“Ngày 31 tháng Mười Hai–Ngày 6 tháng Một. Chúng Ta Chịu Trách Nhiệm cho Việc Học Hỏi của Riêng Mình,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 31 tháng Mười Hai–Ngày 6 tháng Một. Chúng Ta Chịu Trách Nhiệm cho Việc Học Hỏi của Riêng Mình,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 31 tháng Mười Hai–Ngày 6 tháng Một
Chúng Ta Chịu Trách Nhiệm cho Việc Học Hỏi của Riêng Mình
Mục đích của sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình là nhằm giúp anh chị em đến với Đấng Ky Tô và trở nên cải đạo theo phúc âm của Ngài một cách sâu sắc hơn. Nguồn tài liệu này có thể giúp anh chị em hiểu thánh thư và tìm thấy trong đó sức mạnh thuộc linh mà anh chị em và gia đình mình cần. Sau đó, trong các lớp học Giáo Hội của mình, anh chị em sẽ sẵn sàng để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và khuyến khích những người đồng Thánh Hữu với mình trong nỗ lực của họ để noi theo Đấng Ky Tô.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
“Các ngươi tìm chi?” Chúa Giê Su hỏi các môn đồ của Ngài (Giăng 1:38). Anh chị em có thể tự hỏi cùng câu hỏi đó—vì những gì anh chị em tìm thấy trong Kinh Tân Ước năm nay sẽ phụ thuộc phần lớn vào những gì anh chị em tìm kiếm. “Hãy tìm, sẽ gặp” là lời hứa của Đấng Cứu Rỗi (Ma Thi Ơ 7:7). Vì vậy hãy đặt ra những câu hỏi đến với tâm trí mình khi anh chị em học, rồi sau đó siêng năng tìm kiếm những câu trả lời. Trong Kinh Tân Ước, anh chị em sẽ đọc về các kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ của các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Với tư cách là môn đồ trung tín của Đấng Cứu Rỗi, anh chị em có thể có những kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ của riêng mình khi anh chị em chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi, được tìm thấy trong tài liệu thiêng liêng này, “Hãy Đến Mà Theo Ta” (Lu Ca 18:22).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Để thực sự học hỏi từ Đấng Cứu Rỗi, tôi cần phải chấp nhận lời mời gọi của Ngài: “Hãy đến mà theo ta.”
Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi: “Hãy đến mà theo ta,” áp dụng cho tất cả chúng ta—bất kể chúng ta còn mới mẻ trên con đường làm môn đồ hay là đã bước đi trên con đường đó suốt cuộc sống của mình. Đây là lời mời gọi của Ngài cho một chàng trai trẻ giàu có là người đang cố gắng tuân giữ các giáo lệnh (xin xem Ma Thi Ơ 19:16–22). Điều mà cậu ta học được—và điều mà tất cả chúng ta đều cần phải học—là trở thành một môn đồ có nghĩa là hiến dâng trọn vẹn tâm hồn của mình lên Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta tiến triển trong vai trò làm môn đồ của mình khi chúng ta nhận ra những gì chúng ta thiết sót, thay đổi, và tìm cách để noi theo Hai Ngài một cách trọn vẹn hơn.
Học hỏi từ Đấng Cứu Rỗi bắt đầu khi chúng ta cố gắng để hiểu điều Ngài giảng dạy. Chẳng hạn, làm thế nào anh chị em hiểu sâu hơn về sự tha thứ khi anh chị em khám phá những điều sau đây?
Những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 6:14–15; 18:21–35)
Một ví dụ từ cuộc đời của Ngài (xin xem Lu Ca 23:33–34)
Tuy nhiên, việc học hỏi sẽ không được hoàn chỉnh cho đến khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi bằng cách sống theo những điều Ngài giảng dạy. Làm thế nào anh chị em có thể trở nên khoan dung hơn?
Nếu anh chị em muốn học hỏi thêm, hãy thử sinh hoạt này với nguyên tắc phúc âm khác, chẳng hạn như tình yêu thương hoặc lòng khiêm nhường.
Tôi chịu trách nhiệm cho việc học hỏi của riêng mình.
Anh Cả David A. Bednar dạy: “Với tư cách là người học hỏi, anh chị em và tôi cần phải làm theo lời nói, không chỉ lấy nghe làm đủ và bị tác động. Anh chị em và tôi có phải là những tác nhân hành động và tìm kiếm sự học hỏi bằng đức tin, hay là chúng ta đang chờ đợi để được giảng dạy và bị tác động? … Một người học hỏi sử dụng quyền tự quyết bằng cách hành động theo các nguyên tắc đúng thì mở rộng lòng mình cho Đức Thánh Linh và mời gọi điều giảng dạy, quyền năng làm chứng và sự làm chứng khẳng định của Ngài. Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi phải sử dụng phần thuộc linh, trí tuệ và thể chất chứ không phải chỉ thụ động tiếp nhận” (“Seek Learning by Faith,” Ensign, Sept. 2007, 64).
