Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27: Giao Ước Được Tái Lập


“Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27: Giao Ước Được Tái Lập,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 21–27 tháng Hai. Sáng Thế Ký 24–27,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

Hình Ảnh
Rê Bê Ca

Tranh minh họa Rê Bê Ca, do Dilleen Marsh thực hiện

Ngày 21–27 tháng Hai

Sáng Thế Ký 24–27

Giao Ước Được Tái Lập

Khi anh chị em đọc Sáng Thế Ký 24–27 và chuẩn bị để giảng dạy, hãy nghĩ về các trẻ em trong lớp học của mình. Chúng cần phải học điều gì? Sinh hoạt nào trong những sinh hoạt này sẽ có ý nghĩa nhất đối với chúng? Dựa trên nhu cầu của chúng, anh chị em có thể thích ứng bất kỳ sinh hoạt nào được bao gồm ở đây hoặc các sinh hoạt trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Hãy đặt dưới ghế của mỗi em một câu hỏi về một sự kiện hoặc nguyên tắc trong Sáng Thế Ký 24–27. Hãy để các em trả lời các câu hỏi nếu chúng có thể, hoặc mời chúng chờ nghe câu trả lời trong buổi học.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Sáng Thế Ký 24:10–21

Tôi có thể nhân từ với người khác.

Người đầy tớ của Áp Ra Ham rất cảm kích vì lòng nhân từ phi thường mà Rê Bê Ca đã cho ông thấy qua việc dâng nước không những cho ông mà còn cho 10 con lạc đà của ông nữa. Tấm gương của cô có thể là lời nhắc nhở để các em luôn tử tế với người khác.

Hình Ảnh
một cái giếng cổ xưa

Một cái giếng ở Bê E Sê Ba thời xưa, nơi Áp Ra Ham và Y Sác đào giếng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy cho xem bức hình của Rê Bê Ca trong trang sinh hoạt của tuần này. Chỉ ra các chi tiết trong bức hình khi anh chị em tóm lược câu chuyện trong Sáng Thế Ký 24:10–21, mà trong đó Rê Bê Ca đã thể hiện lòng nhân từ với người đầy tớ của Áp Ra Ham. Chỉ ra rằng những lời nói và hành động tử tế của cô ấy chính là dấu hiệu rằng Rê Bê Ca là người mà Thượng Đế muốn gả cho con trai của Áp Ra Ham là Y Sác. Mời các em giả vờ làm người đầy tớ cùng những con lạc đà đang đi đến hoặc giả vờ làm Rê Bê Ca đang lấy nước cho ông và những con lạc đà. Cho các em những cụm từ trong thánh thư để chúng đọc thuộc lòng, chẳng hạn như “Xin hãy cho tôi uống một hớp nước … ” (câu 17) và “Tôi sẽ xách cho mấy con lạc đà của ngài uống nữa” (câu 19). Tại sao điều quan trọng là chúng ta phải nhân từ đối với người khác?

  • Hãy kể một câu chuyện về cách Đấng Cứu Rỗi thể hiện lòng nhân từ với một người nào đó. Mời một số em chia sẻ kinh nghiệm riêng của chúng về việc thể hiện lòng nhân từ.

  • Hãy gợi ý một vài tình huống mà qua đó một đứa trẻ có thể cho thấy lòng nhân từ, chẳng hạn như khi chơi đùa với bạn bè hoặc gặp gỡ một người mới ở trường. Hỏi các em xem chúng có thể làm gì để tỏ lòng nhân từ trong các tình huống này.

  • Hãy cùng hát với các em một bài hát về lòng nhân từ, chẳng hạn như “Lòng Nhân Nên Khởi Từ Tôi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 63). Mời các em chờ nghe từ “lòng nhân” (hoặc một từ tương tự) và đứng lên khi chúng nghe từ đó. Chúng ta có thể cho thấy lòng nhân từ với người khác như thế nào? Trang sinh hoạt của tuần này có thể hỗ trợ cuộc thảo luận này.

Sáng Thế Ký 25:29–34

Tôi có thể chọn những điều quan trọng nhất.

Bởi vì Ê Sau là người con cả trong gia đình, ông cần phải nhận các trách nhiệm và đặc ân đặc biệt, được gọi là quyền trưởng nam. Một ngày nọ khi Ê Sau đói bụng, ông đã đổi quyền trưởng nam của mình cho em trai của ông là Gia Cốp, để lấy thức ăn. Câu chuyện này có thể dạy các em rằng chúng ta nên chọn những điều lâu dài hơn là sự thỏa mãn tạm thời.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy mang đến lớp một số đồ vật mà có thể giúp kể lại câu chuyện về việc Ê Sau bán quyền trưởng nam của mình, chẳng hạn như một cái chén và bức hình của một ai đó đang nhận được một phước lành chức tư tế. Mời các em sử dụng các đồ vật này khi nói cho anh chị em điều chúng biết về câu chuyện này. Chương “Gia Cốp và Ê Sau” (trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước) có thể giúp ích. Cùng nhau đọc Sáng Thế Ký 25:34, và giải thích rằng người nào nhận được quyền trưởng nam sẽ có đặc ân và trách nhiệm đặc biệt để chăm sóc cho những người còn lại trong gia đình.

