“Ngày 21–27 tháng Một. Giăng 1: Chúng Tôi Đã Tìm Thấy Đấng Mê Si Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 21–27 tháng Một. Giăng 1,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 21–27 tháng Một
Giăng 1
Chúng Tôi Đã Tìm Thấy Đấng Mê Si
Khi anh chị em đọc và suy ngẫm Giăng 1, hãy ghi xuống những ấn tượng anh chị em nhận được. Anh chị em thấy sứ điệp nào sẽ có giá trị nhất đối với anh chị em và gia đình mình? Anh chị em có thể chia sẻ điều gì trong lớp học Giáo Hội của mình?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Anh chị em đã bao giờ tự hỏi mình sẽ nhận ra Chúa Giê Su từ Na Xa Rét là Vị Nam Tử của Thượng Đế không nếu anh chị em sống trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài? Trong nhiều năm, những người dân Y Sơ Ra En trung tín, kể cả Anh Rê, Phi E Rơ, Phi Líp, và Na Tha Na Ên, đã chờ đợi và cầu vấn cho sự ra đời của Đấng Mê Si đã được hứa. Khi họ gặp Ngài, làm thế nào họ biết được Ngài chính là Đấng mà họ đang tìm kiếm? Trong cùng cách thức mà tất cả chúng ta tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi—bằng cách chấp nhận lời mời để “hãy đến xem” cho bản thân mình (Giăng 1:39). Chúng ta đọc về Ngài trong thánh thư. Chúng ta nghe về giáo lý của Ngài. Chúng ta quan sát cách sống của Ngài. Chúng ta cảm thấy Thánh Linh của Ngài. Trong khi làm như vậy, chúng ta khám phá ra, như Na Tha Na Ên, rằng Đấng Cứu Rỗi biết và yêu thương chúng ta và muốn chuẩn bị chúng ta để nhận được “việc lớn hơn” (Giăng 1:50).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Sách Phúc Âm của Giăng
Giăng là ai?
Giăng là một môn đồ của Giăng Báp Tít và về sau trở thành một trong những người đầu tiên đi theo Chúa Giê Su Ky Tô và một trong Mười Hai Sứ Đồ của Ngài. Ông viết Phúc Âm của Giăng, một vài bức thư, và sách Khải Huyền. Trong Phúc Âm của ông, ông tự ám chỉ mình là môn đồ “mà Ngài yêu” và “môn đồ khác” (Giăng 13:23; 20:3). Lòng sốt sắng của Giăng cho việc thuyết giảng phúc âm mạnh mẽ đến mức ông xin được ở lại trên trần thế cho đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi để ông có thể mang nhiều linh hồn đến với Đấng Ky Tô (xin xem GLGƯ 7:1–6).
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giăng, Con Trai của Xê Bê Đê.”
“Ban đầu [Chúa Giê Su Ky Tô] ở cùng Đức Chúa Trời.”
Giăng mở đầu Sách Phúc Âm của ông bằng cách mô tả việc mà Đấng Ky Tô đã thực hiện trước khi Ngài giáng sinh: “Ban đầu … Ngôi Lời [Chúa Giê Su Ky Tô] ở cùng Đức Chúa Trời.” Anh chị em học được điều gì từ các câu 1–5 về Đấng Cứu Rỗi và công việc của Ngài? Anh chị em có thể tìm những lời giải thích rõ nghĩa rất hữu ích trong Bản Dịch của Joseph Smith, Giăng 1:1–5 (trong phần Các Tuyển Tập Từ Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith). Khi anh chị em bắt đầu học về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi, tại sao là điều quan trọng để biết về công việc tiền dương thế của Ngài?
topics.lds.org.
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô làm chứng về Ngài.
Giăng đã được soi dẫn để tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi vì chứng ngôn của Giăng Báp Tít, là người đã tuyên bố rằng ông “phải làm chứng về … Sự Sáng thật” (Giăng 1:8–9, 15–18). Chính Giăng cũng đã chia sẻ lời chứng hùng hồn về cuộc đời và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi.
