“Ngày 17–23 tháng Một. Sáng Thế Ký 5; Môi Se 6: ‘Phải Giảng Dạy Rộng Rãi Những Điều Này cho Con Cái của Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 17–23 tháng Một. Sáng Thế Ký 5; Môi Se 6,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 17–23 tháng Một
Sáng Thế Ký 5; Môi Se 6
“Phải Giảng Dạy Rộng Rãi Những Điều Này cho Con Cái của Ngươi”
Trong khi đọc và suy ngẫm Sáng Thế Ký 5 và Môi Se 6, hãy ghi xuống những ấn tượng thuộc linh mà anh chị em nhận được. Anh chị em tìm thấy những sứ điệp nào có giá trị đối với bản thân và gia đình mình?
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Phần lớn Sáng Thế Ký 5 là một bản liệt kê các thế hệ từ A Đam và Ê Va cho đến Nô Ê. Chúng ta đọc nhiều cái tên, nhưng không biết nhiều về họ. Rồi chúng ta đọc về Hê Nóc, đời thứ sáu kể từ A Đam, là người được mô tả với dòng chữ gợi sự tò mò nhưng không được giải thích: “Hê Nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi” (Sáng Thế Ký 5:24). Chắc chắn rằng có cả một câu chuyện đằng sau đó. Nhưng không có lời giải thích thêm nào cả, bản liệt kê các thế hệ vẫn tiếp tục.
May mắn làm sao, Môi Se 6 tiết lộ các chi tiết về câu chuyện của Hê Nóc—và đó quả là một câu chuyện tuyệt vời. Chúng ta biết được sự khiêm nhường của Hê Nóc, sự thiếu tự tin của ông, tiềm năng mà Thượng Đế thấy nơi ông, và công việc vĩ đại mà ông đã thực hiện với tư cách là vị tiên tri của Thượng Đế. Chúng ta cũng có một bức tranh rõ nét hơn về gia đình của A Đam và Ê Va khi gia đình họ phát triển qua các thế hệ. Chúng ta đọc về “quyền thống trị rất lớn lao” của Sa Tan nhưng cũng đọc về các bậc cha mẹ mà đã giảng dạy con cái “tất cả những đường lối của Thượng Đế” và về “những người thuyết giảng sự ngay chính” là những người “nói lên và tiên tri” (Môi Se 6:15, 21, 23). Điều đặc biệt quý báu là chúng ta học được về giáo lý mà những bậc cha mẹ và người thuyết giảng đó đã dạy: đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh (xin xem Môi Se 6:50–52). Giáo lý này, giống như chức tư tế kèm theo, “đã có từ lúc khởi thủy [và] cũng sẽ còn đến ngày tận thế nữa” (Môi Se 6:7).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Một tiên tri là một vị tiên kiến.
Trong khi học Môi Se 6:26–36, anh chị em học được điều gì về đôi mắt, bóng tối, và việc thấy được? Trong thời của Hê Nóc, những ai không thể “thấy được xa”? Tại sao những người này không thể thấy được lẽ thật? Hê Nóc đã có thể thấy được điều gì? Điều gì đã xây đắp đức tin của anh chị em rằng các vị tiên tri thời nay cũng là các vị tiên kiến? (xin xem câu 36; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tiên Kiến, Vị,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Thượng Đế kêu gọi chúng ta làm công việc của Ngài mặc cho những sự thiếu sót của chúng ta.
Không phải là điều bất thường để cảm thấy quá sức với điều mà Chúa kêu gọi chúng ta làm. Ngay cả Hê Nóc cũng cảm thấy như vậy khi Chúa kêu gọi ông làm một tiên tri. Trong khi anh chị em đọc Môi Se 6:26–36, hãy tìm lý do tại sao Hê Nóc đã cảm thấy quá sức và điều Chúa đã phán để cho ông lòng can đảm. Trong các câu 37–47, hãy tìm những cách thức Chúa hỗ trợ Hê Nóc và làm cho ông có khả năng để thực hiện công việc của Ngài (xin xem thêm Môi Se 7:13). Anh chị em có thể so sánh kinh nghiệm của Hê Nóc với kinh nghiệm của các vị tiên tri khác mà cũng đã cảm thấy không đủ khả năng, như là Môi Se (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 4:10–16), Giê Rê Mi (xin xem Giê Rê Mi 1:4–10), Nê Phi (xin xem 2 Nê Phi 33:1–4), và Mô Rô Ni (xin xem Ê The 12:23–29). Anh chị em cảm thấy Thượng Đế muốn anh chị em học điều gì từ các câu thánh thư này về công việc mà Ngài giao cho anh chị em làm?
