Những Người Cha
Hôm nay tôi tập trung vào điều tốt lành mà những người nam có thể làm trong vai trò cao quý nhất của nam giới---là làm chồng, làm cha.
Hôm nay, tôi nói về những người cha. Những người cha là trọng tâm của kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng, và tôi muốn cất lên tiếng nói khích lệ cho những người đang gặp khó khăn để chu toàn sự kêu gọi đó. Lời khen ngợi và khuyến khích vai trò làm cha và những người cha không phải để làm hổ thẹn hoặc coi thường bất cứ người nào. Hôm nay, tôi chỉ tập trung vào điều tốt lành mà những người nam có thể làm trong vai trò cao quý nhất của nam giới---là làm người chồng và người cha.
David Blankenhorn, tác giả quyển sách Nước Mỹ Mồ Côi, đã nhận xét: “Ngày nay, xã hội Mỹ bị phân hóa và mâu thuẫn trong khái niệm về vai trò làm cha. Một số người còn không nhớ đến vai trò đó. Những người khác đang bị xúc phạm bởi vai trò đó. Những người khác, kể cả nhiều học giả nghiên cứu về gia đình, còn thờ ơ hay coi thường vai trò đó. Nhiều người khác không đặc biệt chống đối nhưng cũng không đặc biệt cam kết chống đối vai trò đó. Nhiều người mong muốn rằng chúng ta có thể hành động theo vai trò đó, nhưng tin rằng xã hội của chúng ta hoàn toàn không có thể hoặc sẽ làm được.”1
Là một Giáo Hội, chúng ta tin ở những người cha. Chúng ta tin vào “lý tưởng của người đàn ông đặt gia đình mình làm ưu tiên.”2 Chúng ta tin rằng “qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ gia đình mình.”3 Chúng ta tin rằng trong các bổn phận bổ sung cho nhau, “những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.”4 Chúng ta tin rằng chắc chắn những người cha là đặc biệt cần đến và không thể thay thế được.
Một số người nhìn thấy lợi ích trong vai trò của người cha theo từ ngữ của xã hội, như là một điều gì đó về trách nhiệm của người đàn ông đối với con cái của họ, bắt buộc họ phải là những công dân tốt và nghĩ đến những nhu cầu của người khác, và đang thay đổi từ quan điểm truyền thống rằng chỉ những người mẹ mới có trách nhiệm với con cái đến quan điểm rằng cả hai cha mẹ đều có trách nhiệm với con cái. … Tóm lại, yếu tố quan trọng đối với những người đàn ông là làm cha. Yếu tố quan trọng đối với con cái là phải có cha. Yếu tố quan trọng đối với xã hội là tạo ra người cha.”5 Mặc dù những nhận xét này chắc chắn là đúng và quan trọng nhưng chúng ta biết rằng vai trò làm cha còn có ý nghĩa nhiều hơn là một khái niệm theo quan điểm xã hội hoặc kết quả của sự phát triển. Vai trò của người cha có nguồn gốc thiêng liêng, bắt đầu với Cha Thiên Thượng, và trên trần thế này là với Tổ Phụ A Đam.
Ví dụ hoàn hảo và thiêng liêng về vai trò làm cha là Cha Thiên Thượng. Thiên tính và thuộc tính của Ngài gồm có vô số những điều tốt lành và tình yêu thương hoàn hảo. Công việc và sự vinh quang của Ngài là sự phát triển, hạnh phúc, và cuộc sống vĩnh cửu của con cái Ngài.6 Những người cha trong thế giới sa ngã này có thể cho rằng không có điều gì có thể so sánh với Đấng Uy Nghi trên Cao, nhưng với khả năng tốt nhất, họ đang cố gắng để bắt chước Ngài, và quả thật họ lao nhọc trong công việc của Ngài. Họ được vinh danh với một trách nhiệm phi thường và nghiêm túc.
Đối với nam giới, vai trò làm cha bộc lộ những yếu kém của chúng ta và những điều chúng ta cần phải cải thiện. Vai trò làm cha đòi hỏi sự hy sinh, nhưng đó là một nguồn thỏa mãn không thể so sánh được, chính là niềm vui. Một lần nữa, mẫu mực tột bậc là Cha Thiên Thượng, là Đấng hết lòng yêu thương chúng ta, các con cái linh hồn của Ngài, đến nỗi Ngài đã ban cho Con Trai Độc Sinh của Ngài vì sự cứu rỗi và tôn cao của chúng ta.7 Chúa Giê Su phán: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.”8 Những người cha cho thấy tình yêu thương đó khi họ phó mạng sống của mình bằng cách lao nhọc mỗi ngày trong sự phục vụ và chu cấp cho gia đình của họ.
