Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 22–28 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 135–136: “Ông ‘Cũng Đóng Ấn Nhiệm Vụ và Công Nghiệp của Mình với Chính Máu của Ông’”


“Ngày 22–28 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 135–136: ‘Ông “Cũng Đóng Ấn Nhiệm Vụ và Công Nghiệp của Mình với Chính Máu của Ông,”’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 22–28 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 135–136,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
bên ngoài Ngục Thất Carthage

Ngục Thất Carthage

Ngày 22–28 tháng Mười Một

Giáo Lý và Giao Ước 135–136

Ông “Cũng Đóng Ấn Nhiệm Vụ và Công Nghiệp của Mình với Chính Máu của Ông”

Trong khi học tập Giáo Lý và Giao Ước 135–136, Chúa có thể gợi cho anh chị em có những sự hiểu biết sâu sắc để giúp anh chị em áp dụng điều đã đọc. Khi điều đó xảy ra, hãy viết xuống điều mà Ngài dạy cho anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Vào chiều ngày 27 tháng Sáu, năm 1844, Joseph và Hyrum Smith lại bị giam trong ngục, cùng với John Taylor và Willard Richards. Họ tin rằng họ không hề phạm một tội ác nào, nhưng họ đã chịu bị bắt, với hy vọng ngăn chặn bạo lực xảy đến với Các Thánh Hữu tại Nauvoo. Đây không phải là lần đầu tiên mà những kẻ thù của Giáo Hội bắt Tiên Tri Joseph vào ngục, nhưng lần này ông dường như biết rằng ông sẽ không sống sót quay về. Ông và bạn bè mình cố gắng an ủi nhau bằng cách đọc Sách Mặc Môn và hát thánh ca. Rồi họ nghe tiếng súng, và trong vòng vài phút mạng sống của Joseph Smith và anh trai Hyrum của ông bị tước đoạt.

Và mặc dù vậy, điều đó không phải là chấm dứt chính nghĩa thiêng liêng mà họ hết lòng theo đuổi. Nó cũng không chấm dứt Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Có thêm nhiều công việc để làm và thêm nhiều sự mặc khải mà sẽ dẫn dắt Giáo Hội tiến lên. Việc giết chết Vị Tiên Tri không thể giết chết công việc của Thượng Đế.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 135; 136:37–39

Joseph và Hyrum Smith đã đóng ấn chứng ngôn của họ bằng máu.

Hãy tưởng tượng anh chị em sẽ cảm thấy ra sao nếu sống tại Nauvoo vào lúc Joseph và Hyrum Smith bị giết chết. Anh chị em sẽ cố lý giải sự kiện bi thảm này như thế nào? Giáo Lý và Giao Ước 135, được xuất bản lần đầu tiên trong thời gian chưa đầy ba tháng sau sự tuẫn đạo, có thể giúp ích. Anh chị em có thể đánh dấu những từ và cụm từ mà sẽ mang đến sự hiểu biết và sự an tâm. Anh chị em sẽ nói gì với một người mà hỏi rằng: “Tại sao Thượng Đế để cho Vị Tiên Tri của Ngài bị giết chết?”

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 5:21–22; 6:29–30; Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, trang 560–561, 567–579; M. Russell Ballard, “Lẽ Nào Chúng Ta Không Tiếp Tục Chính Nghĩa Cao Quý Như Vậy?Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 8–11.

Giáo Lý và Giao Ước 135:3

Joseph Smith đã làm nhiều điều cho sự cứu rỗi của chúng ta hơn bất cứ một người nào khác ngoại trừ Chúa Giê Su Ky Tô.

Hãy nghĩ về các phước lành đến với anh chị em với tư cách là một tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Có bao nhiêu phước lành trong số đó là kết quả từ sứ mệnh mà Tiên Tri Joseph Smith đã hoàn thành? Giáo Lý và Giao Ước 135:3 kể ra một số những công việc vĩ đại mà Joseph Smith đã thực hiện trong 24 năm kể từ Khải Tượng Thứ Nhất. Những điều này tác động như thế nào đến mối quan hệ của anh chị em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? Hãy nghĩ về việc ghi lại chứng ngôn của anh chị em về Tiên Tri Joseph Smith. Ai có thể cần nghe chứng ngôn của anh chị em?

Giáo Lý và Giao Ước 136

Chúa ban cho tôi lời khuyên trong “những chuyến hành trình” của tôi trong cuộc đời.

Sau khi bị đuổi khỏi Nauvoo, Các Thánh Hữu đối mặt với một cuộc hành trình dài đến Thung Lũng Salt Lake, và vài trăm dặm đầu tiên thật chậm chạp và đau khổ. Brigham Young, lúc bấy giờ là người lãnh đạo Giáo Hội với tư cách là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã lo lắng về việc làm thế nào để Các Thánh Hữu sẽ sống sót trong chặng đường còn lại của chuyến đi. Ông thiết lập một khu định cư tạm thời được gọi là Chung Cư Mùa Đông (Khu Tạm Trú Mùa Đông) và khẩn xin sự hướng dẫn. Để đáp lại, Chúa đã ban cho ông một điều mặc khải, giờ đây là tiết 136. Ngoài những điều khác, điều mặc khải này nhắc nhở Các Thánh Hữu “rằng tư cách đạo đức của họ trong cuộc hành trình thì cũng quan trọng như đích đến của họ” và “đã biến cuộc di cư về phía tây từ một việc không may thành một kinh nghiệm thuộc linh chung quan trọng” (“This Shall Be Our Covenant,” Revelations in Context, trang 308).

Hãy nhớ bối cảnh này trong khi anh chị em nghiên cứu tiết 136. Anh chị em tìm được lời khuyên nhủ nào mà có thể giúp biến một thử thách khó khăn trong cuộc sống của mình thành “một kinh nghiệm thuộc linh … quan trọng”? Anh chị em cũng có thể suy ngẫm về cách mà lời khuyên này có thể giúp bản thân thực hiện được ước muốn của Chúa trong cuộc sống của chính mình, giống như nó đã giúp Các Thánh Hữu thời kỳ đầu vượt qua cuộc hành trình khó khăn đến miền Tây.

Hình Ảnh
Khu Chung Cư Mùa Đông

Winter Quarters (Khu Chung Cư Mùa Đông), tranh do Greg Olsen họa

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 135:1, 3.Để giúp mọi người trong gia đình hiểu được ý nghĩa của việc Joseph Smith “đã đóng ấn nhiệm vụ và công nghiệp của mình với chính máu của ông,” gia đình anh chị em có thể cùng nhau đọc bài nói chuyện của Anh Cả Jeffrey R. Holland, “Sự An Toàn cho Linh Hồn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 88–90. Điều gì trong các câu này gây ấn tượng với chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên trung thành hơn với chứng ngôn của mình, ngay cả khi chúng ta không bị đòi hỏi phải hy sinh mạng sống vì điều đó?

Giáo Lý và Giao Ước 135:3.Để thảo luận ý nghĩa của câu nói rằng Joseph Smith đã “làm nhiều cho sự cứu rỗi loài người trên thế gian hơn bất cứ một người nào khác … ngoại trừ Chúa Giê Su,” hãy nghĩ về việc xem lại những điều mà gia đình anh chị em đã học về Joseph Smith trong năm nay. Anh chị em có thể sử dụng các bức tranh từ sách tài liệu này để giúp họ nhớ được điều họ đã học và mời họ chia sẻ những câu chuyện hoặc lời giảng dạy yêu thích nhất của họ. Tại sao chúng ta biết ơn Tiên Tri Joseph Smith và những điều mà Chúa đã thực hiện qua ông? Anh chị em cũng có thể xem video “Joseph Smith: Vị Tiên Tri của Sự Phục Hồi” (ChurchofJesusChrist.org).

Giáo Lý và Giao Ước 136.Khi Chúa mặc khải tiết 136, Các Thánh Hữu đã bước vào cuộc hành trình dài đầy khó khăn phía trước, dưới sự hướng dẫn của Brigham Young (xin xem các chương 5860, và 62 trong Các Câu Chuyện trong Sách Giáo Lý và Giao Ước, trang 209–211, 215–217, 224–229). Trong khi anh chị em cùng nhau đọc tiết 136, hãy nghĩ về những khó khăn mà gia đình mình có thể gặp phải. Chúng ta tìm được lời khuyên nào trong điều mặc khải này mà có thể giúp chúng ta tiếp cận được sự giúp đỡ và quyền năng của Chúa?

Giáo Lý và Giao Ước 136:4.“Sống theo tất cả giáo lễ của Chúa” có nghĩa là gì? Làm thế nào mà những giáo lễ chúng ta đã nhận được ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 50.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm tình yêu thương của Thượng Đế. Chủ Tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Phúc âm [này] là phúc âm của tình yêu thương—tình yêu thương dành cho Thượng Đế và tình yêu thương dành cho nhau” (“God’s Love for His Children,” Ensign, tháng Năm năm 1988, trang 59). Trong khi anh chị em đọc thánh thư, hãy nghĩ đến việc ghi chú hoặc đánh dấu những từ và cụm từ cho thấy bằng chứng về tình yêu thương của Thượng Đế.

Hình Ảnh
đám đông khủng bố tại Ngục Thất Carthage tấn công Joseph Smith và những người khác

Greater Love Hath No Man (Chẳng Có Sự Yêu Thương Nào Lớn Hơn), tranh do Casey Childs họa

In