“Ngày 4–10 tháng Ba. Ma Thi Ơ 8–9; Mác 2–5: ‘Đức Tin Ngươi Đã Chữa Lành Ngươi Rồi’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 4–10 tháng Ba. Ma Thi Ơ 8–9; Mác 2–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 4–10 tháng Ba
Ma Thi Ơ 8–9; Mác 2–5
“Đức Tin Ngươi Đã Chữa Lành Ngươi Rồi”
Khi anh chị em đọc Ma Thi Ơ 8–9 và Mác 2–5, hãy đáp ứng nhanh với những ấn tượng mình nhận được từ Đức Thánh Linh. Cân nhắc việc viết xuống những thúc giục anh chị em nhận được và những điều anh chị em có thể làm để hành động theo những thúc giục này.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Thật là khó để đọc Kinh Tân Ước mà không cảm thấy đầy ấn tượng trước nhiều câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi chữa lành người bệnh và người hoạn nạn—tất cả mọi người từ người phụ nữ đang bị sốt đến một bé gái được tuyên bố là đã chết. Những sứ điệp nào có thể dành cho chúng ta trong những phép lạ này về sự chữa lành thể xác? Dĩ nhiên, một sứ điệp hiển nhiên là Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, với quyền năng trên tất cả sự việc, kể cả sự đau đớn về thể chất và không hoàn hảo của chúng ta. Nhưng một ý nghĩa khác được tìm thấy trong những lời của Ngài cho những nhà thông thái đầy hoài nghi: “Để cho các ngươi biết rằng Con người ở thế gian có quyền tha tội” (Mác 2:10). Vậy khi anh chị em đọc về một người mù hoặc người bị bệnh phung được chữa lành, anh chị em có thể nghĩ tới sự chữa lành—về cả phần thuộc linh lẫn thể chất—mà anh chị em có thể nhận được từ Đấng Cứu Rỗi và nghe Ngài phán cùng anh chị em: “Đức tin con đã cứu con” (Mác 5:34).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Đấng Cứu Rỗi có thể chữa lành những kẻ yếu đuối và bệnh tật.
Mấy chương này ghi lại nhiều ví dụ về những sự chữa lành phi thường mà Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện. Khi anh chị em học về các sự chữa lành này, hãy tìm kiếm những sứ điệp có thể dành cho anh chị em. Anh chị em có thể tự hỏi: Câu chuyện này giảng dạy điều gì về đức tin? Câu chuyện này giảng dạy điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Thượng Đế muốn tôi học hỏi điều gì từ phép lạ này?
-
Một người phung (Ma Thi Ơ 8:1–4)
-
Tôi tớ của một thầy đội (Ma Thi Ơ 8:5–13)
-
Mẹ vợ của Phi E Rơ (Ma Thi Ơ 8:14–15)
-
Hai người mù (Ma Thi Ơ 9:27–31)
-
Người đàn ông bị bệnh bại liệt (Mác 2:1–12)
-
Người bị quỷ ám (Mác 5:1–20)
-
Con gái của Giai Ru (Mác 5:22–23, 35–43)
-
Người đàn bà bị bệnh mất huyết (Mác 5:24–34)
Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Chữa Lành Người Bệnh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 47–50.
Tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Thượng Đế thậm chí khi tôi cảm thấy không xứng đáng.
Người thầy đội, một người Dân Ngoại, cảm thấy không xứng đáng để được Đấng Cứu Rỗi vào nhà mình. Người đàn bà bị bệnh mất huyết được cho là không trong sạch và bị loại khỏi xã hội Do Thái. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã ban phước cho cả hai người này. Anh chị em học được điều gì từ hai câu chuyện này về việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa?
Trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là tôi đặt Ngài lên trước tiên trong cuộc sống của tôi.
Trong các câu này, Chúa Giê Su dạy rằng việc làm môn đồ của Ngài đòi hỏi chúng ta đặt Ngài lên trước tiên trong cuộc sống của chúng ta, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là đôi khi chúng ta phải hy sinh những điều khác mà mình trân quý. Khi anh chị em học các đoạn này, hãy suy ngẫm về vai trò làm môn đồ của riêng mình. Tại sao các môn đồ cần phải sẵn sàng đặt Đấng Cứu Rỗi trước tiên? Anh chị em có thể cần phải từ bỏ điều gì để đặt Chúa Giê Su lên trước tiên? (Xin xem thêm Lu Ca 9:57–62.)
Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để mang sự bình an đến giữa những cơn sóng gió của cuộc đời.
Anh chị em đã bao giờ cảm thấy như các môn đồ của Chúa Giê Su đã trải qua ở giữa cơn bão ngoài biển khơi—thấy sóng tạt vào làm thuyền đầy nước và hỏi: “Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao?”
Anh chị em sẽ tìm thấy bốn câu hỏi trong Mác 4:35–41. Liệt kê mỗi câu hỏi, và suy ngẫm về câu đó dạy anh chị em điều gì về việc đối phó với những thử thách của cuộc sống với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi mang sự bình an đến những cơn sóng gió của cuộc đời anh chị em như thế nào?
Tôi có thể bênh vực cho những sự tin tưởng của mình bằng cách giảng dạy các nguyên tắc ngay chính.
Đôi khi rất khó để biết cách đối phó khi người ta chỉ trích những sự tin tưởng và lối thực hành tôn giáo của chúng ta. Khi anh chị em đọc Ma Thi Ơ 9:1–13 và Mác 2:15–17, hãy tìm kiếm những lời chỉ trích của những kẻ cáo buộc và phản ứng của Đấng Cứu Rỗi. Cân nhắc việc đánh giá những lời chỉ trích và phản ứng bằng các màu sắc khác nhau hoặc viết chúng xuống. Anh chị em nhận thấy điều gì về cách Đấng Cứu Rỗi giảng dạy? Làm thế nào việc noi theo tấm gương của Ngài giúp anh chị em khi anh chị em phải bênh vực cho một nguyên tắc phúc âm hoặc lối thực hành của Giáo Hội?
Cũng xem video “Everyday Example: When Beliefs Are Questioned (Tấm Gương Hàng Ngày: Khi Những Sự Tin Tưởng Bị Chất Vấn)” (LDS.org).
Nhờ sự hối cải, tôi có thể được vững lòng.
Khi người đàn ông bị bệnh bại liệt được mang đến Đấng Cứu Rỗi, dĩ nhiên đối với mọi người, người ấy cần phải được chữa lành về mặt thể chất. Nhưng Chúa Giê Su đề cập trước tiên đến nhu cầu lớn hơn của người ấy—sự tha thứ cho các tội lỗi của người ấy. Thậm chí nếu người ấy chưa được chữa lành về mặt thể chất, thì người ấy cũng vẫn có thể noi theo lời khuyên bảo của Chúa Giê Su để “vững lòng” (Ma Thi Ơ 9:2). Có khi nào anh chị em đã cảm thấy niềm vui khi được tha thứ không? (Xin xem thêm An Ma 36:18–24.)
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em tiếp tục học về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải nhấn mạnh và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Cân nhắc việc lập một bản liệt kê các phép lạ được mô tả trong các chương này và tìm hình ảnh về một số phép lạ đó (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm hoặc LDS.org). Anh chị em có thể bảo mỗi người trong gia đình kể về một trong các phép lạ này (sử dụng hình ảnh nếu có sẵn) và chia sẻ điều họ học được từ phép lạ đó. Anh chị em có thể chia sẻ một số ví dụ về các phép lạ anh chị em đã chứng kiến hoặc đọc về trong lịch sử Giáo Hội thời hiện đại.
Chúng ta học được điều gì từ cách Đấng Cứu Rỗi đối xử với người thâu thuế và những người phạm tội, là những người bị người khác tẩy chay? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương của Ngài khi chúng ta giao tiếp với người khác?
Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình hiểu được lời khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi để có thêm người lao nhọc nhằm giúp chia sẻ phúc âm? Anh chị em có thể làm những điều đơn giản như cùng nhau làm một nhiệm vụ mà sẽ mất rất nhiều thời gian cho một người, chẳng hạn như dọn dẹp bếp núc sau bữa tối. Chúng ta có thể làm gì để chia sẻ sứ điệp của phúc âm?
Câu chuyện này có thể giúp những người trong gia đình khi họ cảm thấy lo sợ không? Có lẽ họ có thể đọc câu 39 và chia sẻ những kinh nghiệm mà Đấng Cứu Rỗi giúp họ cảm thấy bình an giữa những lúc náo động và sợ hãi.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.