Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 8–14 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 129–132: “Khi Chúng Ta Nhận Được Bất Cứ Một Phước Lành Nào từ Thượng Đế, thì Đó Là [nhờ Sự Vâng Lời]”


“Ngày 8–14 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 129–132: ‘Khi Chúng Ta Nhận Được Bất Cứ Một Phước Lành Nào từ Thượng Đế, thì Đó Là [nhờ Sự Vâng Lời],’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 8–14 tháng Mười Một. Giáo Lý và Giao Ước 129–132,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Hình Ảnh
Joseph Smith giảng dạy tại Nauvoo

Joseph Smith in Nauvoo, 1840 (Joseph Smith tại Nauvoo, năm 1840), tranh do Theodore Gorka họa

Ngày 8–14 tháng Mười Một

Giáo Lý và Giao Ước 129–132

“Khi Chúng Ta Nhận Được Bất Cứ Một Phước Lành Nào từ Thượng Đế, thì Đó Là [nhờ Sự Vâng Lời]”

Các tiết 129–132 dạy nhiều nguyên tắc quý báu, nhưng chỉ có một số các nguyên tắc đó được nêu ra trong đại cương này. Anh chị em tìm thấy các lẽ thật nào khác?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Brigham Young đã từng nói về Joseph Smith rằng: “Ông có thể giải thích những sự việc thiêng liêng cho những người trần thế hiểu” (trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith,, trang 536). Điều này dường như đặc biệt đúng với những lời giảng dạy của Vị Tiên Tri tại Nauvoo vào những năm 1840, một vài điều đó được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 129–132. Đấng Cứu Rỗi trông ra sao? “Ngài là một người như chúng ta vậy.” Thiên thượng thì như thế nào? “Cùng cái xã hội tính mà tồn tại ở giữa chúng ta ở đây sẽ tồn tại ở giữa chúng ta ở trên đó” (Giáo Lý và Giao Ước 130:1–2), và các mối quan hệ gia đình quý giá nhất của chúng ta trên thế gian này, nếu đã được gắn bó với nhau bởi thẩm quyền chức tư tế đúng, “sẽ có đầy đủ hiệu lực” trong cuộc sống kế tiếp (Giáo Lý và Giao Ước 132:19). Những lẽ thật này có thể giúp thiên thượng trở nên gần hơn—đầy vinh quang, nhưng cũng trong tầm với.

Nhưng rồi, đôi khi Thượng Đế đòi hỏi chúng ta làm những việc vô cùng khó khăn đến nỗi chúng dường như không thể chạm tới được. Đối với nhiều Thánh Hữu thời kỳ đầu, đa hôn là một lệnh truyền như vậy. Lệnh truyền phải có nhiều vợ là một thử thách đức tin đầy khó khăn đối với Joseph Smith, vợ của ông - Emma, và hầu hết những người nhận được nó. Để vượt qua được thử thách này, họ cần nhiều hơn là chỉ những cảm nghĩ dễ chịu về phúc âm phục hồi; họ cần đức tin vào Thượng Đế mà mãnh liệt hơn bất kỳ mong muốn hoặc thành kiến nào của cá nhân. Lệnh truyền đó không còn có hiệu lực ngày nay, nhưng tấm gương trung tín của những người đã tuân giữ nó thì vẫn còn. Và tấm gương đó soi dẫn cho chúng ta khi chúng ta được đòi hỏi để thực hiện “những hy sinh của [chính mình] trong sự vâng theo” (Giáo Lý và Giao Ước 132:50).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 130–131

Joseph Smith đã tiết lộ những lẽ thật về Thiên Chủ Đoàn và “thế giới mai sau.”

Anh chị em có thể lưu ý rằng các tiết 130–131 hơi khác biệt với những tiết khác trong sách Giáo Lý và Giao Ước. Đó là bởi vì các tiết 130–131 được dựa trên những ghi chú mà William Clayton, một trong các thư ký của Joseph Smith, đã lưu lại về những điều ông nghe Vị Tiên Tri giảng dạy. Kết quả là, những tiết này giống như một tập hợp các lẽ thật hơn là những điều mặc khải mạch lạc mà được đọc cho ghi lại. Mặc dù vậy, vẫn có một số chủ đề chung giữa nhiều lẽ thật này. Ví dụ, anh chị em có thể đọc các tiết 130–131 với các câu hỏi như sau trong tâm trí: Tôi học được điều gì về Thượng Đế? Tôi học được điều gì về cuộc sống sau trần thế? Sự hiểu biết này ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào?

Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; 132:7, 13–25

Cha Thiên Thượng giúp cho các gia đình có thể được sống với nhau suốt thời vĩnh cửu.

