“Ngày 11–17 tháng Ba. Ma Thi Ơ 10–12; Mác 2; Lu Ca 7; 11: ‘Đó Là Mười Hai Sứ Đồ Đức Chúa Giê Su Sai Đi’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (năm 2019)
“Ngày 11–17 tháng Ba. Ma Thi Ơ 10–12; Mác 2; Lu Ca 7; 11,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 11–17 tháng Ba
Ma Thi Ơ 10–12; Mác 2; Lu Ca 7; 11
“Đó Là Mười Hai Sứ Đồ Đức Chúa Giê Su Sai Đi”
Khi anh chị em đọc Ma Thi Ơ 10–12; Mác 2; và Lu Ca 7; 11, hãy ghi lại những ấn tượng anh chị em nhận được từ Đức Thánh Linh. Cân nhắc việc suy ngẫm và ghi lại những ấn tượng đó.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Tin đồn về các phép lạ chữa lành của Chúa Giê Su đang lan tràn nhanh chóng. Nhiều đám đông đi theo Ngài, hy vọng được chữa khỏi bệnh tật. Nhưng khi Đấng Cứu Rỗi nhìn vào đám đông, Ngài thấy nhiều hơn là bệnh tật của họ. Đầy lòng trắc ẩn, Ngài thấy “chiên không có kẻ chăn” (Ma Thi Ơ 9:36). Ngài quan sát thấy “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít” (Ma Thi Ơ 9:37). Vì vậy Ngài kêu gọi mười hai Vị Sứ Đồ, “ban quyền phép,” và gửi họ đi giảng dạy và phục sự “những con chiên lạc mất của nhà Y Sơ Ra Ên” (Ma Thi Ơ 10:1, 6). Ngày nay, sự cần thiết phải có thêm những người lao nhọc để phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng cũng lớn như vậy. Vẫn có mười hai Vị Sứ Đồ, nhưng có nhiều môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô hơn từ trước tới nay—những người mà có thể tuyên bố với toàn thế giới: “Nước thiên đàng gần rồi” (Ma Thi Ơ 10:7).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Chúa ban cho các tôi tớ của Ngài quyền năng để làm công việc của Ngài.
Lời chỉ dẫn Chúa Giê Su ban ra trong Ma Thi Ơ 10 là dành cho Các Sứ Đồ của Ngài, nhưng tất cả chúng ta đều góp phần trong công việc của Chúa. Đấng Ky Tô ban cho Các Sứ Đồ của Ngài quyền năng gì để giúp họ làm tròn sứ mệnh của họ? Làm thế nào anh chị em đạt được quyền năng của Ngài trong công việc anh chị em đã được kêu gọi để làm? (xin xem 2 Cô Rinh Tô 6:1–10; GLGƯ 121:34–46).
Khi anh chị em đọc sự ủy nhiệm Đấng Ky Tô đưa ra cho Các Sứ Đồ của Ngài, anh chị em có thể nhận được ấn tượng về công việc Chúa muốn anh chị em làm. Một biểu đồ như sau có thể giúp anh chị em sắp xếp ý nghĩ của mình:
Ấn tượng tôi nhận được | |
---|---|
Đấng Cứu Rỗi ban quyền năng cho các môn đồ của Ngài. | Ấn tượng tôi nhận được Thượng Đế sẽ ban cho tôi quyền năng mà tôi cần để làm công việc của mình. |
Ấn tượng tôi nhận được |
Xin xem thêm Các Tín Điều 1:6; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sứ Đồ”; “Jesus Calls Twelve Apostles to Preach and Bless Others (Chúa Giê Su Kêu Gọi Mười Hai Vị Sứ Đồ để Thuyết Giảng và Ban Phước Những Người Khác)” (video, LDS.org).
Khi tôi phục vụ Chúa, Ngài sẽ soi dẫn tôi phải nói điều gì.
Chúa biết trước rằng các môn đồ của Ngài sẽ bị ngược đãi và chất vấn về đức tin của họ—cũng tương tự như những gì các môn đồ thời nay có thể gặp phải. Nhưng Ngài hứa với các môn đồ rằng họ sẽ biết phải nói điều gì nhờ Thánh Linh. Anh chị em đã có những kinh nghiệm khi lời hứa thiêng liêng này được làm tròn trong cuộc đời mình chưa, có lẽ khi anh chị em chia sẻ chứng ngôn của mình, ban một phước lành, hoặc trò chuyện với một người nào đó? Hãy cân nhắc việc chia sẻ kinh nghiệm của mình với một người thân hoặc ghi vào nhật ký.
Xin xem thêm Lu Ca 12:11–12; Giáo Lý và Giao Ước 84:85.
