Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 14–20 tháng Hai. Sáng Thế Ký 18–23: “Há Điều Chi Đức Giê-hô-va Làm Không Được Chăng?”


“Ngày 14–20 tháng Hai. Sáng Thế Ký 18–23: ‘Há Điều Chi Đức Giê-hô-va Làm Không Được Chăng?’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 14–20 tháng Hai. Sáng Thế Ký 18–23,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

Hình Ảnh
Sa Ra bồng em bé Y Sác

Sarah and Isaac (Sa Ra và Y Sác), tranh do Scott Snow họa

Ngày 14–20 tháng Hai

Sáng Thế Ký 18–23

“Há Điều Chi Đức Giê-hô-va Làm Không Được Chăng?”

Khi anh chị em cố gắng đáp ứng nhu cầu của các trẻ em mà mình giảng dạy, hãy cân nhắc những ý tưởng cho cả trẻ em lớn tuổi lẫn trẻ em nhỏ tuổi trong đại cương này.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Để giúp các trẻ em chia sẻ điều chúng đã biết về Sáng Thế Ký 18–23, hãy cho thấy các bức hình về ít nhất một trong những sự kiện trong các chương này, và yêu cầu các em chia sẻ bất kỳ điều gì chúng nhớ được về câu chuyện đó.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Sáng Thế Ký 18:9–14; 21:1–7

Tôi có thể tin cậy rằng Thượng Đế sẽ giữ lời hứa của Ngài.

Mặc dù Thượng Đế đã hứa rằng Sa Ra và Áp Ra Ham sẽ có một đứa con trai, trong khi họ ngày càng lớn tuổi, lời hứa này dường như không thể được làm tròn. Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng câu chuyện này để giúp các em có đức tin rằng Thượng Đế sẽ luôn giữ lời hứa của Ngài?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy tóm lược lời hứa của Thượng Đế với Áp Ra Ham và Sa Ra rằng họ sẽ có một đứa con và sự ứng nghiệm của lời hứa này (xin xem Sáng Thế Ký 17:15–19; 18:9–14; 21:1–7). Hoặc mời một cặp vợ chồng trong tiểu giáo khu hóa trang thành Áp Ra Ham và Sa Ra để kể câu chuyện của họ. Giúp các em hiểu rằng Áp Ra Ham và Sa Ra đã quá lớn tuổi để sanh con. Đặt ra cho các em câu hỏi từ Sáng Thế Ký 18:14: “Há điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?” Hãy làm chứng rằng Chúa có thể làm tròn lời hứa của Ngài, ngay cả khi điều đó dường như bất khả thi.

  • Hãy đưa ra cho các em một lời hứa mà anh chị em sẽ làm tròn vào cuối buổi học (ví dụ, rằng anh chị em sẽ cho phép chúng tô màu một bức tranh). Trong suốt buổi học, hãy nhắc cho chúng nhớ về lời hứa của anh chị em, và sau đó làm tròn lời hứa đó. Giải thích rằng Chúa luôn luôn giữ lời hứa của Ngài.

  • Hãy yêu cầu các em chia sẻ về một thời điểm khi chúng phải chờ đợi một điều gì đó mà chúng rất mong muốn. Cùng hát với các em một bài hát mà làm chứng về những lời hứa của Thượng Đế, chẳng hạn như “Đếm Các Phước Lành” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8–9). Giúp các em nhận ra những điều mà Thượng Đế hứa với chúng ta nếu chúng ta trung tín.

  • Hãy cho thấy một bức hình của lễ báp têm hoặc lễ Tiệc Thánh (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 103, 104, 107108). Giúp các em tìm hiểu về những lời hứa mà chúng ta lập với Thượng Đế, và đổi lại, những điều mà Thượng Đế hứa, khi chúng ta chịu phép báp têm và dự phần Tiệc Thánh. (Xin xem Trung Thành với Đức Tin, trang 147–149.)

Sáng Thế Ký 22:1–14

Áp Ra Ham vâng theo lời Chúa.

Đó là một điều rất khó khăn cho Áp Ra Ham để tuân theo lệnh truyền phải hy sinh đứa con trai của ông. Hãy suy ngẫm cách mà anh chị em có thể sử dụng câu chuyện này một cách phù hợp để khuyến khích các trẻ em nên vâng lời Thượng Đế ngay cả khi điều đó là khó khăn hoặc khi chúng không hoàn toàn hiểu được lý do của các lệnh truyền của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy cho thấy một bức hình của Áp Ra Ham và Y Sác (xin xem đại cương học tập của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình), và sử dụng nó để kể câu chuyện về Áp Ra Ham và Y Sác (xin xem thêm “Áp Ra Ham và Y Sác,” trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô, và nói cho các em biết về cách mà câu chuyện về Áp Ra Ham và Y Sác có thể nhắc cho chúng ta nhớ đến sự hy sinh của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho chúng ta.

  • Hãy chơi một trò chơi đơn giản mà đòi hỏi các trẻ em phải làm theo hướng dẫn. Ví dụ, các hướng dẫn để dẫn các em đến một bức hình của Đấng Cứu Rỗi được giấu trong phòng học. Cha Thiên Thượng đã phán bảo chúng ta phải làm một số điều gì? Giúp các em hiểu rằng việc tuân giữ những lệnh truyền của Ngài sẽ giúp chúng ta trở về sống cùng Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Sáng Thế Ký 18:9–14; 21:1–7

Chúa làm tròn lời hứa của Ngài, ngay cả khi điều đó dường như bất khả thi.

