Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 11–17 tháng Mười Hai. Khải Huyền 6–14: “Chúng Đã Thắng … Bởi Huyết Chiên Con”


“Ngày 11–17 tháng Mười Hai. Khải Huyền 6–14: ‘Chúng Đã Thắng … Bởi Huyết Chiên Con,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 11–17 tháng Mười Hai. Khải Huyền 6–14,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Chúa Giê Su đứng giữa các vì sao

Bức phù điêu của Eric Johnson: The Grand Council (Đại Hội Đồng), tranh do Robert T. Barrett họa; cụm sao do nhã ý của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu

Ngày 11–17 tháng Mười Hai

Khải Huyền 6–14

“Chúng Đã Thắng … Bởi Huyết Chiên Con”

Chủ Boyd K. Packer khuyên: “Nếu thoạt tiên lời lẽ của kinh thánh dường như là xa lạ đối với các anh chị em, thì [hãy] cứ tiếp tục đọc. Chẳng bao lâu các anh chị em sẽ dần dần nhận ra vẻ đẹp và quyền năng được tìm thấy trên các trang đó” (“Chìa Khóa cho Sự Bảo Vệ Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 27).

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Hãy tưởng tượng một người phụ nữ “có thai, kêu la và đau đớn vì sắp sinh con.” Bây giờ hãy tưởng tượng “một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng” bay lượn trên đầu người phụ nữ, sẵn sàng để “khi đẻ ra thì nuốt con người đi” (Khải Huyền 12:2–4). Để hiểu các câu này trong khải tượng của Giăng, hãy nhớ rằng các hình ảnh này tượng trưng cho Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế và mối nguy hiểm họ sẽ gặp phải. Đối với các Thánh Hữu đã trải qua sự ngược đãi khủng khiếp trong thời của Giăng, sự chiến thắng điều tà ác có vẻ như không có khả năng. Chiến thắng này cũng có thể khó để thấy trước trong một thời kỳ như của chúng ta, khi kẻ nghịch thù đang “giao chiến cùng các thánh đồ” và có được “quyền … trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước” (Khải Huyền 13:7). Nhưng kết thúc của khải tượng của Giăng cho thấy một cách vinh quang rằng cái tốt sẽ thắng cái ác. Ba Bi Lôn sẽ sụp đổ. Và các Thánh Hữu sẽ “ra khỏi cơn đại nạn” với áo choàng trắng—không phải vì áo của họ không bao giờ bị vấy bẩn mà vì các Thánh Hữu sẽ “giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (Khải Huyền 7:14).

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Khải Huyền 6–11

Giăng đã thấy nhiều sự kiện trong lịch sử thế gian, đặc biệt là những sự kiện trong những ngày sau.

Trong những chương này, anh chị em sẽ đọc về một quyển sách có bảy cái ấn. Nếu anh chị em tự hỏi điều đó có nghĩa là gì, thì anh chị em không đơn độc một mình. Vị Tiên Tri Joseph Smith cũng đã như vậy. Chúa đã mặc khải cho Joseph rằng quyển sách này và các ấn của sách tượng trưng cho câu chuyện về “sự tồn tại thế tục” của thế gian với mỗi ấn tượng trưng cho một ngàn năm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 77:6–7). Anh chị em có thể thích thú để biết rằng các sự kiện của bốn ấn đầu tiên được tóm lược trong khải tượng của Giăng chỉ trong tám câu (Khải Huyền 6:1–8). Ba câu tiếp theo mô tả ấn thứ năm (các câu 9–11). Các sự kiện của hai ấn cuối chiếm phần lớn phần còn lại của sách Khải Huyền. Nói cách khác, trọng tâm chính của khải tượng của Giăng là những ngày sau cùng—thời đại của chúng ta. Trong khi anh chị em đọc, hãy suy ngẫm lý do tại sao là điều quý báu để biết điều Giăng đã viết về những ngày sau.

Khi anh chị em đọc về các sự kiện Giăng đã tiên tri, hãy xem xét những gợi ý và câu hỏi sau đây:

Khải Huyền 12–13

Chiến Tranh trên Thiên Thượng tiếp diễn trên thế gian.

Chúng ta không biết nhiều về Chiến Tranh trên Thiên Thượng, nhưng có một sự miêu tả sống động nhưng ngắn gọn về cuộc chiến này trong Khải Huyền 12:7–11. Khi anh chị em đọc các câu này, hãy tự hình dung mình là một phần của cuộc xung đột tiền dương thế đó. Anh chị em học được điều gì về cách chiến thắng Sa Tan? (xin xem câu 11).

