“Ngày 20–26 tháng Mười Hai. Lễ Giáng Sinh: Món Quà Độc Nhất Vô Nhị của Vị Nam Tử Thiêng Liêng của Thượng Đế,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 20–26 tháng Mười Hai. Lễ Giáng Sinh,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 20–26 tháng Mười Hai
Lễ Giáng Sinh
Món Quà Độc Nhất Vô Nhị của Vị Nam Tử Thiêng Liêng của Thượng Đế
Một cách để tập trung những ý nghĩ của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi trong lễ Giáng Sinh này là nghiên cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ.” Đại cương này gợi ý những cách anh chị em có thể đưa lời chứng này của các vị tiên tri vào việc học hỏi phúc âm cá nhân và với gia đình mình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Vào năm 1838, Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất và sống lại vào ngày thứ ba và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith, trang 54). Nhiều năm sau đó, Chủ Tịch Russell M. Nelson nhận thấy rằng “chính lời phát biểu này của Vị Tiên Tri đã tạo ra động lực cho 15 vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải công bố và ký tên vào chứng ngôn của họ để kỷ niệm ngày giáng sinh thứ 2.000 của Chúa. Chứng ngôn lịch sử này có tựa đề là ‘Đấng Ky Tô Hằng Sống.’ Nhiều tín hữu vẫn ghi nhớ những lẽ thật trong chứng ngôn đó. Những người khác hầu như không biết là có chứng ngôn đó. Khi các anh chị em tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khuyên nhủ các anh chị em hãy nghiên cứu ‘Đấng Ky Tô Hằng Sống’” (“Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40).
Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta vui mừng trong phước lành của sự mặc khải liên tục qua các vị tiên tri và sứ đồ hiện đại. Chúng ta biết ơn những lời khuyên nhủ, cảnh báo, và khích lệ đầy soi dẫn của họ. Nhưng trên hết, chúng ta được phước nhờ chứng ngôn mạnh mẽ của họ về Chúa Giê Su Ky Tô—vào dịp lễ Giáng Sinh và trong suốt năm. Đây không chỉ là những lời nói có sức lay động đến từ các nhà văn hoặc nhà diễn thuyết chuyên nghiệp hoặc là những hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia về thánh thư. Mà đó là những lời nói của người được Thượng Đế chọn lựa, kêu gọi và ủy quyền, “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới” (Giáo Lý và Giao Ước 107:23).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
“Không ai có được một ảnh hưởng sâu xa như thế.”
Những ý nghĩ nào đến với anh chị em trong khi đọc Lu Ca 2:10–11 và đoạn đầu tiên của “Đấng Ky Tô Hằng Sống”? Anh chị em sẽ nói gì để ủng hộ lời tuyên bố rằng “không ai có được một ảnh hưởng sâu xa [như Chúa Giê Su Ky Tô] trên tất cả mọi người đã sống và sẽ sống trên thế gian”? Hãy tìm những lẽ thật trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống” mô tả ảnh hưởng sâu xa của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã ảnh hưởng và mang đến cho anh chị em “sự vui mừng lớn” như thế nào? (Lu Ca 2:10).
“Ngài sống lại từ ngôi mộ.”
Trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Các Sứ Đồ làm chứng về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, đề cập đến ba lần xuất hiện của vị Chúa đã sống lại (xin xem đoạn thứ năm). Hãy nghĩ đến việc đọc về ba lần viếng thăm đó trong Giăng 20–21; 3 Nê Phi 11–26; và Joseph Smith—Lịch Sử 1:14–20. Anh chị em học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ những lời nói và hành động của Ngài trong những lần xuất hiện này?
“Chức tư tế của Ngài và Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi.”
Trong quá trình nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước năm nay, anh chị em đã có cơ hội học thêm về cách mà “chức tư tế” của Đấng Cứu Rỗi và “Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi.” Những lẽ thật hoặc nguyên tắc phục hồi nào đặc biệt có ý nghĩa với anh chị em? Hãy nghĩ đến việc ôn lại một số thánh thư sau đây dạy về Sự Phục Hồi: Giáo Lý và Giao Ước 1:17–23; 13; 20:1–12; 65; 110; 112:30–32; 124:39–42; 128:19–21. Suy ngẫm về cách mà những lẽ thật của phúc âm phục hồi giúp anh chị em biết và thờ phượng Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:19).
