Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 1–7 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 125–128: “Một Tiếng Nói Hoan Hỷ cho Người Sống và Người Chết”


“Ngày 1–7 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 125–128: ‘Một Tiếng Nói Hoan Hỷ cho Người Sống và Người Chết,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 1–7 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 125–128,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
gia đình với tổ tiên trong thế giới linh hồn

Us with Them and Them with Us (Chúng Ta với Họ và Họ với Chúng Ta), tranh do Caitlin Connolly họa

Ngày 1–7 tháng Mười Một

Giáo Lý và Giao Ước 125–128

“Một Tiếng Nói Hoan Hỷ cho Người Sống và Người Chết”

Hãy nhớ ghi lại những cảm nghĩ của anh chị em trong khi nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 125–128 để anh chị em có thể nhớ được chúng và chia sẻ với những người khác.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Trong tháng Tám năm 1840, Jane Neyman, một người phụ nữ đang đau buồn, đã lắng nghe Tiên Tri Joseph Smith phát biểu tại đám tang người bạn của ông tên là Seymour Brunson. Chính Cyrus, cậu con trai ở tuổi thiếu niên của Jane cũng vừa mới qua đời. Điều làm bà thêm đau buồn là Cyrus chưa bao giờ được làm phép báp têm, và Jane lo sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến linh hồn vĩnh cửu của nó. Joseph biết bà đã cảm thấy như thế nào; ông đã suy ngẫm điều tương tự về anh trai yêu dấu Alvin của mình, là người cũng đã chết trước khi chịu phép báp têm. Vì thế Vị Tiên Tri quyết định chia sẻ với Jane, và tất cả những người khác tại tang lễ, về điều mà Chúa đã tiết lộ cho ông về những người đã chết mà không nhận được các giáo lễ của phúc âm—và công việc mà chúng ta có thể làm để giúp họ.

Giáo lý về phép báp têm cho người chết đã làm Các Thánh Hữu rất xúc động; những ý nghĩ của họ ngay lập tức hướng về cha mẹ, ông bà, và những người đã khuất khác trong gia đình. Giờ đây đã có hy vọng cho họ! Joseph đã chia sẻ với niềm hoan hỷ của họ, và ông đã dùng ngôn ngữ hân hoan, phấn khởi để biểu lộ điều Chúa đã dạy cho ông về sự cứu rỗi của người chết: “Các núi hãy reo mừng, và mọi thung lũng hãy reo to lên; và tất cả biển cả và đất liền, các ngươi hãy kể lại những sự kỳ diệu của Đức Vua Vĩnh Cửu của các ngươi!” (Giáo Lý và Giao Ước 128:23).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 126

Chúa muốn tôi chăm sóc gia đình của tôi.

Sau khi trở về nhà từ công việc truyền giáo mới nhất trong nhiều giáo vụ tại Anh Quốc, Brigham Young đã nhận được một sự kêu gọi quan trọng khác từ Chúa—để “đặc biệt chăm sóc gia đình của [ông]” (câu 3), vốn đã chịu khổ sở trong lúc ông vắng mặt. Trong khi anh chị em suy ngẫm làm thế nào mà điều này và những lời khuyên khác trong tiết 126 áp dụng cho bản thân, hãy nghĩ về những lời này từ Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson, nguyên Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ:

“Hãy nhớ rằng một số nhu cầu lớn nhất có thể là các nhu cầu ở ngay trước mặt mình. Hãy bắt đầu phục vụ trong nhà của mình và [cho những người] trong gia đình của mình. Đây là những mối quan hệ mà có thể tồn tại vĩnh cửu. Thậm chí nếu—và có lẽ đặc biệt nhất là nếu—hoàn cảnh gia đình của mình chưa hoàn hảo, thì các anh chị em có thể tìm cách phục vụ, nâng đỡ và củng cố. Hãy bắt đầu ở nơi các anh chị em đang ở, yêu thương con người thật của họ, và chuẩn bị cho gia đình mà các anh chị em muốn có trong tương lai” (“Các Nhu Cầu trước mặt Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 27).

Giáo Lý và Giao Ước 127:2–4

Chúa biết những niềm vui và nỗi buồn của tôi.