Cuộc chiến mà bắt đầu trên thiên thượng tiếp diễn trên thế gian, khi Sa Tan vẫn khăng khăng “tranh chiến cùng [những người có] lời chứng của Đức Chúa [Giê Su]” (Khải Huyền 12:17). Anh chị em học được điều gì từ Khải Huyền 13 về cách Ngài đang đánh trận chiến đó ngày nay? Làm thế nào “huyết Chiên Con” và “lời làm chứng của [anh chị em]” (Khải Huyền 12:11) tiếp tục giúp đỡ anh chị em trong cuộc chiến này?

Xin xem thêm 1 Nê Phi 14:12–14; Mô Rô Ni 7:12–13; Môi Se 4:1–4; Giáo Lý và Giao Ước 29:36–37.

Khải Huyền 14:6–7

“Tôi thấy một vị thiên sứ khác … có Tin Lành đời đời.”

Một sự ứng nghiệm của điều tiên tri trong các câu này đã xảy ra khi Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith và dẫn ông đến các biên sử mà ông đã phiên dịch và xuất bản thành Sách Mặc Môn. Sách này chứa đựng “tin lành đời đời” mà chúng ta có nhiệm vụ phải rao truyền cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải Huyền 14:6).

Để tìm hiểu về các thiên sứ khác đã tham gia vào việc phục hồi phúc âm trường cửu, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 13; 27:5–13; 110:11–16; 128:20–21.

Xin xem thêm “Sự Phục Hồi Phúc Âm Trọn Vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô: Bản Tuyên Ngôn Kỷ Niệm Hai Trăm Năm cùng Thế Giới,” (ChurchofJesusChrist.org).

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khải Huyền 7:9, 13–15.Các câu này có thể dạy chúng ta điều gì về lý do tại sao chúng ta mặc đồ trắng trong các lễ báp têm và giáo lễ đền thờ?

Khải Huyền 7:14–17.Cân nhắc mời mọi người trong gia đình chia sẻ cảm nghĩ của họ về những lời hứa của Chúa trong các câu này. Những lời hứa của Ngài có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào khi chúng ta đang ở trong “cơn đại nạn”? (câu 14).

Khải Huyền 12:7–11; 14:6.Một số người trong gia đình có thể thích vẽ những bức tranh về các khải tượng được mô tả trong sách Khải Huyền. Ví dụ, việc vẽ những bức tranh dựa trên Khải Huyền 12 có thể dẫn đến những cuộc thảo luận về Chiến Tranh trên Thiên Thượng (xin xem các câu 7–11). Những bức tranh dựa trên Khải Huyền 14:6 có thể dẫn đến những cuộc thảo luận về Sự Phục Hồi phúc âm.

Sau khi cùng nhau đọc Khải Huyền 14:6, hãy cân nhắc cho thấy các bức tranh về thiên sứ Mô Rô Ni và các thiên sứ khác đã giúp phục hồi phúc âm trong thời kỳ của chúng ta (xin xem các bức hình ở cuối đại cương này). Có lẽ mọi người trong gia đình có thể lần lượt giơ lên một trong các bức tranh và chia sẻ lý do tại sao họ biết ơn rằng các thiên sứ đã “có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho [chúng ta].”

Khải Huyền 12:11.Cụm từ “lời làm chứng của mình” có nghĩa là gì? Làm thế nào chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta và những người khác đánh bại Sa Tan?

Khải Huyền 13:11–14.Mọi người trong gia đình anh chị em có những suy nghĩ gì về con thú lừa dối? Làm thế nào chúng ta phát hiện và tránh xa điều gian trá mà chúng ta thấy trên thế gian ngày nay?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy đắm mình vào thánh thư. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy: “Việc hằng ngày chú tâm đến lời của Thượng Đế là rất thiết yếu cho sự sống còn thuộc linh nhất là trong những ngày biến động càng ngày càng gia tăng này” (“Hãy Nghe Lời Người,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 89). Việc “chú tâm đến lời của Thượng Đế” có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Đấng Ky Tô đang gõ cửa

Moroni Delivering the Golden Plates (Mô Rô Ni Trao Các Bảng Khắc Bằng Vàng), tranh do Gary L. Kapp họa; Upon You My Fellow Servants (Hỡi Các Ngươi Cũng Là Tôi Tớ Như Ta), tranh do Linda Curley Christensen và Michael T. Malm họa (Giăng Báp Tít truyền giao Chức Tư Tế A Rôn cho Joseph Smith); Keys of the Kingdom (Các Chìa Khóa của Vương Quốc), tranh do Linda Curley Christensen và Michael T. Malm họa (Phi E Rơ, Gia Cơ, và Giăng truyền giao Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cho Joseph Smith); Vision in the Kirtland Temple (Khải Tượng trong Đền Thờ Kirtland), tranh do Gary E. Smith họa (Môi Se, Ê Li A, và Ê Li hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery).