Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 29 tháng Mười Một–Ngày 5 tháng Mười Hai. Giáo Lý và Giao Ước 137–138: “Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết”


“Ngày 29 tháng Mười Một–Ngày 5 tháng Mười Hai. Giáo Lý và Giao Ước 137–138: ‘Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 29 tháng Mười Một–Ngày 5 tháng Mười Hai. Giáo Lý và Giao Ước 137–138,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
những người ở trong thế giới linh hồn

Joseph trông thấy cha, mẹ, và anh của ông trong vương quốc thượng thiên (Joseph Smith’s Vision of the Celestial Kingdom [Khải Tượng của Joseph Smith về Vương Quốc Thượng Thiên], tranh do Robert Barrett họa).

Ngày 29 tháng Mười Một–Ngày 5 tháng Mười Hai

Giáo Lý và Giao Ước 137–138

“Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết”

Chủ Tịch M. Russell Ballard đãy dạy rằng: “Tôi xin mời anh chị em hãy đọc toàn bộ [Giáo Lý và Giao Ước 138] và suy ngẫm. Khi làm như vậy, cầu xin Chúa sẽ ban phước cho anh chị em để có thể hiểu một cách trọn vẹn hơn và nhận thức được tình yêu thương của Thượng Đế và kế hoạch cứu rỗi cùng hạnh phúc mà Ngài dành cho con cái của Ngài” (“Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 73).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Những sự mặc khải được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 137138 thì cách nhau hơn 80 năm và 2.400km. Tiên tri Joseph Smith đã nhận được tiết 137 vào năm 1836 trong Đền Thờ Kirtland đang được xây dang dở, và tiết 138 được ban cho Joseph F. Smith, Chủ Tịch thứ sáu của Giáo Hội, vào năm 1918 tại Thành Phố Salt Lake. Nhưng về mặt giáo lý, hai khải tượng này đi đôi với nhau. Chúng đều giải đáp các thắc mắc về số phận của con cái Thượng Đế trong cuộc sống mai sau. Và cả hai điều mặc khải đều có thêm ý nghĩa sâu sắc khi chúng ta nghĩ về các kinh nghiệm sống của những vị tiên tri mà đã tiếp nhận chúng.

Khải tượng của Joseph Smith đã giúp ông hiểu được vận mệnh vĩnh cửu của người anh trai yêu dấu Alvin của ông, là người đã qua đời sáu năm trước khi thẩm quyền làm phép báp têm được phục hồi. Những thắc mắc về sự cứu rỗi vĩnh cửu của Alvin đã luôn làm Joseph trăn trở kể từ lúc đó. Khải tượng của Joseph F. Smith tiết lộ những lẽ thật đầy vinh quang về thế giới linh hồn—chắc chắn là một khải tượng đầy an ủi dành cho những ai đau buồn vì mất đi nhiều người thân thích. Joseph F. Smith đã mất cha, Hyrum Smith, lúc 5 tuổi và cả mẹ, Mary Fielding Smith, ở tuổi 13. Cho đến thời điểm nhận được khải tượng này vào năm 1918, ông đã than khóc cho cái chết của 13 người con.

Nhiều câu hỏi mà người ta thường có về cuộc sống sau cái chết được giải đáp trong những điều mặc khải này. Tiết 137 hé rọi ánh sáng ban đầu cho những thắc mắc như vậy, và tiết 138 mở rộng ra tấm màn che phủ sự hiểu biết của chúng ta. Cùng với nhau, hai tiết này làm chứng về “tình thương yêu bao la và kỳ diệu mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã biểu hiện” (Giáo Lý và Giao Ước 138:3).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 137

Mỗi linh hồn đều sẽ có cơ hội để chọn vinh quang thượng thiên.

Sự hiểu biết thông thường của Các Ky Tô Hữu trong năm 1836 là nếu một người chết đi mà không được làm phép báp têm—giống như anh trai Alvin của Joseph Smith—thì người đó không thể lên thiên đàng. Mặc dù vậy Joseph đã trông thấy Alvin trong một khải tượng về vương quốc thượng thiên. Trong khi đọc tiết 137, anh chị em hãy suy ngẫm điều mình học về Cha Thiên Thượng, kế hoạch cứu rỗi của Ngài, và vương quốc thượng thiên.

Giáo Lý và Giao Ước 138:1–11, 25–30

Việc đọc và suy ngẫm thánh thư chuẩn bị cho tôi nhận được sự mặc khải.

