Kinh Tân Ước năm 2023
Ngày 4–10 tháng Mười Hai. Khải Huyền 1–5: “Chiên Con … Tôn Quý Vinh Hiển và Quyền Phép cho đến Đời Đời”


“Ngày 4–10 tháng Mười Hai. Khải Huyền 1–5: ‘Chiên Con … Tôn Quý Vinh Hiển và Quyền Phép cho đến Đời Đời,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2022)

“Ngày 4–10 tháng Mười Hai. Khải Huyền 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2023

Hình Ảnh
chiên con ngồi trên cỏ

Ngày 4–10 tháng Mười Hai

Khải Huyền 1–5

“Chiên Con được ngợi khen, tôn quý vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời”

Hãy cân nhắc việc viết xuống những câu hỏi anh chị em có về những gì anh chị em đọc trong Khải Huyền. Sau đó anh chị em có thể tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của mình hoặc thảo luận chúng với một người trong gia đình hoặc trong các lớp học Giáo Hội.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Anh chị em đã bao giờ gặp khó khăn trong việc bày tỏ với người khác điều mình cảm thấy khi có một kinh nghiệm thuộc linh mạnh mẽ không? Ngôn từ thường ngày có thể không thích hợp để mô tả những cảm giác và ấn tượng thuộc linh. Có lẽ đây là lý do tại sao Giăng đã sử dụng biểu tượng và hình ảnh sống động để miêu tả điều mặc khải tráng lệ của ông. Ông có thể đơn giản nói rằng ông đã thấy Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng để giúp chúng ta hiểu kinh nghiệm của ông, ông đã mô tả Đấng Cứu Rỗi với những lời như sau: “Mắt của [người] như ngọn lửa,” “miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi,” và “mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức” (Khải Huyền 1:14–16). Trong khi anh chị em đọc sách Khải Huyền, hãy cố gắng khám phá các sứ điệp mà Giăng muốn anh chị em học hỏi và cảm nhận, thậm chí nếu anh chị em không hiểu ý nghĩa đằng sau mọi biểu tượng. Tại sao ông có lẽ đã so sánh các giáo đoàn của Giáo Hội với những cái chân đèn, Sa Tan với con rồng, và Chúa Giê Su Ky Tô với chiên con? Cuối cùng thì anh chị em không cần phải hiểu mọi biểu tượng trong Khải Huyền để hiểu được các chủ đề quan trọng của sách đó, kể cả chủ đề nổi bật nhất của sách: Chúa Giê Su Ky Tô và các tín đồ của Ngài sẽ chiến thắng các vương quốc của con người và của Sa Tan.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Khải tượng của Giăng dạy về kế hoạch của Cha Thiên Thượng để cứu rỗi con cái của Ngài.

Sách Khải Huyền có thể khó hiểu, nhưng hãy đừng nản chí. Lời hứa của Giăng có thể soi dẫn anh chị em để tiếp tục cố gắng: “Phước thay cho những người đọc, và những người nghe và hiểu những lời tiên tri này, và giữ những điều đã chép ở trong đó, vì thời gian Chúa đến đã gần kề rồi” (Bản Dịch Joseph Smith, Khải Huyền 1:3, sự nhấn mạnh được thêm vào).

Một cách để học tập sách Khải Huyền là tìm kiếm những mối liên kết với kế hoạch cứu rỗi. Phần tổng quan sơ lược này có thể giúp anh chị em:

  • Chương 512 mô tả các sự kiện trong cuộc sống tiền dương thế.

  • Chương 6–11, 13–14, 16–19 mô tả cuộc sống trần thế và các sự kiện trong lịch sử của thế gian.

  • Chương 2–3, 15, 20–22 mô tả sự Phán Xét Cuối Cùng và vinh quang mà đang chờ đợi người trung tín.

Trong khi đọc, anh chị em hãy tự hỏi: “Điều này dạy tôi điều gì về kế hoạch của Thượng Đế? Thượng Đế đã làm gì để giúp tôi chiến thắng điều ác và trở về cùng Ngài? Những lời hứa của Ngài với người trung tín là gì?”

Cũng có thể hữu ích để biết rằng Giáo Lý và Giao Ước 77 giải thích một số biểu tượng được sử dụng trong Khải Huyền. Ngoài ra, Bản Dịch Joseph Smith làm sáng tỏ một vài đoạn trong sách Khải Huyền, vì vậy hãy thường xuyên kiểm tra Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giăng, Con Trai của Xê Bê Đê.”

Khải Huyền 1

Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống.

Chương đầu tiên của sách Khải Huyền mô tả sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô cùng Giăng trong một khải tượng. Có lẽ anh chị em có thể lập một bản liệt kê mọi điều trong chương này nói về Chúa Giê Su Ky Tô, kể cả Ngài là ai, Ngài làm gì cho chúng ta, và Ngài là Đấng như thế nào.

