Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 28 tháng Mười Hai–Ngày 3 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 1: “Hãy Nghe Đây, Hỡi Các Ngươi”


“Ngày 28 tháng Mười Hai–Ngày 3 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 1: ‘Hãy Nghe Đây, Hỡi Các Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 28 tháng Mười Hai–Ngày 3 tháng Một. Giáo Lý và Giao Ước 1,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
gia đình đọc thánh thư

Ngày 28 tháng Mười Hai–Ngày 3 tháng Một

Giáo Lý và Giao Ước 1

“Hãy Nghe Đây, Hỡi Các Ngươi”

Hãy xem Giáo Lý và Giao Ước 1 như lời giới thiệu cá nhân mà Chúa dành cho quyển sách này về những điều mặc khải ngày sau của Ngài. Ngài muốn anh chị em biết điều gì về sách Giáo Lý và Giao Ước? Hãy suy ngẫm câu hỏi này, và viết xuống bất kỳ ấn tượng nào đến với anh chị em trong khi đọc tiết 1.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Vào tháng Mười Một năm 1831, Giáo Hội phục hồi của Giê Su Ky Tô chỉ mới thành lập được một năm rưỡi. Mặc dù đang phát triển, nhưng Giáo Hội vẫn chỉ là một nhóm ít được biết đến mà có các tín hữu sống rải rác ở vùng biên giới, do vị tiên tri mới 24, 25 tuổi lãnh đạo. Nhưng Thượng Đế xem những tín hữu này là các tôi tớ và sứ giả của Ngài, và Ngài muốn những điều mặc khải mà Ngài đã ban cho họ được xuất bản ra thế gian.

Giáo Lý và Giao Ước tiết 1 là lời nói đầu của Chúa dành cho quyển sách tập hợp những điều mặc khải này, và tiết này rõ ràng cho thấy rằng dù là con số tín hữu của Giáo Hội tuy nhỏ, nhưng sứ điệp mà Thượng Đế muốn Các Thánh Hữu của Ngài chia sẻ thì lại vô cùng lớn lao. Đó là “tiếng nói cảnh cáo” dành cho tất cả “dân cư trên thế gian,” giảng dạy họ biết hối cải và thiết lập “giao ước vĩnh viễn” của Thượng Đế (các câu 4, 8, 22). Các tôi tớ rao truyền sứ điệp này là “những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường,” nhưng những tôi tớ khiêm nhường chính là những người Thượng Đế cần—thời đó và bây giờ—để đem Giáo Hội của Ngài “ra khỏi nơi mù mịt và tối tăm” (các câu 23, 30).

Để đọc thêm về lịch sử đằng sau Giáo Lý và Giao Ước 1, xin xem Các Thánh Hữu, 1:140–43.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 1

Chúa mời tôi “tìm hiểu những giáo lệnh này.”

Lời nói đầu là để giới thiệu một quyển sách. Nó định ra các chủ đề và các mục đích của sách đó cùng giúp người đọc chuẩn bị đọc. Trong khi đọc tiết 1—“lời nói đầu” của Chúa dành cho sách Giáo Lý và Giao Ước (câu 6)—anh chị em hãy tìm kiếm các chủ đề và các mục đích mà Chúa ban cho những điều mặc khải của Ngài. Anh chị em học được điều gì trong tiết 1 mà sẽ giúp anh chị em được lợi ích nhiều nhất từ việc học sách Giáo Lý và Giao Ước? Ví dụ, anh chị em có thể suy ngẫm xem “nghe tiếng nói của Chúa” trong những điều mặc khải này (câu 14) hoặc “tìm hiểu những giáo lệnh này” (câu 37) có nghĩa là gì.

Xin xem thêm lời giới thiệu sách Giáo Lý và Giao Ước.

Giáo Lý và Giao Ước 1:1–6, 23–24, 37–39

Thượng Đế phán bảo qua các tôi tớ Ngài, và lời của Ngài sẽ được làm trọn.

Tiết 1 bắt đầu và kết thúc với lời tuyên phán của Thượng Đế rằng Ngài phán bảo qua các tôi tớ chọn lọc của Ngài (xin xem các câu 4–6, 23–24, 38). Hãy viết xuống điều anh chị em học được từ điều mặc khải này về Chúa và tiếng nói của Ngài. Anh chị em học được điều gì về các tôi tớ của Chúa? Có khi nào anh chị em đã nghe tiếng nói của Chúa trong tiếng nói của các tôi tớ Ngài không? (xin xem câu 38).

Hình Ảnh
phiên họp đại hội trung ương

Các vị tiên tri và các vị sứ đồ giảng dạy các lệnh truyền của Thượng Đế cho chúng ta.

