Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102–105: “Sau Nhiều Nỗi Thống Khổ thì Phước Lành Sẽ Đến”


“Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102–105: ‘Sau Nhiều Nỗi Thống Khổ thì Phước Lành Sẽ Đến,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102–105,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
những người đàn ông với xe ngựa

C. C. A. Christensen (1831–1912), Zion’s Camp (Trại Si Ôn), khoảng năm 1878, màu keo trên vải muxơlin, 196 x 287 cm. Bảo Tàng Nghệ Thuật Đại Học Brigham Young University, món quà từ cháu của C.C.A. Christensen, năm 1970

Ngày 13–19 tháng Chín

Giáo Lý và Giao Ước 102–105

“Sau Nhiều Nỗi Thống Khổ Thì Phước Lành Sẽ Đến”

Những nguyên tắc nào từ Giáo Lý và Giao Ước 102–105 mà có ý nghĩa đối với anh chị em? Hãy nghĩ về việc ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của anh chị em về những nguyên tắc này.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Các Thánh Hữu tại Kirtland đã rất đau buồn khi nghe rằng các anh chị em của họ tại Hạt Jackson, Missouri, bị đuổi ra khỏi nhà cửa của họ. Nên thật là một sự khích lệ lớn lao khi Chúa tuyên phán rằng “sự cứu chuộc Si Ôn” sẽ “xảy ra bằng quyền năng” (Giáo Lý và Giao Ước 103:15). Với lời hứa đó trong lòng họ, hơn 200 đàn ông, với khoảng 25 phụ nữ và trẻ nhỏ, đã gia nhập Trại Y Sơ Ra Ên theo cách gọi của họ, sau này được biết đến với tên Trại Si Ôn. Sứ mệnh của trại này là hành quân đến Missouri và cứu chuộc Si Ôn.

Đối với những thành viên của trại, việc cứu chuộc Si Ôn có nghĩa là lấy lại đất đai cho Các Thánh Hữu. Nhưng ngay trước khi trại đến Hạt Jackson, Chúa phán với Joseph Smith phải dừng lại và giải tán Trại Si Ôn. Một số thành viên của trại bị hoang mang và tức giận với lời chỉ thị mới này; đối với họ, lời ấy có nghĩa là cuộc hành trình đã thất bại và những lời hứa của Chúa không được làm tròn. Tuy nhiên, những người khác nhìn nhận việc này theo một cách khác. Mặc dù Các Thánh Hữu mà đã bị trục xuất không bao giờ quay trở lại Hạt Jackson, nhưng kinh nghiệm này quả thật đã mang lại “sự cứu chuộc” Si Ôn ở một cấp độ nào đó, và nó đã “xảy ra bằng quyền năng.” Các thành viên trung tín của Trại Si Ôn, mà nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà lãnh đạo của Giáo Hội, đã làm chứng rằng kinh nghiệm đó đã củng cố đức tin của họ nơi quyền năng của Thượng Đế, tin vào sự kêu gọi thiêng liêng của Joseph Smith, và tin vào Si Ôn—không chỉ tin Si Ôn là địa điểm cụ thể mà còn tin Si Ôn là dân tộc của Thượng Đế. Thay vì nghi ngờ giá trị của nhiệm vụ dường như không thành công này, họ học được rằng nhiệm vụ thật sự là đi theo Đấng Cứu Rỗi, ngay cả khi chúng ta không hiểu được hết mọi sự việc. Đây là cách mà cuối cùng Si Ôn sẽ được cứu chuộc.

Hình Ảnh
dòng sông nhỏ

Trại Si Ôn ở dọc theo các nhánh sông Little Fishing, được vẽ tại đây.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 102:12–23

Mục đích của những lời chỉ thị trong các câu thánh thư này là gì?

Tiết 102 gồm có biên bản cuộc họp tại Kirtland, Ohio, nơi mà hội đồng thượng phẩm đầu tiên của Giáo Hội được tổ chức. Các câu 12–23 mô tả thủ tục mà các hội đồng thượng phẩm phải tuân theo khi tổ chức các hội đồng kỷ luật dành cho những người phạm giới nghiêm trọng.

Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Những tín hữu đôi khi hỏi về lý do tại sao các hội đồng kỷ luật của Giáo Hội được tổ chức. Có ba mục đích kỷ luật chính: cứu rỗi linh hồn của người phạm giới, bảo vệ người vô tội, và bảo vệ sự thanh khiết, liêm chính, và thanh danh của Giáo Hội” (“A Chance to Start Over: Church Disciplinary Councils and the Restoration of Blessings,” Ensign, tháng Chín năm 1990, trang 15).

Giáo Lý và Giao Ước 103:1–12, 36; 105:1–19

Si Ôn chỉ có thể được xây dựng trên các nguyên tắc ngay chính.

Tại sao Các Thánh Hữu bị mất đi vùng đất hứa của họ tại Missouri? Và tại sao Chúa không cho phép Trại Si Ôn lấy lại đất đai cho họ? Những hành động bạo lực của đám đông khủng bố tại Missouri chắc chắn là gây ảnh hưởng, và thống đốc bang Missouri hứa ủng hộ Các Thánh Hữu nhưng không hề giữ lời. Nhưng Chúa đã phán rằng “nếu dân của ta không phạm tội thì giờ đây [Si Ôn] đã được cứu chuộc rồi” (Giáo Lý và Giao Ước 105:2). Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 103:1–12, 36; 105:1–19, anh chị em có thể để ý thấy một số điều cản trở và những gì giúp ích cho việc thiết lập của Si Ôn tại Missouri. Anh chị em học được điều gì mà có thể giúp mình thiết lập Si Ôn trong lòng mình và trong nhà của anh chị em?

Giáo Lý và Giao Ước 103:12–13; 105:1–6, 13–19

Các phước lành đến sau những nỗi thống khổ và các thử thách về đức tin.

Trong nhiều phương diện, việc tham gia Trại Si Ôn là một thử thách về đức tin. Cuộc hành trình dài ngày, thời tiết nóng bức, còn thức ăn và nước uống thì đôi khi khan hiếm. Và sau tất cả mọi điều họ phải chịu đựng, Các Thánh Hữu vẫn không thể quay về vùng đất của họ. Hãy xem xét cách mà những nguyên tắc trong Giáo Lý và Giao Ước 103:12–13105:1–6, 13–19 có thể giúp các thành viên của Trại Si Ôn là những người thắc mắc liệu lệnh truyền để tổ chức trại có thật sự đến từ Thượng Đế ngay từ đầu không. Những nguyên tắc này có thể giúp anh chị em trong chính những thử thách của mình về đức tin như thế nào?

Anh chị em cũng có thể đọc về các kinh nghiệm của những thành viên của Trại Si Ôn trong “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi” ở cuối đại cương này. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về thái độ của họ? Anh chị em có thể học được điều gì từ tấm gương của họ?

Giáo Lý và Giao Ước 104:11–18, 78–83

Tôi là một “quản gia về những phước lành trên thế gian.”

Ngoài những thử thách tại Missouri, trong năm 1834, Giáo Hội đối mặt với các khó khăn về mặt tài chính, bao gồm các khoản chi phí lớn và nợ chồng chất. Trong tiết 104 Chúa đã ban ra lời khuyên về tình hình tài chính của Giáo Hội. Anh chị em có thể áp dụng các nguyên tắc trong các câu 11–18 và 78–83 vào những quyết định tài chính riêng của anh chị em như thế nào?

Để biết về một trong những cách Chúa đã chuẩn bị cho Giáo Hội để được giải thoát khỏi gánh nặng nợ nần, hãy xem video “Treasure in Heaven: The John Tanner Story” (video, ChurchofJesusChrist.org).

Để biết thêm về “cách thức riêng” của Chúa (câu 16) trong việc lo liệu cho Các Thánh Hữu của Ngài, anh chị em có thể nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf “Lo Liệu theo Cách của Chúa” (Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 53–56).

