“Ngày 3–9 tháng Một. Sáng Thế Ký 1–2; Môi Se 2–3; Áp Ra Ham 4–5: ‘Ban Đầu Đức Chúa Trời Dựng Nên Trời Đất,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 3–9 tháng Một. Sáng Thế Ký 1–2; Môi Se 2–3; Áp Ra Ham 4–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 3–9 tháng Một
Sáng Thế Ký 1–2; Môi Se 2–3; Áp Ra Ham 4–5
“Ban Đầu Đức Chúa Trời Dựng Nên Trời Đất”
Ngay cả khi anh chị em đã đọc về Sự Sáng Tạo trước đây, thì vẫn luôn có nhiều điều để học hỏi từ thánh thư. Hãy cầu xin sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh để giúp anh chị em tìm được sự hiểu biết mới.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Bởi vì thế giới xung quanh chúng ta quá xinh đẹp và kỳ vĩ, thật khó để tưởng tượng trái đất khi còn “vô hình và trống không,” “và tiêu điều” (Sáng Thế Ký 1:2; Áp Ra Ham 4:2). Một điều mà câu chuyện về Sự Sáng Tạo dạy chúng ta là Thượng Đế có thể tạo ra điều tuyệt diệu từ sự hỗn độn. Đó là điều hữu ích cần ghi nhớ khi cuộc sống dường như hỗn loạn. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là các Đấng Sáng Tạo, và công việc sáng tạo của Hai Ngài với chúng ta chưa chấm dứt. Hai Ngài có thể làm cho sự sáng soi rọi trong những giây phút tăm tối trong cuộc sống của chúng ta. Hai Ngài có thể tạo ra mặt đất vững chắc ở giữa những cơn bão tố của cuộc đời. Hai Ngài có thể truyền lệnh cho các nguyên tố, và nếu chúng ta vâng theo lời của Hai Ngài giống như các nguyên tố, thì Hai Ngài có thể biến đổi chúng ta thành những tạo vật đẹp đẽ mà chúng ta được dự định trở thành. Đó là một phần trong ý nghĩa của việc được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế, và theo tượng của Ngài (xin xem Sáng Thế Ký 1:26). Chúng ta có tiềm năng để trở nên giống như Ngài: thành các Đấng thiên thượng được tôn cao và đầy vinh quang.
Để có được thông tin khái quát về sách Sáng Thế Ký, xin xem “Sáng Thế Ký” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Sáng Thế Ký 1:1–25; Môi Se 2:1–25; Áp Ra Ham 4:1–25
Dưới sự hướng dẫn của Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô đã sáng tạo thế gian.
Anh Cả D. Todd Christofferson đã nói: “Cho dù các chi tiết của tiến trình sáng tạo là gì đi nữa, chúng ta cũng biết rằng sự sáng tạo đó không phải là tình cờ mà là do Thượng Đế Đức Chúa Cha hướng dẫn và do Chúa Giê Su Ky Tô thi hành” (“Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 51). Trong khi có nhiều điều chúng ta không biết được chính xác về cách mà thế gian được tạo ra, thì hãy suy ngẫm điều anh chị em biết được về Sự Sáng Tạo từ những gì Thượng Đế đã tiết lộ trong Sáng Thế Ký 1:1–25; Môi Se 2:1–25; và Áp Ra Ham 4:1–25. Anh chị em nhận thấy điều gì giống nhau trong những câu chuyện này? Anh chị em nhận thấy điều gì khác nhau? Anh chị em có suy nghĩ gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong khi đọc về Sự Sáng Tạo?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 101:32–34.
Sáng Thế Ký 1:27–28; 2:18–25; Môi Se 3:18, 21–25; Áp Ra Ham 5:14–19
Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là do Thượng Đế quy định.
“A Đam và Ê Va kết hợp cùng nhau trong hôn nhân cho thời tại thế và suốt vĩnh cửu bởi quyền năng của chức tư tế trường cửu” (Russell M. Nelson, “Lessons from Eve,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, trang 87). Tại sao lẽ thật này lại quan trọng cần phải biết? Hãy suy ngẫm điều này trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 1:27–28; 2:18–25; Môi Se 3:18, 21–25; và Áp Ra Ham 5:14–19. Nếu anh chị em muốn biết thêm về hôn nhân trong kế hoạch của Thượng Đế, thì hãy đọc và suy ngẫm các tài liệu được liệt kê bên dưới. Các tài liệu này gợi cho anh chị em làm điều gì để cải thiện cuộc hôn nhân của mình hoặc để chuẩn bị kết hôn trong tương lai?
