2010–2019
Tương Phản trong Mọi Sự Việc
Tháng tư 2016


15:27

Tương Phản trong Mọi Sự Việc

Sự tương phản cho phép chúng ta tăng trưởng hướng đến con người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành.

Trọng tâm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha cho sự tiến triển vĩnh cửu của con cái Ngài. Kế hoạch đó, khi được giải thích trong sự mặc khải hiện đại, giúp chúng ta hiểu nhiều điều chúng ta gặp trên trần thế. Sứ điệp của tôi tập trung vào vai trò thiết yếu của sự tương phản trong kế hoạch đó.

I.

Mục đích của cuộc sống hữu diệt cho con cái của Thượng Đế là cung cấp những kinh nghiệm cần thiết “để tiến triển đến sự toàn hảo và cuối cùng ý thức được số mệnh thiêng liêng của mình với tư cách là một người thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”1 Như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta một cách hùng hồn buổi sáng hôm nay rằng chúng ta tiến triển bằng cách lựa chọn, mà qua đó được thử thách để cho thấy rằng chúng ta sẽ tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Để được thử thách, chúng ta phải có quyền tự quyết để lựa chọn. Chúng ta cần phải có sự tương phản để đưa ra những sự lựa chọn mà qua đó sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình.

Phần còn lại của kế hoạch cũng thiết yếu. Khi chúng ta chọn sai---chắc chắn là sẽ chọn sai---thì chúng ta phạm tội và phải được thanh tẩy để hướng tới số mệnh vĩnh cửu của mình. Kế hoạch của Đức Chúa Cha cung cấp cách thức để làm điều này, cách thức để làm thỏa mãn những đòi hỏi vĩnh cửu của công lý: một Đấng Cứu Rỗi trả cái giá để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi của mình. Đấng Cứu Rỗi đó là Chúa Giê Su Ky Tô, Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, mà sự chuộc tội hy sinh của Ngài---nỗi đau khổ của Ngài---trả cái giá cho tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta chịu hối cải tội lỗi đó.

Một trong những lời giải thích hay nhất về vai trò của sự tương phản đã được hoạch định là ở trong Sách Mặc Môn, trong những lời giảng dạy của Lê Hi cho con trai là Gia Cốp.

“Vì cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc. Nếu không thì, … sự ngay chính không thể có được, và cũng không thể có sự độc ác hay sự thánh thiện, không có sự khốn cùng, hay điều phải lẽ quấy” (2 Nê Phi 2:11; xin xem thêm câu 15).

Vậy nên, Lê Hi nói tiếp: “Đức Chúa Trời đã cho loài người được hành động lấy một mình. Vậy nên, loài người không thể hành động lấy một mình nếu không bị xúi giục bởi bên này hay bên kia” (câu 16). Tương tự như vậy, trong sự mặc khải hiện đại, Chúa phán: “Điều cần thiết là quỷ dữ phải cám dỗ con cái loài người, bằng không thì loài người sẽ không tự quyết riêng cho chính mình được” (GLGƯ 29:39).

Sự tương phản là cần thiết trong Vườn Ê Đen. Nếu A Đam và Ê Va đã không chọn điều dẫn đến cuộc sống hữu diệt, thì như Lê Hi dạy: “Họ ở mãi trong trạng thái ngây thơ, … không làm điều gì lành, vì họ đâu biết thế nào là tội lỗi” (2 Nê Phi 2:23).

Ngay từ đầu, quyền tự quyết và sự tương phản là trọng tâm của kế hoạch của Đức Chúa Cha và sự phản nghịch của Sa Tan để chống lại kế hoạch đó. Như Chúa đã mặc khải cho Môi Se, trong đại hội trên thiên thượng, Sa Tan “tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người” (Môi Se 4:3). Sự hủy diệt đó sẽ là kết quả tự nhiên của các điều kiện liên quan đến đề nghị của Sa Tan. Nó đến trước mặt Đức Chúa Cha và nói: “Này, tôi đây, xin phái tôi đi, tôi sẽ là con trai của Ngài, và tôi sẽ cứu chuộc tất cả nhân loại, khiến cho không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc, và chắc chắn tôi sẽ làm được điều đó; vậy nên xin ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi” (Môi Se 4:1).

Như vậy, Sa Tan đề nghị sẽ thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Cha trong một cách mà có thể ngăn chặn việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Cha và ban cho Sa Tan vinh quang của Ngài.