Những cáo buộc sai trái và lời đe dọa bắt giữ đã một lần nữa buộc Joseph Smith phải bỏ trốn vào tháng Tám năm 1842. Và mặc dù vậy những lời ông viết cho Các Thánh Hữu trong thời gian này (bây giờ là Giáo Lý và Giao Ước 127) lại tràn đầy lạc quan và niềm vui. Các câu 2–4 dạy anh chị em điều gì về Thượng Đế? Về cách mà anh chị em có thể đối mặt với những thử thách cá nhân?

Hãy nghĩ về việc ghi lại cách Chúa đang nâng đỡ anh chị em trong vực “nước sâu” của cuộc đời mình.

Giáo Lý và Giao Ước 127:5–8; 128:1–8

“Bất cứ những gì các ngươi ghi chép dưới thế gian cũng sẽ được ghi chép trên trời.”

Trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 127:5–8; 128:1–8, hãy tìm những lý do tại sao Chúa ban cho Joseph Smith những chỉ dẫn cụ thể đến thế về việc ghi chép lại các phép báp têm cho người chết. Các lý do này dạy cho anh chị em điều gì về Chúa và công việc của Ngài?

Hình Ảnh
em thiếu niên với các tấm thẻ tên gia đình

Việc phục vụ trong đền thờ cho tổ tiên của chúng ta sẽ gắn kết tấm lòng chúng ta với họ.

Giáo Lý và Giao Ước 128:5–25

Sự cứu rỗi của tổ tiên tôi là thiết yếu cho sự cứu rỗi của tôi.

Sự mặc khải Thượng Đế đã tiết lộ qua Joseph Smith nêu rõ lý do tại sao tổ tiên chúng ta mà chưa được làm phép báp têm trong cuộc sống này cần sự giúp đỡ của chúng ta cho sự cứu rỗi của họ. Nhưng anh chị em nghĩ tại sao sự cứu rỗi của tổ tiên chúng ta lại “cần thiết và thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta”? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 128:15–18; chữ nghiêng được thêm vào).

Câu 5 dạy rằng giáo lễ báp têm cho người chết đã được “chuẩn bị trước khi thế gian được tạo dựng.” Lẽ thật này giảng dạy cho anh chị em điều gì về Thượng Đế và kế hoạch của Ngài? Sứ điệp của Chủ Tịch Henry B. Eyring “Quy Tụ Gia Đình của Thượng Đế” bổ sung điều gì vào sự hiểu biết của anh chị em? (Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 19–22).

Joseph Smith đã sử dụng các cụm từ như “quyền năng ràng buộc,” “mối dây ràng buộc,” và “sự nối liền toàn hảo” khi giảng dạy về các giáo lễ chức tư tế và phép báp têm cho người chết. Hãy tìm những cụm từ này và những cụm từ tương tự trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 128:5–25. Một số trong những điều mà, qua Chúa Giê Su Ky Tô, có thể được ràng buộc với nhau nhờ các giáo lễ chức tư tế cho người chết là gì? Tại sao “bạo dạn” là một từ hay để mô tả giáo lý cứu rỗi cho người chết? (xin xem các câu 9–11).

Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về những lời của Joseph Smith trong các câu 19–25? Những câu này ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em cảm nhận về sự phục vụ trong đền thờ cho tổ tiên của mình? về Chúa Giê Su Ky Tô? Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm gì? (xin xem FamilySearch.org/discovery để có ý tưởng).

Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 15:29; Dale G. Renlund, “Lịch Sử Gia Đình và Công Việc Đền Thờ: Sự Gắn Bó và Chữa Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 46–49.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 126.Việc đọc lời khuyên nhủ này dành cho Brigham Young có thể soi dẫn cho gia đình anh chị em để nói về cách anh chị em có thể dành nhiều thời gian hơn để “đặc biệt chăm sóc” (câu 3) lẫn nhau.

Giáo Lý và Giao Ước 128:15–18.Một số phước lành cứu rỗi và làm toàn hảo của công việc lịch sử gia đình là gì?