Giáo Lý và Giao Ước 1:3, 24–28, 31–33

Nếu tôi khiêm nhường, lời khiển trách của Chúa có thể dẫn tôi đến sự hối cải.

Lưu ý rằng trong câu 3các câu 24–28, Chúa phán rằng những tội lỗi và sai lầm của loài người sẽ được cho biết. Với trường hợp này thì điều đó là một kinh nghiệm đau đớn, buồn bã, và trong trường hợp khác thì lại là một bài học. Tại sao những tình huống này lại quá khác nhau? Hãy xem xét cách anh chị em phản ứng khi nhận biết được những tội lỗi và yếu kém của mình. Những phẩm chất nào anh chị em thấy trong các câu 24–28 mà có thể giúp anh chị em có phản ứng đúng? Những câu này, cùng với các câu 31–33, dạy cho anh chị em điều gì về cách Chúa nhìn vào những yếu kém và tội lỗi của anh chị em?

Xin xem thêm Châm Ngôn 3:11–12; Ê The 12:27; Mô Rô Ni 6:8.

Giáo Lý và Giao Ước 1:12–30, 35–36

Chúa đã phục hồi phúc âm của Ngài để giúp tôi đối mặt với thử thách trong những ngày sau.

Mặc dù tiết 1 cảnh báo về những ngày gian nan sẽ đến, tiết này cũng gồm có một sứ điệp làm yên lòng: “Ta là Chúa, vì biết trước tai họa sẽ đến với dân cư trên thế gian, nên ta gọi tôi tớ Joseph Smith, Jr., của ta, và từ trên trời phán bảo hắn” (câu 17).

Lưu ý những tai họa mà Chúa đã cảnh cáo trước (xin xem, ví dụ là các câu 13–16, 35). Anh chị em để ý thấy các tai họa nào khác trên thế gian ngày nay—hay trong chính cuộc sống của anh chị em? Các câu 17–30 mô tả điều Chúa đã làm cho anh chị em để đề phòng những tai họa này. Hãy cân nhắc lập một bản liệt kê những điều anh chị em tìm ra.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 1:1–6, 37–39.Để bắt đầu thảo luận về những lời cảnh cáo từ Chúa, anh chị em có thể nói về những lời cảnh báo mà chúng ta nhận được từ những người khác về các mối hiểm nguy mà chúng ta không thể thấy được—như là sàn nhà trơn trượt, một trận bão dữ dội, hoặc một chiếc xe đang lao tới. Những ví dụ này dạy chúng ta điều gì về những lời cảnh cáo của Chúa? Theo như Giáo Lý và Giao Ước 1:1–6, 37–39, Chúa cảnh cáo chúng ta bằng cách nào? Gần đây Ngài đã cảnh cáo chúng ta điều gì? Có lẽ anh chị em có thể xem hoặc đọc vài phần trong các sứ điệp đại hội trung ương gần đây và tìm kiếm những ví dụ về “tiếng nói cảnh cáo” của Thượng Đế.

Giáo Lý và Giao Ước 1:16.“Thiết lập sự ngay chính của [Chúa]” có nghĩa là gì? Làm cách nào chúng ta có thể đảm bảo mình đang làm điều đó, thay vì “đi theo con đường riêng của mình”?

Giáo Lý và Giao Ước 1:30.Nói rằng Giáo Hội này là “hằng sống và chân chính” có nghĩa là gì? Để làm cho gia đình anh chị em suy nghĩ về câu hỏi này, có lẽ anh chị em có thể cho họ thấy những bức hình về những sinh vật sống và những vật vô tri. Anh chị em cũng có thể thảo luận về điều anh chị em có thể làm cùng nhau trong gia đình để giúp “đem [Giáo Hội] ra khỏi nơi mù mịt và tối tăm.”

Giáo Lý và Giao Ước 1:37.Hãy cân nhắc hoạch định cùng gia đình cách mà anh chị em sẽ “tìm hiểu những giáo lệnh này” trong sách Giáo Lý và Giao Ước năm nay. Làm thế nào anh chị em sẽ làm cho việc học thánh thư của mình trở thành một phần thường có trong cuộc sống gia đình? Những ý kiến học tập nào có thể giúp anh chị em học hỏi từ thánh thư? (Xin xem “Những Ý Kiến để Cải Thiện Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình của Anh Chị Em” ở phần đầu tài liệu này.)

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Hãy hát một bài thánh ca liên quan đến đề tài về các vị tiên tri.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích của thánh thư là làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 1, anh chị em hãy cân nhắc đánh dấu hoặc ghi lại các câu thánh thư dạy cho anh chị em điều gì đó về Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Sách Giáo Lệnh

Những điều mặc khải đầu tiên ban cho Giáo Hội phục hồi đã được biên soạn thành Sách Giáo Lệnh.

In