Chịu trách nhiệm cho việc học hỏi của riêng mình có nghĩa là gì? Tìm kiếm những câu trả lời có thể có trong lời phát biểu của Anh Cả Bednar và trong các câu thánh thư sau đây: Giăng 7:17; 1 Tê Sa Lô Ni Ca 5:21; Gia Cơ 1:5–6, 22; 2:17; 1 Nê Phi 10:17–19; 2 Nê Phi 4:15; An Ma 32:27; và Giáo Lý và Giao Ước 18:18; 58:26–28; 88:118. Anh chị em được soi dẫn làm điều gì để trở nên tích cực hơn trong việc học hỏi phúc âm?
Tôi cần phải biết lẽ thật cho bản thân mình.
Có lẽ anh chị em biết những người dường như không bao giờ đánh mất đức tin của họ, bất chấp điều gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ có thể nhắc anh chị em nhớ tới năm người nữ đồng trinh khôn ngoan trong truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 25:1–13). Điều mà anh chị em có thể không thấy được là những nỗ lực của họ để củng cố chứng ngôn của họ về lẽ thật. Chúng ta cần phải siêng năng tìm kiếm để củng cố chứng ngôn của mình bởi vì, giống như những người nữ đồng trinh dại dột học được, chúng ta không thể mượn sự cải đạo từ bất cứ ai.
Làm thế nào chúng ta đạt được và nuôi dưỡng chứng ngôn của riêng mình? Viết xuống ý nghĩ của anh chị em khi anh chị em suy ngẫm các câu thánh thư sau đây: Lu Ca 11:9–13; Giăng 5:39; Giăng 7:14–17; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:10–12; 1 Cô Rinh Tô 2:9–11; và An Ma 5:45–46.
Tôi nên làm gì khi tôi có câu hỏi?
Khi tìm kiếm sự hiểu biết thuộc linh, anh chị em sẽ có những câu hỏi. Các nguyên tắc sau đây có thể giúp anh chị em đặt câu hỏi theo những cách thức nhằm xây đắp đức tin và chứng ngôn:
-
Tìm kiếm sự hiểu biết qua các nguồn tài liệu đã được Chúa quy định. Thượng Đế là nguồn gốc của mọi lẽ thật, và Ngài mặc khải lẽ thật qua Đức Thánh Linh, thánh thư, và các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài.
-
Hành động với đức tin. Nếu câu trả lời không đến ngay lập tức, hãy tin cậy rằng Chúa sẽ mặc khải câu trả lời vào đúng thời điểm. Trong khi chờ đợi, hãy tiếp tục sống theo lẽ thật anh chị em đã biết.
-
Giữ một quan điểm vĩnh cửu. Hãy cố gắng nhìn mọi sự việc như Chúa nhìn những sự việc đó, chứ không như cách nhìn của thế gian. Xem câu trả lời của anh chị em trong bối cảnh của kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Một cách tốt để giúp gia đình anh chị em chuẩn bị học hỏi từ Kinh Tân Ước trong năm nay là ôn lại truyện ngụ ngôn về người gieo giống. Gia đình anh chị em có thể thích xem các loại đất khác nhau gần nhà mình và tưởng tượng ra các loại đất mô tả trong truyện ngụ ngôn. Chúng ta có thể làm gì để nuôi dưỡng “đất tốt” trong nhà của mình? (Ma Thi Ơ 13:8).
″Chúng tôi khuyên các bậc cha mẹ và con cái hãy đặt ưu tiên cao nhất cho việc cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, việc học và dạy phúc âm, và các sinh hoạt gia đình lành mạnh. Tuy nhiên cho dù những đòi hỏi hoặc sinh hoạt khác có thể xứng đáng và thích hợp đến đâu đi nữa thì chúng cũng không được phép thay thế các bổn phận đã được Thượng Đế quy định mà chỉ có cha mẹ và gia đình mới có thể thực hiện một cách thích hợp″ (“Letter from the First Presidency,” Liahona, Dec. 1999, 1).
Đầu năm mới là một dịp tốt để tổ chức buổi họp hội đồng gia đình về việc làm cho nhà của mình tập trung vào phúc âm hơn. Anh chị em có ý kiến gì khi đọc về các phước lành và lời khuyên bảo trong Ga La Ti 5:22–23 và Phi Líp 4:8? Có lẽ anh chị em có thể làm những tấm áp phích để khắp trong nhà để nhắc nhở bản thân về các mục tiêu của mình.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
He Is Risen (Ngài Đã Sống Lại), tranh do Del Parson họa