Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27: Giao Ước Được Tái Lập


“Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27: Giao Ước Được Tái Lập,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Rê Bê Ca

Tranh minh họa Rê Bê Ca do Dilleen Marsh thực hiện

Ngày 21–27 tháng Hai

Sáng Thế Ký 24–27

Giao Ước Được Tái Lập

Trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 24–27, hãy chú ý đến những sự hiểu biết sâu sắc mà anh chị em nhận được. Cầu nguyện để biết những nguyên tắc anh chị em tìm ra liên quan như thế nào đến cuộc sống của mình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Giao ước của Thượng Đế với Áp Ra Ham gồm có lời hứa rằng qua Áp Ra Ham và dòng dõi của ông “mà tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước” (Áp Ra Ham 2:11). Đó không phải là một lời hứa mà có thể được làm tròn trong một thế hệ: trong nhiều phương diện, Kinh Thánh là câu chuyện về việc Thượng Đế liên tục làm tròn lời hứa của Ngài. Và Ngài bắt đầu bằng cách tái lập giao ước với gia đình của Y Sác và Rê Bê Ca. Qua các kinh nghiệm của họ, chúng ta học được một điều gì đó về việc trở thành một phần của giao ước. Các tấm gương của họ dạy chúng ta về sự tử tế, kiên nhẫn, và tin cậy vào các phước lành mà Thượng Đế đã hứa. Và chúng ta biết rằng thật đáng để từ bỏ bất kỳ “[món] canh phạn đậu” nào của thế gian (Sáng Thế Ký 25:30) để đạt được các phước lành Thượng Đế dành cho chính chúng ta và các thế hệ con cháu trong tương lai.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Sáng Thế Ký 24

Hôn nhân là thiết yếu đối với kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế.

Ngày nay nhiều người không coi trọng hôn nhân hoặc thậm chí xem đó là một gánh nặng. Áp Ra Ham có một quan điểm khác—đối với ông, việc kết hôn của con trai Y Sác của ông là quan trọng nhất. Anh chị em nghĩ tại sao việc đó lại vô cùng quan trọng đối với ông? Trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 24, hãy nghĩ về tầm quan trọng của hôn nhân trong kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế. Anh chị em cũng có thể đọc sứ điệp của Anh Cả D. Todd Christofferson “Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình” (Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 50–53) và suy ngẫm tại sao “một gia đình được xây đắp trên cuộc hôn nhân giữa một người nam và một người nữ tạo thành bối cảnh tốt nhất cho kế hoạch của Thượng Đế để phát triển” (trang 52).

Những câu hỏi như sau có thể giúp anh chị em suy ngẫm những nguyên tắc quan trọng khác trong chương này:

Sáng Thế Ký 24:1–14. Áp Ra Ham và người tôi tớ của ông làm gì để bao gồm Chúa trong nỗ lực của họ để tìm một người vợ cho Y Sác?

Sáng Thế Ký 24:15–28, 55–60. Anh chị em tìm thấy những phẩm chất nào ở Rê Bê Ca mà mình muốn noi theo?

Anh chị em tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc nào khác?

Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ChurchofJesusChrist.org.

Sáng Thế Ký 25:29–34

Tôi có thể chọn giữa sự thỏa mãn tức thời với những điều có giá trị lớn lao hơn.

Trong văn hóa của Áp Ra Ham, người con trai cả trong một gia đình thường nhận được vị trí lãnh đạo và đặc quyền, được gọi là quyền trưởng nam. Người con này nhận được của thừa hưởng lớn hơn từ cha mẹ mình, cùng với trách nhiệm nhiều hơn để chăm lo cho những người còn lại trong gia đình.

Trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 25:29–34, hãy suy ngẫm tại sao Ê Sau sẵn sàng từ bỏ quyền trưởng nam của mình để đổi lấy một bữa ăn. Anh chị em tìm được những bài học nào cho bản thân mình từ câu chuyện này? Ví dụ như, có bất kỳ món “canh phạn đậu” nào làm anh chị em xao lãng với những phước lành có giá trị nhất đối với mình? Anh chị em đang làm gì để tập trung vào những phước lành này và trân quý chúng?

Xin xem thêm Ma Thi Ơ 6:19–33; 2 Nê Phi 9:51; M. Russell Ballard, “Điều Quan Trọng Nhất Là Điều Tồn Tại Lâu Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 41–44.

Sáng Thế Ký 26:1–5

Giao ước Áp Ra Ham được tái lập qua Y Sác.

Giao ước mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham được định là sẽ tiếp tục qua nhiều thế hệ, vì thế di sản của Áp Ra Ham và Sa Ra về việc tuân giữ giao ước sẽ cần được truyền lại cho Y Sác, Gia Cốp, và những người nam và người nữ trung tín khác trong dòng dõi của họ. Trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 26:1–5, hãy tìm kiếm các phước lành của giao ước mà Thượng Đế đã nói đến. Anh chị em học được điều gì về Thượng Đế từ những câu thánh thư này?

Sáng Thế Ký 26:18–25, 32–33

Chúa Giê Su Ky Tô là giếng nước sự sống.