“Một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại thế gian.”
Giáng Sinh là thời gian vừa để nhìn lại ngày Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh vừa để hướng đến ngày mà Ngài sẽ tái lâm. Anh chị em học được gì về sự tái lâm của Ngài từ đoạn thứ hai từ dưới lên trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống”? Cũng có thể thú vị để đọc, hát, hoặc lắng nghe các bài thánh ca Giáng Sinh dạy về Ngày Tái Lâm, như là “Nơi Xa, Xa Lắm Trên Đất Giu Đê” hoặc “Đêm Thanh Bình” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 52, 53).
“Ngài là sự sáng, sự sống và hy vọng của thế gian.”
Trong đoạn cuối của “Đấng Ky Tô Hằng Sống,” hãy lưu ý đến các thuộc tính và các danh xưng của Đấng Cứu Rỗi. Các câu thánh thư sau đây có thể giúp anh chị em suy ngẫm Chúa Giê Su Ky Tô là “sự sáng, sự sống, và hy vọng của thế gian” ra sao: Lu Ca 2:25–32; 1 Cô Rinh Tô 15:19–23; Mô Rô Ni 7:41; Giáo Lý và Giao Ước 50:24; 84:44–46; 93:7–10. Ngài là sự sáng, sự sống, và hy vọng của anh chị em như thế nào? Có những thuộc tính hoặc danh xưng nào khác của Đấng Cứu Rỗi mà có ý nghĩa nhất đối với anh chị em?
Việc nghiên cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống” tác động như thế nào đến đức tin và tình yêu thương của anh chị em dành cho Đấng Cứu Rỗi?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
“Đấng Ky Tô Hằng Sống.”Để giúp gia đình anh chị em hiểu được các lẽ thật dạy về Đấng Cứu Rỗi trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống,” anh chị em có thể chọn một vài cụm từ chính và cùng nhau tìm hoặc vẽ tranh minh họa những cụm từ đó. Rồi anh chị em có thể gom các bức tranh ảnh và các cụm từ đó thành một quyển sách.
-
“Chúng tôi xin đưa ra chứng ngôn của mình.”Chúng ta học được gì từ “Đấng Ky Tô Hằng Sống” về ý nghĩa của việc làm chứng? Anh chị em có thể muốn ghi lại chứng ngôn của mình về Đấng Ky Tô để tưởng nhớ đến sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi.
-
“Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”Gia đình anh chị em có thể noi theo tấm gương phục vụ của Đấng Cứu Rỗi trong Giáng Sinh này như thế nào? Bằng cách nào anh chị em sẽ lan tỏa “hòa bình và thiện chí” trong gia đình và cộng đồng mình? Làm thế nào anh chị em có thể giúp mang đến sự “chữa lành người bệnh”? Anh chị em có thể tìm ý tưởng trong một số video Giáng Sinh trên ứng dụng Gospel Media hoặc thư viện Gospel Media (medialibrary.ChurchofJesusChrist.org).
-
“Xin tạ ơn Thượng Đế cho món quà độc nhất vô nhị của Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài.”Chúng ta nhận được các món quà nào nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô? Có lẽ mọi người trong gia đình có thể tìm câu trả lời trong “Đấng Ky Tô Hằng Sống” và rồi gói những món đồ tượng trưng cho các món quà đó từ Đấng Cứu Rỗi. Gia đình anh chị em có thể mở các món quà vào ngày Giáng Sinh hoặc trong tuần đó và đọc các câu thánh thư liên quan đến từng món quà. Đây là một số câu thánh thư phù hợp, dù vậy gia đình anh chị em có thể tìm ra nhiều câu khác: Lu Ca 2:10–14; 1 Phi E Rơ 2:21; Mô Si A 3:8; An Ma 11:42–43; Giáo Lý và Giao Ước 18:10–12. Anh chị em cũng có thể hát một bài về Đấng Cứu Rỗi, như là “Chúa Là Sự Sáng của Tôi” (Hymns, bài số 89), để tìm những ân tứ khác đến từ Ngài.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Hỡi Môn Đồ Trung Tín,” Hymns, bài số 202.