Có lẽ việc làm thiết yếu nhất của người cha là đem lòng con cái của mình đến với Cha Thiên Thượng của chúng. Nếu qua tấm gương của người cha cũng như những lời nói của mình mà một người cha có thể cho người khác thấy hành động như thế nào khi họ trung thành với Thượng Đế trong cuộc sống hàng ngày, thì người cha đó sẽ cho con cái mình bí quyết dẫn đến sự bình an trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.9 Một người cha đọc thánh thư cho con cái mình nghe và đọc với con cái mình thì làm cho chúng quen thuộc với tiếng nói của Chúa.10
Chúng ta thấy thánh thư không ngừng nhấn mạnh đến nghĩa vụ của cha mẹ để dạy dỗ con cái:
“Và lại nữa, nếu những bậc cha mẹ trong Si Ôn, hay ở trong bất cứ một giáo khu nào của Si Ôn đã được tổ chức, có con cái đã lên tám tuổi mà không dạy chúng biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh bởi phép đặt tay, thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy. …
“Và họ cũng phải dạy con cái mình biết cầu nguyện, và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa.”11
Năm 1833, Chúa khiển trách các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, vì đã thờ ơ trong bổn phận dạy dỗ con cái của họ. Ngài đã phán riêng cho một người: “Ngươi đã không dạy dỗ con cái mình biết sự sáng và lẽ thật đúng theo các giáo lệnh; và kẻ tà ác đó vẫn còn có quyền hành đối với ngươi, và đây là nguyên do của nỗi thống khổ của ngươi.”12
Những người cha cần phải dạy luật pháp và công việc của Thượng Đế một lần nữa cho mỗi thế hệ. Như tác giả Thi Thiên đã tuyên bố:
“Ngài đã lập chứng cớ nơi Gia Cốp, định luật pháp trong Y Sơ Ra Ên, Truyền dặn tổ phụ chúng ta phải dạy nó lại cho con cháu mình;
“Hầu cho dòng dõi hậu lai, tức là con cái sẽ sanh, Được biết những điều đó, Rồi phiên chúng nó truyền lại cho con cháu mình;
“Hầu cho chúng nó để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Không hề quên các công việc Ngài, Song gìn giữ các điều răn của Ngài.”13
Việc giảng dạy phúc âm chắc chắn là một bổn phận chung của cha và mẹ, nhưng Chúa nói rõ rằng Ngài kỳ vọng những người cha phải có trách nhiệm để đặt điều đó làm ưu tiên số một. (Và chúng ta hãy nhớ rằng những cuộc trò chuyện thân mật, làm việc và chơi đùa với nhau, cùng lắng nghe là các yếu tố giảng dạy quan trọng). Chúa kỳ vọng những người cha phải giúp dạy dỗ con cái của họ, và con cái muốn cũng như cần có một mẫu mực để noi theo.
Bản thân tôi đã được phước có một người cha mẫu mực. Tôi nhớ lại khi còn là một cậu bé khoảng 12 tuổi, cha tôi trở thành một ứng cử viên cho hội đồng thành phố trong cộng đồng khá nhỏ của chúng tôi. Ông không mở rộng một chiến dịch vận động bầu cử---tôi chỉ nhớ là cha tôi bảo các anh em tôi đi phân phát những tờ truyền đơn đến từng nhà, kêu gọi mọi người bỏ phiếu cho Paul Christofferson. Có một số người mà tôi đưa cho tờ truyền đơn đã nhận xét rằng Paul là một người tốt và thành thật và họ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông. Tôi cảm thấy hãnh diện về cha tôi. Điều đó đã cho tôi sự tin tưởng và ước muốn để noi gương ông. Ông không hoàn hảo---vì không ai hoàn hảo cả---nhưng ông ngay thẳng và tốt bụng và là một tấm gương mà đứa con trai của ông mong muốn được noi theo.
Kỷ luật và sự sửa chỉnh là một phần của việc dạy dỗ. Như Phao Lô nói: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu.”14 Nhưng trong khi kỷ luật, một người cha phải có sự chăm sóc đặc biệt kẻo không có bất cứ hình thức lạm dụng nào, đó là điều không bao giờ hợp lý cả. Khi người cha sửa chỉnh, động cơ thúc đẩy của người cha phải là tình yêu thương và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh:
“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù;
“Để người ấy có thể biết rằng lòng trung thành của ngươi còn mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết.”15
Kỷ luật trong vòng khuôn khổ thiêng liêng của Thượng Đế không phải là để trừng phạt mà là để giúp đỡ một người thân trên con đường tự chủ.
Chúa đã phán rằng “Tất cả các trẻ con đều có quyền được cha mẹ chu cấp đầy đủ cho đến khi chúng trưởng thành.”16 Việc trụ cột trong gia đình là một việc làm thiêng liêng. Việc chu cấp cho gia đình của mình mặc dù thường đòi hỏi thời gian xa gia đình, nhưng phù hợp với vai trò người cha----đó là tính chất của một người cha hiền. “Công việc làm và gia đình là hai trách nhiệm chồng lấp với nhau.”17 Dĩ nhiên, điều này không biện minh cho một người đàn ông đã bỏ bê gia đình của mình vì sự nghiệp hoặc, ở một phương diện khác, một người không cố gắng và bằng lòng để chuyển trách nhiệm của mình cho người khác. Theo lời của Vua Bên Gia Min:
“Các người sẽ không để cho con cái mình phải đói rách; và cũng không để cho chúng phạm các luật pháp của Thượng Đế, và gây gổ, kình chống nhau. …
“Trái lại, các người sẽ dạy chúng theo đường lối của lẽ thật và nghiêm chỉnh; các người sẽ dạy chúng biết thương yêu nhau và phục vụ cho nhau.”18
Chúng ta nhận thấy nỗi đau khổ của những người đàn ông không thể tìm thấy cách thức và phương tiện đầy đủ để chu cấp cho gia đình của họ. Đối với những người mà vào một lúc nào đó, mặc dù đã làm hết nỗ lực của mình, cũng không thể làm tròn tất cả các bổn phận và chức năng của những người cha, thì không nên cảm thấy hổ thẹn. “Bệnh tật, chết chóc hay những hoàn cảnh khác có thể đòi hỏi sự thích ứng của cá nhân. Các thân quyến xa gần nên giúp đỡ khi cần thiết.”19
Hai trong số những điều tốt nhất mà một người cha có thể làm cho con cái mình là yêu mẹ của chúng---và bày tỏ tình yêu đó. Điều đó tái khẳng định và củng cố hôn nhân, chính là nền tảng của cuộc sống gia đình và sự an toàn của con cái.
Một số người đàn ông là những người cha độc thân, cha nuôi hoặc cha kế. Nhiều người trong số họ cố gắng rất nhiều và làm hết sức mình trong một vai trò thường rất khó khăn. Chúng tôi vinh danh những người đã làm hết sức mình để yêu thương, kiên nhẫn, và tự hy sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân và gia đình. Chúng ta cần lưu ý rằng chính Thượng Đế đã giao phó Con Trai Độc Sinh của Ngài cho một người cha nuôi. Chắc chắn Giô Sép có một số công lao khi Chúa Giê Su lớn lên, Ngài “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.”20
Tiếc thay, do cái chết, sự bỏ rơi, hoặc ly dị, nên một số trẻ em không có người cha cùng sống trong gia đình. Một số trẻ em có thể có người cha ở bên cạnh nhưng thiếu tình cảm hoặc bằng cách nào khác không chú ý đến hoặc không giúp đỡ chúng. Chúng tôi kêu gọi tất cả những người cha hãy làm tròn vai trò người cha và hãy làm những người cha tốt hơn. Chúng tôi kêu gọi giới truyền thông và các đài giải trí nên mô tả những người cha tận tâm và có khả năng, là những người thật sự yêu thương vợ mình và dạy dỗ con cái của họ một cách thông minh, thay vì nói lắp bắp và pha trò hề hay là “những kẻ gây rắc rối,” như những người cha đã bị mô tả quá thường xuyên như thế.
Đối với các trẻ em có hoàn cảnh gia đình đang gặp rắc rối, thì chúng tôi xin nói, giá trị của các em không kém đi vì điều đó. Đôi khi những thử thách là một dấu hiệu tin tưởng của Chúa dành cho các em. Ngài có thể giúp các em, một cách trực tiếp và qua những người khác, để đối phó với điều các em gặp phải. Các em có thể trở thành thế hệ, có lẽ là thế hệ đầu tiên trong gia đình mình, nơi mà khuôn mẫu thiêng liêng mà Thượng Đế đã quy định cho gia đình thực sự hình thành và ban phước cho tất cả các thế hệ sau các em.
Đối với các thiếu niên, khi thừa nhận vai trò mà các em sẽ có là người chu cấp và bảo vệ, chúng tôi nói hãy chuẩn bị bây giờ bằng cách học hành siêng năng và có kế hoạch cho học vấn sau khi tốt nghiệp trung học. Cho dù trong một trường đại học, trường kỹ thuật, trường dạy nghề, hoặc chương trình tương tự, thì học vấn cũng là chìa khóa để phát triển các kỹ năng và khả năng mà các em sẽ cần. Hãy tận dụng cơ hội để kết hợp với những người thuộc mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, và học cách thiết lập các mối quan hệ lành mạnh và bổ ích. Điều đó thường có nghĩa là nói chuyện trực tiếp với người khác và đôi khi cùng nhau làm việc chung, chứ đừng tập trung vào việc gõ tin nhắn trên điện thoại. Với tư cách là một người đàn ông, hãy sống sao cho cuộc sống của các em sẽ mang lại sự thanh khiết cho hôn nhân và con cái của mình.
Đối với tất cả thế hệ đang vươn lên, chúng tôi xin nói, cho dù các em xếp hạng cha của mình theo mức độ tốt, tốt hơn, tốt nhất (và tôi đoán rằng việc xếp hạng sẽ tăng cao hơn khi các em lớn tuổi và khôn ngoan hơn), thì hãy quyết định tôn vinh cha và mẹ của các em qua cách sống riêng của các em. Hãy nhớ niềm khát khao hy vọng của một người cha như đã được Giăng bày tỏ: “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.”21 Sự ngay chính của các em là vinh dự lớn nhất mà bất cứ người cha nào cũng có thể nhận được.
Đối với các anh em là những người cha trong Giáo Hội này, tôi xin nói, tôi biết các anh em muốn làm một người cha hoàn hảo hơn. Tôi biết tôi cũng muốn như vậy. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế của mình, chúng ta hãy tiến bước. Chúng ta hãy dẹp bỏ những ý niệm phóng đại về chủ nghĩa cá nhân và sự tự quản trong nền văn hóa hiện nay và trước hết hãy nghĩ đến hạnh phúc và sự an lạc của người khác. Chắc chắn, dù chúng ta có không tương xứng đến đâu, thì Cha Thiên Thượng cũng sẽ làm chúng ta vinh hiển và khiến cho những nỗ lực đơn giản của chúng ta thành công. Tôi được khuyến khích bởi một câu chuyện đăng trên tạp chí Liahona cách đây vài năm. Tác giả đã kể lại như sau:
“Khi tôi còn nhỏ, gia đình bé nhỏ của chúng tôi sống trong một căn hộ có một phòng ngủ ở trên tầng hai. Tôi ngủ trên chiếc ghế dài trong phòng khách. …
“Cha tôi, một công nhân luyện thép, ra khỏi nhà rất sớm để đi làm mỗi ngày. Mỗi buổi sáng, ông thường … đắp chăn lại cho tôi và dừng lại một phút. Tôi thường đang nửa mơ nửa tỉnh khi tôi có thể cảm nhận được cha tôi đang đứng bên cạnh chiếc ghế dài và nhìn tôi. Khi từ từ tỉnh dậy, tôi đã cảm thấy bối rối khi có ông ở đó. Tôi đã cố gắng giả vờ như vẫn còn đang ngủ. … Tôi đã ý thức rằng khi đứng bên cạnh giường tôi, ông đã cầu nguyện với tất cả chú ý, nghị lực, và tập trung---dành cho tôi.
“Mỗi buổi sáng, cha tôi đã cầu nguyện cho tôi. Ông cầu nguyện rằng tôi sẽ có một ngày tốt lành, tôi sẽ được an toàn, tôi sẽ học hành và chuẩn bị cho tương lai. Và vì ông không thể gặp lại tôi cho đến khi chiều tối, nên ông đã cầu nguyện cho các giáo viên và bạn bè của tôi mà tôi sẽ ở bên họ ngày hôm đó. …
“Lúc đầu, tôi đã không thực sự hiểu điều cha tôi đã làm trong những buổi sáng đó khi ông cầu nguyện cho tôi. Nhưng khi lớn hơn, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương và mối quan tâm của ông nơi tôi và tất cả mọi thứ tôi đang làm. Đó là một trong những ký ức ưa thích của tôi. Mãi cho đến nhiều năm sau, sau khi tôi đã kết hôn, có con cái, và thường đi vào phòng của chúng trong khi chúng đang ngủ và cầu nguyện cho chúng thì tôi mới hoàn toàn hiểu cảm nghĩ của cha tôi dành cho tôi.”22
An Ma làm chứng cùng con trai của ông:
“ Này, cha nói cho con biết rằng, chắc chắn [Đấng Ky Tô] sẽ đến …; phải, Ngài sẽ đến để rao truyền cho dân Ngài biết tin lành về sự cứu rỗi.
“Và giờ đây, hỡi con trai của cha, đó là giáo vụ mà con được kêu gọi để đi rao truyền tin lành đó cho dân này, để chuẩn bị tinh thần của họ; hay nói khác hơn, để cho sự cứu rỗi có thể đến với họ, để họ sửa soạn tinh thần cho con cái họ nghe lời của Thượng Đế vào lúc Ngài đến.”23
Đó là giáo vụ của những người cha ngày nay. Tôi hy vọng rằng Thượng Đế ban phước cho những người cha và làm cho họ có khả năng để làm điều đó, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.