Một số điều anh chị em học được sẽ đến từ các biểu tượng. Hãy suy ngẫm điều Chúa có thể đang cố gắng giảng dạy anh chị em về chính Ngài qua những biểu tượng này. Ví dụ, hãy lưu ý rằng Đấng Cứu Rỗi tự gọi Ngài là “thứ nhất và là sau chót” và “là đầu và là rốt.” Anh chị em nghĩ tại sao những danh hiệu này là quan trọng? Những danh hiệu này dạy anh chị em điều gì về Đấng Cứu Rỗi?

Khải Huyền 2–3

Chúa Giê Su Ky Tô biết cá nhân tôi và sẽ giúp tôi vượt qua những thử thách của tôi.

Những lời của Đấng Cứu Rỗi trong Khải Huyền 2–3 tiết lộ rằng Ngài hiểu những thành công và khó khăn độc nhất đối với mỗi chi nhánh của Giáo Hội trong thời kỳ của Giăng. Ngài khen ngợi những nỗ lực của các Thánh Hữu và cũng cảnh cáo họ về những điều họ cần phải thay đổi. Anh chị em học được điều gì từ những lời khen ngợi và cảnh cáo của Đấng Cứu Rỗi?

Đấng Cứu Rỗi cũng hiểu những thành công và khó khăn của anh chị em, và Ngài muốn giúp đỡ anh chị em. Hãy lưu ý đến những lời hứa mà Ngài hay ban cho những người vượt qua được thử thách. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về những lời hứa này? Chúa có thể muốn anh chị em khắc phục điều gì? Anh chị em có thể làm gì để nhận được sự giúp đỡ của Ngài?

Khải Huyền 4–5

Chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể làm cho kế hoạch của Cha Thiên Thượng trở nên khả thi.

Anh chị em học được gì về Cha Thiên Thượng từ Khải Huyền 4 và về Chúa Giê Su Ky Tô từ Khải Huyền 5? Hãy suy ngẫm mọi việc sẽ như thế nào khi tất cả chúng ta đều nhận ra rằng Chúa Giê Su Ky Tô (“Chiên Con”) sẽ làm cho kế hoạch của Cha Thiên Thượng trở nên khả thi (Đấng Cứu Rỗi có thể “mở quyển sách này và tháo những ấn này” [Khải Huyền 5:5]). Tại sao chỉ có một mình Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể làm việc này? Bằng cách nào anh chị em có thể cho thấy đức tin của mình nơi Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của anh chị em?

Xin xem thêm Gióp 38:4–7; Giáo Lý và Giao Ước 77:1–7.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Khải Huyền 1:20.Tại sao Chúa Giê Su so sánh Giáo Hội của Ngài với các chân đèn? (xin xem Ma Thi Ơ 5:14–16).

Khải Huyền 2–3.Giả sử Giăng được yêu cầu đưa ra một sứ điệp cho gia đình anh chị em giống như các sứ điệp ông đã đưa ra cho các giáo hội trong thời ông. Ông sẽ nói điều gì đang diễn ra tốt đẹp? Anh chị em có thể tiến bộ bằng cách nào?

Khải Huyền 3:15–16.Sau khi đọc những câu này, gia đình anh chị em có thể uống một thứ gì đó âm ấm mà nếu uống nóng hoặc lạnh sẽ có vị ngon hơn. Sự hâm hẩm về mặt thuộc linh có nghĩa là gì?

Khải Huyền 3:20.Cho thấy bức hình Đấng Cứu Rỗi gõ cửa (xin xem phần cuối của đại cương này) khi gia đình anh chị em đọc Khải Huyền 3:20. Tại sao Chúa Giê Su gõ cửa thay vì đi vào bên trong? Mọi người trong gia đình có thể lần lượt gõ cửa. Sau đó, một người nào đó trong gia đình có thể đề nghị một cách chúng ta có thể “mở cửa” cho Đấng Cứu Rỗi và để người kia được vào. Việc có Đấng Cứu Rỗi trong nhà của chúng ta sẽ như thế nào?

Khải Huyền 4:10–11.Việc thờ phượng Cha Thiên Thượng có nghĩa là gì? Chúng ta biết gì về Ngài mà làm cho chúng ta muốn thờ phượng Ngài?

Khải Huyền 5:6, 12–13.Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô được gọi là “Chiên Con”? Danh hiệu này dạy chúng ta điều gì về Ngài?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài thánh ca gợi ý: “Giê Su Xưa Sinh Chỗ Thấp HènThánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 20.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy khuyến khích những câu hỏi. Những câu hỏi là một dấu hiệu rằng mọi người trong gia đình đều sẵn sàng học hỏi và cho thấy rõ cách họ đáp ứng với những điều đang được giảng dạy. Hãy dạy cho gia đình anh chị em cách tìm câu trả lời trong thánh thư. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 25–26.)

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô đang gõ cửa

Let Him In (Để cho Ngài Vào), tranh do Greg K. Olsen họa

In