“Ngày 16–22 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 8–13: ‘Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của cách Vui Lòng’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2019 (2019)
“Ngày 16–22 tháng Chín. 2 Cô Rinh Tô 8–13,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2019
Ngày 16–22 tháng Chín
2 Cô Rinh Tô 8–13
“Đức Chúa Trời Yêu Kẻ Thí Của cách Vui Lòng”
Việc ghi lại những ấn tượng thuộc linh sẽ giúp anh chị em ghi nhớ điều mình học được trong khi học thánh thư. Anh chị em có thể viết vào nhật ký ghi chép việc học tập, ghi chú vào bên lề trang thánh thư, và ghi chú trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, hoặc ghi âm những ý nghĩ của anh chị em.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Anh chị em sẽ làm gì nếu anh chị em nghe thấy một giáo đoàn Các Thánh Hữu ở một khu vực khác đang rơi vào cảnh nghèo khó? Đây là tình huống mà Phao Lô mô tả cho Các Thánh Hữu người Cô Rinh Tô trong 2 Cô Rinh Tô 8–9. Ông hy vọng thuyết phục Các Thánh Hữu người Cô Rinh Tô hiến tặng một số của cải của họ cho Các Thánh Hữu đang hoạn nạn. Nhưng hơn cả một lời yêu cầu để hiến tặng, những lời của Phao Lô cũng chứa đựng các lẽ thật sâu sắc về việc ban phát: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng.” (2 Cô Rinh Tô 9:7). Trong thời của chúng ta, vẫn có Các Thánh Hữu trên khắp thế giới đang cần giúp đỡ. Đôi khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho họ là nhịn ăn và hiến tặng của lễ nhịn ăn. Trong những trường hợp khác, sự ban phát của chúng ta có thể trực tiếp và riêng tư hơn. Bất kể chúng ta hy sinh bằng cách nào, thì rất đáng để xem xét động lực của chúng ta để ban phát. Những hy sinh của chúng ta có phải là sự bày tỏ tình yêu thương không? Cuối cùng thì chính là tình yêu thương làm cho một người ban phát cảm thấy mừng vui.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Riêng Cá Nhân
Tôi có thể vui mừng chia sẻ những gì mình có để ban phước cho người nghèo khó và hoạn nạn.
Có rất nhiều người hoạn nạn trên khắp thế giới. Làm thế nào tôi có thể tạo ra một sự khác biệt? Anh Cả Jeffrey R. Holland đưa ra lời khuyên bảo này: “Dù giàu hay nghèo, chúng ta cũng phải ‘làm điều chúng ta có thể làm’ khi những người khác đang hoạn nạn [xin xem Mác 14:6, 8]. … [Thượng Đế] sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các anh chị em trong các hành động trắc ẩn của người môn đồ nếu các anh chị em tận tình mong muốn và cầu nguyện cùng tìm cách để tuân giữ một giáo lệnh mà Ngài đã nhiều lần ban cho chúng ta” (“Chẳng Phải Chúng Ta Toàn Là Những Kẻ Hành Khất Cả Hay Sao?” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 41).
Đọc 2 Cô Rinh Tô 8:1–15; 9:6–15, ghi chú các nguyên tắc mà Phao Lô đã dạy về việc chăm sóc cho người nghèo khó và hoạn nạn. Điều gì soi dẫn anh chị em về lời khuyên bảo của Phao Lô? Anh chị em có thể cầu nguyện để được hướng dẫn về điều mình có thể làm để ban phước cho những người hoạn nạn. Hãy chắc chắn ghi xuống bất cứ ấn tượng nào anh chị em nhận được và hành động theo ấn tượng đó.
Xin xem thêm Mô Si A 4:16–27; An Ma 34:27–29; Henry B. Eyring, “Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 22–25; Linda K. Burton, “Ta Là Khách Lạ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 13–15.
Các tiên tri giả tìm cách dụ dỗ.
Có thể giúp anh chị em hiểu chương này khi biết rằng “sứ đồ giả” đang gia tăng giữa Các Thánh Hữu Cô Rinh Tô (2 Cô Rinh Tô 11:13). Anh chị em học được điều gì từ các câu 13–15 về những người dạy các giáo lý sai lạc? Anh chị em học được điều gì từ các vị tiên tri chân chính khi anh chị em đọc về những kinh nghiệm của Phao Lô với tư cách là kẻ hầu việc của Đấng Ky Tô? (xin xem các câu 23–33).