Đôi khi sự mặc khải đến ngay cả khi chúng ta không chủ ý tìm kiếm. Nhưng thường thì, nó đến bởi vì chúng ta chuyên tâm tìm kiếm và sẵn sàng tiếp nhận. Trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 138:1–11, 25–30, hãy ghi xuống điều Chủ Tịch Joseph F. Smith đang làm khi “mắt hiểu biết của [ông] được mở ra” để hiểu rõ hơn giáo vụ cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Và rồi nghĩ về cách anh chị em có thể làm theo tấm gương của Chủ Tịch Smith. Ví dụ, anh chị em có thể có những thay đổi nào trong việc học thánh thư để cho phép nhiều sự “suy ngẫm về thánh thư” hơn và “ngẫm nghĩ về sự hy sinh chuộc tội lớn lao [của Đấng Cứu Rỗi]” nhiều hơn? (các câu 1–2).

Trong sứ điệp của mình “Khải Tượng về Sự Cứu Chuộc Người Chết” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 71–74), Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nêu ra những phương diện khác mà Chủ Tịch Smith đã được chuẩn bị để tiếp nhận sự mặc khải này. Hãy nghĩ về cách anh chị em có thể được chuẩn bị cho những kinh nghiệm đang có hoặc sẽ có trong tương lai.

Hình Ảnh
tranh vẽ Joseph F. Smith

Joseph F. Smith, tranh do Albert E. Salzbrenner họa

Giáo Lý và Giao Ước 138:25–60

Công việc cứu rỗi đang xảy ra ở cả hai bên bức màn che.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Sứ điệp của chúng ta gửi cho thế giới rất giản dị và chân thành: chúng ta mời tất cả các con cái của Thượng Đế ở cả hai bên bức màn che đến cùng Đấng Cứu Rỗi của họ, tiếp nhận các phước lành của đền thờ thánh, có được niềm vui lâu dài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu” (“Nào Cùng Nhau Bước Mạnh,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 118–119). Hãy suy ngẫm câu này trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 138:25–60. Anh chị em cũng có thể ngẫm nghĩ các câu hỏi này:

  • Anh chị em học được điều gì từ những câu này về cách mà công việc cứu rỗi đang được thực hiện trong thế giới linh hồn? Tại sao là điều quan trọng đối với anh chị em để biết rằng công việc này đang diễn ra? Những câu này củng cố đức tin của anh chị em vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi như thế nào?

  • Những câu này dạy điều gì về những người đang tham gia vào công việc cứu rỗi trong thế giới linh hồn? Tại sao là điều quan trọng để hiểu rằng công việc cứu rỗi đang được thực hiện ở cả hai bên bức màn che?

Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Tin Cậy nơi Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 26–29.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 137:1–5.Hãy mời gia đình anh chị em vẽ điều họ nghĩ về vương quốc thượng thiên có thể trông như thế nào dựa theo những câu này. Anh chị em tìm thấy điều gì trong các câu này mà giúp mình mong đợi được sống ở đó? Chúng ta đang làm gì bây giờ để chuẩn bị sống trong vương quốc thượng thiên với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Giáo Lý và Giao Ước 137:5–10.Để biết về ý nghĩa của việc nhìn thấy một số người thân trong gia đình đang ở cùng nhau trong vương quốc thượng thiên đối với Joseph Smith, gia đình anh chị em có thể xem video “Ministry of Joseph Smith: Temples” (ChurchofJesusChrist.org). Có lẽ anh chị em cũng có thể nói về một người quen biết đã qua đời mà không có cơ hội để được làm phép báp têm. Giáo Lý và Giao Ước 137:5–10 dạy cho chúng ta điều gì về người đó?

Giáo Lý và Giao Ước 138:12–24.Giáo Lý và Giao Ước 138:12–24 dạy điều gì về những người mà Đấng Cứu Rỗi đã đến thăm trong thế giới linh hồn? Họ đã nhận được các phước lành nào? Chúng ta học được điều gì từ tấm gương của họ?

Giáo Lý và Giao Ước 138:38–55.Những câu này mô tả những người mà Chủ Tịch Joseph F. Smith đã trông thấy trong thế giới linh hồn và thông tin ngắn gọn về họ. Có lẽ gia đình anh chị em có thể lập một danh sách các tổ tiên của mình đang ở trong thế giới linh hồn, cùng với thông tin về cuộc đời họ.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Tôi Suy Ngẫm Khi Đọc Câu Chuyện Hay Đó,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 60.

Cải Thiện Việc Học Hỏi Của Chúng Ta

Hãy suy ngẫm thánh thư. Chủ Tịch David O. McKay đã gọi sự suy ngẫm là “một trong những … cánh cửa thiêng liêng nhất mà qua đó chúng ta vào được nơi hiện diện của Chúa” (Teachings of Presidents of the Church: David O. McKay [năm 2003], trang 32).

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô trong thế giới linh hồn

The Commissioned (Những Người được Ủy Thác), tranh do Harold I. Hopkinson họa. Chúa Giê Su Ky Tô đã ủy thác cho những linh hồn ngay chính đi thuyết giảng phúc âm trong thế giới linh hồn.

In