“Ngày 10–16 tháng Tư. Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9: ‘Thầy là Đấng Ky Tô,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 10–16 tháng Tư. Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 10–16 tháng Tư
Ma Thi Ơ 15–17; Mác 7–9
“Thầy là Đấng Ky Tô”
Việc đọc thánh thư mời Đức Thánh Linh vào cuộc sống của anh chị em. Một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của Đức Thánh Linh là làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Khi anh chị em đọc thánh thư tuần này, hãy chú ý đến những cảm nghĩ thuộc linh mà củng cố chứng ngôn của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Không kỳ lạ sao khi mà những người Pha Ri Si và người Sa Đu Sê đòi hỏi Chúa Giê Su cho họ thấy “một dấu lạ từ trên trời xuống”? Các phép lạ được nhiều người biết đến của Ngài chưa đủ sao? Vậy còn những lời giảng dạy mạnh mẽ hoặc vô số cách thức mà Ngài đã làm ứng nghiệm những lời tiên tri thời xưa thì sao? Sự đòi hỏi này của họ không bắt nguồn từ việc thiếu những dấu chỉ mà là vì họ không sẵn lòng “phân biệt dấu chỉ” và chấp nhận chúng. (Xin xem Ma Thi Ơ 16:1–4.)
Phi E Rơ, giống như người Pha Ri Si và người Sa Đu Sê, đã chứng kiến các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi và nghe thấy những lời giảng dạy của Ngài. Nhưng chứng ngôn chắc chắn của Phi E Rơ: “Chúa là Đấng [Ky Tô], con Đức Chúa Trời hằng sống,” đã không đến từ các giác quan—hay là “thịt và huyết” của ông. Mà chứng ngôn của ông được mặc khải cho ông bởi “Cha ở trên trời” của chúng ta. Sự mặc khải là đá mà trên đó Đấng Cứu Rỗi lập nên Giáo Hội của Ngài thời xưa cũng như thời nay—sự mặc khải từ thiên thượng ban cho các tôi tớ của Ngài. Và đây là đá mà trên đó chúng ta có thể tạo nên vai trò làm môn đồ của mình—sự mặc khải rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và các tôi tớ của Ngài nắm giữ “chìa khóa nước thiên đàng.” Khi chúng ta được xây đắp trên nền tảng này, “cửa [ngục giới] sẽ chẳng thắng được [chúng ta]” (Ma Thi Ơ 16:15–19).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô đến bởi sự mặc khải.
Nếu Chúa Giê Su Ky Tô hỏi con người thời nay: “Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” thì họ có thể nói gì? Anh chị em sẽ phản ứng ra sao nếu Chúa Giê Su hỏi anh chị em: “Các người thì xưng ta là ai?” (Xin xem Ma Thi Ơ 16:13–15.)
Suy ngẫm chứng ngôn của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi và cách anh chị em đã nhận được chứng ngôn đó. Anh chị em học được điều gì từ Ma Thi Ơ 16:15–17 mà có thể củng cố chứng ngôn đó? Nếu anh chị em muốn học hỏi thêm về chứng ngôn và sự mặc khải cá nhân, thì hãy khám phá các câu thánh thư này: Giăng 15:26; 2 Nê Phi 31:17–18; An Ma 5:45–48; và Giáo Lý và Giao Ước 8:2–3.
Ma Thi Ơ 16:13–19; 17:1–9; Mác 9:2–9
“Chìa khóa nước thiên đàng” ở trên thế gian ngày nay.
“Chìa khóa nước thiên đàng” mà Đấng Cứu Rỗi hứa ban cho Phi E Rơ là các chìa khóa của chức tư tế (Ma Thi Ơ 16:19). Các chìa khóa của chức tư tế là gì? Tại sao chúng ta cần những chìa khóa đó? Hãy suy ngẫm những câu hỏi này khi anh chị em đọc về lời hứa của Đấng Cứu Rỗi trong Ma Thi Ơ 16:13–19 và sự ứng nghiệm lời hứa đó trong Ma Thi Ơ 17:1–9; Mác 9:2–9 (xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Mác 9:3 [trong Bản Dịch Joseph Smith Phụ Lục]).
Các nguồn tài liệu khác để giúp anh chị em học về các chìa khóa của chức tư tế gồm có Giáo Lý và Giao Ước 65:2; 107:18–20; 110:11–16; 128:9–11; “Chìa Khóa của Chức Tư Tế, Các” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org); và sứ điệp của Anh Cả Gary E. Stevenson “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế Ở Đâu?,” (Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 29–32). Trong khi học tập các nguồn tài liệu này, hãy cân nhắc việc lập một bản liệt kê những điều anh chị em học được về các chìa khóa chức tư tế và các phước lành đến từ các chìa khóa đó. Anh chị em nghĩ tại sao chìa khóa là biểu tượng phù hợp cho quyền hướng dẫn sự phục vụ của chức tư tế?