  • Cho các em xem hai bức hình: bức hình về một điều gì đó có giá trị thuộc linh lớn lao (như một đền thờ) và bức hình về một điều gì đó chỉ mang lại niềm vui tạm thời (chẳng hạn như một trò chơi, món đồ chơi, hoặc món ăn vặt). Yêu cầu các em chọn điều mà sẽ giúp chúng ta nhiều hơn trong việc trở về với Cha Thiên Thượng. Lặp lại với các bức hình khác.

  • Hãy cùng hát với các em một bài hát về việc chọn điều tốt, chẳng hạn như “Hãy Làm Điều Tốt” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 34–35). Hãy làm chứng rằng chúng ta được ban phước và vui vẻ khi chúng ta chọn điều tốt.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Sáng Thế Ký 24:1–28

Tôi sẽ được ban phước khi hành động theo đức tin và thể hiện lòng nhân từ với người khác.

Người đầy tớ của Áp Ra Ham đã thể hiện đức tin qua việc tin cậy vào sự hướng dẫn của Thượng Đế để tìm một người vợ cho Y Sác. Rê Bê Ca đã thể hiện lòng nhân từ qua cách cô ấy đối xử với người đầy tớ của Áp Ra Ham. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các trẻ em mà mình dạy noi theo các tấm gương của Rê Bê Ca và người đầy tớ của Áp Ra Ham?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy cùng nhau đọc Sáng Thế Ký 24:1–28, và giúp các em nhận ra các tấm gương về đức tin và lòng nhân từ (ví dụ, xin xem các câu 12–1417–20). Rê Bê Ca và người đầy tớ của Áp Ra Ham đã được ban phước như thế nào khi thể hiện đức tin và lòng nhân từ? Viết lên trên bảng Chúng ta có thể cho thấy đức tin bằng cách …Chúng ta có thể cho thấy lòng nhân từ bằng cách …, và mời các em đề nghị những cách thức để hoàn thành những câu này.

  • Trên những mảnh giấy, hãy viết những điều mà người đầy tớ của Áp Ra Ham đã nói hoặc làm và những điều mà Rê Bê Ca đã nói hoặc làm trong Sáng Thế Ký 24:1–28. Mời mỗi em chọn ra một mảnh giấy và cùng làm việc với nhau để đoán xem ai là người đã nói hoặc làm những điều này (chúng có thể tham khảo thánh thư nếu cần giúp đỡ). Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về lòng nhân từ? Nó dạy chúng ta điều gì về đức tin? Những tấm gương khác về lòng nhân từ và đức tin được tìm thấy trong Sáng Thế Ký 24:29–33, 58–61.

  • Hãy mời các em nghĩ về một hành động nhân từ mà chúng đã thấy. Mời chúng viết điều đó xuống và chia sẻ với cả lớp hoặc gia đình chúng ở nhà. Chúng ta cảm thấy như thế nào khi một ai đó tử tế với mình?

Sáng Thế Ký 25:21–34

Tôi sẽ quý trọng những thứ vĩnh cửu thay vì những thứ tạm thời.

Ê Sau đã chọn để bán đi một thứ có giá trị lớn lao, quyền trưởng nam của ông, cho một thứ kém giá trị hơn, là một ít bánh mì và một chén canh. Khi anh chị em đọc những câu thánh thư này, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể giúp các em ưu tiên cho những thứ có tầm quan trọng vĩnh cửu.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cùng nhau đọc câu chuyện về Gia Cốp và Ê Sau trong Sáng Thế Ký 25:21–34. Khi anh chị em đọc, hãy mời mỗi em chọn ra một điều gì đó từ câu chuyện để vẽ tranh. Sau đó mời các em sử dụng bức tranh của mình để kể lại câu chuyện bằng lời riêng của chúng. Nếu các em cần giúp đỡ để hiểu xem quyền trưởng nam là gì, hãy khuyến khích chúng đọc mục “Quyền Trưởng Nam” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (ChurchofJesusChrist.org). Mời các em tưởng tượng rằng Ê Sau xin lời khuyên của chúng ta về việc ông có nên trao đổi quyền trưởng nam của mình hay không; chúng ta sẽ nói gì với ông ấy?

  • Hãy kể về một lần mà anh chị em đã phải hy sinh một điều gì đó tốt đẹp cho một điều gì đó có giá trị lớn lao hơn. Câu chuyện của anh chị em có liên quan đến sự lựa chọn của Ê Sau trong Sáng Thế Ký 25:29–34 như thế nào? Giúp các em nghĩ về những phước lành mà Cha Thiên Thượng muốn ban cho chúng (chẳng hạn như một chứng ngôn vững chắc hơn, các phước lành đền thờ, hoặc cuộc sống vĩnh cửu cùng Ngài). Khuyến khích các em hãy nghĩ về những điều chúng sẵn lòng hy sinh để nhận được các phước lành quý giá này.

Hình Ảnh
learning icon

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Hãy mời các em nghĩ về một mục tiêu chúng có thể đặt ra cho bản thân mình về một nguyên tắc mà chúng ta đã học trong Hội Thiếu Nhi hôm nay. Ví dụ, chúng có thể đặt mục tiêu để trở nên tử tế với những người khác ở nhà.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Trẻ em thích chia sẻ những điều chúng đang học hỏi. Mặc dù còn nhỏ nhưng trẻ em có thể củng cố những người trong gia đình chúng. Khuyến khích các trẻ em chia sẻ với những người trong gia đình của chúng một điều gì đó mà chúng đã học được trong Hội Thiếu Nhi. (Xin xem Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 30.)

In