Xin xem thêm Gia Cốp 4:6–8.
Giáo lý của Đấng Ky Tô là trọng tâm đối với kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế.
Bởi vì chúng ta có sách của Môi Se, chúng ta biết rằng Thượng Đế đã dạy cho con cái Ngài cách để tìm được sự tha thứ và sự cứu chuộc kể từ lúc ban đầu. Trong thánh thư, những lời giảng dạy này đôi khi được gọi là giáo lý của Đấng Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 31:13–21). Trong khi anh chị em học Môi Se 6:48–68, hãy tìm kiếm điều mà chúng ta phải biết và làm để được cứu chuộc. Anh chị em có thể thấy hữu ích để viết ra phần tóm lược của riêng mình về những điều Hê Nóc đã dạy. Tại sao lại là điều quan trọng để biết rằng những lẽ thật này đã được giảng dạy kể từ thời của A Đam và Ê Va? Là kết quả của việc học tập những lời giảng dạy này, anh chị em cảm thấy được thúc giục để làm điều gì?
“Phải giảng dạy rộng rãi những điều này cho con cái của ngươi.”
A Đam và Ê Va được giảng dạy những lẽ thật quý báu về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhưng những lời của Chúa trong Môi Se 6:27–28 nêu rõ rằng trong những thế hệ trước Hê Nóc, nhiều người đã không còn sống theo những lẽ thật đó nữa. Chúa muốn Hê Nóc phục hồi những lẽ thật mà đã bị mất đi—cùng với giáo lệnh ban đầu được ban cho A Đam: “Phải giảng dạy rộng rãi những điều này cho con cái của ngươi” (Môi Se 6:58). Trong khi đọc Môi Se 6:51–62, anh chị em học được điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô? Anh chị em tìm thấy điều gì mà sẽ đặc biệt có giá trị với thế hệ đang vươn lên? Anh chị em có thể làm gì để giúp truyền lại những lẽ thật này cho các thế hệ tương lai?
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Sáng Thế Ký 5; Môi Se 6:5–25, 46.Việc đọc về “cuốn sách ghi nhớ” mà gia đình của A Đam và Ê Va đã gìn giữ có thể truyền cảm hứng cho gia đình anh chị em tạo ra một cuốn sách ghi nhớ cho riêng mình. Hãy thảo luận cùng gia đình điều anh chị em muốn gồm vào đó. Anh chị em có thể có những bức ảnh, câu chuyện, hoặc tài liệu từ lịch sử gia đình mình. Anh chị em có thể chọn để đưa vào những sự việc đang xảy ra trong gia đình mình hiện tại. Các thế hệ tương lai sẽ tìm thấy điều gì có giá trị? Anh chị em cũng có thể thảo luận cách mà các cụm từ “bởi tinh thần cảm ứng” (Môi Se 6:5) và “theo kiểu mẫu do ngón tay của Thượng Đế ban cho” (Môi Se 6:46) có thể hướng dẫn cho các nỗ lực của anh chị em. Hãy nghĩ đến việc lưu các thông tin từ cuốn sách ghi nhớ của anh chị em lên trang mạng FamilySearch.org.
-
Môi Se 6:53–62.Làm thế nào chúng ta trả lời câu hỏi của A Đam trong Môi Se 6:53? Chúng ta tìm thấy những câu trả lời nào trong các câu 57–62?
-
Môi Se 6:59.Việc “được tái sinh trong vương quốc thiên thượng” có nghĩa là gì? Chúng ta có thể tiếp tục làm điều gì để được tái sinh trong suốt cuộc sống của mình? Để được giúp đỡ, xin xem An Ma 5:7–14, 26; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tái Sinh, Được Thượng Đế Sinh Ra” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; David A. Bednar, “Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình” (Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 59–62).
-
Môi Se 6:61.Chúng ta học được điều gì về Đức Thánh Linh từ câu thánh thư này?
-
Môi Se 6:63.Một số vật mà “làm chứng về [Đấng Ky Tô]” là gì? (xin xem thêm 2 Nê Phi 11:4). Hãy nghĩ đến việc mời các thành viên trong gia đình chia sẻ một điều gì đó mà họ thấy “ở trên trời cao” hoặc “ở trên đất” mà giúp họ học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ như, làm thế nào cây cối, sỏi đá, hoặc mặt trời nhắc nhở chúng ta về Đấng Cứu Rỗi? Các danh xưng “nước sự sống” và “bánh của sự sống” dạy cho chúng ta điều gì về Ngài? (Giăng 4:10–14; 6:35).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 46.