“Ngày 27 tháng Ba–Ngày 2 tháng Tư. Ma Thi Ơ 14; Mác 6; Giăng 5–6: ‘Đừng Sợ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 27 tháng Ba–Ngày 2 tháng Tư. Ma Thi Ơ 14; Mác 6; Giăng 5–6” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023
Ngày 27 tháng Ba–Ngày 2 tháng Tư
Ma Thi Ơ 14; Mác 6; Giăng 5–6
“Đừng Sợ”
Khi anh chị em đọc Ma Thi Ơ 14; Mác 6; và Giăng 5–6, hãy tìm những lẽ thật mà có ý nghĩa đối với anh chị em. Anh chị em có thể tự hỏi những câu hỏi như “Những câu chuyện trong các chương này liên quan đến tôi như thế nào?” “Tôi tìm những sứ điệp nào cho cuộc sống của tôi?” hoặc “Tôi muốn chia sẻ điều gì với gia đình tôi hoặc với người khác?”
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Điều gì có thể đã soi dẫn Phi E Rơ rời khỏi sự an toàn trên chiếc thuyền của ông ở giữa Biển Ga Li Lê trong cơn mưa gió bão bùng? Điều gì đã khiến ông tin tưởng rằng nếu Chúa Giê Su có thể đi trên mặt nước, thì ông cũng làm được như thế? Chúng ta không thể biết chắc chắn, nhưng có lẽ Phi E Rơ hiểu rằng Vị Nam Tử của Thượng Đế không chỉ đến để làm những điều phi thường cho loài người mà còn làm cho những người như Phi E Rơ cũng làm được những điều phi thường. Cuối cùng, lời mời gọi của Chúa Giê Su là “Hãy đến mà theo ta” (Lu Ca 18:22). Phi E Rơ đã chấp nhận lời mời này một lần rồi, và ông đã sẵn sàng chấp nhận nó một lần nữa, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là phải đối phó với nỗi sợ hãi và làm điều dường như không thể thực hiện được. Có lẽ Chúa sẽ không yêu cầu chúng ta bước ra khỏi thuyền giữa cơn bão hoặc đóng góp phần bánh mì ít ỏi của mình khi có hàng ngàn người cần ăn, nhưng Ngài có thể yêu cầu chúng ta chấp nhận những lời chỉ dẫn ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu những lời đó. Bất kể những lời mời của Ngài dành cho chúng ta là gì đi nữa, thì những lời mời đó đôi khi có thể dường như đáng ngạc nhiên hoặc thậm chí đầy sợ hãi. Nhưng phép lạ có thể xảy ra nếu chúng ta, giống như Phi E Rơ, bỏ qua một bên nỗi sợ hãi của mình, những mối nghi ngờ, và sự hiểu biết giới hạn của mình và noi theo Ngài trong đức tin.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Chúa Giê Su Ky Tô kính trọng Cha Ngài.
Mối quan hệ giữa Cha Thiên Thượng và mỗi người con của Ngài được định là một mối quan hệ thiêng liêng. Trong các câu này, Chúa Giê Su Ky Tô cho chúng ta một mẫu mực đầy soi dẫn để noi theo trong mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng. Hãy đọc Giăng 5:16–47, và đánh dấu hoặc ghi chú mỗi lần từ Cha xuất hiện. Vị Nam Tử tôn kính Đức Chúa Cha như thế nào, và làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Ngài? Anh chị em học được điều gì về cảm nghĩ của Đức Chúa Cha về Vị Nam Tử? Anh chị em được soi dẫn làm gì để củng cố mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng?
Xin xem thêm Giăng 17.
Ma Thi Ơ 14:15–21; Mác 6:33–44; Giăng 6:5–14
Đấng Cứu Rỗi có thể làm vinh hiển những của lễ dâng khiêm nhường của tôi để hoàn tất các mục đích của Ngài.
