Kinh Cựu Ước năm 2022
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Giao Ước của Áp Ra Ham


“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Giao Ước của Áp Ra Ham,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Những Điều Cần Ghi Nhớ: Giao Ước của Áp Ra Ham,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
hình biểu tượng ghi nhớ

Những Điều Cần Ghi Nhớ

Giao Ước của Áp Ra Ham

Xuyên suốt Kinh Cựu Ước, anh chị em sẽ thường đọc được từ giao ước. Ngày nay chúng ta thường nghĩ về giao ước là những lời hứa thiêng liêng với Thượng Đế, nhưng trong thời xa xưa, các giao ước còn là một phần quan trọng trong sự tương tác giữa con người với nhau. Vì sự an toàn và sự sinh tồn của mình, con người cần có thể tin cậy lẫn nhau, và các giao ước là một cách để đảm bảo cho sự tin cậy đó.

Vì thế khi Thượng Đế phán cùng Nô Ê, Áp Ra Ham, hoặc Môi Se về các giao ước, Ngài đang mời họ bước vào một mối quan hệ đầy sự tin cậy với Ngài. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về giao ước trong Kinh Cựu Ước là giao ước mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham và Sa Ra—và rồi tái lập với các hậu tự của họ là Y Sác và Gia Cốp (còn được gọi là Y Sơ Ra Ên). Chúng ta thường gọi đây là giao ước Áp Ra Ham, mặc dù trong Kinh Cựu Ước chỉ được gọi đơn giản là “giao ước.” Anh chị em sẽ thấy Kinh Cựu Ước chủ yếu là câu chuyện về những người xem bản thân họ có tư cách kế tự giao ước này—tức là dân giao ước.

Giao ước Áp Ra Ham vẫn còn quan trọng cho đến ngày nay, đặc biệt đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau. Tại sao? Bởi vì chúng ta cũng là dân giao ước, cho dù chúng ta có phải là hậu duệ trực hệ của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp hay không (xin xem Ga La Tin 3:27–29). Bởi lý do này, nên điều quan trọng là để hiểu giao ước Áp Ra Ham là gì và cách mà giao ước này áp dụng cho chúng ta ngày nay.

Giao Ước Áp Ra Ham Là Gì?

Áp Ra Ham mong muốn trở thành “một người theo đuổi sự ngay chính một cách nhiệt thành hơn” (Áp Ra Ham 1:2), vì thế Thượng Đế đã mời ông tham gia vào một mối quan hệ giao ước. Áp Ra Ham không phải là người đầu tiên có ước muốn này, và ông không phải là người đầu tiên nhận được một giao ước. Ông ấy đã tìm kiếm “những phước lành của các tổ phụ” (Áp Ra Ham 1:2)—các phước lành đã được ban cho A Đam và Ê Va qua giao ước và cho những người chuyên tâm tìm kiếm những phước lành này sau đó.

Giao ước của Thượng Đế với Áp Ra Ham hứa hẹn những phước lành tuyệt vời: một vùng đất thừa hưởng, một dòng dõi đông đảo, quyền tiếp cận các giáo lễ chức tư tế, và một danh xưng mà sẽ được các thế hệ mai sau tôn kính. Nhưng trọng tâm của giao ước này không chỉ ở các phước lành mà Áp Ra Ham và gia đình ông sẽ nhận được mà còn ở phước lành mà họ sẽ trở nên đối với các con cái còn lại của Thượng Đế. “Ngươi sẽ thành một nguồn phước,” Thượng Đế đã phán, “và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:2–3).

Có phải giao ước này đã ban cho Áp Ra Ham, Sa Ra, và các hậu tự của họ một đặc quyền ở giữa các con cái của Thượng Đế không? Chỉ theo ý nghĩa rằng đó là một đặc ân để ban phước những người khác. Gia đình của Áp Ra Ham cần phải “đem giáo vụ và Chức Tư Tế này đến với tất cả các quốc gia,” chia sẻ “những phước lành của Phúc Âm, là những phước lành cứu rỗi, tức là cuộc sống vĩnh cửu” (Áp Ra Ham 2:9, 11).

Giao ước này là phước lành mà Áp Ra Ham hằng ao ước. Sau khi nhận được giao ước này, Áp Ra Ham đã tự nhủ thầm: “Kẻ tôi tớ của Ngài đã tìm kiếm Ngài hết lòng; giờ đây tôi đã tìm thấy Ngài” (Áp Ra Ham 2:12).