Áp Ra Ham và Sa Ra đã được phán bảo rằng họ sẽ sanh một đứa con trai, nhưng điều đó dường như bất khả thi—Áp Ra Ham lúc đó đã 100 tuổi, và Sa Ra 90 tuổi (xin xem Sáng Thế Ký 17:17). Thượng Đế đã làm tròn lời hứa của Ngài, và câu chuyện này có thể giúp các trẻ em mà anh chị em giảng dạy củng cố đức tin của chúng nơi những lời hứa của Thượng Đế.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy viết mỗi từ trong câu đầu tiên của Sáng Thế Ký 18:14 lên trên một tờ giấy rời, và đưa cho mỗi em một tờ. Sau đó yêu cầu cả lớp sắp xếp những từ này theo đúng thứ tự. Cùng đọc với các em Sáng Thế Ký 18:9–14; 21:1–7 để tìm một ví dụ từ cuộc sống của Sa Ra và Áp Ra Ham khi Chúa đã làm một điều gì đó dường như bất khả thi. Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của Sa Ra và Áp Ra Ham mà có thể khuyến khích chúng ta tin cậy vào lời hứa của Thượng Đế?

  • Hãy cho thấy hình ảnh liên quan các câu chuyện trong thánh thư mà trong đó Thượng Đế đã làm một điều gì đó dường như khó khăn hoặc không thể (ví dụ, xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 7, 8, 25, 26). Yêu cầu các em chia sẻ điều chúng biết được về những sự kiện được mô tả qua những bức hình này, và giúp các em thấy được cách Chúa làm tròn lời hứa của Ngài trong mỗi trường hợp. Chia sẻ cách Chúa đã giữ lời hứa của Ngài trong cuộc sống của anh chị em hoặc những người mà anh chị em biết (để biết thêm một số ví dụ về lời hứa của Chúa, xin xem Ma La Chi 3:10; Giăng 14:26–27; Giáo Lý và Giao Ước 89:18–21). Hãy để các em chia sẻ những ví dụ tương tự mà chúng biết.

Sáng Thế Ký 19:15–26

Tôi có thể chạy trốn sự tà ác.

Câu chuyện về Lót và gia đình ông chạy trốn khỏi một thành phố tà ác có thể soi dẫn các trẻ em mà anh chị em dạy để chạy trốn khỏi những ảnh hưởng tà ác trong cuộc sống của chúng.

Hình Ảnh
Hình ảnh minh họa Lót và gia đình ông chạy trốn khỏi Sô Đôm và Gô Mô Rơ

Fleeing Sodom and Gomorrah (Chạy Trốn Khỏi Sô Đôm và Gô Mô Rơ), tranh do Julius Schnorr von Carolsfeld họa

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy tóm lược Sáng Thế Ký 19:15–26 bằng việc giải thích rằng gia đình của Lót sống trong một thành phố rất tà ác, và các thiên sứ đã cảnh báo họ phải rời đi. Cùng nhau đọc các câu 15–17, 26, và giúp các em nghĩ xem việc “chạy trốn” khỏi sự tà ác và “đừng ngó lại sau” có nghĩa là gì đối với chúng ngày nay (câu 17).

  • Hãy trưng bày một bức hình của Đấng Cứu Rỗi, và yêu cầu các em tiến một bước đến gần bức hình khi chúng chia sẻ một điều chúng có thể làm nhằm chạy trốn khỏi sự tà ác và đến gần Đấng Ky Tô hơn.

  • Hãy thảo luận các tình huống mà trong đó một người bạn có thể mời các em làm một điều gì đó mà chúng biết là không đúng. Chúng ta sẽ “chạy trốn” khỏi các tình huống này như thế nào? Chúng ta có thể nói gì với người bạn của mình?

Sáng Thế Ký 22:1–14

Cha Thiên Thượng đã gửi Vị Nam Tử của Ngài, là Đấng đã hy sinh cho chúng ta.

Khi anh chị em giảng dạy về sự sẵn lòng của Áp Ra Ham để hy sinh Y Sác, hãy nhạy cảm với những cảm nghĩ của các em. Hãy sử dụng câu chuyện này để giúp các em củng cố tình yêu thương và sự biết ơn của chúng cho sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Để giúp các em học về câu chuyện trong Sáng Thế Ký 22:1–14, hãy đọc các câu này cho chúng nghe, và mời chúng vẽ tranh về điều anh chị em đang đọc. Tại sao lệnh truyền của Chúa để hy sinh Y Sác là khó để Áp Ra Ham tuân theo? Chúng ta học được điều gì về Áp Ra Ham từ câu chuyện này?

  • Hãy sử dụng các bức hình của Áp Ra Ham và Y Sác và việc Chúa Bị Đóng Đinh (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số. 957) để so sánh câu chuyện trong Sáng Thế Ký 22 với sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 27:26–37). Chúng ta có thể học được gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ câu chuyện của Áp Ra Ham và Y Sác và việc Chúa Bị Đóng Đinh?

  • Cùng nhau hát một bài hát về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi, chẳng hạn như “Xa Xa Có Một Đồi Xanh” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 24). Mời các em thảo luận xem sự hy sinh của Chúa Giê Su cho thấy tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta như thế nào.

Hình Ảnh
learning icon

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em chia sẻ với gia đình chúng về lúc mà Thượng Đế đã ban phước cho chúng khi chúng tuân theo một trong những lệnh truyền của Ngài.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Khuyến khích sự nghiêm trang. Khi cần thiết trong buổi học, anh chị em có thể nhắc nhở trẻ em hãy nghiêm trang. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách hát nhỏ hoặc hát thầm một bài hát hoặc cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su.

In