Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 20–26 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 106–108: “Có Được Các Tầng Trời Mở Ra”


“Ngày 20–26 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 106–108: ‘Có Được Các Tầng Trời Mở Ra,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 20–26 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 106–108,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
mặt trời chiếu sáng qua các tầng mây

Ngày 20–26 tháng Chín

Giáo Lý và Giao Ước 106–108

“Có Được Các Tầng Trời Mở Ra”

Anh Cả Ulisses Soares đã dạy: “Chúng ta cần phải ở trong [Đấng Cứu Rỗi], đắm mình trong thánh thư, hân hoan nơi thánh thư, học hỏi giáo lý của Ngài và cố gắng sống theo cách mà Ngài đã sống” (“Làm Sao Tôi Có Thể Hiểu Được?Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 7). Khi anh chị em đắm mình trong Giáo Lý và Giao Ước 106–108, hãy ghi lại những cách anh chị em đang cố gắng để sống theo các lẽ thật mà mình khám phá được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Thoạt tiên, Giáo Lý và Giao Ước 107 có vẻ như chỉ đề cập về việc tổ chức các chức phẩm chức tư tế vào cơ cấu lãnh đạo cho Giáo Hội của Chúa. Thật ra, trước khi điều mặc khải này được xuất bản, số lượng tín hữu của Giáo Hội đã vượt quá khả năng quản lý của vài vị lãnh đạo mà Giáo Hội hiện có bấy giờ. Vì vậy việc vạch ra vai trò và trách nhiệm của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai, Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, các giám trợ, và các chủ tịch đoàn nhóm túc số quả thật cần thiết và rất hữu ích. Nhưng còn nhiều sự chỉ dẫn thiêng liêng khác có trong tiết 107, không chỉ cách thức tổ chức các chức phẩm và các nhóm túc số chức tư tế. Trong đây, Chúa dạy chúng ta về một trật tự của chức tư tế thời xưa mà đã “được ban hành ra từ đời A Đam” (câu 41). Từ ban đầu, mục đích của chức tư tế là làm cho các con cái của Thượng Đế—bao gồm cả anh chị em—để có thể nhận được các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm và vui hưởng “tất cả các phước lành thuộc linh của giáo hội—có đặc quyền nhận được những điều kín nhiệm thuộc vương quốc thiên thượng, [và] được các tầng trời mở ra cho họ thấy” (các câu 18–19).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 106108

Chúa chỉ dẫn, khuyến khích, và ủng hộ những người Ngài kêu gọi phục vụ.

Trong Giáo Lý và Giao Ước 106 và 108, Chúa đưa ra lời khuyên bảo và những lời hứa cho hai tín hữu được kêu gọi phục vụ trong Giáo Hội. Có những cụm từ nào trong những điều mặc khải này khuyến khích và soi dẫn cho sự phục vụ của chính anh chị em trong vương quốc của Thượng Đế? Sau đây là hai câu hỏi để xem xét:

  • Anh chị em đã nhận được “ân điển và sự an tâm” như thế nào để có thể “đứng vững được”? (Giáo Lý và Giao Ước 106:8).

  • Làm thế nào anh chị em có thể “thận trọng hơn trong việc tuân giữ những lời thề nguyện,” hoặc các giao ước từ nay về sau? (Giáo Lý và Giao Ước 108:3).

Có những cụm từ nào khác từ tiết 106 và 108 mà có ý nghĩa đối với anh chị em?

Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Phục Sự với Quyền Năng và Thẩm Quyền của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 68–75.

Giáo Lý và Giao Ước 107

Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua thẩm quyền chức tư tế.

Trong khi nghiên cứu Sự Phục Hồi của phúc âm, anh chị em có lẽ đã lưu ý rằng Chúa không thường giải thích trọn vẹn một giáo lý trong một điều mặc khải. Thay vì vậy, Ngài mặc khải mọi điều “từng hàng chữ một” (Giáo Lý và Giao Ước 98:12) khi hoàn cảnh đòi hỏi. Mặc dù trước đó Chúa đã ban ra chỉ dẫn về chức tư tế từ sớm như vào năm 1829 (xin xem, ví dụ, tiết 20 và 84), Ngài đã ban thêm sự chỉ dẫn cho Các Thánh Hữu vào năm 1835 về các chức phẩm chức tư tế cụ thể cần có để điều hành và hướng dẫn các tín đồ đang gia tăng của Ngài.