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 103:12, 36; 105:9–13.Gia đình anh chị em (hoặc một trong các ông bà tổ tiên của anh chị em) có bao giờ được yêu cầu làm một điều gì đó mà không cho ra kết quả đúng như mong đợi của anh chị em không? Anh chị em có thể học được điều gì từ những phản ứng của các thành viên của Trại Si Ôn khi cuộc hành trình của họ không kết thúc giống như mong muốn của họ? (xin xem “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi” vào cuối đại cương này).

Giáo Lý và Giao Ước 104:13–18.Chúa ban cho chúng ta điều gì? Ngài mong muốn chúng ta làm gì với những điều này?

Giáo Lý và Giao Ước 104:23–46.Gia đình của anh chị em có thể tìm kiếm trong những câu này để tìm xem có bao nhiêu lần Chúa hứa “gia tăng gấp bội phước lành” (câu 23) cho những người trung tín. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để “đếm các phước lành” (“Đếm Các Phước Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8) và thảo luận việc làm như vậy có thể giúp chúng ta như thế nào trong những lúc khó khăn. Trẻ nhỏ có thể thích vẽ tranh về các phước lành mà chúng đặc biệt cảm thấy biết ơn.

Giáo Lý và Giao Ước 105:38–41.Làm thế nào chúng ta có thể “đề nghị hòa bình” (câu 40) khi những người khác đối xử không tử tế hoặc không công bằng với chúng ta? Chúng ta có thể làm điều gì để là “một cờ hiệu hòa bình” (câu 39) trong nhà của mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Đếm Các Phước Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Trại Si Ôn

Bởi vì Trại Si Ôn không bao giờ lấy lại đất đai cho Các Thánh Hữu tại Hạt Jackson, nhiều người cảm thấy rằng nỗ lực của họ đã thất bại. Tuy nhiên, nhiều người tham gia Trại Si Ôn khi nhìn lại kinh nghiệm của họ thì đã thấy được cách Chúa làm tròn một mục đích cao cả hơn trong cuộc sống của họ và trong vương quốc của Ngài. Sau đây là một số lời chứng của họ.

Joseph Smith

Hình Ảnh
Joseph Smith

Hơn 40 năm sau Trại Si Ôn, Joseph Young, người từng là một thành viên của trại, kể rằng Joseph Smith đã nói những điều sau đây:

“Thưa các anh em, một số các anh em tức giận tôi, vì các anh em đã không chiến đấu ở Missouri; nhưng tôi xin được nói rằng Thượng Đế không muốn các anh em chiến đấu. Ngài không thể tổ chức vương quốc của mình với mười hai người để mở cánh cửa Phúc Âm cho các quốc gia trên thế gian, và với bảy mươi người dưới sự hướng dẫn của họ để đi theo con đường của họ, trừ khi Ngài lấy họ ra từ một nhóm người mà đã hiến dâng mạng sống của họ, và đã thực hiện một sự hy sinh lớn lao như Áp Ra Ham.

“Giờ đây, Chúa đã tìm được Mười Hai Vị Sứ Đồ và các Thầy Bảy Mươi của Ngài, và sẽ có những nhóm túc số Bảy Mươi khác được kêu gọi, là những người biết hy sinh, còn những người chưa hy sinh và dâng hiến bây giờ thì sẽ làm như vậy sau này.”1

Brigham Young

Hình Ảnh
Brigham Young

“Khi chúng tôi đến Missouri, Chúa phán với tôi tớ Joseph của Ngài rằng: ‘Ta chấp nhận của lễ dâng của ngươi,’ và chúng tôi có đặc ân để quay về. Trên đường quay về nhiều người bạn đã hỏi tôi rằng có ích lợi gì trong việc kêu gọi những người đàn ông bỏ dở công việc hằng ngày của họ để đi đến Missouri và rồi quay trở về, mà dường như không hoàn thành được bất kỳ điều gì. Họ hỏi: ‘Ai được lợi từ việc này?’ ‘Nếu Chúa quả đã truyền lệnh làm việc này, thì Ngài đã nhìn ra mục đích gì khi làm như vậy?’ … Tôi đã nói với các anh em đó rằng tôi đã được trả công rất hậu hĩnh—với lợi tức cao—vâng lợi ích của tôi thật lớn lao với sự hiểu biết mà tôi đã nhận được khi hành trình cùng với Vị Tiên Tri.”2

