Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai. Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8: “Nô Ê Được Ơn Trước Mặt Chúa”


“Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai. Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8: ‘Nô Ê Được Ơn Trước Mặt Chúa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai. Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

Nô Ê, gia đình ông, các con vật, chiếc tàu, và một cái cầu vồng

Hình ảnh minh họa Nô Ê rời khỏi con tàu, do Sam Lawlor thực hiện

Ngày 31 tháng Một–Ngày 6 tháng Hai

Sáng Thế Ký 6–11; Môi Se 8

“Nô Ê Được Ơn Trước Mặt Chúa”

Các em có thể cảm thấy thú vị khi tìm hiểu về Tháp cao Ba Bên và các con vật bên trong chiếc tàu của Nô Ê. Nhưng hãy nhớ rằng mục đích của những câu chuyện này là để dạy các lẽ thật vĩnh cửu. Hãy thành tâm cân nhắc các lẽ thật mà Thượng Đế muốn các em học.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Trước khi anh chị em bắt đầu giảng dạy các câu chuyện trong Sáng Thế Ký 6–11Môi Se 8 cho các em, hãy cho chúng một cơ hội để giảng dạy lẫn nhau những điều chúng biết về Nô Ê và chiếc tàu hoặc Tháp Ba Bên.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Sáng Thế Ký 6:14–22; 7–8; Môi Se 8:16–30

Việc tuân theo vị tiên tri sẽ ban phước cho tôi và gia đình của tôi.

Khi các trẻ em học cách tuân theo vị tiên tri, chúng sẽ được ban phước và an toàn về phần thuộc linh, cũng như gia đình của Nô Ê đã được an toàn khỏi Cơn Hồng Thủy.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Bằng lời riêng của mình, hãy kể lại câu chuyện về Nô Ê và chiếc tàu (xin xem “Nô Ê và Gia Đình Ông,” trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Hãy giúp các em đóng diễn các phần của câu chuyện—ví dụ, bằng cách giả vờ sử dụng một dụng cụ để đóng tàu hoặc bước đi giống như những động vật đang vào trong chiếc tàu.

  • Hãy đọc cho các em nghe Môi Se 8:19–20, nhấn mạnh điều Chúa đã truyền lệnh cho Nô Ê phải làm. Giúp các em hiểu rằng Nô Ê là một vị tiên tri và gia đình ông được cứu khỏi Cơn Hồng Thủy bởi vì họ đã đi theo ông. Hỏi các em xem chúng có biết vị tiên tri của chúng ta ngày nay là ai không. Cho xem một bức hình của vị tiên tri, và giúp các em lặp lại tên của ông.

  • Hãy mang đến lớp những hình ảnh hoặc đồ vật tượng trưng cho lời giảng dạy của vị tiên tri hiện nay, chẳng hạn như thánh thư hoặc bức hình của một đền thờ. Hãy để cho các em thay phiên nhau chọn ra một vật và nói lên điều chúng biết về nó. Giải thích cho chúng về điều mà đồ vật đó tượng trưng. Khuyến khích các em vẽ tranh về việc chúng vâng theo những điều mà vị tiên tri dạy. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các phước lành của việc tuân theo vị tiên tri.

Sáng Thế Ký 9:15–16

Thượng Đế sẽ giữ lời hứa của Ngài với chúng ta.

Điều quan trọng là các trẻ em phải biết rằng Thượng Đế giữ lời hứa của Ngài, đặc biệt là khi chúng chuẩn bị lập giao ước với Ngài khi chịu phép báp têm.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em vẽ hình những cầu vồng. Đọc cho các em nghe Sáng Thế Ký 9:15–16, và yêu cầu chúng lắng nghe từ nhớ lại. Mời chúng giơ cao những cầu vồng của chúng lên khi nghe từ đó. Giải thích rằng cầu vồng là sự nhắc nhở về những lời hứa của Thượng Đế cho chúng ta.

  • Hãy nói cho các em biết về một số lời hứa của Thượng Đế—ví dụ, rằng chúng ta có thể trở về với Cha Thiên Thượng nếu noi theo Chúa Giê Su Ky Tô hoặc Thượng Đế sẽ gửi Đức Thánh Linh đến để an ủi chúng ta. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em rằng Thượng Đế luôn giữ lời hứa của Ngài.

  • Hãy sử dụng hình ảnh để nói cho các em biết về các giao ước chúng ta lập với Thượng Đế, chẳng hạn như các bức hình của một đứa trẻ đang chịu phép báp têm, lễ Tiệc Thánh, và một đền thờ (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 104, 108120).

Sáng Thế Ký 11:1–9

Cách duy nhất để vươn tới thiên thượng là noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Những người ở Ba Bên đã nghĩ rằng họ có thể vươn tới thiên thượng bằng cách xây dựng một cái tháp thay vì sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào anh chị em có thể giúp các em hiểu rằng việc noi theo Chúa Giê Su Ky Tô là cách duy nhất để trở về với Cha Thiên Thượng?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy kể câu chuyện về Tháp Ba Bên bằng lời riêng của anh chị em, hoặc đọc câu chuyện trong chương “Tháp Ba Bên” (trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Khuyến khích các trẻ em giúp đỡ anh chị em bằng việc chia sẻ điều chúng biết về câu chuyện này.

    hình minh họa tháp Ba Bên

    Hình minh họa Tháp Ba Bên, do David Green thực hiện

  • Hãy để cho các em xây một cái tháp bằng các khối hình hoặc đồ vật khác. Sau đó hãy cho chúng thấy một bức hình của Đấng Cứu Rỗi, và hỏi chúng xem đâu là cách thức để trở về với Cha Thiên Thượng—xây một cái tháp hay noi theo Chúa Giê Su Ky Tô? Mời các em nói về những việc chúng có thể làm để noi theo Đấng Cứu Rỗi.

hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Sáng Thế Ký 6:14–22; 7–8; Môi Se 8:16–30

Việc tuân theo vị tiên tri sẽ ban phước cho tôi và gia đình của tôi.