Anh chị em đã bao giờ cảm thấy không đủ khả năng để đáp ứng tất cả mọi nhu cầu anh chị em thấy xung quanh mình—trong nhà, trong những mối quan hệ của mình, hoặc trong xã hội chưa? Các môn đồ của Chúa Giê Su chắc hẳn đã cảm thấy không đủ khả năng khi Ngài yêu cầu họ cho hơn năm ngàn người đói ăn khi mà chỉ có năm ổ bánh mì và hai con cá. Khi anh chị em đọc về phép lạ mà sẽ diễn ra kế tiếp, hãy suy ngẫm về cách Thượng Đế có thể sử dụng những của lễ dâng từ sự phục vụ khiêm nhường của anh chị em để ban phước những người xung quanh anh chị em. Ngài đã làm vinh hiển những nỗ lực của anh chị em như thế nào khi anh chị em phục vụ Ngài? Hãy suy ngẫm lời phát biểu này của Chị Michelle D Craig: “Các [anh] chị em và tôi có thể dâng lên Đấng Ky Tô những gì chúng ta có, và Ngài sẽ làm cho những nỗ lực của chúng ta được hữu hiệu hơn. Những gì các [anh] chị em phải dâng lên là quá đủ rồi— cho dù với những nhược điểm và yếu kém của con người—nếu các [anh] chị em dựa vào ân điển của Thượng Đế” (“Chưa Hài Lòng về Nếp Sống Thuộc Linh của Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 54).
Ma Thi Ơ 14:22–33; Mác 6:45–52; Lu Ca 6:15–21
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tôi bỏ qua một bên những nỗi lo sợ và mối nghi ngờ của tôi và vận dụng đức tin nơi Ngài.
Hãy hình dung trong trí óc mình những chi tiết về quang cảnh được mô tả trong Ma Thi Ơ 14:22–33; Mác 6:45–52; và Giăng 6:15–21. Tưởng tượng xem Phi E Rơ và các môn đồ khác có thể cảm thấy như thế nào. Anh chị em học được điều gì về vai trò làm môn đồ từ những lời nói và hành động của Đấng Cứu Rỗi trong các câu này? Anh chị em học được điều gì từ những lời nói và hành động của Phi E Rơ? (Xin xem thêm 1 Nê Phi 3:7.) Chúa đang mời anh chị em làm điều gì mà có thể giống như là bước ra khỏi thuyền? Anh chị em tìm thấy điều gì trong các câu này mà mang đến cho anh chị em sức mạnh để vận dụng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cần phải sẵn lòng tin tưởng và chấp nhận lẽ thật, thậm chí khi điều đó khó để làm.
Khi Chúa Giê Su tự gọi Ngài là “bánh của sự sống” (Giăng 6:48), nhiều người thấy “lời này thật khó” (Giăng 6:60). Làm thế nào những lời của Phi E Rơ trong Giăng 6:68–69 có thể giúp anh chị em trong những lúc mà giáo lý của Đấng Cứu Rỗi dường như khó để chấp nhận hoặc sống theo? Điều gì gây ấn tượng với anh chị em về chứng ngôn của Phi E Rơ? Một số “những lời của sự sống đời đời” (Giăng 6:68) mà giúp anh chị em luôn cam kết noi theo Đấng Cứu Rỗi là gì?
Xin xem thêm M. Russell Ballard, “Chúng Tôi Đi Theo Ai?,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 90–92.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Ma Thi Ơ 14:15–21.Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể giúp gia đình mình tưởng tượng phải cần bao nhiêu bánh mì và cá để cho năm ngàn người ăn. Phép lạ trong Ma Thi Ơ 14:15–21 dạy chúng ta điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Hãy cân nhắc việc chia sẻ kinh nghiệm khi anh chị em cảm thấy mình không có đủ để dâng cho Ngài và Đấng Cứu Rỗi đã gia tăng gấp bội nỗ lực của anh chị em.
-
Ma Thi Ơ 14:22–33.Gia đình anh chị em có thể thích đóng diễn câu chuyện trong các câu này. Tại sao các môn đồ sợ hãi? Tại sao Phi E Rơ đã có thể khắc phục nỗi sợ hãi của ông và rời khỏi thuyền? Làm thế nào ông đã cho thấy đức tin thậm chí khi ông bắt đầu chìm? Đôi khi chúng ta giống như Phi E Rơ như thế nào?
-
Giăng 5:1–16.Mời những thành viên trong gia đình lưu ý mỗi lần cụm từ “được lành” xuất hiện trong các câu này. Trong những phương diện nào Chúa Giê Su Ky Tô làm cho người ta được lành? Khi nào và làm thế nào Ngài đã làm cho chúng ta được lành?
-
Giăng 6:28–58.Cho mỗi người trong gia đình một mẩu bánh mì để ăn, và thảo luận những lợi ích chúng ta nhận được từ bánh mì và những thức ăn bổ dưỡng khác. Sau đó cùng nhau tìm kiếm trong các câu này lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô tự gọi Ngài là “bánh của sự sống” (Giăng 6:35). Việc “ăn” bánh sự sống có thể có ý nghĩa gì? (xin xem D. Todd Christofferson, “Bánh Hằng Sống từ Trên Trời Xuống,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 36–39).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài thánh ca gợi ý: “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19.