêng (xin xem Sáng Thế Ký 2:2–3). Ngài đã truyền lệnh cho dân Y Sơ Ra Ên phải “nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:8). Sau khi Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh, các môn đồ của Ngài bắt đầu tuân thủ ngày Sa Bát vào ngày Chủ Nhật, hay là ngày đầu tiên trong tuần (xin xem Mác 16:2; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7; 1 Cô Rinh Tô 16:1–2). Trong những ngày sau, Thượng Đế đã tái lập giáo lệnh của Ngài là phải tuân thủ ngày Sa Bát (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:9–13; 68:29).

Khái quát về đề tài: Ngày Sa Bát

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan: Thờ Phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha, Tiệc Thánh, Nhịn Ăn, Sống theo Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Tiết 1

Việc Tuân Thủ Ngày Sa Bát của Anh Chị Em Là một Dấu Hiệu về Lòng Tận Tụy của Anh Chị Em đối với Thượng Đế

Hình Ảnh
giáo đoàn

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Chúng ta thánh hóa ngày Sa Bát như thế nào? Khi còn rất trẻ, tôi đã nghiên cứu các bản liệt kê mà những người khác đã lập ra về những việc cần làm và những việc không được làm vào ngày Sa Bát. Mãi cho đến sau này tôi mới học được từ thánh thư rằng hành động và thái độ của tôi về ngày Sa Bát tạo thành một dấu hiệu giữa tôi và Cha Thiên Thượng [xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13]. Với sự hiểu biết đó, tôi không còn cần bản liệt kê về những việc cần làm và không nên làm. Khi tôi phải đưa ra một quyết định về một sinh hoạt có thích hợp cho ngày Sa Bát hay không, tôi chỉ cần tự hỏi: ‘Tôi muốn dâng lên Thượng Đế dấu hiệu gì?’ Câu hỏi đó làm cho sự lựa chọn của tôi về ngày Sa Bát rất rõ ràng.” Việc tuân thủ ngày Sa Bát của anh chị em dâng lên cho Thượng Đế dấu hiệu nào?

Những điều để suy nghĩ

  • Xem video từ Anh Cả Jeffrey R. Holland “Upon My Holy Day—Rest and Renewal” (1:26). Anh Cả Holland khuyến khích chúng ta làm những việc trong ngày Sa Bát khác với việc chúng ta làm vào những ngày khác. Anh chị em đã nhận được những ấn tượng nào về việc tôn trọng ngày Sa Bát và giữ ngày đó được thánh?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

Tìm hiểu thêm

Tiết 2

Chúa Giê Su Ky Tô Tôn Trọng Ngày Sa Bát

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành một người mù

Vào thời Tân Ước, các quy định và truyền thống trái phép đã bị đưa vào văn hóa Do Thái về điều gì phải làm và không được làm trong ngày Sa Bát. Chúa Giê Su thường bị các nhà lãnh đạo tôn giáo của thời Ngài chỉ trích về cách mà Ngài và các môn đồ của Ngài tuân thủ ngày Sa Bát. Chúa Giê Su dạy rằng “vì loài người mà lập ngày Sa Bát” và rằng Ngài “cũng làm chủ ngày Sa Bát” (Mác 2:27, 28). Để kỷ niệm ngày Chúa phục sinh, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đã tuân thủ ngày Sa Bát vào ngày đầu tuần (xin xem Mác 16:2; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7; 1 Cô Rinh Tô 16:1–2).

Là một phần quan trọng trong việc tuân thủ ngày Sa Bát của mình, chúng ta dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự hy sinh chuộc tội, cái chết, và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô. Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta lập một giao ước để mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài. Đổi lại, Thượng Đế hứa với chúng ta rằng chúng ta có thể có được Đức Thánh Linh luôn luôn ở cùng chúng ta. Việc có được Thánh Linh gồm có việc được thánh hóa và được tha thứ các tội lỗi của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là có được sự đồng hành và hướng dẫn liên tục của Đức Thánh Linh. Ngày Sa Bát là một cơ hội để suy ngẫm về các phước lành mà anh chị em đã nhận được với tư cách là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những điều để suy nghĩ

  • Đọc các câu chuyện sau đây về Đấng Cứu Rỗi tôn trọng ngày Sa Bát: Giăng 5:2–15; Lu Ca 13:11–17; 14:1–6. Những người trong các câu chuyện này đã được ban phước như thế nào nhờ vào sự phục vụ của Đấng Cứu Rỗi? Trong một đoạn khác, Chúa Giê Su phán: “Trong ngày Sa Bát, có phép làm việc lành” (Ma Thi Ơ 12:12). Anh chị em nghĩ “làm việc lành” vào ngày Sa Bát có nghĩa là gì?

    Làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Chúa Giê Su phục sự người khác vào ngày Sa Bát?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cả nhóm cùng xem video “Gratitude on the Sabbath Day” (3:39). Nói về những cách chúng ta có thể cho thấy sự cảm kích và lòng biết ơn của mình đối với Chúa Giê Su Ky Tô vào ngày Sa Bát. Mối liên hệ giữa việc giữ ngày Sa Bát được thánh và cảm thấy biết ơn về các phước lành của Thượng Đế là gì?

Tìm hiểu thêm

Tiết 3

Việc Giữ Ngày Sa Bát Được Thánh Giúp Chúng Ta Giữ “Cho Mình Khỏi Tì Vết của Thế Gian”

Hình Ảnh
gia đình cùng đọc sách

Chúa phán: “Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 59:9). Sự thờ phượng của chúng ta với những người khác vào ngày Sa Bát không những gồm có việc dự phần Tiệc Thánh mà còn có cầu nguyện, hát thánh ca, ban cho và tiếp nhận các phước lành chức tư tế, chia sẻ chứng ngôn, học thánh thư, và phục vụ.

Những điều để suy nghĩ

  • Việc tham dự lễ Tiệc Thánh là một cách đầy ý nghĩa để tập trung cuộc sống của anh chị em vào Chúa Giê Su Ky Tô và gia tăng sức mạnh thuộc linh. Khi được vững mạnh về phần thuộc linh, chúng ta được chuẩn bị kỹ hơn để tránh và vượt qua cám dỗ. Làm thế nào việc giữ ngày Sa Bát được thánh và tham dự lễ Tiệc Thánh đã giúp anh chị em trong những nỗ lực để “giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian”?

  • Xem lại sứ điệp của Chúa về ngày Sa Bát được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước 59:9–15. Chủ Tịch M. Russell Ballard đã chia sẻ về đoạn này: “Xin hãy suy nghĩ về một số từ ngữ quan trọng trong điều mặc khải này: niềm vui, sự hân hoan, sự cảm tạ, tấm lòng vui vẻ, tấm lòng vui sướng, và gương mặt hớn hở. Đối với tôi, việc tuân thủ ngày Sa Bát dường như sẽ mang tới nụ cười trên khuôn mặt chúng ta.” Có khi nào anh chị em đã trải qua những cảm nghĩ này vào ngày Sa Bát không? Anh chị em có thể làm gì để giúp cho sự thờ phượng của mình vào ngày Sa Bát thành một kinh nghiệm vui vẻ?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Xem video “Is There a Place for Me?” (3:59). Nói về tầm quan trọng của việc giúp người khác cảm thấy rằng họ thuộc vào giáo đoàn của họ ở nhà thờ. Làm thế nào các nỗ lực của anh chị em để giúp người khác cảm thấy thuộc vào làm gia tăng cảm nghĩ thờ phượng của chính anh chị em vào ngày Sa Bát?

Tìm hiểu thêm

In