Trẻ em đang lớn lên trong một thế giới tà ác, trong một số phương diện cũng tương tự như thế gian trong thời Nô Ê. Kinh nghiệm của Nô Ê có thể giúp các em cảm thấy tự tin rằng chúng có thể được an toàn về phần thuộc linh khi tuân theo vị tiên tri.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giúp các em chọn ra những câu thánh thư từ Sáng Thế Ký 6:14–22; 7–8 mà chúng có thể mô tả bằng cách vẽ tranh. Sử dụng tranh vẽ của các em để dạy chúng về câu chuyện của Nô Ê. Yêu cầu các trẻ em chia sẻ điều chúng học được từ câu chuyện ấy.

  • Hãy cho các em xem một bức hình của Nô Ê (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 7–8) và vị tiên tri hiện nay. Giúp các em nghiên cứu Môi Se 8:16, 19–20, 23–24 để tìm những lời giảng dạy của Nô Ê mà những người lãnh đạo Giáo Hội vẫn còn giảng dạy ngày nay. Chúng ta được phước như thế nào khi vâng theo những lời giảng dạy này?

  • Hãy chia sẻ một điều gì đó mà vị tiên tri hiện nay đã giảng dạy gần đây. Yêu cầu các em viết một điều gì đó mà vị tiên tri đã dạy lên trên những mảnh giấy, và giúp chúng xếp các mảnh giấy thành hình một chiếc tàu. Những lời giảng dạy này cũng giống như chiếc tàu mà Nô Ê đã đóng như thế nào?

Sáng Thế Ký 9:15–17

Chúng ta cần phải ghi nhớ các giao ước của mình.

Khi chịu phép báp têm, chúng ta lập giao ước với Thượng Đế để tuân theo những lệnh truyền của Ngài. Trong Sáng Thế Ký 9:15–17, cầu vồng được xem như một sự nhắc nhở về giao ước của Thượng Đế. Những câu này có thể soi dẫn các em để tìm cách ghi nhớ các giao ước của chúng với Thượng Đế.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy cho các em thấy một vật gì đó mà anh chị em có để nhắc cho anh chị em nhớ về một điều gì đó quan trọng trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như một chiếc nhẫn cưới, một bức hình, hoặc một quyển nhật ký. Hãy để các em chia sẻ những ví dụ của riêng chúng. Cùng nhau đọc Sáng Thế Ký 9:15–17 (xin xem thêm Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 9:21–25 [trong phụ lục Kinh Thánh]). Cha Thiên Thượng muốn chúng ta nghĩ về điều gì khi nhìn thấy cầu vồng?

  • Hãy nhắc cho các em nhớ về các giao ước chúng đã lập khi chịu phép báp têm và rằng chúng tái lập các giao ước này mỗi khi dự phần Tiệc Thánh (xin xem Mô Si A 18:8–10; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79). Hãy để các em vẽ hoặc tạo ra một vật gì đó để nhắc nhở chúng về giao ước của chúng.

Sáng Thế Ký 11:1–9

Cách duy nhất để vươn tới thiên thượng là noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc dù con người ngày nay có thể không cố gắng xây tháp để vươn tới thiên thượng, nhưng nhiều người cố gắng tìm kiếm sự bình yên và hạnh phúc bằng cách đi theo những đường lối khác với đường lối mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập. Anh chị em có thể sử dụng câu chuyện về Tháp Ba Bên để giảng dạy nguyên tắc này như thế nào?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy yêu cầu các em chia sẻ điều chúng biết về câu chuyện Tháp Ba Bên (xin xem Sáng Thế Ký 11:1–9). Theo Hê La Man 6:28, tại sao người dân ở Ba Bên xây tháp ấy? Tại sao việc xây tháp này là một cách sai lầm để vươn tới thiên thượng? Chúng ta có thể đưa ra lời khuyên nào cho người dân ở Ba Bên?

  • Hãy mời các em nghiên cứu 2 Nê Phi 31:20–21Hê La Man 3:28 để tìm ra cách đúng đắn để vươn tới thiên thượng. Chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.

hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Hãy mời các em nghĩ về những cách thức để dạy gia đình của chúng về những câu chuyện chúng học được trong Hội Thiếu Nhi. Ví dụ, chúng có thể sử dụng những bức tranh chúng vẽ hoặc trang sinh hoạt của tuần này.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Tìm cách hiểu trẻ em mà anh chị em giảng dạy. Khi anh chị em giảng dạy các trẻ em, hãy đặc biệt chú tâm đến những câu hỏi của chúng, lời nhận xét của chúng, và các câu chuyện hoặc nguyên tắc mà dường như đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng. Việc hiểu biết những điều này sẽ giúp anh chị em tập trung vào nhu cầu của chúng.