Anh chị em có thể nhận thấy rằng các giếng nước, các dòng suối, và những nguồn nước khác đóng vai trò quan trọng trong nhiều câu chuyện Kinh Cựu Ước. Điều này không hề bất ngờ, bởi vì hầu hết các câu chuyện này diễn ra ở những nơi rất khô hạn. Trong khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 26 về các giếng nước của Y Sác, hãy suy ngẫm xem nước có thể tượng trưng cho điều gì trong thánh thư. Anh chị em tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc nào về các giếng “nước sự sống” thuộc linh? (xin xem Giăng 4:10–15). Anh chị em đang đào những giếng thuộc linh trong cuộc sống mình như thế nào? Đấng Cứu Rỗi giống nước sự sống đối với anh chị em ra sao? Hãy lưu ý rằng người Phi Li Tin đã “lấp đất” các giếng lại (xin xem Sáng Thế Ký 26:18). Có bất cứ điều gì trong cuộc sống của anh chị em mà đang lấp mất các giếng nước sự sống của mình không?

Hình Ảnh
một cái giếng cổ

Một cái giếng ở Bê E Sê Ba khi xưa, nơi Áp Ra Ham và Y Sác đã đào giếng.

Sáng Thế Ký 27

Rê Bê Ca và Gia Cốp có sai khi lừa Y Sác không?

Chúng ta không biết được các lý do đằng sau phương thức mà Rê Bê Ca và Gia Cốp đã dùng để đạt được một phước lành cho Gia Cốp. Anh chị em có thể thấy hữu ích để ghi nhớ rằng Kinh Cựu Ước mà chúng ta hiện có thì không trọn vẹn (xin xem Môi Se 1:23, 41). Có thể có thông tin bị thất lạc so với các biên sử gốc mà sẽ giải thích cho điều dường như làm chúng ta băn khoăn. Tuy nhiên, chúng ta thật sự biết rằng đó chính là ý muốn của Thượng Đế để cho Gia Cốp nhận được phước lành từ Y Sác bởi vì Rê Bê Ca đã có một sự mặc khải rằng Gia Cốp sẽ cai trị Ê Sau (xin xem Sáng Thế Ký 25:23). Sau khi Y Sác nhận ra là ông đã ban phước cho Gia Cốp thay vì Ê Sau, ông đã khẳng định rằng Gia Cốp “lại sẽ được ban phước vậy” (Sáng Thế Ký 27:33)—gợi ý rằng ý muốn của Thượng Đế đã được hoàn tất.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Sáng Thế Ký 24:2–4, 32–48.Áp Ra Ham đã yêu cầu một người đầy tớ đáng tin cậy tìm một người vợ cho Y Sác, và người đầy tớ đã giao ước với Áp Ra Ham rằng người ấy sẽ làm vậy. Người đầy tớ của Áp Ra Ham đã cho thấy sự trung tín trong việc tuân giữ giao ước của ông như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể noi theo tấm gương của ông?

Sáng Thế Ký 24:15–28, 55–60.Gia đình của anh chị em có thể tìm trong những câu này các thuộc tính mà làm cho Rê Bê Ca thành một người bạn đời vĩnh cửu xứng đáng với Y Sác. Hãy khuyến khích các thành viên trong gia đình chọn một trong những thuộc tính này mà họ cảm thấy họ nên phát triển.

Sáng Thế Ký 25:19–34; 27.Để ôn lại các câu chuyện về cách mà quyền trưởng nam và phước lành của Ê Sau lại đến với Gia Cốp, anh chị em có thể viết các câu từ “Gia Cốp và Ê Sau” (trong Các Câu Chuyện Kinh Cựu Ước) lên những mảnh giấy rời. Mọi người trong gia đình có thể cùng nhau xếp những câu này theo đúng thứ tự.

Trong khi thảo luận về việc Ê Sau bán quyền trưởng nam của mình, anh chị em cũng có thể nói về những điều quan trọng nhất đối với gia đình mình, như là các mối quan hệ của anh chị em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Có lẽ mọi người trong gia đình có thể tìm những đồ vật hoặc tranh ảnh tượng trưng cho điều mà họ coi là có giá trị vĩnh cửu. Hãy để họ giải thích lý do mà họ chọn những điều đó.

Sáng Thế Ký 26:3–5.Để giúp gia đình của anh chị em hiểu giao ước Áp Ra Ham, anh chị em có thể mời họ tìm những lời hứa được mô tả trong những câu này. Tại sao lại là điều quan trọng cho chúng ta để hiểu về những lời hứa này ngày nay? (xin xem “Những Điều Cần Ghi Nhớ: Giao Ước của Áp Ra Ham,” trong tài liệu này).

Sáng Thế Ký 26:18–25, 32–33.Tại sao các giếng nước lại quan trọng? Chúa Giê Su Ky Tô giống một cái giếng có nước như thế nào?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Dám Làm Điều Tốt,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 64.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy thuộc lòng một đoạn thánh thư. Anh Cả Richard G. Scott đã dạy: “Một câu thánh thư được ghi nhớ trở thành một người bạn lâu năm mà không hề suy yếu với thời gian” (“Quyền Năng của Thánh Thư,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 6).

Hình Ảnh
Ê Sau và Gia Cốp

Esau Sells His Birthright to Jacob (Ê Sau Bán Quyền Trưởng Nam của Mình cho Gia Cốp), tranh do Glen S. Hopkinson họa

In