“Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai. Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8: ‘Nô Ê Được Ơn trước Mặt Đức Giê Hô Va,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai. Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai
Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8
“Nô Ê Được Ơn trước Mặt Đức Giê Hô Va”
Các câu chuyện trong thánh thư thường có thể dạy cho chúng ta nhiều bài học thuộc linh. Trong khi anh chị em đọc về Trận Đại Hồng Thủy và Tháp Ba Bên, hãy tìm sự soi dẫn về cách áp dụng những câu chuyện này cho mình.
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Các thế hệ đọc Kinh Thánh đã được soi dẫn bởi câu chuyện về Nô Ê và Trận Đại Hồng Thủy. Nhưng chúng ta, những người sống vào những ngày sau, có lý do đặc biệt để tập trung vào câu chuyện này. Khi Chúa Giê Su Ky Tô dạy về cách mà chúng ta trông đợi Ngày Tái Lâm của Ngài, Ngài đã phán: “Trong thời Nô Ê như thế nào thì khi Con của Người đến cũng giống như vậy” (Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:41). Ngoài ra, những cụm từ mô tả thời của Nô Ê, như là “bại hoại” và “đầy dẫy điều hung hăng,” cũng có thể dễ dàng được dùng để mô tả thời kỳ của chúng ta (Sáng Thế Ký 6:12–13; Môi Se 8:28). Câu chuyện về Tháp Ba Bên cũng dường như áp dụng cho thời kỳ chúng ta, với sự mô tả trong đó về thói kiêu ngạo, theo sau là sự hỗn loạn và chia rẽ giữa các con cái của Thượng Đế.
Những lời tường thuật thời xa xưa này có giá trị không chỉ vì chúng cho chúng ta thấy rằng sự tà ác lặp lại trong suốt lịch sử. Quan trọng hơn, chúng dạy chúng ta điều phải làm đối với sự tà ác. Nô Ê “tìm được ân điển trong mắt của Chúa” (Môi Se 8:27) mặc cho sự tà ác xung quanh ông. Và các gia đình của Gia Rết và anh trai ông hướng về Chúa và được dẫn ra khỏi sự tà ác tại Ba Bên (xin xem Ê The 1:33–43). Nếu chúng ta băn khoăn về cách để giữ cho bản thân và gia đình mình an toàn trong chính thời kỳ bại hoại và bạo lực này của mình, thì các câu chuyện tương tự trong những chương này có nhiều điều để dạy cho chúng ta.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Có sự an toàn thuộc linh trong việc tuân theo vị tiên tri của Chúa.
Nhờ phúc âm phục hồi, chúng ta biết nhiều điều về Nô Ê hơn là những điều được tìm thấy trong Kinh Cựu Ước. Bản dịch đầy soi dẫn của Joseph Smith về Sáng Thế Ký 6, được tìm thấy trong Môi Se 8, tiết lộ rằng Nô Ê là một trong những vị tiên tri vĩ đại của Thượng Đế. Ông được sắc phong và gửi đến để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, ông đã bước đi cùng Thượng Đế và thưa chuyện với Ngài, và ông được chọn để tái thiết lập con cái của Thượng Đế trên thế gian sau Trận Đại Hồng Thủy (xin xem thêm Những Lời Giảng Dạy của Các Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 113, 216). Anh chị em học được điều gì về các vị tiên tri từ những kinh nghiệm của Nô Ê?
Trong khi đọc về thời của Nô Ê, anh chị em có thể lưu ý thấy những nét tương đồng với thời chúng ta. Ví dụ như:
-
Môi Se 8:18, 20–21, 23–24 (sự khước từ các tôi tớ của Thượng Đế)
-
Môi Se 8:21 (tính tự mãn và trần tục)
-
Môi Se 8:22 (những sự tưởng tượng và ý tưởng xấu xa)
-
Môi Se 8:28 (sự bại hoại và bạo lực)
Các vị tiên tri giảng dạy điều gì ngày nay về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giữ cho anh chị em an toàn trong thế gian ngày nay? Trong khi đọc về các kinh nghiệm của Nô Ê, điều gì soi dẫn cho anh chị em để vâng theo các vị tiên tri của Chúa ngày nay?
Xin xem thêm Mô Si A 13:33; Giáo Lý và Giao Ước 21:4–7.
Các dấu chỉ hoặc biểu tượng giúp chúng ta ghi nhớ những giao ước của mình với Chúa.