Lời đề nghị của Sa Tan sẽ bảo đảm sự bình đẳng một cách hoàn hảo: nó sẽ “cứu chuộc tất cả nhân loại” không một linh hồn nào sẽ bị thất lạc. Sẽ không có quyền tự quyết hoặc lựa chọn bởi bất cứ người nào và do đó, không cần có sự tương phản. Sẽ không có thử thách, không có thất bại, và không có thành công. Sẽ không có sự tăng trưởng để đạt được mục đích mà Đức Chúa Cha mong muốn cho con cái của Ngài. Thánh thư ghi lại rằng sự chống đối của Sa Tan dẫn đến một “cuộc chiến đấu trên trời” (Khải Huyền 12:7), trong đó hai phần ba số con cái của Thượng Đế đã nhận được quyền để trải qua cuộc sống trần thế bằng cách chọn kế hoạch của Đức Chúa Cha và khước từ cuộc nổi loạn của Sa Tan.

Mục đích của Sa Tan là để đạt được cho mình vinh dự và quyền năng của Đức Chúa Cha (xin xem Ê Sai 14:12–15; Môi Se 4:1, 3). Đức Chúa Cha phán: “Vậy nên, vì Sa Tan phản nghịch chống lại ta, … ta khiến nó phải bị ném xuống” (Môi Se 4:3) với tất cả các linh hồn đã sử dụng quyền tự quyết của họ để đi theo nó (xin xem Giu Đe 1:6 ; Khải Huyền 12:8–9; GLGƯ 29:36–37 ). Bị ném xuống trần thế với những linh hồn không có thể xác, Sa Tan và những kẻ đi theo nó cám dỗ cùng tìm cách lừa dối và gài bẫy con cái của Thượng Đế (xin xem Môi Se 4:4). Vì vậy, nó là một kẻ xấu xa, đã chống đối và tìm cách phá hoạikế hoạch của Đức Chúa Cha, thực ra nó làm cho kế hoạch đó được dễ dàng, vì chính là sự tương phản mà làm cho chúng ta có khả năng chọn lựa và chính là cơ hội để chọn điều đúng, là điều dẫn đến sự tăng trưởng và đó chính là mục đích của kế hoạch của Đức Chúa Cha.

II.

Trong mức độ đáng kể, sự cám dỗ để phạm tội không phải là loại tương phản duy nhất trên trần thế. Tổ Phụ Lê Hi đã dạy rằng nếu Sự Sa Ngã không xảy ra, thì A Đam và Ê Va “ở mãi trong trạng thái ngây thơ, không có sự vui sướng, vì họ đâu biết sự khổ sở” (2 Nê Phi 2:23). Nếu không có kinh nghiệm về sự tương phản trên trần thế, “tất cả mọi sự vật cần phải có sự kết hợp thành một,” thì có thể sẽ không có hạnh phúc hay đau khổ (câu 11). Do đó, Tổ Phụ Lê Hi nói tiếp, sau khi Thượng Đế đã tạo ra vạn vật “để mang lại các mục đích vĩnh cửu cho loài người, … thì cần phải có sự tương phản, như trái cấm để tương phản với cây sự sống; một bên thì ngọt bùi còn một bên thì cay đắng vậy” (câu 15).2 Lời giảng dạy của ông về phần này trong kế hoạch cứu rỗi kết thúc với những lời này:

“Nhưng này, mọi sự việc đã được thực hiện theo sự thông sáng của Đấng thông hiểu mọi sự việc.

“A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui” (các câu 24–25).

Sự tương phản trong hình thức của những hoàn cảnh khó khăn chúng ta gặp phải trên trần thế cũng là một phần kế hoạch nhằm gia tăng thêm mức độ tăng trưởng của chúng ta trên trần thế.

III.

Tất cả chúng ta đều trải qua nhiều loại tương phản khác nhau, là những điều thử thách chúng ta. Một số thử thách này là những cám dỗ để phạm tội. Một số là những thử thách trên trần thế không gồm có tội lỗi cá nhân. Một số rất to lớn. Một số rất nhỏ. Một số là liên tục, và một số chỉ là tạm thời. Không ai trong chúng ta được miễn trừ cả. Sự tương phản cho phép chúng ta tăng trưởng hướng đến con người mà Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành.

Sau khi Joseph Smith đã phiên dịch xong Sách Mặc Môn, ông vẫn còn phải tìm kiếm một nhà xuất bản. Điều này không phải là dễ dàng. Sự phức tạp của bản thảo dài này cùng chi phí ấn loát và đóng thành sách của cả hàng ngàn quyển thật là đáng sợ. Thoạt tiên, Joseph đến nói chuyện với E. B. Grandin, một người thợ in ở Palmyra, nhưng người này đã từ chối. Sau đó ông đã tìm kiếm một người thợ in khác ở Palmyra, người này cũng từ chối. Ông đi đến Rochester, cách đó 40 kilômét và nói chuyện với nhà xuất bản nổi tiếng nhất ở phía tây New York, người này cũng từ chối. Một nhà xuất bản khác ở Rochester sẵn lòng in, nhưng hoàn cảnh đã làm cho dự án này không thể chấp nhận được.

