“Ngày 4–10 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 111–114: ‘Ta Sẽ Thu Xếp Tất Cả Mọi Điều Tốt Đẹp cho Sự Lợi Ích của Các Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 4–10 tháng Mười. Giáo Lý và Giao Ước 111–114,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 4–10 tháng Mười
Giáo Lý và Giao Ước 111–114
“Ta Sẽ Thu Xếp Tất Cả Mọi Điều Tốt Đẹp cho Sự Lợi Ích của Các Ngươi”
Hãy thành tâm cầu xin sự hướng dẫn của Thánh Linh trong khi anh chị em đọc Giáo Lý và Giao Ước 111–114 và ghi lại những ấn tượng của mình. Rồi suy ngẫm những cách thức mà anh chị em có thể làm theo các ấn tượng đó.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Anh chị em có từng có một kinh nghiệm thuộc linh mà làm cho anh chị em cảm thấy tin tưởng và chắc chắn vào đức tin của mình—nhưng rồi khi những hoạn nạn của cuộc đời thử đức tin của anh chị em, và anh chị em thấy mình vất vả để khôi phục lại sự bình an mà mình từng có trước đây không? Một điều tương tự đã xảy đến cho Các Thánh Hữu tại Kirtland. Chưa đến một năm sau sự ban cho về mặt thuộc linh dồi dào liên quan đến buổi lễ cung hiến của Đền Thờ Kirtland, những rắc rối nảy sinh. Một cuộc khủng hoảng tài chính, mối bất hòa trong Nhóm Túc Số Mười Hai, và các thử thách khác đã làm dao động đức tin của một số người.
Chúng ta không thể tránh khỏi thử thách, vậy làm thế nào chúng ta có thể giữ không cho chúng đe dọa đức tin và chứng ngôn của mình? Có lẽ một phần lời giải đáp có thể được tìm thấy trong lời khuyên nhủ của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 112, được ban ra trong khi nghịch cảnh tại Kirtland gia tăng. Chúa đã phán: “Hãy làm cho lòng của các ngươi được thanh khiết trước mặt ta” (câu 28), “Chớ chống đối” (câu 15), “Thắt lưng của ngươi lại để làm công việc ấy” (câu 7), và “Ngươi hãy khiêm nhường” (câu 10). Khi tuân theo lời khuyên nhủ này, Chúa sẽ “nắm tay dẫn dắt [chúng ta]” qua khỏi nghịch cảnh đến với sự chữa lành và bình an (xin xem các câu 10, 13).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Chúa có thể “thu xếp tất cả mọi điều tốt đẹp cho sự lợi ích của [tôi].”
Trước năm 1836, Giáo Hội có các khoản nợ lớn chồng chất khi làm công việc của Chúa. Trong khi Joseph Smith và những người khác lo lắng về các khoản nợ này và xem xét cách để trả chúng, họ đi đến Salem, Massachusetts, có lẽ bởi vì lời đồn rằng một số tiền đã bị bỏ lại trong một căn nhà ở đó (xin xem phần tiêu đề tiết của Giáo Lý và Giao Ước 111). Sau khi họ đến Salem, Chúa đã tuyên phán: “Có nhiều kho tàng quý giá cho các người trong thành phố này” (câu 10)—kho tàng gồm có những người mà Ngài sẽ “quy tụ lại đúng lúc vì sự lợi ích của Si Ôn” (câu 2; xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5). Mặc dù không tìm thấy tiền tại Salem, những người cải đạo mà đến từ những nỗ lực truyền giáo sau đó tại thành phố này là sự ứng nghiệm lời của Chúa.
Trong khi đọc tiết 111, anh chị em hãy nghĩ về những điều mình lo lắng. Suy ngẫm xem những lời của Chúa phán với Joseph có thể được áp dụng như thế nào cho anh chị em. Bằng cách nào Chúa đã giúp anh chị em tìm được “những kho tàng” không ngờ đến? (câu 10). Hãy nghĩ về điều Ngài đã làm để “thu xếp tất cả mọi điều tốt đẹp cho sự lợi ích của [anh chị em]” (câu 11). Cụm từ “ngay khi các ngươi có khả năng thu nhận chúng” dạy cho anh chị em điều gì về Cha Thiên Thượng?
Xin xem thêm Ma Thi Ơ 6:19–21, 33.
Chúa sẽ dẫn dắt những ai khiêm nhường tìm kiếm ý muốn của Ngài.
Sự hòa thuận trong Nhóm Túc Số Mười Hai bị suy yếu trong mùa hè năm 1837. Có những bất đồng về các trách nhiệm, và một số tín hữu lên tiếng chống lại Tiên Tri Joseph Smith. Thomas B. Marsh, khi ấy là Chủ Tịch của Nhóm Túc Số Mười Hai, đã lo lắng và ông đi từ Missouri đến Ohio, tìm kiếm lời khuyên nhủ từ Vị Tiên Tri. Anh Marsh đã nhận được nó qua điều mặc khải trong tiết 112. Lời khuyên nhủ của Chúa có thể đã giúp ông và nhóm túc số của ông như thế nào? Lời khuyên này có các bài học nào cho anh chị em trong khi anh chị em tìm cách khắc phục sự bất đồng và những cảm nghĩ tiêu cực?
Cụ thể, anh chị em có thể suy ngẫm câu 10. Việc Chúa “nắm tay dẫn dắt” anh chị em có ý nghĩa gì? Tại sao sự khiêm nhường được đòi hỏi cho loại chỉ dẫn này?
Xin xem thêm Ulisses Soares, “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 9–11.
Joseph Smith là “một tôi tớ trong tay của Đấng Ky Tô.”
Ê Sai đã nói đến một trong những hậu duệ của Y Sai là một “chồi” và một “rễ” (Ê Sai 11:1, 10). Trong tiết 113, Chúa giải thích rằng người hậu duệ này, một tôi tớ của Đấng Ky Tô, sẽ là một công cụ trong việc quy tụ dân của Chúa trong những ngày sau cùng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 113:4, 6)—một lời tiên tri mô tả Tiên Tri Joseph Smith khá rõ. Điều này và những lẽ thật khác trong tiết 113 đã có thể khích lệ Các Thánh Hữu trong suốt sự rối loạn mà họ đang trải qua tại Kirtland như thế nào? Anh chị em tìm thấy điều gì trong điều mặc khải này mà soi dẫn anh chị em để tham gia vào công việc của Chúa ngày nay?
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sai,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; 2 Nê Phi 21:10–12; Joseph Smith—Lịch Sử 1:40.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 111:2, 9–11.Các câu này có thể khuyến khích một cuộc thảo luận về điều gia đình anh chị em trân quý như “những kho tàng” vĩnh cửu. Anh chị em có thể tạo ra một cuộc săn tìm kho báu bằng cách giấu đồ vật quanh nhà mà tượng trưng cho những điều Chúa đánh giá cao hoặc quý trọng. Trong khi gia đình anh chị em tìm từng món, hãy thảo luận điều mọi người có thể làm để cho thấy mình trân trọng điều đó.
-
Giáo Lý và Giao Ước 112:10.Anh Cả Ulisses Soares đã mô tả người khiêm nhường theo cách này: “Người khiêm tốn là dễ dạy, công nhận rằng mình phụ thuộc vào Thượng Đế và mong muốn tuân phục ý Ngài. Người khiêm tốn là người nhu mì và có khả năng để ảnh hưởng đến những người khác cũng giống như mình vậy” (“Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 10). Hãy suy ngẫm những cách để giúp gia đình anh chị em hiểu trở nên khiêm nhường là gì. Anh chị em có thể hát một bài về tính khiêm nhường, như là “Hãy Luôn Khiêm Nhường” (Hymns, bài số 130), trong khi một người trong gia đình “nắm tay dẫn dắt” những người khác và hướng dẫn mọi người đi quanh nhà. Hoặc chia sẻ những kinh nghiệm khi Chúa “nắm tay dẫn dắt” những thành viên trong gia đình anh chị em và “đáp lại những lời cầu nguyện của [họ].”
-
Giáo Lý và Giao Ước 112:11–14, 26.Sự khác biệt giữa việc biết tên của một người nào đó và biết về họ là gì? Chúng ta học được gì từ các câu 11–14 về ý nghĩa của việc biết Chúa?
-
Giáo Lý và Giao Ước 112:15.“Chống đối” lại vị tiên tri có nghĩa là gì? Chúng ta tìm thấy điều gì trong câu này mà giúp chúng ta muốn tán trợ vị tiên tri?
-
Giáo Lý và Giao Ước 113:7–8.Chúng ta học được điều gì từ câu 8 mà sẽ giúp “mang lại Si Ôn” và cứu chuộc Y Sơ Ra Ên?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Hãy Luôn Khiêm Nhường,” Hymns, số 130.