Thư Viện
Phép Báp Têm


“Phép Báp Têm,” Các Đề Tài và Câu Hỏi (năm 2023)

Hình Ảnh
phép báp têm

Sách Hướng Dẫn Học Tập Phúc Âm

Phép Báp Têm

“Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5).

Đã có khi nào anh chị em đã cảm thấy hối tiếc trong cuộc sống của mình sau khi đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng hoặc phạm một tội lỗi? Sứ điệp chính yếu của phúc âm phục hồi là qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải chân thành, và phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người nắm giữ thẩm quyền, chúng ta có thể nhận được sự tha thứ và sự xá miễn các tội lỗi của mình. Phép báp têm tượng trưng cho sự sinh lại—sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Đó là bước đầu tiên trên con đường trở thành một tín hữu của Giáo Hội của Ngài và chuẩn bị để tiếp nhận các giáo lễ và giao ước thiêng liêng được tìm thấy trong ngôi nhà của Chúa. Khi chịu phép báp têm, anh chị em làm chứng cùng Thượng Đế Đức Chúa Cha rằng anh chị em “sẵn lòng muốn được mang danh Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 31:13). Lời hứa quan trọng đó được tái lập mỗi khi anh chị em dự phần Tiệc Thánh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77).

Phép Báp Têm Là Gì?

Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền là giáo lễ đầu tiên của chức tư tế về sự cứu rỗi và sự tôn cao. Phép báp têm là cần thiết cho một cá nhân để trở thành tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và để bước vào vương quốc thượng thiên (xin xem Giăng 3:5). Qua phép báp têm, chúng ta nhận được các phước lành có sẵn nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khái quát về đề tài: Phép Báp Têm

Các sách hướng dẫn học tập phúc âm liên quan Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Hối Cải, Sự Cứu Rỗi, Cuộc Sống Vĩnh Cửu, Các Giao Ước và Các Giáo Lễ, Các Giáo Lễ Làm Thay cho Người Chết

Tiết 1

Chúa Giê Su Ky Tô Mời Gọi Tất Cả Mọi Người Noi Theo Ngài và Chịu Phép Báp Têm

Hình Ảnh
Giăng Báp Tít làm phép báp têm cho Chúa Giê Su Ky Tô

Mặc dù Chúa Giê Su Ky Tô thánh thiện và vô tội, nhưng Ngài đã đến với Giăng Báp Tít và chịu phép báp têm để “làm tròn mọi sự ngay chính” (xin xem Ma Thi Ơ 3:13–17; Hê Bơ Rơ 4:15; 2 Nê Phi 31:5–7). Thượng Đế đã truyền lệnh cho tất cả con cái của Ngài noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô và chịu phép báp têm để họ có thể nhận được sự xá miễn các tội lỗi của họ và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 31:13, 17–18). Chúng ta chuẩn bị cho phép báp têm khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải tội lỗi của mình, mà sự hối cải này được biểu hiện bằng một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối (xin xem Mô Rô Ni 6:1–3; Giáo Lý và Giao Ước 20:37).

Thượng Đế đã truyền lệnh rằng phép báp têm phải được thực hiện bởi một người nắm giữ thẩm quyền chức tư tế (xin xem 3 Nê Phi 11:21–28; Giáo Lý và Giao Ước 20:72–74; 22:1–4, kể cả lời giới thiệu lịch sử). Vào tháng Năm năm 1829, giáo lễ báp têm và thẩm quyền để làm phép báp têm đã được phục hồi cho Tiên Tri Joseph Smith bởi vị sứ giả của thiên thượng Giăng Báp Tít (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:68–73).