Nhiều tuần trôi qua, và Joseph chắc hẳn phải hoang mang trước sự tương phản để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Chúa đã không làm cho điều đó được dễ dàng, nhưng Ngài đã làm cho điều đó có thể thực hiện được. Nỗ lực thứ năm của Joseph, lần thứ hai đến nói chuyện với nhà xuất bản Grandin ở Palmyra đã thành công.3

Nhiều năm sau, Joseph đã bị cầm tù một cách đau đớn trong Ngục Thất Liberty trong nhiều tháng. Khi ông cầu nguyện để được giúp đỡ thì Chúa phán với ông rằng “tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi” (GLGƯ 122:7).

Chúng ta đều quen thuộc với các loại tương phản khác trên trần thế không phải do tội lỗi cá nhân gây ra, kể cả bệnh tật, khuyết tật, và cái chết. Chủ Tịch Thomas S. Monson giải thích:

“Đôi khi một số anh chị em có thể đã than khóc trong nỗi đau khổ, tự hỏi tại sao Cha Thiên Thượng lại để cho các anh chị em trải qua bất cứ thử thách nào mình gặp phải. …

“Tuy nhiên, cuộc sống trần thế của chúng ta không bao giờ có nghĩa là được dễ dàng hay luôn dễ chịu. Cha Thiên Thượng của chúng ta … biết rằng chúng ta học hỏi và tăng trưởng và trở nên tôi luyện qua những thử thách khó khăn, nỗi buồn đau lòng, và những sự lựa chọn khó khăn. Mỗi người chúng ta trải qua những ngày đen tối khi những người thân yêu qua đời, những lúc đau đớn khi sức khỏe suy yếu, những cảm nghĩ bị bỏ rơi khi dường như bị những người mình yêu thương bỏ rơi. Những thử thách này và những thử thách khác mang đến cho chúng ta thử thách thực sự về khả năng chịu đựng của mình.”4

Các nỗ lực của chúng ta để cải thiện việc tuân thủ ngày Sa Bát là một ví dụ ít căng thẳng của sự tương phản. Chúng ta có giáo lệnh của Chúa để tôn trọng ngày Sa Bát. Một số lựa chọn của chúng ta có thể vi phạm giáo lệnh đó, nhưng những lựa chọn khác trong cách dành thời gian vào ngày Sa Bát chỉ là một câu hỏi liệu chúng ta có làm điều tốt nào hay điều tốt hơn hoặc tốt nhất không.5

Để minh họa sự tương phản trong sự cám dỗ, Sách Mặc Môn mô tả ba phương pháp mà quỷ dữ sẽ sử dụng trong những ngày cuối cùng. Trước hết, nó sẽ “gây cuồng nộ trong trái tim con cái loài người, và khích động họ giận dữ chống lại những gì tốt đẹp” (2 Nê Phi 28:20). Thứ hai, nó sẽ “dẹp yên những [tín hữu] và ru ngủ họ trong một sự an toàn trần tục, khiến họ phải thốt ra rằng: Si Ôn thịnh vượng, và mọi việc đều tốt đẹp” (câu 21). Thứ ba, nó sẽ bảo chúng ta “là không có ngục giới; … Tôi không phải là quỷ dữ, vì làm gì có quỷ” (câu 22), và do đó không có điều đúng với điều sai. Vì sự tương phản này, nên chúng ta đã được cảnh báo là không được “an nhàn ở Si Ôn!” (câu 24).

Giáo Hội trong sứ mệnh thiêng liêng của mình và chúng ta trong cuộc sống cá nhân của mình dường như phải đối mặt với sự tương phản đang ngày càng gia tăng. Có lẽ khi Giáo Hội phát triển mạnh và chúng ta là các tín hữu tăng trưởng trong đức tin và sự vâng lời, thì Sa Tan chống đối mạnh hơn để chúng ta sẽ tiếp tục có “sự tương phản trong mọi sự việc.”

Một số sự chống đối này thậm chí còn đến từ các tín hữu Giáo Hội. Một số người sử dụng lập luận cá nhân hay trí khôn ngoan để chống lại lời hướng dẫn của vị tiên tri, tự cho mình một danh hiệu được sử dụng trong chính quyền đã được bầu chọn---là “sự chống đối trung thành.” Cho dù điều này có thể thích hợp cho một nền dân chủ, nhưng không có sự biện minh cho khái niệm này trong chính quyền của vương quốc của Thượng Đế, nơi mà những câu hỏi được tôn trọng và sự chống đối thì không được tôn trọng (xin xem Ma Thi Ơ 26:24).