Chúa Giê Su có ngụ ý gì khi phán: “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo”?
Anh Cả D. Todd Christofferson dạy: “Tôi chắc chắn rằng một số lớn các anh chị em đã bị cha mẹ, anh chị em của mình khước từ và tẩy chay khi anh chị em chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và lập giao ước của Ngài. Trong một cách này hay cách khác, tình yêu thương lớn lao của anh chị em đối với Đấng Ky Tô đã đòi hỏi phải hy sinh những mối quan hệ quý giá đối với anh chị em, và anh chị em đã phải khóc rất nhiều. Nhưng với tình yêu thương của riêng mình không hề suy giảm, anh chị em vẫn vững vàng giữa thử thách này, cho thấy rằng mình không hề hổ thẹn về Vị Nam Tử của Thượng Đế” (“Finding Your Life,” Ensign, Mar. 2016, 28).
Sự sẵn lòng đánh mất những mối quan hệ thương yêu để noi theo Đấng Cứu Rỗi kèm theo với một lời hứa rằng “ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được” (Ma Thi Ơ 10:39).
Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cho tôi được yên nghỉ khi tôi trông cậy vào Ngài và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Tất cả chúng ta đều mang gánh nặng—một số là từ tội lỗi và lỗi lầm của cá nhân chúng ta, một số gây ra bởi những sự lựa chọn của người khác, và một số không phải là lỗi của ai mà chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống trên trần thế. Bất kể lý do gì gây ra những khó khăn của chúng ta, Thượng Đế đều khẩn nài chúng ta hãy đến với Ngài để Ngài có thể giúp mang vác gánh nặng của chúng ta và giải cứu chúng ta (xin xem thêm Mô Si A 24). Anh Cả David A. Bednar dạy: “Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng kết hợp chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô” (“Bear Up Their Burdens with Ease,” Ensign hoặc Liahona, May 2014, 88). Với điều này, hãy suy ngẫm những câu hỏi giống như sau để hiểu rõ hơn những lời của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này: “Làm thế nào các giao ước của tôi kết hợp tôi với Đấng Cứu Rỗi?” “Tôi phải làm gì để đến cùng Đấng Ky Tô?” hoặc “Bằng cách nào ách của Đấng Cứu Rỗi là dễ dàng và gánh của Ngài nhẹ?”
Có câu hỏi nào khác đến với anh chị em khi đọc không? Hãy ghi những câu hỏi đó xuống và tìm kiếm câu trả lời trong thánh thư và trong những lời của các vị tiên tri vào tuần này. Anh chị em có thể tìm thấy câu trả lời cho một số câu hỏi trong sứ điệp của Anh Cả David A. Bednar được trích dẫn ở trên.
Khi tội lỗi của tôi được tha thứ, tình yêu thương của tôi dành cho Đấng Cứu Rỗi trở nên sâu đậm hơn.
Anh chị em có thấy mình trong câu chuyện trong các câu này nói về Đấng Cứu Rỗi đến viếng thăm Si Môn người Pha Ri Si không? Anh chị em có bao giờ giống như Si Môn không? Anh chị em có thể làm gì để noi theo tấm gương của người phụ nữ cho thấy lòng khiêm nhường và tình yêu mến dành cho Chúa Giê Su Ky Tô? Có khi nào anh chị em đã cảm nhận được sự dịu dàng và thương xót mà Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ cho người phụ nữ đó không? Anh chị em học được điều gì từ những câu này về cách sự tha thứ củng cố tình yêu thương của chúng ta dành cho Đấng Cứu Rỗi?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Khi chúng ta xem xét các sứ điệp từ đại hội trung ương gần đây nhất, chúng ta đang làm ra sao với tư cách là gia đình trong việc tiếp nhận và tuân theo lời khuyên bảo của Các Vị Sứ Đồ thời hiện đại? Làm thế nào việc chúng ta vâng theo lời khuyên bảo của họ mang chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn?
Anh chị em có thể giúp gia đình mình hình dung ra những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này bằng cách cho họ thay phiên nhau cố gắng kéo một vật nặng nào đó, đầu tiên là tự mình rồi sau đó với sự trợ giúp. Chúng ta có thể đang mang một số gánh nặng nào? Tự mình gánh lấy ách của Đấng Ky Tô có nghĩa là gì? Hình ảnh kèm theo đại cương này có thể giúp anh chị em giải thích cái ách là gì.
Làm thế nào chúng ta có thể “làm việc lành” trong ngày Sa Bát? (Ma Thi Ơ 12:12). Trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi chữa lành chúng ta trong ngày Sa Bát?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.