Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 24–30 tháng Tư. Giăng 7–10: “Ta Là Người Chăn Hiền Lành”


“Ngày 24–30 tháng Tư. Giăng 7–10: ‘Ta Là Người Chăn Hiền Lành,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 24–30 tháng Tư. Giăng 7–10,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
Chúa Giê Su với người đàn bà ngã trên đất

Neither Do I Condemn Thee (Ta Cũng Không Định Tội Người), tranh do Eva Koleva Timothy họa

Ngày 24–30 tháng Tư

Giăng 7–10

“Ta Là Người Chăn Hiền Lành”

Khi anh chị em đọc Giăng 7–10, anh chị em có thể nhận được ấn tượng từ Đức Thánh Linh về các nguyên tắc giáo lý trong các chương này. Việc ghi lại những ấn tượng của mình có thể giúp anh chị em hoạch định để hành động theo những ấn tượng đó.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Mặc dù Chúa Giê Su Ky Tô đến để mang “bình an [và] ân trạch cho loài người” (Lu Ca 2:14), nhưng “dân chúng cãi lẽ nhau về Ngài” (Giăng 7:43). Những người chứng kiến cùng các sự kiện này đã có những kết luận rất khác nhau về Chúa Giê Su là ai. Một số người kết luận rằng: “Ấy là một người lành,” trong khi có người thì nói: “Người phỉnh dỗ dân chúng” (Giăng 7:12). Khi Ngài chữa lành cho một người mù vào ngày Sa Bát, một số người khăng khăng nói rằng: “Người này không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu vì không giữ ngày Sa Bát,” trong khi người khác hỏi rằng: “Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được?” (Giăng 9:16). Nhưng mặc cho tất cả mọi sự nhầm lẫn, những ai tìm kiếm lẽ thật đều nhận ra quyền năng trong lời Ngài, vì “chẳng hề có người nào đã nói như người nầy” (Giăng 7:46). Khi dân Do Thái yêu cầu Chúa Giê Su “nói rõ cho chúng tôi” xem Ngài có phải là Đấng Ky Tô không, Ngài tiết lộ một nguyên tắc mà có thể giúp chúng ta phân biệt lẽ thật và điều sai trái, Ngài phán “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (Giăng 10:24, 27).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Giăng 7:14–17

Khi tôi sống theo các lẽ thật mà Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy, tôi sẽ tiến đến việc biết những điều đó là chân chính.

Những người Do Thái sững sờ thấy Chúa Giê Su biết rất nhiều tuy Ngài không được học hành (xin xem câu 15)—ít ra, không phải theo cách họ thường biết. Trong câu trả lời của Chúa Giê Su, Ngài dạy về một cách khác có sẵn cho mọi người để biết được lẽ thật, bất kể học thức hay lai lịch của mình. Theo Giăng 7:14–17, làm thế nào anh chị em có thể tiến đến việc biết rằng giáo lý mà Chúa Giê Su dạy là chân chính? Làm thế nào tiến trình này đã giúp anh chị em phát triển chứng ngôn của mình về phúc âm?

Giăng 8:2–11

Lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi có sẵn cho tất cả mọi người.

Khi nói về cuộc trò chuyện của Đấng Cứu Rỗi với người đàn bà bị bắt quả tang vì tội tà dâm, Anh Cả Dale G. Renlund nói: “Chắc chắn là Đấng Cứu Rỗi đã không tha thứ cho tội tà dâm. Nhưng Ngài cũng không chỉ trích người đàn bà. Ngài đã khuyến khích người ấy nên sửa đổi cuộc sống của mình. Người ấy đã có ước muốn thay đổi bởi vì lòng trắc ẩn và thương xót của Ngài. Bản dịch Kinh Thánh của Joseph Smith làm chứng rằng điều này đưa đến vai trò làm môn đồ của người đàn bà đó: ‘Và người đàn bà đó đã tôn vinh Thượng Đế từ lúc đó, và tin vào danh Ngài’” (“Đấng Chăn Hiền Lành của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 30).

Có khi nào anh chị em cảm thấy như người đàn bà đó, nhận được lòng thương xót thay vì bị Đấng Cứu Rỗi chỉ trích không? Có khi nào anh chị em giống như những thầy thông giáo và người Pha Ri Si, buộc tội hoặc xét đoán người khác ngay cả khi mình không phải là người vô tội không? (xin xem Giăng 8:7). Anh chị em có thể học hỏi thêm điều gì nữa từ cách Đấng Cứu Rỗi nói chuyện với những người thầy thông giáo và người Pha Ri Si và người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội tà dâm? Anh chị em học được điều gì về sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi khi anh chi em đọc các câu này?

Giăng 9

Nếu chúng ta có đức tin, Thượng Đế có thể biểu lộ Ngài trong những nỗi thống khổ của chúng ta.

Giăng 9:1–3 dạy anh chị em điều gì về những thử thách và nỗi thống khổ của cuộc sống? Khi anh chị em đọc Giăng 9, hãy suy ngẫm cách “những việc Đức Chúa Trời [đã] được tỏ ra trong người” trong cuộc sống của người mù từ lúc sinh ra. Những điều này đã được tỏ ra như thế nào trong cuộc sống của anh chị em—kể cả trong những nỗi thống khổ của anh chị em?

Giăng 10:1–30

Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Chăn Hiền Lành.

Ngay cả khi anh chị em không quen thuộc với chiên và người chăn chiên, việc đọc Giăng 10, trong đó Đấng Cứu Rỗi phán: “Ta là người chăn hiền lành,” cũng có thể dạy cho anh chị em các lẽ thật quan trọng về Ngài. Để tìm kiếm các lẽ thật này, hãy tìm các cụm từ mô tả một người chăn hiền lành là như thế nào và sau đó suy ngẫm cách các cụm từ đó áp dụng cho Đấng Cứu Rỗi. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Câu 3: “Người chăn kêu tên chiên mình mà dẫn ra ngoài.”

  • Câu 11: Người chăn “vì chiên mình phó sự sống mình.”

  • Câu 16: “Sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi.”

Sau đây là một số câu hỏi bổ sung giúp anh chị em suy ngẫm chương này: Chúa Giê Su giống một cánh cửa như thế nào? (xin xem các câu 7–9). Bằng cách nào Ngài đã ban cho anh chị em “sự sống … dư dật”? (câu 10). Khi nào anh chị em đã cảm thấy rằng Ngài biết cá nhân anh chị em? (xin xem câu 14). Làm thế nào để anh chị em nhận ra giọng nói của Người Chăn Chiên Hiền Lành? (xin xem câu 27).

Xin xem thêm Thi Thiên 23; Ê Xê Chi Ên 34; An Ma 5:37–39; 3 Nê Phi 15:21–16:5; Gerrit W. Gong, “Đấng Chăn Hiền Lành, Chiên Con của Thượng Đế,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 97–101.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Giăng 7:24.Để giúp gia đình anh chị em hiểu lời giảng dạy của Chúa Giê Su trong Giăng 7:24, anh chị em có thể cho họ thấy một thứ gì đó nhìn bên ngoài thì khác hẳn với bên trong. Hoặc mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà đã dạy họ không xét đoán qua vẻ bề ngoài. Anh chị em cũng có thể liệt kê ra những đức tính của mỗi người trong gia đình mà mắt thường không thể thấy được (xin xem thêm 1 Sa Mu Ên 16:7;Thomas S. Monson, “Nhìn Thấy Những Người Khác như là Con Người Họ Có Thể Trở Thành,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 68–71).

Giăng 8:31–36.Việc làm một “tôi mọi của tội lỗi” có nghĩa là gì? (xin xem thêm Mô Rô Ni 7:11). Các lẽ thật nào Chúa Giê Su đã dạy có thể giải thoát chúng ta?

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô chữa lành một người mù

Jesus Healing the Blind (Đấng Ky Tô Chữa Lành một Người Mù), tranh do Carl Heinrich Bloch họa

Giăng 9.Làm thế nào anh chị em có thể giúp gia đình mình hình dung ra câu chuyện về Chúa Giê Su chữa lành người mù trong Giăng 9? Mời họ ghi lại bất cứ bài học nào họ học được từ câu chuyện, ví dụ như trở nên cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì.

Giăng 10:1–18, 27–29.Để cả gia đình cùng tham gia vào việc học truyện ngụ ngôn về người chăn chiên hiền lành, hãy yêu cầu mỗi người vẽ một bức tranh về một trong số những điều sau đây: một kẻ ăn trộm, một cánh cửa, một người chăn chiên, một người đi làm thuê (một nhân công đã được mướn), một con chó sói, và một con chiên (con cừu). Mời họ đọc Giăng 10:1–18, 27–29, rồi sau đó thảo luận với tư cách là gia đình điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về những gì họ vẽ.

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm kiếm những từ và cụm từ đầy soi dẫn. Khi anh chị em đọc, Thánh Linh có thể làm cho anh chị em chú ý đến những từ hoặc cụm từ nhất định mà soi dẫn và thúc đẩy anh chị em hoặc dường như được viết chỉ cho anh chị em. Hãy cân nhắc việc ghi chép bất cứ những từ hoặc cụm từ nào soi dẫn anh chị em trong Giăng 7–10.

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô với một con chiên con

Lost No More (Không Còn Thất Lạc Nữa), tranh do Greg K. Olsen họa

In