Xin xem thêm Ma Thi Ơ 19:4–6; 1 Cô Rinh Tô 11:11; Linda K. Burton, “Chúng Ta Sẽ Cùng Thăng Tiến,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 29–32; “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.
Sáng Thế Ký 2:2–3; Môi Se 3:2–3; Áp Ra Ham 5:2–3
Thượng Đế ban phước và thánh hóa ngày Sa Bát.
Thượng Đế đã làm cho ngày Sa Bát nên thánh, và Ngài yêu cầu chúng ta giữ cho ngày ấy được thánh. Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Ngày Sa Bát là thời gian của Thượng Đế, một thời gian thiêng liêng dành riêng để thờ phượng Ngài và để tiếp nhận cùng ghi nhớ các phước lành rất quí rất lớn của Ngài” (“Những Lời Hứa Rất Quí Rất Lớn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 92). Anh chị em có thể sử dụng câu này và Sáng Thế Ký 2:2–3; Môi Se 3:2–3; hoặc Áp Ra Ham 5:2–3 để giải thích cho một người nào đó lý do tại sao anh chị em chọn tôn trọng ngày Sa Bát như thế nào? Chúa đã ban phước cho anh chị em như thế nào nhờ việc giữ cho ngày của Ngài được thánh?
Xin xem thêm Ê Sai 58:13–14; Giáo Lý và Giao Ước 59:9–13.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Sáng Thế Ký 1:1–25; Môi Se 2:1–25; Áp Ra Ham 4:1–25.Làm thế nào anh chị em có thể làm cho việc học hỏi về Sự Sáng Tạo trở nên thú vị đối với gia đình mình? Anh chị em có thể đưa gia đình đi tìm kiếm ở bên ngoài những gì mà được tạo ra trong từng giai đoạn của câu chuyện về Sự Sáng Tạo, như là các ngôi sao, cây cối, hoặc động vật. Anh chị em cũng có thể cho xem tranh ảnh về những sự vật được tạo ra trong từng giai đoạn và mời mọi người trong gia đình xếp các bức hình theo thứ tự sau khi cùng nhau đọc một trong số các câu chuyện về Sự Sáng Tạo. Những tạo vật này dạy chúng ta điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Sáng Thế Ký 1; Môi Se 2; Áp Ra Ham 4.Một cách để dẫn vào câu chuyện về Sự Sáng Tạo là mời gia đình anh chị em tìm xem có bao nhiêu lần trong Sáng Thế Ký 1 hoặc Môi Se 2 mà Thượng Đế gọi những sự vật mà Ngài đã tạo ra là “tốt lành.” Việc này gợi ý điều gì về cách chúng ta nên đối xử với các tạo vật của Thượng Đế—kể cả bản thân chúng ta? Chúng ta học được điều gì từ cách mà những sự kiện này được kể lại trong Áp Ra Ham 4?
-
Sáng Thế Ký 1:26–27; Môi Se 2:26–27; Áp Ra Ham 4:26–27.Tại sao lại là điều quan trọng để biết rằng chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế? Việc biết được điều này ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của chúng ta về bản thân mình, những người khác, và Thượng Đế?
Nếu anh chị em có con nhỏ, thì anh chị em có thể muốn cùng nhau đọc Môi Se 2:27 và chơi một trò chơi đơn giản: Cho xem một bức tranh vẽ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, như là bức tranh số 90 trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm (năm 2009), và mời mọi người trong gia đình lần lượt chỉ vào một phần cơ thể của Cha Thiên Thượng hoặc Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi những người còn lại có thể chỉ vào phần tương ứng trên cơ thể của họ.
-
Sáng Thế Ký 1:28; Môi Se 2:28; Áp Ra Ham 4:28.“Lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho dẫy đầy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org). Mọi người trong gia đình có thể đóng diễn cách để giải thích những điều chúng ta tin về lệnh truyền này cho những người không biết lẽ thật này hoặc những ai có niềm tin khác.
-
Sáng Thế Ký 1:28; Môi Se 2:28; Áp Ra Ham 4:28.Ý nghĩa của việc “quản trị … các vật sống hành động trên mặt đất” là gì? (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 59: 16–21). Làm thế nào gia đình chúng ta có thể làm tròn trách nhiệm chăm sóc trái đất của chúng ta?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 22.