“Ngày 4–10 tháng Mười Hai. Khải Huyền 1–5: ‘Chúc Cho … Chiên Con … Tôn Quí Vinh Hiển và Quyền Phép cho đến Đời Đời,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Tân Ước năm 2023 (năm 2021)
“Ngày 4–10 tháng Mười Hai. Khải Huyền 1–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2023
Ngày 4–10 tháng Mười Hai
Khải Huyền 1–5
“Chúc cho … Chiên Con … Tôn Quý Vinh Hiển và Quyền Phép cho đến Đời Đời”
Sách Khải Huyền có thể khó hiểu đối với các em, nhưng sách nãy cũng chứa đựng giáo lý quan trọng tuyệt vời và đơn giản.
Mời Chia Sẻ
Mời các em chia sẻ xem chúng sẽ cảm thấy như thế nào nếu chúng nhìn thấy Chúa Giê Su Ky Tô trong một khải tượng. Bảo các em chia sẻ bất kỳ điều gì chúng biết về khải tượng của Giăng về Chúa Giê Su trong sách Khải Huyền.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Tôi có thể tỏ ra ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi.
Trong Khải Huyền 1:20, Đấng Cứu Rỗi đã so sánh Giáo Hội của Ngài với những cái chân đèn. Giúp các em hiểu rằng chúng có thể tỏ ra ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi bằng việc sống theo những lời giảng dạy của Ngài.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cho các em xem các bức hình về những nguồn sáng khác nhau, chẳng hạn như bóng đèn, ngọn nến, và mặt trời. Khi anh chị em đọc đoạn “Bảy chân đèn là bảy Hội thánh” (Khải Huyền 1:20), hãy mời các em chỉ vào bức hình về nguồn sáng mà câu này nhắc đến. Giúp các em thảo luận về cách chúng ta, với tư cách là các tín hữu trong Giáo Hội của Chúa Giê Su, có thể giống như ánh sáng từ ngọn nến—ví dụ, khi chúng ta làm điều tử tế cho người khác.
-
Chia sẻ những cách mà anh chị em đã thấy các em sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và làm ánh sáng cho những người xung quanh chúng. Chia sẻ cách mà việc làm ánh sáng cho người khác đã giúp anh chị em cảm thấy gần gũi hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi có thể mời Chúa Giê Su Ky Tô vào cuộc sống của mình.
Phép ẩn dụ về Chúa Giê Su đứng bên ngoài gõ cửa có thể giúp các em hiểu rằng Ngài muốn gần chúng hơn.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Khi anh chị em đọc Khải Huyền 3:20, hãy cho xem bức hình của Đấng Cứu Rỗi đứng ngoài cửa từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Mời các em tưởng tượng rằng Chúa Giê Su đang gõ cửa nhà của chúng. Hãy để các em thảo luận xem chúng sẽ làm gì.
-
Mời các em kể với anh chị em về những lần khi chúng chờ đợi ai đó đến thăm nhà mà chúng phấn khởi để gặp. Các em cảm thấy như thế nào khi đợi người đó gõ cửa? Nếu chúng ta không mời người đó vào nhà thì sao? Đọc Khải Huyền 3:20, và để cho các em thay phiên nhau cầm bức tranh của Chúa Giê Su và giả vờ gõ cửa. Những em khác trong lớp có thể giả vờ mở cửa. Chúng ta có thể làm gì để Chúa Giê Su gần mình, mặc dù chúng ta không thể thấy Ngài?
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất xứng đáng để trở thành Đấng Cứu Rỗi của tôi.
Giăng đã biết được từ khải tượng của ông rằng chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô (được tượng trưng bởi con chiên) mới có thể trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và làm tròn kế hoạch của Cha Thiên Thượng (được tượng trưng bởi quyển sách bị niêm phong).
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy dùng giấy hoặc dây để gói một quyển Sách Họa Phẩm Phúc Âm lại. Sử dụng vài cụm từ then chốt trong Khải Huyền 5:1–10, hãy mô tả khải tượng Giăng nhìn thấy. Cho các em xem quyển sách, và nói với chúng rằng cách duy nhất để mở quyển sách là tìm bức hình của Chúa Giê Su mà anh chị em đã giấu ở trong phòng. Khi các em tìm ra bức hình, hãy mở quyển sách ra và chia sẻ với các em một số bức hình trong sách mà tượng trưng cho các phước lành có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (chẳng hạn như bức hình đền thờ, lễ báp têm, hoặc gia đình). Làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi là Đấng duy nhất có thể làm những điều đó có thể thực hiện được.