Khi đọc về các chức phẩm chức tư tế sau đây, hãy nghĩ về cách anh chị em có thể tán trợ những người đang phục vụ trong những sự kêu gọi này qua “sự tín nhiệm, đức tin, cùng [những] lời cầu nguyện” của mình (Giáo Lý và Giao Ước năm 107:22).

Giáo Lý và Giao Ước 107:1–20

Các giáo lễ chức tư tế cung cấp những phước lành thuộc linh và vật chất cho tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng.

Anh Cả Neil L. Andersen đã dạy: “Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế được ban cho vì sự cứu rỗi và phước lành của tất cả mọi người–––nam, nữ, và trẻ em. … Khi chúng ta xứng đáng, thì các giáo lễ của chức tư tế làm phong phú hóa cuộc sống của chúng ta trên thế gian và chuẩn bị chúng ta cho những lời hứa tuyệt vời về thế giới mai sau” (“Quyền Năng trong Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 92). Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 107:1–20 (xin đặc biệt xem các câu 18–20) và phần còn lại trong sứ điệp của Anh Cả Andersen, hãy nghĩ đến việc ghi lại những ấn tượng mà anh chị em nhận được về cách mà quyền năng của Thượng Đế làm phong phú cuộc sống của anh chị em trên thế gian này và chuẩn bị anh chị em cho thời vĩnh cửu. Anh chị em đang làm gì để nhận được—và giúp những người khác nhận được—các phước lành đó một cách trọn vẹn hơn?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 84:19–27; Dallin H. Oaks, “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 69–72.

Giáo Lý và Giao Ước 107:41–57

Chức tư tế ban phước cho các gia đình.

A Đam mong muốn con cháu của ông được ban phước bởi chức tư tế. Ông đã nhận được những lời hứa nào? (xin xem các câu 4255). Trong khi đọc về điều A Đam đã làm, hãy xem xét những ước muốn của chính anh chị em cho gia đình mình để vui hưởng các phước lành của chức tư tế. Anh chị em được soi dẫn làm điều gì để giúp gia đình mình nhận được các phước lành này?

Hình Ảnh
A Đam ban phước con cháu của mình

Adam Blessing His Posterity (A Đam Ban Phước Con Cháu của Mình), tranh do Clark Kelley Price họa

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 106:6.Gia đình chúng ta có thể làm điều gì để có “sự vui mừng trên thiên thượng”?

Giáo Lý và Giao Ước 107:22.Chúng ta đang làm gì để tán trợ những vị lãnh đạo của mình “qua sự tín nhiệm, đức tin, cùng lời cầu nguyện”?

Giáo Lý và Giao Ước 107:27–31, 85.Các nguyên tắc hướng dẫn những hội đồng của Giáo Hội cũng có thể giúp chúng ta bàn bạc cùng nhau trong gia đình mình. Có những nguyên tắc nào trong các câu thánh thư này mà chúng ta có thể áp dụng cho các hội đồng gia đình của mình? (Xin xem M. Russell Ballard, “Các Hội Đồng Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 63–65.)

Giáo Lý và Giao Ước 107:99–100.Đưa cho một người trong gia đình những chỉ dẫn được viết ra về một công việc nhà, và mời người ấy chọn cách để làm việc đó: siêng năng, biếng nhác, hay là không đọc những chỉ dẫn. Hãy để những người còn lại trong gia đình quan sát người đó làm công việc được giao và đoán xem người đó đã chọn cách làm nào. Sau đó đến lượt những người khác trong gia đình. Tại sao Chúa cần chúng ta học hỏi các bổn phận của mình và làm chúng với tất cả sự siêng năng? (Xin xem Becky Craven, “Cẩn Thận so với Tùy Tiện,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 9–11.)

Giáo Lý và Giao Ước 108:7.Làm thế nào chúng ta có thể củng cố lẫn nhau trong khi trò chuyện với nhau? Trong những lời cầu nguyện của chúng ta? Trong lúc khuyên nhủ, hoặc khích lệ? Trong mọi hành vi của mình? Anh chị em có thể chọn một trong những điều này để cải thiện cùng với cả gia đình.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho Một Vị Tiên Tri,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 36.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Ghi lại những ấn tượng. Khi những ấn tượng hoặc sự hiểu biết sâu sắc đến với anh chị em, hãy ghi xuống. Khi làm như vậy, anh chị em cho Chúa thấy rằng anh chị em trân quý sự chỉ dẫn của Ngài. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 1230.)

Hình Ảnh
Mên Chi Xê Đéc ban phước lành cho Áp Ram

Melchizedek Blesses Abram (Mên Chi Xê Đéc Ban Phước cho Áp Ram), tranh do Walter Rane họa

In