Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102–105: “Sau Nhiều Cơn Hoạn Nạn … Phước Lành Sẽ Đến”


“Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102–105: ‘Sau Nhiều Cơn Hoạn Nạn … Phước Lành Sẽ Đến,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 13–19 tháng Chín. Giáo Lý và Giao Ước 102-105,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2021

Hình Ảnh
những người đàn ông cùng những chiếc xe ngựa

C. C. A. Christensen (1831–1912), Zion’s Camp (Trại Si Ôn), hoàn thành vào khoảng năm 1878, tranh màu keo trên vải muxơlin, 198 × 290 centimét. Bảo Tàng Nghệ Thuật Đại Học Brigham Young University, món quà từ cháu của C. C. A. Christensen, năm 1970

Ngày 13–19 tháng Chín

Giáo Lý và Giao Ước 102–105

“Sau Nhiều Cơn Hoạn Nạn … Phước Lành Sẽ Đến”

Việc nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 102–105 là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị giảng dạy của anh chị em. Lắng nghe các ấn tượng thuộc linh về cách để giúp các trẻ em hiểu rõ thánh thư hơn.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Giúp các em chọn ra một bài hát mà nhắc cho chúng nhớ về một điều mà chúng đã học ở nhà hoặc ở nhà thờ.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 103:9

Tôi có thể trở thành “ánh sáng cho thế gian.”

Làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích các trẻ em mà anh chị em giảng dạy chia sẻ ánh sáng phúc âm với những người xung quanh?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Đọc cho các em nghe Giáo Lý và Giao Ước 103:9 và mời chúng cầm những bức hình của một cái bóng đèn, nến, hoặc một nguồn sáng khác. Yêu cầu các em cho một em khác trong lớp thấy bức hình của chúng. Nói với các em về cách mà chúng cũng giống như một nguồn ánh sáng đối với người khác khi chúng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Cùng hát với các em một bài hát về việc làm gương. Giúp các em nghĩ về những hành động để làm theo lời của bài hát. Làm thế nào chúng ta có thể là ánh sáng, hoặc một tấm gương tốt, cho những người xung quanh chúng ta?

    Hình Ảnh
    ngọn nến đang cháy

    Tôi có thể là ánh sáng cho thế gian.

Giáo Lý và Giao Ước 104:42

Chúa sẽ ban phước cho tôi nếu tôi tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Nhiều lần trong tiết 104, Chúa hứa “phước lành gấp bội” cho những người trung tín tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Làm cách nào anh chị em sẽ giúp các em cảm thấy rằng Ngài muốn ban phước cho chúng ta một cách rộng rãi?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em thực hiện một hành động, như ngọ nguậy các ngón tay của chúng, mỗi lần chúng nghe từ “phước lành” khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 104:42. Kể cho các em nghe cách mà Cha Thiên Thượng đã ban phước cho anh chị em vì đã tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Yêu cầu các em chia sẻ cách mà Ngài đã ban phước cho chúng. Mời từng em chia sẻ một lệnh truyền mà chúng có thể tuân giữ.

  • Để giúp các em hiểu ý nghĩa của từ “gấp bội”, hãy vẽ một vòng tròn lên trên bảng hoặc trên một tờ giấy. Bảo các em giúp anh chị em nhân lên gấp bội số vòng tròn—vẽ hai, rồi bốn, rồi tám, rồi mười sáu, và vân vân—cho đến khi toàn bộ tấm bảng hoặc tờ giấy có đầy những vòng tròn. Mỗi lần anh chị em thêm vào những vòng tròn, hãy giúp các em nghĩ đến một phước lành mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng. Giải thích rằng “phước lành gấp bội” có nghĩa là Chúa sẽ làm tràn ngập cuộc sống chúng ta với những phước lành nếu chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.

Giáo Lý và Giao Ước 105:38–40

Tôi có thể trở thành một người hòa giải.

Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ những kinh nghiệm của trại Si Ôn. Một bài học có thể quan trọng đối với các em là sự tranh chấp và cãi vã mang đến những khó khăn, trong khi sự đoàn kết và hòa giải mang đến những phước lành.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Bằng lời riêng của anh chị em, hãy kể cho các em nghe câu chuyện của Trại Si Ôn (xin xem phần giới thiệu cho đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Hãy thường xuyên dừng lại để chỉ ra những bài học chúng ta có thể học từ Trại Si Ôn—ví dụ, rằng Chúa muốn chúng ta hòa thuận và làm việc cùng nhau thay vì cãi vã và tranh chấp.

  • Đọc to Giáo Lý và Giao Ước 105:38–40 và yêu cầu các em đứng lên mỗi khi chúng nghe từ “hòa bình.” Giải thích rằng Chúa đã muốn các Thánh Hữu phải hòa giải với những người đã không tử tế với họ. Giúp các em nghĩ về những điều chúng có thể làm để trở thành những người hòa giải, và mời chúng đóng diễn một số tình huống.