-
Tóm tắt khải tượng được mô tả trong Khải Huyền 5:1–10, và mời các em diễn tả cách Giăng và những người khác cảm thấy trong những phần khác nhau của khải tượng. Ví dụ, các em có thể giả vờ khóc khi không một ai có thể mở quyển sách, hay chúng có thể vui vẻ khi Đấng Cứu Rỗi mở nó.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Nếu cam kết sống theo phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, tôi sẽ nhận được các phước lành lớn lao từ thiên thượng.
Việc “hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh” có nghĩ là gì đối với anh chị em? Xem xét những cách để giúp các em không trở nên hâm hẩm—mà hãy nhiệt tình cam kết noi theo Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng nhau đọc Khải Huyền 3:5, 12, 21, và giải thích những từ mà các em có thể không hiểu. Việc “chiến thắng” có nghĩa là gì? Mời các em vẽ tranh về một trong các phước lành được hứa trong những câu này và chia sẻ tranh vẽ với cả lớp.
-
Hãy cùng nhau đọc Khải Huyền 3:15–16. Bảo các em thảo luận về những thứ mà hữu ích hoặc thú vị nhất khi nóng (chẳng hạn như súp) hoặc lạnh (chẳng hạn như kem). Việc thờ ơ với Đấng Cứu Rỗi ngăn cản chúng ta nhận được các phước lành được hứa trong các câu 5, 12, và 21 như thế nào?
-
Viết lên trên bảng từ hâm hẩm, cùng với những từ đồng nghĩa, chẳng hạn như hờ hững, thờ ơ, hoặc tùy tiện. Sử dụng những từ này để giúp các em hiểu lý do tại sao Chúa không muốn chúng ta thờ ơ. Chúng ta có thể nghĩ ra những từ nào để miêu tả cách mà Ngài muốn chúng ta trở thành? Chia sẻ lý do tại sao anh chị em muốn toàn tâm cam kết noi theo Đấng Cứu Rỗi, và mời các em chia sẻ những suy nghĩ của chúng.
Tôi có thể chọn để cho Chúa Giê Su Ky Tô là một phần trong cuộc đời mình.
Làm thế nào anh chị em có thể giúp những đứa trẻ mà anh chị em dạy mở lòng và sống trong quyền năng và sự ảnh hưởng của Chúa Giê Su Ky Tô?
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Khi anh chị em đọc Khải Huyền 3:20, hãy cho xem bức hình của Đấng Cứu Rỗi đứng ngoài cửa từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Để giúp các em rút ra ý nghĩa từ bức tranh, hãy mời chúng làm việc theo cặp để trả lời những câu hỏi như: Tại sao các em nghĩ Chúa Giê Su đang gõ cửa? Tại sao không có tay nắm cửa ở bên ngoài? Để Chúa Giê Su vào cuộc sống của chúng ta có nghĩa là gì?
-
Bảo các em viết lên trên bảng những cách khác nhau để “mở cửa” cho Chúa Giê Su. Một số ví dụ bao gồm việc phục vụ người khác, đọc thánh thư, tuân giữ các giao ước chúng ta lập khi được báp têm, và dự phần Tiệc Thánh.
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất xứng đáng để trở thành Đấng Cứu Rỗi của tôi.
Khải tượng được mô tả trong Khải Huyền 5 dạy rằng chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới xứng đáng và có khả năng để thực hiện Sự Chuộc Tội và cứu chúng ta khỏi tội lỗi mà thôi.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em kể về một lần mà chúng cần người khác làm điều mà chúng không thể tự mình làm được. Bảo các em đọc Khải Huyền 5:1–10 và tìm kiếm điều mà chỉ một người có thể làm được (giải thích rằng Chiên Con là Chúa Giê Su Ky Tô và quyển sách tượng trưng cho kế hoạch của Thượng Đế). Chúa Giê Su đã làm gì cho chúng ta mà không ai khác có thể làm?
-
Bảo các em tìm một bài thánh ca hoặc một bài hát trẻ em mà làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô (chẳng hạn như “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc Của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 38). Những từ ngữ trong bài hát giảng dạy điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Bài hát này giống bài thánh ca ngợi khen về Chúa Giê Su Ky Tô trong Khải Huyền 5:9–10 như thế nào?
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em chia sẻ với gia đình những cách thức chúng có thể mời ảnh hưởng của Đấng Cứu Rỗi vào nhà mình.