Giáo Lý và Giao Ước 128:18.Hãy nghĩ đến việc làm một chuỗi các móc xích bằng giấy với tên của mọi người trong gia đình và tên các tổ tiên trên mỗi mắt xích để cho thấy cách lịch sử gia đình và công việc đền thờ tạo ra một “mối dây ràng buộc” kết nối chúng ta với tổ tiên của mình. Có lẽ anh chị em có thể tìm kiếm trên FamilySearch.org để tìm thêm các thành viên trong gia đình và xem chuỗi móc xích của mình kéo dài ra sao.

Giáo Lý và Giao Ước 128:19–23.Có lẽ những thành viên gia đình có thể tìm trong các câu này những từ cho thấy niềm phấn khởi của Joseph Smith về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu rỗi cho người chết. Mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà đã làm cho họ cũng phấn khởi về công việc này—hoặc anh chị em có thể cùng nhau tìm những kinh nghiệm như vậy trong FamilySearch.org/discovery.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Hình Ảnh
biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Phép Báp Têm cho Người Chết, “một Đề Tài Mới và Vinh Quang”

Hình Ảnh
bản phác thảo hồ báp têm trong Đền Thờ Nauvoo

Bản phác thảo này cho thấy hồ báp têm trong Đền Thờ Nauvoo được đặt trên mười hai con bò.

Phebe và Wilford Woodruff

Phebe Woodruff đang sống gần Nauvoo khi Joseph Smith bắt đầu giảng dạy về phép báp têm cho người chết. Bà đã viết về điều đó cho chồng của mình, Wilford, người đang phục vụ truyền giáo tại Anh Quốc:

“Anh Joseph … đã biết được qua sự mặc khải rằng những người trong giáo hội này có thể chịu phép báp têm cho bất kỳ họ hàng nào của họ mà đã chết và không có đặc ân để nghe về phúc âm này, kể cả cho con cái, cha mẹ, anh chị em, ông bà, cô dì chú bác của họ. … Ngay khi họ chịu phép báp têm thay cho những người đã chết thì những người này được giải thoát khỏi sự giam cầm và đến ngày phục sinh thì họ có thể được nhận vào vương quốc thiên thượng—giáo lý này được các tín hữu đón nhận nồng nhiệt và đông đảo họ đã tiến hành thực hiện, một số người chịu phép báp têm làm thay đến những 16 lần … trong một ngày.”1

Wilford Woodruff sau đó đã nói về nguyên tắc này: “Khoảnh khắc tôi nghe về việc báp têm cho người chết, linh hồn tôi nhảy cẫng lên vui sướng. … Tôi đã tiến hành thực hiện nguyên tắc đó và chịu phép báp têm cho tất cả những họ hàng đã chết mà tôi có thể nghĩ đến. … Tôi cảm thấy như reo lên ha lê lu gia khi sự mặc khải đến tiết lộ cho chúng ta về phép báp têm cho người chết. Tôi cảm thấy chúng ta nên vui mừng nhờ các phước lành của Thiên Thượng.”2

Vilate Kimball

Giống như Chị Woodruff, Vilate Kimball đã nghe về phép báp têm cho người chết trong khi chồng bà, Heber, đang đi thuyết giảng phúc âm ở xa. Bà đã viết cho ông:

“Chủ Tịch Smith đã nói về một đề tài mới và vinh quang … mà đã làm cho khá nhiều người có đức tin lớn lao hơn trong giáo hội. Đó là việc chịu phép báp têm thay cho người chết. Phao Lô nói về điều đó trong sách 1 Cô Rinh Tô, Chương 15, câu 29. Joseph đã nhận được một lời giải thích đầy đủ hơn về điều này qua Sự Mặc Khải. … Đó là đặc ân của Giáo Hội này để được chịu phép báp têm cho tất cả tổ tiên của họ mà đã chết trước khi phúc âm này được mặc khải; kể cả cho ông bà cố của họ. … Khi làm như vậy, chúng ta hành động thay cho họ; và mang đến cho họ đặc ân để được bước ra trong lần phục sinh đầu tiên. Ông nói rằng những người chết sẽ có Phúc Âm được thuyết giảng cho họ … nhưng không thể nào làm phép báp têm cho các linh hồn. … Kể từ khi nghi lễ này đã được thuyết giảng ở đây, vùng nước liên tục có người đến thực hiện giáo lễ. Trong đại hội, đôi khi có từ tám đến mười Anh Cả trên sông cùng lúc làm phép báp têm. … Em muốn được chịu phép báp têm thay cho Mẹ em. Em tính chờ cho đến lúc anh về nhà, nhưng lần cuối cùng Joseph nói về đề tài này, ông khuyên mỗi người hãy mạnh dạn tiến hành thực hiện, để giải thoát những người thân của họ khỏi xiềng xích trói buộc càng sớm càng tốt. Vì thế em nghĩ em sẽ thực hiện vào tuần này, trong lúc có nhiều người xung quanh đang thực hiện công việc đó. Một số người đã chịu phép báp têm [làm thay] nhiều lần. … Vậy nên anh thấy đó, tất cả mọi người đều có cơ hội. Đó không phải là một giáo lý vinh quang sao?”3