Các giao ước phúc âm có thể được tượng trưng bởi một dấu hiệu, biểu tượng, hoặc “dấu chỉ” (Sáng Thế Ký 9:12). Ví dụ như, hãy nghĩ về cách mà bánh và nước Tiệc Thánh hoặc nước báp têm mang đến cho tâm trí những lẽ thật thiêng liêng liên quan đến các giao ước của anh chị em. Theo như Sáng Thế Ký 9:8–17, thì một cầu vồng có thể mang điều gì đến với tâm trí anh chị em? Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 9:21–25 (trong phần phụ lục của Sách Hướng Dẫn Thánh Thư) bổ sung điều gì cho sự hiểu biết của anh chị em? Tại sao Chúa muốn anh chị em tưởng nhớ Ngài và các giao ước mà anh chị em đã lập?
Xin xem thêm bài của Anh Cả Gerrit W. Gong, “Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 108–111.
Cách duy nhất để chạm đến thiên thượng là noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.
Ba Bên cổ đại, hay Ba By Lôn, từ lâu đã là một biểu tượng cho sự tà ác và trần tục (xin xem Khải Huyền 18:1–10; Giáo Lý và Giao Ước 133:14). Trong khi anh chị em học Sáng Thế Ký 11:1–9, hãy suy ngẫm những sự hiểu biết sâu sắc mà tiên tri Mặc Môn đã mang lại, là người đã viết rằng chính Sa Tan là kẻ “gieo vào lòng dân chúng ý định xây lên một ngọn tháp đủ cao để họ có thể lên trời được” (Hê La Man 6:28; xin xem thêm các câu 26–27). Câu chuyện về Tháp Ba Bên đưa ra những cảnh báo nào đối với anh chị em?
Xin xem thêm Thi Thiên 127:1.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Sáng Thế Ký 6–8.Anh chị em có thể sử dụng câu chuyện về chiếc tàu của Nô Ê như thế nào để dạy gia đình mình cách mà việc tuân theo vị tiên tri có thể giúp chúng ta an toàn về mặt thuộc linh? (xin xem “Nô Ê và Gia Đình Ông,” trong Các Câu Chuyện Trong Kinh Cựu Ước). Có lẽ gia đình anh chị em có thể cùng nhau làm một con thuyền đồ chơi đơn giản bằng giấy hoặc khối lắp ráp. Trong khi đọc Sáng Thế Ký 6–7, anh chị em có thể so sánh sự an toàn do con thuyền mang lại với sự an toàn mà chúng ta tìm được trong việc tuân theo vị tiên tri. Anh chị em có thể muốn thảo luận lời khuyên bảo gần đây từ vị tiên tri và viết những lời khuyên bảo của ông lên con thuyền của mình.
Thượng Đế đã ban cho chúng ta điều gì khác mà có thể được so sánh với con tàu mà đã cứu gia đình của Nô Ê? Những nguồn tài liệu này gợi ý một số câu trả lời, mặc dù có nhiều câu trả lời khác: 2 Nê Phi 9:7–13; Giáo Lý và Giao Ước 115:5–6; và sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu” (Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113–114).
-
Môi Se 8:17.Thánh Linh của Chúa “tác động” với chúng ta có nghĩa là gì? (xin xem 1 Nê Phi 7:14; Giáo Lý và Giao Ước 1:33). Khi nào chúng ta có kinh nghiệm về việc Thánh Linh tác động với chúng ta?
-
Sáng Thế Ký 9:8–17.Trẻ nhỏ có thể thích vẽ hoặc tô màu một cầu vồng trong khi anh chị em nói về ý nghĩa tượng trưng của cầu vồng (xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 9:21–25 [trong phần phụ lục của Sách Hướng Dẫn Thánh Thư]). Anh chị em cũng có thể thảo luận những điều giúp chúng ta ghi nhớ các giao ước của mình, như là Tiệc Thánh, giúp chúng ta ghi nhớ giao ước báp têm để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:75–79).
-
Sáng Thế Ký 11:1–9.Có thể là điều hữu ích để đọc Ê The 1:33–43 trong khi gia đình anh chị em học tập Sáng Thế Ký 11 và học về Tháp Ba Bên. Chúng ta học được điều gì từ các gia đình của Gia Rết và anh của ông mà có thể giúp gia đình chúng ta tìm được sự an toàn thuộc linh mặc cho sự tà ác trên thế gian? Chúng ta học được thêm các bài học nào từ Nô Ê và gia đình ông khi họ đối mặt với thử thách tương tự? (xin xem Môi Se 8:13, 16–30).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho Một Vị Tiên Tri,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 36.