Một trong những lẽ thật đầy an ủi nhất mà đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith là các mối quan hệ hôn nhân và gia đình có thể tồn tại mãi mãi. Qua Joseph Smith, Chúa đã phục hồi các giáo lễ và thẩm quyền cần thiết để giúp các mối quan hệ này vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7, 18–19). Hãy nghĩ về các mối quan hệ gia đình mà anh chị em có hoặc hy vọng có được trong tương lai trong khi đọc Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; 132:7, 13–15. Các câu này ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em nghĩ về các mối quan hệ này?

Tuy nhiên, đôi khi, nguyên tắc về gia đình vĩnh cửu lại không thật sự an ủi—nó có thể mang lại nỗi lo lắng, thậm chí buồn rầu, khi mà tình trạng hiện tại của gia đình chúng ta không phù hợp với lý tưởng thượng thiên. Khi Chủ Tịch Henry B. Eyring lo lắng về một tình trạng tương tự trong gia đình của chính mình, ông đã nhận được lời khuyên khôn ngoan này từ một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Anh cứ sống xứng đáng với vương quốc thượng thiên, rồi những dàn xếp trong gia đình sẽ tuyệt vời hơn anh có thể tưởng tượng được” (trong “Ngôi Nhà Nơi Thánh Linh của Chúa Ngự,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 25). Làm thế nào việc tuân theo lời khuyên này có thể ban phước cho anh chị em trong tình trạng hiện tại của gia đình mình?

Hình Ảnh
người đàn ông và người phụ nữ ở bên ngoài Đền Thờ Accra Ghana

Các mối quan hệ gia đình có thể tồn tại vĩnh cửu qua các giáo lễ đền thờ.

Giáo Lý và Giao Ước 132:1–2, 29–40

Tục đa thê được Thượng Đế chấp nhận chỉ khi nào Ngài truyền lệnh làm như vậy.

Bất kỳ ai đã đọc Kinh Cựu Ước có lẽ từng thắc mắc về việc Áp Ra Ham, Gia Cốp, Môi Se, và những người khác lấy nhiều vợ. Có phải những người đàn ông ngay chính này phạm tội tà dâm không? Hay là Thượng Đế chấp thuận những hành động của họ? Hãy tìm những câu trả lời trong Giáo Lý và Giao Ước 132:1–2, 29–40.

Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là tiêu chuẩn về hôn nhân của Thượng Đế (xin xem tiêu đề tiết của Tuyên Ngôn Chính Thức 1; xin xem thêm Gia Cốp 2:27, 30). Tuy nhiên, có những thời kỳ trong lịch sử khi mà Thượng Đế truyền lệnh cho con cái Ngài thực hành tục đa hôn.

Những năm đầu khi Giáo Hội được phục hồi là một trong những thời kỳ ngoại lệ đó. Sau khi nhận được lệnh truyền này, Joseph Smith và Các Thánh Hữu Ngày Sau khác đã thực hành tục đa hôn. Nếu anh chị em muốn biết thêm về tục đa hôn của Các Thánh Hữu Ngày Sau thời kỳ đầu, xin xem “Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi” ở cuối đại cương này.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 130:2, 18–19; 132:13, 19.Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng những câu này để giúp gia đình mình biết ưu tiên cho những điều tồn tại vĩnh cửu? Có lẽ anh chị em có thể cho vào một cái va li hoặc ba lô những vật dụng tượng trưng cho những gì mà theo Giáo Lý và Giao Ước 130:2, 18–19; 132:19, thì chúng ta có thể mang cùng với mình đến cuộc sống mai sau, như là hình ảnh gia đình hoặc thánh thư. Giáo Lý và Giao Ước 132:13 dạy cho chúng ta điều gì về những vật của thế gian? Câu này có thể dẫn tới một cuộc thảo luận tập trung vào những thứ có ý nghĩa vĩnh cửu.

Giáo Lý và Giao Ước 130:20–21.Anh chị em có thể hát một bài về lòng biết ơn, như là “Đếm Các Phước Lành” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 8), và lập một bản liệt kê các phước lành mà gia đình anh chị em đã nhận được nhờ tuân giữ các luật pháp của Thượng Đế. Chúng ta hy vọng nhận được những phước lành nào? Làm thế nào chúng ta có thể nhận được các phước lành đó?

Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; 132:15–19. Chúa cảm thấy như thế nào về hôn nhân? Làm thế nào để chúng ta—dù đã kết hôn hay còn độc thân—chuẩn bị để có một cuộc hôn nhân vĩnh cửu?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Giờ Có Mến Yêu Trong Nhà Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 44.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm các lẽ thật phúc âm. Đôi khi các lẽ thật phúc âm được đề cập đến một cách rõ ràng; và đôi khi chúng được ngụ ý qua một ví dụ hoặc câu chuyện. Trong khi đọc, anh chị em hãy tự hỏi: “Lẽ thật vĩnh cửu nào được giảng dạy trong những câu này?”

Hình Ảnh
phòng làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Paris France

Một căn phòng làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Paris France.

In