Trong suốt lịch sử, nhiều con cái của Thượng Đế đã sống và chết mà không học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hoặc tiếp nhận phép báp têm được thực hiện dưới thẩm quyền chức tư tế của Ngài. Vì mỗi linh hồn đều quý báu dưới mắt của Thượng Đế, nên kế hoạch của Ngài cung ứng cho những cá nhân đã qua đời này một cơ hội để học hỏi phúc âm trong thế giới linh hồn (Giáo Lý và Giao Ước 138:30–37). Ngày nay, các tín hữu của Giáo Hội cố gắng tìm kiếm tên của các tổ tiên đã qua đời mà đã không nhận được các giáo lễ cần thiết của phúc âm trong cuộc sống này, để làm phép báp têm thay cho họ trong các đền thờ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:16–18).

Những điều để suy nghĩ

  • Tiên tri Nê Phi viết về lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu phép báp têm. Nghiên cứu 2 Nê Phi 31:4–13. Các câu này dạy anh chị em điều gì về mục đích Chúa chịu phép báp têm? Phép báp têm của anh chị em là một bằng chứng “chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng [anh chị em] sẵn lòng muốn được mang danh Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? (2 Nê Phi 31:13).

  • Đọc Giáo Lý và Giao Ước 20:37, tìm kiếm những cách thức quan trọng mà một người nên chuẩn bị cho phép báp têm. Làm thế nào đoạn văn này có thể cung ứng sự hướng dẫn cho một tín hữu của Giáo Hội mà đã chịu phép báp têm khi ở độ tuổi nhỏ hơn?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Giáo lý phục hồi của phép báp têm dành cho người chết là một phước lành lớn lao cho Joseph Smith và cho Các Thánh Hữu Ngày Sau ở thời kỳ đầu cũng như đối với chúng ta ngày nay. Xem video “Glad Tidings: The History of Baptisms for the Dead” (6:55), và cân nhắc xem anh chị em có thể đã cảm thấy như thế nào khi là một trong Các Thánh Hữu đầu tiên mà đã học về giáo lý báp têm cho người chết. Giáo lý này dạy anh chị em điều gì về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng?

Tìm hiểu thêm

Tiết 2

Phép Báp Têm Chuẩn Bị Anh Chị Em cho Cuộc Sống Vĩnh Cửu

Hình Ảnh
gia đình đang ôm nhau

Phép báp têm tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Hình ảnh quan trọng này giúp chúng ta thấy được biểu tượng của sự sinh lại phần thuộc linh của chính mình khi chúng ta chịu phép báp têm. Như Chúa Giê Su Ky Tô đã sống lại từ cõi chết đến cuộc sống mới, thì chúng ta cũng nên “sống trong đời mới” khi ra khỏi nước báp têm (Rô Ma 6:4; xin xem thêm các câu 3–11).

Thánh thư cũng ví phép báp têm và sự thay đổi phần thuộc linh mà đến với các tín đồ khiêm nhường của Chúa Giê Su Ky Tô như sự sinh ra (xin xem Giăng 3:1–8). Cũng giống như một trẻ sơ sinh được sinh ra bằng nước, máu, và linh hồn, tất cả những ai chịu phép báp têm và cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô cũng đều được sinh lại qua nước và Thánh Linh và “được tẩy sạch bằng máu, đó là máu của [Đấng Ky Tô]” (Môi Se 6:59). Do đó, là điều hữu ích để cân nhắc cách mà việc được sinh lại phần thuộc linh, hoặc được “tái sinh,” mang đến cho chúng ta một sự khởi đầu trong sạch trong cuộc sống (xin xem Mô Si A 5:7; 27:25–26).

Chúa dạy rằng phép báp têm bằng nước đi trước phép báp têm bằng lửa. Điều này nói đến ân tứ Đức Thánh Linh thanh tẩy và lọc sạch giống như lửa (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5; 2 Nê Phi 31:13). Phép báp têm bằng lửa mang đến sự xá miễn tội lỗi (xin xem 2 Nê Phi 31:17; 3 Nê Phi 9:19–20; Giáo Lý và Giao Ước 39:6).