  • Chia sẻ một câu chuyện về một đứa trẻ làm người hòa giải từ chính cuộc sống của anh chị em hoặc từ tạp chí Liahona. Hát một bài hát về việc yêu thương người khác, hoặc hoàn thành trang sinh hoạt của tuần này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Giáo Lý và Giao Ước 104:13–18

Chúa muốn tôi chia sẻ những gì tôi có với những người trong tình cảnh túng thiếu.

Cân nhắc cách mà anh chị em sẽ giúp các trẻ em hiểu về cách mà Chúa lo liệu cho dân Ngài khi họ ở trong tình cảnh túng thiếu.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho các em một vài phút để lập ra một bản liệt kê những phước lành mà Thượng Đế đã ban cho chúng. Khuyến khích các em liệt kê càng nhiều phước lành càng tốt. Sau đó cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 104:13–18 và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như sau: Ai là chủ nhân thực sự của tất cả mọi thứ? Tại sao Ngài ban những thứ đó cho chúng ta? Ngài muốn chúng ta làm gì với những thứ này? Giúp các em nghĩ về những cách thức mà chúng có thể chia sẻ các phước lành của mình với người khác.

  • Chia sẻ một kinh nghiệm mà trong đó một người đã cho anh chị em một thứ mà anh chị em cần, và yêu cầu các em chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Hoặc cho xem một đoạn video về việc phục vụ người khác, chẳng hạn như “The Coat” (ChurchofJesusChrist.org). Chúng ta học được điều gì từ những kinh nghiệm phục vụ người khác này? Mời các em để tâm đến những người túng thiếu và tìm kiếm một ai đó để phục vụ trong tuần này, chẳng hạn như một ai đó ở trường hoặc đặc biệt là ở trong chính gia đình của các em.

  • Mời các em tìm kiếm các bài hát trong Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi mà có liên quan đến sự phục vụ hoặc giúp đỡ người khác (tra cứu bảng mục lục đề tài). Cùng nhau hát một hoặc hai bài hát, và thảo luận về điều mà những bài hát này dạy chúng ta.

Giáo Lý và Giao Ước 105:9–19

Tôi có thể tuân theo các lệnh truyền của Chúa ngay cả khi tôi không hiểu lý do của những lệnh truyền đó.

Kinh nghiệm của Trại Si Ôn có thể là một cách thức mạnh mẽ để minh họa cho các phước lành đến từ việc tìm cách tuân theo ý muốn của Chúa.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cho thấy bức tranh từ đại cương cho tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình, và mời các trẻ em chia sẻ điều chúng biết về Trại Si Ôn. Nếu các em cần giúp đỡ, hãy sử dụng phần giới thiệu cho đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Mời các em giả vờ rằng chúng là các thành viên của Trại Si Ôn và đang kể lại cho con cái của mình về những kinh nghiệm của chúng. Các em sẽ muốn con cái của chúng học được điều gì từ những kinh nghiệm đó?

  • Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 105:13–14 và giải thích rằng khi Trại Si Ôn đến Missouri, Chúa đã phán bảo họ không được cố gắng giành lại đất đai của các Thánh Hữu. Một số thành viên của trại bực tức và tự hỏi tại sao họ đã được truyền lệnh phải đi đến đó. Chúng ta nên làm gì khi chúng ta không hiểu các lý do của một lệnh truyền? Chia sẻ một số câu chuyện từ “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi: Trại Si Ôn” (trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình) để giúp các em thấy rằng các phước lành sẽ đến khi chúng ta tuân theo các lệnh truyền mà Thượng Đế ban cho chúng ta qua các vị tiên tri của Ngài, ngay cả khi chúng ta không hiểu tất cả các lý do.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Khuyến khích các em chia sẻ những kinh nghiệm của Trại Si Ôn với một ai đó ở nhà, cùng với một bài học mà chúng đã học từ những kinh nghiệm đó. Hoặc mời các em nghĩ về một điều mà Thượng Đế đã ban phước cho chúng mà chúng có thể chia sẻ với một ai đó trong lúc khó khăn.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy của Chúng Ta

Xử lý những hành động quậy phá bằng tình yêu thương. “Đôi khi một đứa trẻ hành động theo những cách quậy phá việc học tập của [những đứa trẻ khác] trong lớp học. Khi điều này xảy ra, hãy kiên nhẫn, yêu thương, và thông cảm với những thử thách mà đứa trẻ có thể đang gặp phải. … Nếu đứa trẻ đang quậy phá có các nhu cầu đặc biệt, hãy nói chuyện với chuyên gia về khuyết tật trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu hoặc vào trang mạng [disabilities.ChurchofJesusChrist.org] để tìm hiểu làm thế nào các anh chị em có thể đáp ứng những nhu cầu đó một cách hữu hiệu hơn” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi,trang 26).

In