Giáo Lý và Giao Ước năm 2021
Ngày 25–31 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 124: “Một Ngôi Nhà cho Danh Ta”


“Ngày 25–31 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 124: ‘Một Ngôi Nhà cho Danh Ta,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)

“Ngày 25–31 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 124,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021

Nauvoo

Nauvoo the Beautiful (Nauvoo Tuyệt Đẹp), tranh do Larry Winborg họa

Ngày 25–31 tháng Mười

Giáo Lý và Giao Ước 124

“Một Ngôi Nhà cho Danh Ta”

Khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 124, hãy suy ngẫm những phước lành mà Chúa đã mời Các Thánh Hữu tại Nauvoo nhận lấy và những phước lành mà Ngài muốn ban cho anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Sau sáu năm đầy khó khăn đối với Các Thánh Hữu, mọi việc bắt đầu cải thiện trong mùa xuân năm 1839: Các Thánh Hữu tị nạn đã tìm được sự cảm thông từ những cư dân thành phố Quincy, Illinois. Những người cai tù đã cho phép Tiên Tri Joseph Smith và các lãnh đạo khác của Giáo Hội vượt ngục tại Missouri. Và Giáo Hội mới vừa mua được đất tại Illinois làm nơi cho Các Thánh Hữu có thể quy tụ lần nữa. Tuy nhiên, đây là một vùng đất đầm lầy, với đầy muỗi, nhưng so với những thử thách mà Các Thánh Hữu đã phải trải qua, thì việc này dường như có thể xoay sở được. Vì thế họ đã rút cạn nước đầm lầy và thảo ra một bản hiến chương cho một thành phố mới, được họ đặt tên là Nauvoo. Nó có nghĩa là “xinh đẹp” trong tiếng Hê Bơ Rơ, tuy đây là một biểu hiện của đức tin nhiều hơn là một sự mô tả chính xác, ít nhất vào lúc ban đầu. Trong khi đó, Chúa đã ban cho Vị Tiên Tri của Ngài một cảm giác gấp rút. Ngài có nhiều lẽ thật và các giáo lễ hơn cần được phục hồi, và Ngài cần một đền thờ thánh làm nơi cho Các Thánh Hữu tiếp nhận chúng. Trong nhiều phương diện, những cảm nghĩ của đức tin và sự gấp rút giống như vậy vẫn còn quan trọng trong công việc của Chúa ngày nay.

Nauvoo quả thật đã trở thành một thành phố xinh đẹp với một đền thờ tuyệt vời, nhưng cả hai cuối cùng đều bị bỏ lại. Tuy nhiên công việc thật sự đẹp đẽ của Chúa luôn luôn là để “đội mão triều thiên [cho anh chị em] bằng vinh hiển, sự bất diệt, và cuộc sống vĩnh cửu” (Giáo Lý và Giao Ước 124:55), và công việc đó không bao giờ dừng lại.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giáo Lý và Giao Ước 124:12–21

Tôi có thể là một môn đồ mà Chúa tin cậy.

Mặc dù một vài lãnh đạo lỗi lạc đã rời bỏ Giáo Hội vào cuối những năm 1830, nhưng phần lớn các tín hữu vẫn trung tín. Các Thánh Hữu trung tín này gồm có những người đã kiên trì chịu đựng những thử thách tại Missouri cũng như những người mới vừa gia nhập Giáo Hội. Trong Giáo Lý và Giao Ước 124:12–21, Chúa tuyên dương một vài người trong số họ. Anh chị em tìm thấy trong những lời của Ngài những sự hiểu biết sâu sắc nào về vai trò môn đồ? Có điều nào đó về Các Thánh Hữu trung tín này mà soi dẫn cho anh chị em trở nên giống như họ không? Anh chị em cũng có thể suy ngẫm về cách Chúa bày tỏ tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em.

Giáo Lý và Giao Ước 124:22–24, 60–61

Chúa muốn tôi vui mừng đón nhận những người khác.

Khi nghĩ về điều Các Thánh Hữu vừa phải chịu đựng tại Missouri, họ có thể đã bị cám dỗ để tự cô lập chính mình và không tiếp đón các vị khách ở Nauvoo. Hãy nhớ đến điều đó trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 124:22–24, 60–61. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về những chỉ thị của Chúa để xây cất một “nhà trọ”? (câu 23). Những lời của Ngài dạy cho anh chị em điều gì về sứ mệnh của Giáo Hội? Hãy suy ngẫm cách mà những lời chỉ dẫn này có thể được áp dụng cho anh chị em và nhà của anh chị em.

Giáo Lý và Giao Ước 124:25–45, 55

Chúa truyền lệnh cho chúng ta xây cất các đền thờ để cho chúng ta có thể nhận được các giáo lễ thiêng liêng.

Không có gì đáng ngạc nhiên đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau một khi họ đã định cư tại Nauvoo, Chúa lại ban cho họ những chỉ dẫn về việc xây cất một đền thờ—cũng giống như Ngài đã làm tại Ohio và Missouri. Anh chị em tìm thấy điều gì trong Giáo Lý và Giao Ước 124: 25–45, 55 mà giúp anh chị em hiểu lý do tại sao Chúa đã phán: “Dân của ta luôn luôn được truyền lệnh phải xây cất lên [các đền thờ] cho thánh danh của ta”? (câu 39).

Kể từ khi Đền Thờ Nauvoo được xây cất, hơn 200 đền thờ đã và đang được xây dựng hoặc loan báo. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng: “Chúng ta biết rằng thời gian của chúng ta trong đền thờ rất quan trọng đối với sự cứu rỗi và sự tôn cao của chúng ta và của gia đình chúng ta. … Những cuộc tấn công của kẻ nghịch thù đang gia tăng nhanh gấp bội về cường độ và sự đa dạng. Việc chúng ta cần phải ở trong đền thờ một cách thường xuyên chưa bao giờ [cần thiết] hơn” (“Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 114). Làm thế nào đền thờ đã giúp anh chị em chống lại “những cuộc tấn công của kẻ nghịch thù”? Anh chị em cảm thấy có ấn tượng phải làm gì để vâng theo lời khuyên nhủ của Chủ Tịch Nelson?

Joseph Smith với những người đàn ông đang xây Đền Thờ Nauvoo

Joseph Smith at the Nauvoo Temple (Joseph Smith ở Đền Thờ Nauvoo), tranh do Gary E. Smith họa

Giáo Lý và Giao Ước 124:84–118

Chúa mong muốn ban ra những lời khuyên nhủ cụ thể dành cho cuộc sống của tôi.

Các câu 84–118 đầy ắp lời khuyên răn dành cho những cá nhân cụ thể, và một số điều trong đó dường như không liên quan đến cuộc sống của anh chị em. Nhưng anh chị em cũng có thể tìm được một điều nào đó mình cần nghe. Hãy nghĩ đến việc hỏi Thượng Đế xem Ngài có sứ điệp nào dành cho anh chị em trong những câu này, và tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh để nhận biết được sứ điệp đó. Rồi quyết định điều anh chị em sẽ làm để hành động theo. Ví dụ, làm thế nào việc trở nên khiêm nhường hơn có thể giúp anh chị em tiếp nhận Thánh Linh? (xin xem câu 97).

Anh chị em cũng có thể suy ngẫm những lời khuyên răn khác mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em hành động theo điều đó như thế nào?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giáo Lý và Giao Ước 124:2–11.Nếu Chúa phán với gia đình anh chị em “làm một bản tuyên ngôn long trọng về phúc âm của ta” đến cho “các vua của thế gian” (các câu 2–3), thì bản tuyên ngôn của anh chị em sẽ nói gì? Hãy nghĩ đến việc cùng nhau viết ra một bản tuyên ngôn, và mời mọi người trong gia đình gợi ý những lẽ thật phúc âm mà họ muốn đưa vào.

Giáo Lý và Giao Ước 124:15.Có sự liêm chính có nghĩa là gì? Tại sao Chúa quý trọng tính liêm chính? Gia đình anh chị em đã thấy những tấm gương nào về sự liêm chính? (Xin xem thêm Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, trang 19.)

Giáo Lý và Giao Ước 124:28–29, 40–41, 55.Chúng ta học được điều gì từ các câu này về lý do tại sao Chúa truyền lệnh cho chúng ta xây cất các đền thờ? Gia đình anh chị em có thể thích vẽ một bức tranh về một đền thờ hoặc xây một đền thờ từ đồ chơi lắp ghép hoặc bằng các chất liệu khác. Trong khi làm, anh chị em có thể thảo luận lý do tại sao mình biết ơn khi có các đền thờ ngày nay và lý do tại sao chúng ta cần thường xuyên thờ phượng trong đền thờ.

Giáo Lý và Giao Ước 124:91–92.Gia đình của anh chị em sẽ được lợi ích khi thảo luận về các phước lành tộc trưởng không? Các thành viên gia đình mà đã nhận được phước lành tộc trưởng có thể chia sẻ việc nhận được một phước lành này là như thế nào và điều đó đã ban phước cho họ ra làm sao.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Chúa Ban Cho Tôi một Đền Tạm,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 62.

biểu tượng các tiếng nói của thời kỳ phục hồi

Các Tiếng Nói của Thời Kỳ Phục Hồi

Hội Phụ Nữ

Joseph và Emma Smith cùng các phụ nữ khác

Tranh vẽ tổ chức Hội Phụ Nữ do Paul Mann thực hiện

Vào năm 1842, sau khi Hội Phụ Nữ được tổ chức tại Nauvoo, Illinois, Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Giáo Hội chưa bao giờ được tổ chức một cách toàn hảo cho đến khi có tổ chức của các phụ nữ.”1 Tương tự, một nghiên cứu về Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa và chức tư tế của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107) sẽ không hoàn tất cho đến khi nó bao gồm cả việc tìm hiểu về Hội Phụ Nữ, mà bản thân tổ chức này là “một sự phục hồi của một mẫu mực có từ xưa” về các nữ môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.2

Eliza R. Snow đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi đó. Bà có mặt khi Hội Phụ Nữ được tổ chức lần đầu tiên và, với tư cách là thư ký của Hội Phụ Nữ, đã ghi chép lại nội dung trong các buổi họp của họ. Bà trực tiếp chứng kiến Hội Phụ Nữ được tổ chức “theo mẫu mực của chức tư tế.”3 Sau đây là những lời của bà, được viết ra trong khi phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Trung Ương của Hội Phụ Nữ, để giúp các chị em của mình hiểu được công việc thiêng liêng đã được tin cậy giao phó cho các con gái giao ước của Thượng Đế.