Những điều để suy nghĩ

  • Anh Cả David A. Bednar đã dạy:

    “Chúng ta là những con người không hoàn hảo đang cố gắng sống trên trần thế theo kế hoạch hoàn hảo của Cha Thiên Thượng về sự tiến triển vĩnh cửu. Những đòi hỏi của kế hoạch Ngài là vinh quang, thương xót, và nghiêm ngặt. Đôi khi chúng ta có thể tràn đầy quyết tâm và vào những lúc khác lại cảm thấy hoàn toàn không thích đáng. Chúng ta có thể tự hỏi liệu phần thuộc linh của mình có bao giờ có thể làm tròn lệnh truyền phải đứng không tì vết trước mặt Ngài vào ngày sau cùng không.

    “Với sự giúp đỡ của Chúa và qua quyền năng của Thánh Linh của Ngài để ‘dạy dỗ [chúng ta] mọi sự’ [Giăng 14:26], quả thực chúng ta có thể được phước để nhận biết các khả năng thuộc linh của mình. Các giáo lễ mời gọi mục đích và quyền năng của Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta cố gắng được sinh lại và trở thành những người nam và người nữ của Đấng Ky Tô. Những yếu kém của chúng ta có thể được củng cố và những giới hạn của chúng ta có thể được vượt qua.”

    Vai trò của chúng ta trong việc trở nên “được sinh lại” là gì? Các phước lành nào có thể đến với một người cố gắng “được sinh lại”?

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Cân nhắc việc xem “Jesus Teaches of Being Born Again” (6:03), mời các thành viên trong nhóm lắng nghe các nguyên tắc mà Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy Ni Cô Đem. Chúa Giê Su đã sử dụng biểu tượng về sự ra đời bằng thể xác như thế nào để giúp Ni Cô Đem hiểu rõ hơn cách chuẩn bị cho vương quốc của Thượng Đế?

Tìm hiểu thêm

Tiết 3

Trẻ Nhỏ Không Cần Phép Báp Têm

Hình Ảnh
trẻ em đang chạy nhảy vui đùa

Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy rằng trẻ nhỏ không có tội trước mặt Thượng Đế (xin xem Ma Thi Ơ 18:3; Mác 2:17; Mô Rô Ni 8:8). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô nên trẻ nhỏ không cần phép báp têm. Cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái họ về tầm quan trọng của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:25–28). Trẻ em phải chịu phép báp têm lúc tám tuổi, mà thánh thư mô tả là tuổi hiểu biết trách nhiệm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:71; 29:46–47; 68:27). “Tất cả trẻ con nào chết trước khi chúng đến tuổi hiểu biết trách nhiệm đều được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên” (Giáo Lý và Giao Ước 137:10).

Một số cá nhân bị khuyết tật mà khiến họ không thể chịu trách nhiệm. Họ không cần phải hối cải hay chịu phép báp têm nhưng vẫn được cứu rỗi trong vương quốc thượng thiên (xin xem Mô Rô Ni 8:22; Giáo Lý và Giao Ước 29:49–50; 137:10). Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã nói rỏ rằng “các giáo lễ không nên bị giữ lại [đối với những người khuyết tật] nếu người đó xứng đáng, muốn tiếp nhận các giáo lễ đó, và cho thấy đủ trách nhiệm và trách nhiệm hiểu biết.”

Những điều để suy nghĩ

Sinh hoạt học hỏi với người khác

  • Chủ Tịch Brigham Young đã nói: “Trẻ sơ sinh rất thanh khiết, chúng không có nỗi buồn rầu trong lòng, cũng không có tội lỗi để hối cải và từ bỏ, và do đó không có khả năng chịu phép báp têm để được xá miễn tội lỗi.” Cùng đọc với nhóm của anh chị em Mô Rô Ni 8:4–15, 19–24. Làm thế nào đoạn này có thể giúp anh chị em giải thích cho những người khác một số lý do tại sao trẻ sơ sinh không cần phép báp têm?

Tìm hiểu thêm

Ghi Chú

  1. David A. Bednar, “Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 62.

  2. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 38.2.4, Thư Viện Phúc Âm.

  3. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young: [năm 1997], trang 62.

In