Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 24–30 tháng Một. Môi Se 7: “Chúa Gọi Dân Ngài Là Si Ôn”


“Ngày 24–30 tháng Một. Môi Se 7: ‘Chúa Gọi Dân Ngài Là Si Ôn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 24–30 tháng Một. Môi Se 7,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

nhiều người đang giao tiếp trong những cách đầy yêu thương

Love One Another (Yêu Mến Lẫn Nhau), tranh do Emma Donaldson Taylor họa

Ngày 24–30 tháng Một

Môi Se 7

“Chúa Gọi Dân Ngài Là Si Ôn”

Trong khi anh chị em đọc và suy ngẫm Môi Se 7, hãy ghi lại những ấn tượng thuộc linh của mình. Bằng cách làm như vậy, anh chị em cho thấy sự trân trọng đối với những hướng dẫn từ Chúa và lòng mong muốn tiếp nhận thêm nhiều sự hướng dẫn của Ngài.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Trong suốt lịch sử, con người đã cố gắng làm được điều mà Hê Nóc và dân ông đã đạt được: xây dựng một xã hội lý tưởng nơi mà không có đói nghèo hoặc bạo lực. Với tư cách là dân của Thượng Đế, chúng ta chia sẻ ước muốn này. Chúng ta gọi đó là xây dựng Si Ôn, và việc đó bao gồm chăm sóc cho người nghèo khổ và thúc đẩy hòa bình—cũng như lập các giao ước, cùng nhau sống trong sự ngay chính, và trở nên hiệp một với nhau và với Chúa Giê Su Ky Tô, “Vua của Si Ôn” (Môi Se 7:53). Bởi vì công cuộc thiết lập Si Ôn vẫn tiếp tục trong thời kỳ của chúng ta, sẽ là điều hữu ích để đặt ra câu hỏi: Làm thế nào Hê Nóc và dân của ông đã làm được điều đó? Làm thế nào họ trở thành “đồng một lòng và một trí” (Môi Se 7:18) mặc cho sự tà ác ở xung quanh họ? Trong số nhiều chi tiết mà Môi Se 7 cho chúng ta biết về Si Ôn, một chi tiết đặc biệt có giá trị đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau có lẽ là: Si Ôn không chỉ là một thành phố—đó còn là một trạng thái của tấm lòng và tinh thần. Si Ôn, theo như Chúa đã dạy, là “những kẻ có tấm lòng thanh khiết” (Giáo Lý và Giao Ước 97:21). Vì thế có lẽ cách tốt nhất để xây dựng Si Ôn là bắt đầu từ trong chính tấm lòng và nhà của chúng ta.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Môi Se 7:16–21, 27, 53, 62–69

Những nỗ lực của Hê Nóc là một mẫu mực cho việc xây dựng Si Ôn trong chính cuộc sống của chúng ta.

Bởi vì Môi Se 7 là một biên sử về cách mà những người đi theo Thượng Đế đã xây dựng Si Ôn thành công, chương này có thể chỉ dẫn và soi dẫn cho chúng ta ngày nay khi chúng ta nỗ lực làm điều tương tự. Hãy nghĩ về việc sử dụng một bảng giống như sau để ghi chép điều anh chị em học được về Si Ôn từ Môi Se 7:16–21, 27, 53, 62–69.

Câu

Anh chị em học được điều gì về Si Ôn?

Điều này gợi ý gì cho anh chị em về những nỗ lực của bản thân để xây dựng Si Ôn?

Câu

7:18

Anh chị em học được điều gì về Si Ôn?

Dân Si Ôn “đồng một lòng và một trí.”

Điều này gợi ý gì cho anh chị em về những nỗ lực của bản thân để xây dựng Si Ôn?

Chúng ta cần phải đoàn kết trong gia đình và trong Giáo Hội.

Câu

7:21

Anh chị em học được điều gì về Si Ôn?

“[Sau một thời gian, Si Ôn] được cất lên trời.”

Điều này gợi ý gì cho anh chị em về những nỗ lực của bản thân để xây dựng Si Ôn?

Việc xây dựng Si Ôn là một quá trình từ từ.

Câu

Anh chị em học được điều gì về Si Ôn?

Điều này gợi ý gì cho anh chị em về những nỗ lực của bản thân để xây dựng Si Ôn?

Câu

Anh chị em học được điều gì về Si Ôn?

Điều này gợi ý gì cho anh chị em về những nỗ lực của bản thân để xây dựng Si Ôn?

Môi Se 7:18–19, 53

Dân của Thượng Đế nên nỗ lực để “đồng một lòng và một trí.”

Môi Se 7:18–19 liệt kê những phẩm chất quan trọng của dân mà Chúa gọi là Si Ôn. Anh chị em nghĩ tại sao những phẩm chất này cần thiết để xây dựng Si Ôn? Si Ôn, như được mô tả trong chương này, khác với các nhóm hoặc các tổ chức đoàn kết khác trên thế gian như thế nào? Trong khi suy ngẫm câu hỏi này, anh chị em có thể nghĩ về những lời này của Chúa Giê Su Ky Tô trong câu 53: “Ta là Đấng Mê Si, Vua của Si Ôn.” Việc có Chúa Giê Su Ky Tô là Vua của chúng ta có nghĩa là gì? Làm thế nào Ngài giúp chúng ta phát triển các phẩm chất của Si Ôn?