Tôi cần “tự xét” sự trung tín của mình trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Bởi vì ngày nay có rất nhiều người tìm cách dẫn dắt chúng ta khỏi “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng [Ky Tô]” (2 Cô Rinh Tô 11:3), anh chị em có thể chấp nhận lời mời gọi của Phao Lô để tự xét [mình] để xem mình có đức tin chăng” (2 Cô Rinh Tô 13:5). Ví dụ, anh chị em có thể suy ngẫm điều gì mình có thể loại bỏ khỏi cuộc sống của mình mà sẽ giúp anh chị em tập trung vào Đấng Ky Tô, hoặc anh chị em có thể hoàn tất “Sinh Hoạt Tìm Kiếm Thuộc Tính” trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 145.
“Từng trời thứ ba” là gì, và ai là người “đã được đem lên” đó?
Trong các câu này, Phao Lô đang nói về chính ông, mà không đề cập trực tiếp đến mình—có thể để tránh khoe khoang về khải tượng đáng chú ý của ông. Cụm từ “từng trời thứ ba” ám chỉ vương quốc thượng thiên (xin xem GLGƯ 76:96–98).
Ân điển của Đấng Cứu Rỗi là đủ để giúp tôi tìm thấy sức mạnh trong sự yếu kém của tôi.
Chúng ta không biết “cái giằm xóc vào thịt” của Phao Lô là gì, nhưng rất dễ để liên hệ với ước muốn của ông để lấy cái giằm đó ra. Chúng ta đều có những thử thách và vấn đề mà Chúa chưa thấy thích hợp để cất bỏ khỏi cuộc sống chúng ta. Hãy nghĩ về những thử thách riêng của anh chị em khi anh chị em đọc 2 Cô Rinh Tô 12:5–10. Phao Lô đã dạy điều gì về sự yếu kém? Ân điển của Thượng Đế là đủ cho anh chị em có nghĩa là gì? Anh chị em đã cảm nhận được quyền năng củng cố của Thượng Đế như thế nào?
Xin xem thêm Mô Si A 23:21–24; 24:10–15; Ê The 12:27; Mô Rô Ni 10:32–33.
Phao Lô có ý nói gì khi ông nói về “hai hoặc ba người làm chứng”?
Trong thời Kinh Cựu Ước, hai hoặc ba người làm chứng đều được đòi hỏi để tố cáo buộc tội cho một người nào đó (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15). Phao Lô trích dẫn lối thực hành này khi ông đề cập đến lần viếng thăm thứ ba của ông tới thành Cô Rinh Tô. Những ví dụ thời hiện đại của nguyên tắc này về nhiều người làm chứng bao gồm Ba Nhân Chứng của Sách Mặc Môn, các chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô do Kinh Thánh và Sách Mặc Môn cung ứng, và sự thực hành của những người truyền giáo làm chứng trong các cặp đồng hành.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Chung Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
Khi anh chị em đọc thánh thư chung với gia đình mình, Thánh Linh có thể giúp anh chị em biết phải tập trung và thảo luận về những nguyên tắc nào để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình. Đây là một số đề nghị:
Anh chị em tìm thấy điều gì trong các chương này mà soi dẫn gia đình anh chị em tìm đến những người nghèo khó và hoạn nạn? Đây có thể là lúc thích hợp để hoạch định một hành động phục vụ với tư cách là một gia đình cho một người nào đó đang hoạn nạn.
Gia đình anh chị em có biết người nào đó mà có thể được mô tả là “kẻ thí của cách vui lòng” không? Làm thế nào chúng ta có thể làm cho sự phục vụ của mình dành cho người khác được vui lòng hơn?
Làm thế nào anh chị em có thể giảng dạy gia đình mình về “chiến tranh” của mình chống lại sự tà ác? Gia đình anh chị em có thích dựng tường hay đồn lũy bằng ghế và chăn mền không? Điều này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về cách thức để đánh đổ những sự việc mà dẫn dắt chúng ta xa rời Thượng Đế và “bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng [Ky Tô].” “Những khí giới” thuộc linh nào chúng ta sử dụng để kiềm chế ý nghĩ của mình? (xin xem Ê Phê Sô 6:11–18).
Gia đình anh chị em có thể làm gì để tập trung hơn vào “lòng thật thà tinh sạch đối với Đấng [Ky Tô]”?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.