Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 10–16 tháng Một. Sáng Thế Ký 3–4; Môi Se 4–5: Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va


“Ngày 10–16 tháng Một. Sáng Thế Ký 3–4; Môi Se 4–5: Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 10–16 tháng Một. “Sáng Thế Ký 3–4; Môi Se 4–5,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
A Đam và Ê Va đi cùng nhau

Adam and Eve (A Đam và Ê Va), tranh do Douglas M. Fryer họa

Ngày 10–16 tháng Một

Sáng Thế Ký 3–4; Môi Se 4–5

Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va

Trong khi anh chị em học Sáng Thế Ký 3–4Môi Se 4–5, hãy nghĩ về điều Chúa đang cố gắng giảng dạy cho mình. Ghi lại những lẽ thật này và các ấn tượng thuộc linh của anh chị em, và suy ngẫm những điều đó trong suốt tuần.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Thoạt đầu, câu chuyện về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va có vẻ giống như một bi kịch. A Đam và Ê Va bị đuổi khỏi Vườn Ê Đen xinh đẹp. Họ bị đưa vào một thế giới nơi mà sự đau đớn, muộn phiền, và cái chết luôn hiện hữu (xin xem Sáng Thế Ký 3:16–19). Và họ bị chia cách khỏi Cha Thiên Thượng của họ. Nhưng bởi vì những lẽ thật đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith trong sách Môi Se, chúng ta biết rằng câu chuyện của A Đam và Ê Va thật ra là một câu chuyện về niềm hy vọng—và là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế dành cho con cái Ngài.

Vườn Ê Đen rất xinh đẹp. Nhưng A Đam và Ê Va cần một điều gì đó hơn là khung cảnh xinh đẹp bao quanh. Họ—và tất cả chúng ta—đều cần một cơ hội để phát triển. Rời khỏi Vườn Ê Đen là bước cần thiết đầu tiên để tiến đến việc quay trở về với Thượng Đế và cuối cùng trở nên giống như Ngài. Điều đó có nghĩa là trải qua sự tương phản, phạm lỗi lầm, học cách hối cải, và tin cậy Đấng Cứu Rỗi, mà Sự Chuộc Tội của Ngài cho phép sự tiến triển xảy ra và “niềm vui của sự cứu chuộc” đến với chúng ta (Môi Se 5:11). Vì thế khi anh chị em đọc về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, đừng tập trung vào câu chuyện dường như là bi kịch đó mà hãy tập trung vào các khả năng—đừng chỉ nhìn vào thiên đường mà A Đam và Ê Va đã mất đi mà hãy nhìn vào vinh quang mà sự lựa chọn của họ cho phép chúng ta nhận được.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Sáng Thế Ký 3:1–7; Môi Se 4; 5:4–12

Sự Sa Ngã là một phần cần thiết cho kế hoạch của Thượng Đế để cứu chuộc con cái Ngài.

Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va mang cái chết thể xác và thuộc linh đến với thế gian. Nó cũng mang đến nghịch cảnh, đau khổ, và tội lỗi. Tất cả những điều này dường như là lý do để ân hận vì Sự Sa Ngã. Nhưng Sự Sa Ngã là một phần trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng để cứu chuộc và tôn cao con cái Ngài qua “sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (Môi Se 5:7). Trong khi học Sáng Thế Ký 3:1–7; Môi Se 4; 5:4–12, anh chị em tìm thấy những lẽ thật nào giúp mình hiểu được Sự Sa Ngã và cách mà Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô khắc phục nó? Những câu hỏi như sau có thể giúp ích:

  • Sự Sa Ngã ảnh hưởng đến A Đam và Ê Va như thế nào? Sự kiện đó ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

  • Tại sao A Đam và Ê Va dâng của lễ hy sinh? Những của lễ hy sinh đó tượng trưng cho điều gì? Tôi có thể học được điều gì từ những lời của vị thiên sứ trong các câu thánh thư này?

  • Tại sao A Đam và Ê Va “vui mừng” sau Sự Sa Ngã? Tôi học được điều gì từ câu chuyện này về kế hoạch của Thượng Đế để cứu chuộc tôi qua Chúa Giê Su Ky Tô?

Nhờ có Sách Mặc Môn và những sự mặc khải ngày sau khác, chúng ta có được một cách nhìn đặc biệt về Sự Sa Ngã. Ví dụ như, hãy suy ngẫm điều mà tiên tri Lê Hi đã dạy gia đình ông về A Đam và Ê Va trong 2 Nê Phi 2:15–27. Những lời giảng dạy của Lê Hi làm sáng tỏ cho điều đã xảy ra trong Vườn Ê Đen và giúp chúng ta hiểu lý do tại sao sự kiện đó là quan trọng như thế nào?

Xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 15:20–22; Mô Si A 3:19; An Ma 12:21–37; Giáo Lý và Giao Ước 29:39–43; Những Tín Điều 1:3; Dallin H. Oaks, “Kế Hoạch Vĩ Đại,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 93–96; Dallin H. Oaks, “Tương Phản trong Mọi Sự Việc,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 114–117; Jeffrey R. Holland, “Nơi Có Công Lý, Tình Yêu Thương và Lòng Thương Xót Liên Kết Với Nhau,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 104–106.

Hình Ảnh
Ê Va đang cầm trái cây

Leaving Eden (Rời Khỏi Vườn Ê Đen), tranh do Annie Henrie Nader họa

Sáng Thế Ký 3:16; Môi Se 4:22

Việc A Đam được định là sẽ “cai trị” Ê Va có ý nghĩa gì?

Đoạn thánh thư này đôi khi bị hiểu sai ý nghĩa thành một người chồng có lý do chính đáng để đối xử tệ bạc với vợ mình. Trong thời của chúng ta, các vị tiên tri của Chúa đã dạy rằng trong khi người chồng phải chủ tọa trong nhà trong sự ngay chính, người ấy cũng phải xem vợ mình như một người cộng sự bình đẳng (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” [ChurchofJesusChrist.org]). Anh Cả Dale G. Renlund và Chị Ruth Lybbert Renlund đã giải thích rằng một người chồng ngay chính “sẽ tìm cách để phục sự; người ấy sẽ thừa nhận sai lầm của mình và tìm kiếm sự tha thứ; người ấy sẽ nhanh chóng khen ngợi; người ấy sẽ chu đáo biết được sở thích của các thành viên trong gia đình; người ấy sẽ cảm thấy được trách nhiệm lớn lao để chu cấp cho ‘những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ gia đình mình’; người ấy sẽ đối xử với vợ mình cực kỳ tôn trọng. … Người ấy sẽ ban phước cho gia đình mình” (The Melchizedek Priesthood: Understanding the Doctrine, Living the Principles [năm 2018], trang 23).

Môi Se 5:4–9, 16–26

Thượng Đế sẽ chấp nhận những hy sinh của tôi nếu tôi dâng chúng với một sự sẵn lòng và một tấm lòng vâng phục.

A Đam và Ê Va biết được rằng các của lễ hy sinh bằng con vật là tượng trưng cho sự hy sinh chuộc tội của Đấng Ky Tô, và họ “bày tỏ [việc này] cho các con trai và các con gái của họ biết” (Môi Se 5:12). Trong khi anh chị em học Môi Se 5:4–9, 16–26, hãy nghĩ về thái độ khác nhau của hai người con trai của họ, Ca In và A Bên, đối với các của lễ hy sinh này. Tại sao Chúa chấp nhận của lễ hy sinh của A Bên mà không chấp nhận của Ca In?

Chúa yêu cầu anh chị em hy sinh những gì? Có bất kỳ điều gì trong Môi Se 5:4–9, 16–26 mà thay đổi cách anh chị em nghĩ về những hy sinh này không?

Xin xem thêm Thi Thiên 4:5; 2 Cô Rinh Tô 9:7; Ôm Ni 1:26; 3 Nê Phi 9:19–20; Mô Rô Ni 7:6–11; Giáo Lý và Giao Ước 97:8; Jeffrey R. Holland, “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 44–46.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Sáng Thế Ký 3; Môi Se 4.Anh chị em có thể làm gì để giúp gia đình mình hiểu hơn về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va? Anh chị em có thể sao chụp các bức tranh từ “A Đam và Ê Va” (trong Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước) và cắt chúng ra. Rồi anh chị em có thể cùng nhau sắp xếp các bức tranh theo trình tự câu chuyện trong khi thảo luận các kinh nghiệm của A Đam và Ê Va. Tại sao Sự Sa Ngã lại cần thiết cho kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng?

Môi Se 4:1–4.Chúng ta học được điều gì về Thượng Đế, Chúa Giê Su Ky Tô, và Sa Tan từ những câu này? Tại sao quyền tự quyết lại vô cùng quan trọng đối với kế hoạch của Thượng Đế đến nỗi Sa Tan muốn hủy hoại quyền đó?

Môi Se 5:5–9.Thượng Đế đã truyền lệnh cho A Đam và Ê Va làm gì để giúp họ nghĩ về Đấng Cứu Rỗi? Thượng Đế đã ban cho chúng ta những gì để giúp chúng ta nghĩ về Đấng Cứu Rỗi?

Môi Se 5:16–34.Trở thành người “canh giữ [anh em]” của chúng ta có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể chăm sóc lẫn nhau tốt hơn như một gia đình?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Hãy Làm Điều Tốt,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 34.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy sử dụng những sự trợ giúp học thánh thư. Trong khi học tập thánh thư, hãy sử dụng phần cước chú, Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và các công cụ trợ giúp học tập khác để đạt được thêm những sự hiểu biết sâu sắc.

Hình Ảnh
thiên sứ đến thăm A Đam và Ê Va

Similitude (Biểu Tượng), tranh do Walter Rane họa

In