Xin xem thêm Dallin H. Oaks, “Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Các Chìa Khóa,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 69–72; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Biến Hình.”
Ma Thi Ơ 17:14–21; Mác 9:14–29
Khi tìm kiếm đức tin lớn lao hơn, tôi có thể bắt đầu với đức tin mà tôi có.
Người cha được đề cập đến trong Ma Thi Ơ 17 và Mác 9 có lý do để cảm thấy không chắc chắn rằng Chúa Giê Su có thể chữa lành cho con trai mình. Ông đã yêu cầu các môn đồ của Chúa Giê Su chữa lành cho con ông, và họ không thể làm được. Nhưng khi ông cầu xin Đấng Cứu Rỗi ban cho một phép lạ, ông đã chọn để bày tỏ đức tin. Ông nói: “Thưa Chúa, tôi tin.” Sau đó, để thừa nhận rằng đức tin của mình không hoàn hảo, ông ta nói thêm: “Xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi.”
Thánh Linh dạy anh chị em điều gì khi anh chị em đọc về phép lạ này? Cha Thiên Thượng đã giúp anh chị em gia tăng đức tin của mình bằng cách nào? Anh chị em có thể làm gì để xây đắp đức tin mà mình đã có rồi? Có lẽ anh chị em có thể lập một bản liệt kê gồm có các đoạn thánh thư, các sứ điệp đại hội, hoặc những kinh nghiệm mà đã củng cố đức tin của mình.
Xin xem thêm Jeffrey R. Holland, “Thưa Chúa, Tôi Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 93–95.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Ma Thi Ơ 15:7–9; Mác 7:6–7.Sự khác biệt giữa việc tôn vinh Thượng Đế bằng môi miệng hoặc lời nói của chúng ta với việc kính trọng Ngài bằng tấm lòng của chúng ta là gì?
-
Ma Thi Ơ 15:17–20; Mác 7:18–23.Tại sao chúng ta phải cẩn thận về điều chúng ta đặt vào miệng mình? Dựa vào những điều Chúa Giê Su đã dạy trong các câu này, tại sao chúng ta nên thận trọng hơn về những gì phát xuất từ miệng chúng ta—và từ trong lòng mình? Làm thế nào chúng ta có thể giữ cho tấm lòng mình thanh khiết?
-
Ma Thi Ơ 16:15–17.Bằng cách nào Thượng Đế biểu lộ với chúng ta rằng Chúa Giê Su là “Đấng Ky Tô và Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống”? (câu 16). Làm thế nào chúng ta có thể tự chuẩn bị để nhận được sự mặc khải này từ Ngài?
-
Ma Thi Ơ 16:13–19; 17:1–9.Để dạy con cái về các chìa khóa của chức tư tế, anh chị em có thể kể câu chuyện của Anh Cả Gary E. Stevenson về việc xe bị khóa không vào được (xin xem “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền của Chức Tư Tế Ở Đâu?” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 29–32). Anh chị em có thể bảo con cái mình dùng chìa khóa để mở cửa nhà, cửa xe, hoặc những cái khóa khác. Hãy cân nhắc việc cho xem một tấm hình của Vị Chủ Tịch Giáo Hội và làm chứng rằng ông nắm giữ tất cả mọi chìa khóa của chức tư tế, giống như Phi E Rơ đã nắm giữ.
2:51 -
Ma Thi Ơ 17:20.Các vị tiên tri với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã thực sự dời núi (xin xem Gia Cốp 4:6; Môi Se 7:13). Nhưng thường thì đó không phải là phép lạ chúng ta cần. Chủ Tịch M. Russell Ballard dã dạy: “Nếu chúng ta có đức tin nhỏ như một hột cải, thì Chúa có thể giúp chúng ta cất bỏ những thử thách khó khăn của sự chán nản và nghi ngờ trong những nhiệm vụ trước mắt khi chúng ta phục vụ cùng với con cái của Thượng Đế, kể cả những người trong gia đình, các tín hữu Giáo Hội, và những người chưa phải là tín hữu của Giáo Hội” (“Các Ân Tứ Quý Báu từ Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 10). Những ngọn núi nào trong cuộc sống của anh chị em cần được dời đi? Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy đức tin nơi quyền năng của Thượng Đế để giúp chúng ta dời những ngọn núi này?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài thánh ca gợi ý: “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca Và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 38.