Eliza R. Snow

Eliza R. Snow, do Lewis Ramsey họa

“Mặc dù tên gọi [Hội Phụ Nữ] có thể được đưa ra ở thời hiện đại, nhưng tổ chức này có nguồn gốc cổ xưa. Chúng tôi được nghe [Joseph Smith] kể rằng, có một tổ chức như vậy đã tồn tại trong giáo hội nguyên thủy, qua những lời ám chỉ đã được viết trong một vài lá thư được ghi lại trong Kinh Tân Ước, với cách dùng danh hiệu ‘[người phụ nữ] được chọn’ [xem 2 Giăng 1:1; Giáo Lý và Giao Ước 25:3].

“Đây là một tổ chức mà không thể tồn tại nếu không có Chức Tư Tế, từ sự kiện là tất cả thẩm quyền và ảnh hưởng của tổ chức này đều do nguồn gốc đó [chức tư tế] mà ra. Khi Chức Tư Tế được mang đi khỏi thế gian, thể chế này cũng như mọi phần phụ thêm trong trật tự đúng của giáo hội của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian, cũng không còn nữa. …

“Vì đã tham gia vào buổi thành lập ‘Hội Phụ Nữ Nauvoo,’ … và cũng như có các kinh nghiệm đáng kể trong hội đó, có lẽ tôi có thể truyền đạt được một ít suy nghĩ mà sẽ phụ giúp cho các con gái của Si Ôn khi gia nhập tổ chức đó, với vô vàn những trách nhiệm mới. Nếu có bất cứ người con gái và người mẹ nào ở Y Sơ Ra Ên đang cảm thấy rằng họ chẳng có chút ảnh hưởng gì trong cuộc sống, thì bây giờ họ sẽ tìm thấy các cơ hội lớn lao để sử dụng những khả năng tốt lành mà họ đã được ban cho rất nhiều. …

Cửa Hàng Gạch Đỏ

Hội Phụ Nữ được tổ chức trong căn phòng trên lầu Cửa Hàng Gạch Đỏ.

“Nếu có ai thắc mắc, mục đích của Hội Phụ Nữ là gì? Thì tôi sẽ trả lời rằng—để làm việc tốt—sử dụng mọi khả năng chúng ta có để làm việc tốt, không chỉ cứu trợ cho người nghèo mà còn cứu rỗi các linh hồn. Nỗ lực của một tập thể sẽ mang đến hằng hà sa số những kết quả mà không thể nào đạt được ngay cả với nỗ lực hiệu quả nhất của một cá nhân. …

“Trong việc trông nom người nghèo, Hội Phụ Nữ có những bổn phận khác để thực hiện chứ không chỉ trợ cấp cho những nhu cầu vật chất. Sự túng thiếu về mặt tinh thần và những nỗi đau trong lòng cũng cần được chú ý đến; và nhiều lúc, việc bày tỏ lòng tử tế—với vài lời khuyên nhủ, hay thậm chí một cái bắt tay ấm áp và ân cần sẽ làm được nhiều điều tốt lành và đáng cảm kích hơn cả một cái túi đầy vàng. …

“Khi Các Thánh Hữu từ ngoại quốc quy tụ lại, họ xa lạ với tất cả mọi người, là đối tượng bị dẫn dắt sai lạc bởi những kẻ dối trá chỉ chờ dịp lừa lọc, Hội Phụ Nữ phải nhanh chóng chăm lo cho [họ], và giới thiệu họ vào một đoàn thể mà sẽ giúp cải thiện và nâng cao họ, và hơn hết, sẽ củng cố họ trong đức tin vào Phúc Âm, và khi làm như vậy, chúng ta là công cụ để cứu rỗi nhiều người.

“Sẽ cần nhiều quyển sách mới có thể định nghĩa hết các bổn phận, đặc ân và trách nhiệm có trong hoạt động của Hội Phụ Nữ. … Hãy làm việc (dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ của các chị em) một cách điềm đạm, thận trọng, đầy nhiệt huyết, đoàn kết và thành tâm, và Thượng Đế sẽ ban sự thành công cho những nỗ lực của các chị em.”4

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 488.

  2. Daughters in My Kingdom: The History and Work of Relief Society (năm 2017), trang 1.

  3. Joseph Smith, trong Sarah M. Kimball, “Auto–biography,” Woman’s Exponent,, ngày 1 tháng Chín năm 1883, trang 51.

  4. “Female Relief Society,” Deseret News, ngày 22 tháng Tư, năm 1868, trang 81.

Đền Thờ Nauvoo

Đền Thờ Nauvoo, tranh do George D. Durrant họa