Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66: “Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí”


“Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66: ‘Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 14–20 tháng Sáu. Giáo Lý và Giao Ước 64–66,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
cánh đồng vào lúc bình minh

Hạt Daviess, Missouri

Ngày 14–20 tháng Sáu

Giáo Lý và Giao Ước 64–66

“Chúa Đòi Hỏi Tấm Lòng Thành và Tâm Hồn Đầy Thiện Chí”

Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói: “Tôi thường tìm đến thánh thư với các câu hỏi như ‘Thượng Đế muốn tôi làm gì?’ hoặc ‘Ngài muốn tôi cảm thấy điều gì?’ Lúc nào cũng vậy tôi đều tìm được các ý kiến và ý tưởng mới mà tôi chưa từng có được trước đó” (“How God Speaks to Me through the Scriptures,” ngày 6 tháng Hai, năm 2019, blog.ChurchofJesusChrist.org).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong cái nóng như thiêu đốt của tháng Tám năm 1831 một vài anh cả đã hành trình quay lại Kirtland sau chuyến đi trắc địa vùng đất Si Ôn tại Missouri theo sự chỉ thị của Chúa. Đó không phải là một chuyến đi dễ chịu. Những người trong đoàn—Joseph Smith, Oliver Cowdery, Sidney Rigdon, Ezra Booth, và những người khác—đều nóng nực và mệt mỏi, và sự căng thẳng nhanh chóng biến chuyển thành những cuộc tranh cãi. Có vẻ như việc xây cất Si Ôn, thành phố của tình yêu thương, đoàn kết, và bình an, sẽ cần thời gian dài.

May mắn thay, việc xây cất Si Ôn—tại Missouri vào năm 1831 hoặc trong tấm lòng và các tiểu giáo khu của chúng ta ngày nay—không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo. Thay vì vậy, Chúa phán rằng “các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ” (Giáo Lý và Giao Ước 64:10). Ngài đòi hỏi “tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” (câu 34). Và Ngài đòi hỏi sự kiên nhẫn và chuyên tâm, bởi vì Si Ôn được xây cất trên nền móng của “những việc nhỏ,” được thực hiện bởi những người không trở nên “mệt mỏi khi làm điều thiện” (câu 33).

Xin xem thêm Các Thánh Hữu, 1:133–134, 136–137.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 64:1–11

Tôi được đòi hỏi phải biết tha thứ cho tất cả mọi người.

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 64:1–11, anh chị em hãy nghĩ về lúc mà Chúa đã tha thứ cho anh chị em. Anh chị em cũng có thể nghĩ về một ai đó mà anh chị em cần tha thứ. Lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi đã ảnh hưởng đến những cảm nghĩ của anh chị em về bản thân mình và về những người khác như thế nào? Anh chị em nghĩ tại sao Chúa truyền lệnh cho chúng ta “tha thứ tất cả mọi người”? (câu 10). Nếu anh chị em gặp khó khăn để tha thứ, thì hãy xem xét điều mà các tài liệu sau đây dạy về cách mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp đỡ: Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hòa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 77–79; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tha thứ,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

Giáo Lý và Giao Ước 64:31–34

Thượng Đế đòi hỏi tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí của tôi.

Anh chị em có bao giờ cảm thấy “mệt mỏi” khi làm tất cả những “điều thiện” mà mình cố gắng đạt được không? Hãy tìm sứ điệp của Chúa dành cho anh chị em trong Giáo Lý và Giao Ước 64:31–34. Dâng “tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” của anh chị em cho Thượng Đế có nghĩa là gì? (câu 34).

Giáo Lý và Giao Ước 64:41–43

Si Ôn sẽ là “cờ hiệu cho dân chúng.”

Một cờ hiệu là “lá cờ hay huy hiệu mà dân chúng tụ họp lại với nhau để đoàn kết trong một mục đích hay danh nghĩa nào đó” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cờ Hiệu,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Si Ôn—hay Giáo Hội của Chúa—giống như một cờ hiệu đối với anh chị em như thế nào? Hãy xem xét các ví dụ khác sau đây về những vật mà đã được giương lên cao, như một cờ hiệu, để ban phước cho dân chúng: Dân Số Ký 21:6–9; Ma Thi Ơ 5:14–16; An Ma 46:11–20. Những câu thánh thư này dạy cho anh chị em điều gì về cách anh chị em có thể giúp Giáo Hội trở thành một cờ hiệu ở nơi anh chị em sống? Hãy tìm kiếm những cách thức khác mà Chúa dùng để miêu tả Si Ôn trong Giáo Lý và Giao Ước 64:41–43.

Hình Ảnh
Lãnh Binh Mô Rô Ni

Captain Moroni Bearing the Title of Liberty (Lãnh Binh Mô Rô Ni Mang Lá Cờ Biểu Hiệu Nền Tự Do), tranh do Gary E. Smith họa

Giáo Lý và Giao Ước 65

“Các người hãy sửa soạn con đường của Chúa.”