Có thể là thú vị để lập một bản liệt kê các lẽ thật mà Giăng đã bao gồm trong chứng ngôn mở đầu của ông về Đấng Ky Tô (các câu 1–18; xin xem thêm Bản Dịch của Joseph Smith, Giăng 1:1–19 [trong phần Các Tuyển Tập Từ Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith]). Anh chị em nghĩ tại sao Giăng đã bắt đầu Sách Phúc Âm của ông với các lẽ thật này? Cân nhắc việc viết xuống lời chứng của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô—anh chị em muốn chia sẻ điều gì? Những kinh nghiệm nào đã giúp anh chị em tiến đến việc biết và noi theo Đấng Cứu Rỗi? Ai có thể được ban phước nhờ nghe thấy chứng ngôn của anh chị em?
“Trở nên con cái Đức Chúa Trời” có nghĩa là gì?
Mặc dù tất cả chúng ta đều là các con trai và con gái của Thượng Đế, nhưng khi chúng ta phạm tội, chúng ta trở nên xa lạ hoặc tách ra khỏi Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô cung ứng cho chúng ta một con đường để trở lại. Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài và sự vâng lời của chúng ta đối với các giao ước phúc âm, Ngài “[ban cho chúng ta] quyền năng để trở thành các con trai [và con gái] của Thượng Đế” một lần nữa. Một lần nữa chúng ta được sinh lại và trở nên hòa giải với Đức Chúa Cha, xứng đáng nhận được di sản vĩnh cửu và là những người kế tự về tất cả những gì Ngài có (xin xem Rô Ma 8:14–18; Gia Cốp 4:11).
Đã có ai trông thấy Thượng Đế chưa?
Kinh Cựu Ước ghi lại những ví dụ về những người đã trông thấy Thượng Đế (xin xem Sáng Thế Ký 32:30; Xuất Ê Díp Tô Ký 33:11; Ê Sai 6:5). Vậy thì tại sao Giăng Báp Tít nói rằng “chẳng ai từng thấy Thượng Đế bao giờ”? Phần Bản Dịch của Joseph Smith về câu này (xin xem Giăng 1:18, cước chú c) nói rõ rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha có hiện đến với loài người, và khi Ngài hiện đến, Ngài làm chứng về Vị Nam Tử của Ngài. Ví dụ, khi Ngài hiện đến với Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng, Ngài nói với Joseph: “Đây là Con Trai Yêu Dấu của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17; xin xem thêm GLGƯ 76:23). Có một vài trường hợp khác đã được ghi lại mà con người đã trông thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha trong khải tượng (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55–56; Khải Huyền 4:2; 1 Nê Phi 1:8; GLGƯ 137:1–3) hoặc nghe thấy tiếng nói của Ngài làm chứng về Vị Nam Từ (xin xem Ma Thi Ơ 3:17; 17:5; 3 Nê Phi 11:6–7).
Ê Li A là ai, và ai là “đấng tiên tri”?
Các vị lãnh đạo Do Thái tự hỏi liệu Giăng Báp Tít có làm tròn lời tiên tri thời xưa về những vị tiên tri mà một ngày nào đó sẽ đến ở giữa dân chúng. Họ hỏi ông có phải là Ê Li A không, mà trong tiếng Hy Lạp là Ê Li, là tên của vị tiên tri đã được tiên tri để phục hồi tất cả mọi điều (xin xem Ma La Chi 4:5–6). Họ cũng hỏi ông có phải là “đấng tiên tri” không, mà có thể ám chỉ “Đấng tiên tri” được nhắc đến trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15. Giăng giải thích rằng ông không phải là vị ấy nhưng ông là vị tiên tri mà Ê Sai đã nói là sẽ chuẩn bị con đường cho sự ra đời của Chúa (xin xem Ê Sai 40:3).
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ê Li A.”
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình hình dung ra điều họ đọc về ánh sáng trong các câu này? Anh chị em có thể bảo những người trong gia đình thay phiên nhau chiếu một ánh đèn trong một căn phòng tối và chia sẻ cách Đấng Cứu Rỗi là Sự Sáng của cuộc sống họ. Sau đó, khi anh chị em đọc Giăng 1:4–10, những người trong gia đình có thể có thêm sự hiểu biết sâu sắc về chứng ngôn của Giăng về Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Sáng của Thế Gian.
Chú ý đến chứng ngôn của Giăng Báp Tít trong câu 36. Kết quả của chứng ngôn của ông là gì? (xin xem các câu 35–46). Gia đình anh chị em học được điều gì từ những người được mô tả trong các câu này về cách để chia sẻ phúc âm?
Na Tha Na Ên đã làm gì để giúp ông đạt được một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi? Làm thế nào chúng ta đã đạt được chứng ngôn của mình?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.