Xin xem thêm Phi Líp 2:1–5; 4 Nê Phi 1:15–18; Giáo Lý và Giao Ước 97:21; 105:5.

mọi người đang chào hỏi nhau

Chúng ta nên nỗ lực trở nên “đồng một lòng và một trí” (Môi Se 7:18).

Môi Se 7:21, 23–24, 27, 69

Điều gì đã xảy ra với thành phố của Hê Nóc?

Các cụm từ “được cất lên” (Môi Se 7:21, 23), “được cất lên cao” (Môi Se 7:24), “được … cất lên đem vào” (Môi Se 7:27), và “qua đi” (Môi Se 7:69) nói đến Si Ôn và dân của Hê Nóc được chuyển hóa và mang lên trời. Những người được chuyển hóa “được biến đổi để họ không còn trải qua sự đau đớn hay sự chết” giống như người trần thế (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Chuyển Hóa, Những Người Được,” “Si Ôn,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm 3 Nê Phi 28:4–9, 15–18, 39–40).

Môi Se 7:28–69

Thượng Đế khóc vì con cái Ngài.

Một số người xem Thượng Đế là một Đấng xa cách và không bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc bởi những gì xảy ra với chúng ta. Nhưng Hê Nóc đã thấy một khải tượng mà trong đó Thượng Đế đã khóc vì con cái Ngài. Trong khi anh chị em đọc Môi Se 7:28–40, hãy tìm những lý do khiến Thượng Đế khóc. Trong phần khải tượng còn lại của Hê Nóc, được mô tả trong Môi Se 7:41–69, anh chị em tìm được bằng chứng nào cho thấy rằng Thượng Đế vẫn “thương xót và nhân từ mãi mãi”? (Môi Se 7:30; xin xem các câu 43, 47, và 62 để có ví dụ).

Môi Se 7:62

Trong những ngày sau cùng, Thượng Đế sẽ quy tụ dân chọn lọc của Ngài.

Câu 62 mô tả những sự kiện vào những ngày sau cùng. Hãy nghĩ xem các cụm từ như sau có thể mang ý gì: “ta sẽ gởi sự ngay chính từ trên trời xuống,” “ta sẽ gởi lẽ thật đến thế gian,” “ta sẽ làm cho sự ngay chính và lẽ thật quét qua thế gian như một trận lụt.” Những cụm từ này dạy cho anh chị em điều gì về công việc của Thượng Đế trong những ngày sau?

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Môi Se 7:18–19.Để giúp mọi người trong gia đình hình dung ra ý nghĩa của việc “đồng một lòng,” có lẽ anh chị em có thể làm một trái tim bằng giấy và cắt nó ra thành các mảnh ghép, đủ cho mỗi người trong gia đình đều có một mảnh. Mọi người có thể viết tên lên mảnh ghép của mình và rồi cùng với nhau ghép lại thành hình trái tim. Trong lúc hoàn tất trò ghép hình, anh chị em có thể nói về những điều mà mình yêu quý về mỗi thành viên trong gia đình.

Môi Se 7:28–31, 35.Chúng ta học được gì về Thượng Đế từ những câu này?

Môi Se 7:32.Tại sao Thượng Đế ban cho chúng ta quyền tự quyết? Chúng ta có thể nói điều gì với một ai đó mà đang cảm thấy những giáo lệnh của Thượng Đế hạn chế quyền tự quyết của chúng ta? Việc đọc 2 Nê Phi 2:25–27 có thể bổ sung cho cuộc thảo luận này.

Môi Se 7:59–67.Trong khi gia đình anh chị em đọc Môi Se 7:59–67, hãy thử đánh dấu hoặc ghi chú những điều mà Chúa phán với Hê Nóc về những ngày sau cùng—ví dụ như, Thượng Đế sẽ “quy tụ dân chọn lọc của [Ngài]” (câu 62) và sẽ có “những gian truân lớn lao ở giữa những người tà ác” (câu 66). Làm thế nào chúng ta có thể có đức tin và hy vọng mặc cho sự tà ác trong những ngày sau cùng? Là một phần của cuộc thảo luận này, hãy nghĩ về việc đọc những lời này từ Anh Cả Ronald A. Rasband: “Hãy lạc quan lên, anh chị em nhé. Vâng, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng khi đang ở trên con đường giao ước thì chúng ta không cần phải sợ hãi. Tôi ban phước cho anh chị em để khi anh chị em ở trên con đường giao ước thì sẽ không bị bối rối bởi những hoàn cảnh đang xảy ra xung quanh chúng ta hoặc những rắc rối sẽ xảy ra cho anh chị em. Tôi ban phước cho anh chị em để chọn đứng tại những nơi thánh thiện và không bị lay chuyển. Tôi ban phước cho anh chị em để tin vào những lời hứa của Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài hằng sống, Ngài đang trông nom, chăm sóc chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta” (“Chớ Bối Rối,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 21).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Giờ Có Mến Yêu trong Nhà Tôi,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 44.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy quan sát. Khi chú ý đến điều đang xảy ra trong cuộc sống của con cái mình, anh chị em sẽ tìm thấy những cơ hội xuất sắc để giảng dạy. Những lời nhận xét và câu hỏi của con cái anh chị em trong ngày cũng có thể đưa đến những khoảnh khắc giảng dạy. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 16.)

Tranh vẽ Hê Nóc và dân chúng ngước nhìn lên ánh sáng

City of Zion Translated (Thành Phố Si Ôn Được Chuyển Hóa), tranh do Del Parson họa