Một ví dụ khác nữa là có rất nhiều điều trong lịch sử Giáo Hội ban đầu của chúng ta, chẳng hạn như điều Joseph Smith đã làm hoặc không làm trong mọi hoàn cảnh, một số người sử dụng điều đó để biện minh cho sự chống đối của họ. Tôi nói cùng tất cả mọi người, hãy thực hành đức tin và hoàn toàn trông cậy vào lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi để chúng ta nên “nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma Thi Ơ 7:16). Giáo Hội đang có những nỗ lực quan trọng để công khai hóa các biên sử chúng ta có, nhưng sau khi tất cả những gì chúng ta có thể xuất bản, thì các tín hữu của chúng ta đôi khi lại có những câu hỏi cơ bản mà không thể giải quyết được bằng cách nghiên cứu. Đó là phiên bản lịch sử Giáo Hội về “sự tương phản trong mọi sự việc.” Một số điều chỉ có thể học được bằng đức tin (xin xem GLGƯ 88:118). Chúng ta cần phải trông cậy hầu hết vào đức tin khi nhận được sự làm chứng từ Đức Thánh Linh.

Thượng Đế hiếm khi hạn chế quyền tự quyết của bất cứ con cái nào của Ngài bằng cách can thiệp chống lại người này để giúp đỡ người kia. Nhưng Ngài làm giảm nhẹ những gánh nặng buồn phiền của chúng ta và củng cố chúng ta để mang các gánh nặng đó, như Ngài đã làm điều đó cho dân của An Ma trong xứ Hê Lam (xin xem Mô Si A 24:13–15). Ngài không ngăn chặn tất cả mọi thảm họa, nhưng Ngài có đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta để dẹp những điều đó sang một bên, như Ngài đã làm với cơn bão dữ dội mà đe dọa sẽ ngăn cản lễ cung hiến đền thờ ở Fiji;6hoặc Ngài thật sự giảm bớt ảnh hưởng của chúng, như Ngài đã làm với vụ đánh bom của khủng bố mà làm thiệt mạng rất nhiều người ở sân bay Brussels nhưng chỉ làm bị thương bốn người truyền giáo của chúng ta.

Qua tất cả sự tương phản trên trần thế, chúng ta có được sự bảo đảm của Thượng Đế rằng Ngài sẽ “biệt riêng sự đau khổ của [chúng ta] thành lợi ích cho [chúng ta] ” (2 Nê Phi 2:2). Chúng ta cũng đã được dạy để hiểu những kinh nghiệm trần thế của mình và các giáo lệnh của Ngài trong bối cảnh của kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Ngài là kế hoạch mà cho chúng ta biết mục đích của cuộc sống và mang đến sự bảo đảm về một Đấng Cứu Rỗi, là Đấng tôi làm chứng trong danh Ngài về lẽ thật của những điều này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  2. Tương tự như vậy, sự mặc khải hiện đại dạy rằng nếu chưa bao giờ nếm sự đắng cay, thì chúng ta không thể biết được ngọt bùi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 29:39).

  3. Xin xem Michael Hubbard MacKay và Gerrit J. Dirkmaat, From Darkness unto Light: Joseph Smith’s Translation and Publication of the Book of Mormon (2015), 163--7 9.

  4. Thomas S. Monson, “Joy in the Journey” (bài nói chuyện được đưa ra tại Đại Hội Phụ Nữ ở Trường BYU, ngày 2 tháng Năm năm 2008), Một bài tiểu luận ngắn về thể thao và dân chủ của John S. Tanner, hiện là chủ tịch trường BYU-Hawaii, gồm có sự hiểu biết sâu sắc này về một vấn đề mà chúng ta đều quen thuộc: “Học cách thua với một tinh thần mã thượng không phải chỉ là một nhiệm vụ dân sự; mà còn là một sự bắt buộc về mặt tôn giáo. Thượng Đế đã sáng tạo trần thế để bảo đảm có ‘sự tương phản trong mọi sự việc’ (2 Nê Phi 2:11). Sự thất bại và bị đánh bại là một phần của kế hoạch của Ngài vì sự hoàn hảo của chúng ta. … Việc bị đánh bại đóng một vai trò không thể thiếu trong ‘cuộc tìm kiếm sự hoàn hảo’” của chúng ta (Ghi Chú từ Amateur: A Disciple’s Life in the Academy [2011], 57).

  5. Xin xem Dallin H. Oaks, “Tốt, Tốt Hơn, Tốt Nhất,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 104–8.

  6. Xin xem Sarah Jane Weaver, “Rededication Goes Forward,” Church News, ngày 28 tháng Hai năm 2016, 3--4.