Ma Thi Ơ đã mô tả Giăng Báp Tít là một người mà kêu gọi, “Hãy dọn đường Chúa” (Ma Thi Ơ 3:3; xin xem thêm Ê Sai 40:3). Trong Giáo Lý và Giao Ước 65, Chúa sử dụng cách nói tương tự để mô tả công việc ngày sau của Ngài. Anh chị em thấy những điểm tương đồng nào giữa điều Giăng Báp Tít đã làm (xin xem Ma Thi Ơ 3:1–12) với điều Chúa muốn chúng ta làm ngày nay? Anh chị em tìm thấy điều gì trong điều mặc khải này mà soi dẫn anh chị em để giúp làm tròn những lời tiên tri trong đó? Hãy suy ngẫm những cách anh chị em có thể “phổ biến các công việc kỳ diệu của [Thượng Đế] trong dân chúng” (câu 4).

Giáo Lý và Giao Ước 66

Chúa biết những ý nghĩ trong lòng tôi.

Không lâu sau khi gia nhập Giáo Hội, William E. McLellin đã yêu cầu Joseph Smith tiết lộ ý muốn của Thượng Đế dành cho ông. Joseph đã không biết rằng William có năm câu hỏi cá nhân mà ông đang hy vọng Chúa sẽ trả lời qua Vị Tiên Tri của Ngài. Chúng ta không biết các câu hỏi của William là gì, nhưng chúng ta biết rằng điều mặc khải dành cho ông, giờ đây là Giáo Lý và Giao Ước 66, đã giải đáp từng câu hỏi trong sự “mãn nguyện trọn vẹn” của William (“William McLellin’s Five Questions,” Revelations in Context, trang 138).

Trong khi đọc tiết 66, anh chị em hãy nghĩ về điều Chúa đã biết về William McLellin và những băn khoăn cùng ý định trong lòng ông. Bằng cách nào Chúa đã cho thấy rằng Ngài biết anh chị em? Nếu anh chị em có một phước lành tộc trưởng, thì hãy cân nhắc nghiên cứu phước lành đó. Trong khi làm như vậy, Đức Thánh Linh giúp anh chị em hiểu được điều gì về ý muốn của Thượng Đế dành cho anh chị em?

Xin xem thêm Saints, 1:138–140; Gospel Topics, “Patriarchal Blessings,” topics.ChurchofJesusChrist.org.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 64:8–10.Các mối quan hệ gia đình mang lại nhiều cơ hội để học cách tha thứ. Có lẽ mọi người có thể nói về việc tha thứ lẫn nhau đã ban phước cho gia đình anh chị em như thế nào. Làm thế nào Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta tha thứ lẫn nhau? Chúng ta bị “đau khổ” (câu 8) ra sao khi không tha thứ cho người khác?

Giáo Lý và Giao Ước 64:33.Cha Thiên Thượng muốn gia đình anh chị em làm điều gì để mang lại “công việc lớn lao” của Ngài? Có lẽ đó là đi đến đền thờ, chia sẻ phúc âm với một người hàng xóm, hoặc khắc phục sự bất đồng. Có lẽ mỗi người trong gia đình có thể thu thập các vật nhỏ, như đá hoặc nút áo hay các mảnh ghép hình, và sử dụng chúng để tượng trưng cho “những việc nhỏ” mà chúng ta có thể làm mỗi ngày để “đặt nền móng” cho công việc lớn lao của Thượng Đế. Cả nhà hãy cùng chọn một trong những việc nhỏ này để thực hiện trong tuần này.

Giáo Lý và Giao Ước 66:3.Làm thế nào anh chị em giảng dạy về tầm quan trọng của việc hối cải? Anh chị em có thể để một ít thức ăn trên một cái đĩa mà chỉ tương đối sạch và đọc những lời Chúa phán cùng William McLellin: “Ngươi thanh sạch nhưng chưa thanh sạch hoàn toàn.” Rồi anh chị em có thể lau sạch cái đĩa và chia sẻ thức ăn trong khi thảo luận cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể làm cho chúng ta được thanh sạch về phần thuộc linh.

Giáo Lý và Giao Ước 66:10.Gia đình anh chị em có thể tuân theo lời khuyên dạy của Chúa “chớ tìm kiếm điều gây gánh nặng cho mình,” hoặc để không bị nặng nề bởi nhiều việc phải làm? Anh chị em có thể nói về câu chuyện của Ma Ri và Ma Tha (xin xem Lu Ca 10:38–42), và thảo luận cách mà gia đình anh chị em có thể giữ mình không bị vướng bận bởi những gì không có giá trị vĩnh cửu.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Help Me, Dear Father,” Children’s Songbook trang 99.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Hãy sẵn sàng và dễ tiếp cận. Một vài khoảnh khắc giảng dạy tốt nhất bắt đầu bằng những câu hỏi hoặc nỗi băn khoăn trong lòng của những người trong gia đình. Hãy để cho họ biết qua lời nói và hành động của anh chị em rằng anh chị em đang thiết tha muốn nghe họ nói. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 16.)

Hình Ảnh
Người phụ nữ quỳ xuống cạnh Chúa Giê Su

Forgiven (Được Tha Thứ), tranh do Greg K. Olsen họa. Được cho phép sử dụng. www.GregOlsen.com

In