Điều đó đã xảy ra hàng ngàn năm về trước, nhưng giao ước này đã được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta (xin xem 1 Nê Phi 22:8–12). Và giao ước này hiện nay đang được làm tròn trong cuộc sống của dân của Thượng Đế. Thật ra, việc làm tròn giao ước này tức là xây đắp động lực thúc đẩy trong những ngày sau để cho công việc của Thượng Đế tiến triển, ban phước cho nhiều gia đình trên khắp thế gian. Và bất kỳ ai, giống như Áp Ra Ham, muốn thành một người theo đuổi sự ngay chính một cách nhiệt thành hơn, bất kỳ ai tìm kiếm Chúa hết lòng, thì đều có thể là một phần của giao ước này.

Hình Ảnh
gia đình ở trước đền thờ

Giao Ước Áp Ra Ham Có Ý Nghĩa Gì đối với Tôi?

Anh chị em là một con cái của giao ước. Anh chị em đã lập giao ước với Thượng Đế khi chịu phép báp têm. Anh chị em tái lập giao ước đó mỗi khi dự phần Tiệc Thánh. Và anh chị em lập những giao ước thiêng liêng trong đền thờ. Kết hợp với nhau, những giao ước này làm cho anh chị em trở thành người tham gia vào giao ước Áp Ra Ham, mà sự trọn vẹn của giao ước này được tìm thấy trong các giáo lễ đền thờ. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Cuối cùng, trong đền thờ thánh, chúng ta có thể trở thành người đồng kế tự với các phước lành của một gia đình vĩnh cửu, như đã từng được hứa với Áp Ra Ham, Y Sác, Gia Cốp và con cháu của họ.”1

Qua những giao ước và giáo lễ này, chúng ta trở thành dân của Thượng Đế (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 6:7; Dân Số Ký 7:6; 26:18; Ê Xê Chi Ên 11:20). Chúng ta trở nên khác biệt với thế gian xung quanh mình. Những giao ước của chúng ta làm cho chúng ta có khả năng trở thành những môn đồ chân chính, đầy cam kết của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Nelson đã giải thích: “Các giao ước của chúng ta ràng buộc chúng ta với Ngài và ban cho chúng ta quyền năng tin kính.”2 Và khi Thượng Đế ban phước cho dân Ngài với quyền năng của Ngài, quyền năng đó đi kèm với lời mời gọi và kỳ vọng rằng họ sẽ ban phước những người khác—rằng họ sẽ “là một phước lành” cho “tất cả các gia đình trên thế gian” (Áp Ra Ham 2:9,11).

Đây là sự hiểu biết quý báu được ban cho chúng ta nhờ vào Sự Phục Hồi giao ước Áp Ra Ham qua Tiên Tri Joseph Smith. Bởi vì thế khi anh chị em đọc về các giao ước trong Kinh Cựu Ước, đừng chỉ nghĩ về mối quan hệ của Thượng Đế với Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp. Cũng hãy nghĩ về mối quan hệ của Ngài với anh chị em nữa. Khi anh chị em đọc lời hứa về vô số dòng dõi (xin xem Sáng Thế Ký 28:14), đừng chỉ nghĩ về hàng triệu người ngày nay gọi Áp Ra Ham là tổ phụ của họ. Mà cũng hãy nghĩ về lời hứa của Thượng Đế dành cho anh chị em về các gia đình vĩnh cửu và sự gia tăng vĩnh cửu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; 132:20–24). Khi anh chị em đọc lời hứa về một vùng đất thừa hưởng, đừng chỉ nghĩ về vùng đất hứa dành cho Áp Ra Ham. Mà cũng hãy nghĩ về số mệnh thượng thiên của chính trái đất—một sự thừa hưởng được hứa cho “những kẻ nhu mì” biết “trông đợi Đức Giê Hô Va” (Ma Thi Ơ 5:5; Thi Thiên 37:9, 11; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 88:17–20). Và khi anh chị em đọc về lời hứa mà dân giao ước của Thượng Đế sẽ ban phước cho “tất cả các gia đình trên thế gian” (Áp Ra Ham 2:11), đừng chỉ nghĩ về giáo vụ của Áp Ra Ham hoặc các vị tiên tri bắt nguồn từ ông. Cũng hãy nghĩ về điều anh chị em có thể làm—với tư cách là một người lập giao ước theo Chúa Giê Su Ky Tô—để là một phước lành cho các gia đình xung quanh mình.

In