Wilford Woodruff

Hình Ảnh
Wilford Woodruff

“Tôi đã ở trong Trại Si Ôn cùng với Vị Tiên Tri của Thượng Đế. Tôi đã thấy những sự giao tiếp của Thượng Đế với ông ấy. Tôi đã thấy quyền năng của Thượng Đế ở cùng ông ấy. Tôi đã thấy ông ấy quả là một Tiên Tri. Điều được biểu lộ cho ông ấy bởi quyền năng của Thượng Đế trong sứ mệnh đó thật có giá trị lớn lao đối với tôi và với tất cả những ai tiếp nhận những chỉ dẫn của ông ấy.”3

“Khi các thành viên của Trại Si Ôn được kêu gọi, nhiều người trong chúng tôi chưa bao giờ biết mặt nhau; chúng tôi là những kẻ xa lạ với nhau và nhiều người chưa từng gặp vị tiên tri. Chúng tôi đã sống rải rác ở tứ xứ, giống như thóc sàng trong nia, ở trên khắp đất nước. Chúng tôi là những người đàn ông trẻ tuổi, và được kêu gọi trong thời kỳ ban đầu đó để đi cứu chuộc Si Ôn, và điều chúng tôi được đòi hỏi thì phải làm bởi đức tin. Chúng tôi tập hợp lại với nhau từ khắp các Tiểu Bang tại Kirtland và đi cứu chuộc Si Ôn, để làm trọn lệnh truyền Thượng Đế ban cho chúng tôi. Thượng Đế đã chấp nhận những công việc của chúng tôi giống như với Áp Ra Ham. Chúng tôi đã làm được nhiều điều, mặc dù những kẻ bội giáo và không tin nhiều lần chất vấn ‘các ngươi đã làm được gì nào?’ Chúng tôi đã đạt được một kinh nghiệm mà chẳng thể nào có được bằng một cách thức khác. Chúng tôi đã có đặc ân để trông thấy mặt Vị Tiên Tri, và đặc ân để hành trình 1600km cùng ông ấy, và trông thấy những công việc của Thánh Linh của Thượng Đế với ông ấy, và những điều mặc khải của Chúa Giê Su Ky Tô ban cho ông ấy và sự ứng nghiệm những điều mặc khải đó. Và ông ấy đã quy tụ khoảng hai trăm anh cả từ khắp đất nước trong thời kỳ đầu đó và gửi chúng tôi đi ra khắp thế giới để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu tôi không đi cùng Trại Si Ôn, thì tôi sẽ không thể ở đây ngày hôm nay [tại Salt Lake City, phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai]. … Nhờ đã đến Missouri, chúng tôi ngay lập tức được ban cho cơ hội để thuyết giảng phúc âm, và Chúa đã chấp nhận sự lao nhọc của chúng tôi. Và trong tất cả những sự lao nhọc và mọi ngược đãi, phải mạo hiểm mạng sống của mình, chúng tôi đã phải làm việc và sống bằng đức tin.”

“Kinh nghiệm [chúng tôi] có được khi hành trình trong Trại Si Ôn đáng giá còn hơn cả vàng bạc.”

Ghi Chú

  1. Trong Joseph Young Sr., History of the Organization of the Seventies (năm 1878), trang 14.

  2. “Discourse,” Deseret News, ngày 3 tháng Mười Hai năm 1862, trang 177.

  3. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1898, trang 29–30; xin xem thêm Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (năm 2004), trang 135.

Hình Ảnh
Trại Si Ôn bên bờ sông

Zion’s Camp (Zion’s Camp at Fishing River [Trại Si Ôn tại Sông Fishing]), tranh do Judith A. Mehr họa

In