Phebe Chase

Một khi hồ báp têm được hoàn tất trong Đền Thờ Nauvoo, các lễ báp têm cho người chết được thực hiện ở đó thay vì trên sông. Phebe Chase, một người dân ở Nauvoo, đã viết cho mẹ của mình về đền thờ, mô tả hồ báp têm là nơi mà “chúng ta có thể chịu phép báp têm cho những người đã chết của mình và trở thành những người cứu rỗi trên Núi Si Ôn.” Bà tiếp tục giải thích rằng trong hồ này: “Con đã chịu phép báp têm thay cho cha yêu quý của con và cho tất cả những người thân yêu đã chết của con. … Giờ đây con muốn biết tên của cha và mẹ của mẹ để con có thể giải thoát cho họ, bởi vì con mong muốn giúp đỡ những người đã chết. … Chúa đã cất tiếng của Ngài một lần nữa và phục hồi nghi lễ thời xưa này.”4

Sally Randall

Trong lá thư viết cho bạn bè và gia đình mình về phép báp têm cho người chết, Sally Randall nhớ lại cái chết của con trai George của bà:

“Ôi đó là một thời gian đầy khó khăn đối với tôi biết bao và dường như tôi không thể được xoa dịu sau mất mát đó, nhưng … cha của thằng bé đã chịu phép báp têm cho nó và thật là một điều đầy vinh quang khi chúng tôi tin và nhận được sự trọn vẹn của phúc âm như nó đang được thuyết giảng bây giờ và có thể được làm phép báp têm cho tất cả những người thân đã chết và cứu được càng nhiều tổ tiên đã chết càng tốt khi chúng tôi biết bất kỳ thông tin nào về họ.

“Tôi muốn anh chị viết cho tôi tên của tất cả những người họ hàng của chúng ta mà đã chết, cho đến đời ông bà càng xa càng tốt nếu được. Tôi dự định làm điều tôi có thể làm để cứu người thân của mình và tôi sẽ rất vui mừng nếu một số anh chị có thể đến và giúp tôi bởi vì đây là một công việc quá lớn lao cho một người để làm một mình. … Tôi biết anh chị sẽ nghĩ đây là một giáo lý lạ lùng nhưng mong anh chị em thấy nó đúng đắn.”5

Ghi Chú

  1. Thư của Phebe Woodruff gửi cho Wilford Woodruff, ngày 6 tháng Mười, năm 1840, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa.

  2. Wilford Woodruff, “Remarks,” Deseret News, ngày 27 tháng Năm, năm 1857, trang 91; dấu câu đã được hiện đại hóa.

  3. Thư của Vilate Kimball gửi cho Heber C. Kimball, ngày 11 tháng Mười, năm 1840, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa.

  4. Thư của Phebe Chase, không đề ngày, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa. Khi Các Thánh Hữu mới bắt đầu thực hiện phép báp têm cho người chết, mỗi người đôi khi được làm phép báp têm thay cho các tổ tiên của cả hai giới tính. Sự mặc khải sau này tiết lộ rằng người nam nên chịu phép báp têm cho người nam và người nữ cho người nữ.

  5. Thư của Sally Randall, ngày 21 tháng Tư, năm 1844, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City; chính tả và dấu câu đã được hiện đại hóa.

Hình Ảnh
hồ báp têm trong Đền Thờ Ogden Utah

Hồ báp têm trong Đền Thờ Ogden Utah được đặt trên lưng mười hai bức tượng con bò.

In