Chúng Ta Phải Làm Chi?
Chúng ta xây đắp vương quốc khi giúp đỡ người khác. Chúng ta cũng xây đắp vương quốc khi cất tiếng làm chứng về lẽ thật.
Ngay sau khi Sự Phục Sinh và Thăng Lên Trời của Chúa Giê Su, Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy: “Vậy … khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê Su nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Ky Tô.” Những người lắng nghe xúc động trong lòng và hỏi Phi E Rơ và những người khác: “Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?”1 Và sau đó họ vui vẻ nghe theo những lời dạy của Phi E Rơ.
Ngày mai là ngày Chủ Nhật Phục Sinh, và tôi hy vọng rằng lòng chúng ta cũng sẽ cảm động để được nhận biết Đấng Cứu Rỗi, hối cải, và vui vẻ vâng lời.
Trong đại hội trung ương này, chúng ta sẽ nghe lời hướng dẫn đầy soi dẫn do các vị lãnh đạo Giáo Hội, cả nam lẫn nữ, đưa ra. Vì biết rằng lòng mình sẽ cảm động bởi những lời của họ, nên tôi hỏi các chị em buổi tối hôm nay: “Thưa các chị em phụ nữ, chúng ta phải làm gì?”
Chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ, Eliza R. Snow đã tuyên bố với các chị em phụ nữ cách đây gần 150 năm: “Chúa đã đặt các trách nhiệm lớn lao trên chúng ta.”2 Tôi làm chứng rằng lời tuyên bố của bà vẫn còn đúng ngày nay.
Giáo Hội của Chúa cần các phụ nữ được Thánh Linh hướng dẫn, là những người sử dụng các ân tứ riêng biệt của mình để chăm sóc, để lên tiếng, và để bênh vực cho lẽ thật phúc âm. Những sự soi dẫn và trực giác của chúng ta là các phần thiết yếu cho việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế, mà thực sự có nghĩa là làm phần vụ của chúng ta để mang lại sự cứu rỗi cho con cái của Thượng Đế.
Xây Đắp Vương Quốc qua Việc Chăm Sóc
Chúng ta xây đắp vương quốc khi chăm sóc người khác. Tuy nhiên, người con đầu tiên của Thượng Đế mà chúng ta phải củng cố trong phúc âm phục hồi chính là bản thân chúng ta. Emma Smith nói, “Tôi mong muốn có được Thánh Linh của Thượng Đế để tự mình biết và hiểu, để tôi có thể vượt qua bất cứ truyền thống hay điều gì mà không dẫn tôi đến sự tôn cao.”3 Chúng ta phải phát triển một nền tảng đức tin nơi phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và tiến bước hướng tới sự tôn cao, mà đã được các giao ước đền thờ làm cho chúng ta có khả năng làm như thế.
Nếu một số truyền thống của chúng ta không có chỗ trong phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô thì sao? Việc từ bỏ những truyền thống đó có thể đòi hỏi sự hỗ trợ về tình cảm và sự chăm sóc của người khác, như đã xảy ra với tôi.
Khi tôi sinh ra, cha mẹ tôi có trồng một cây hoa mộc lan ở sân sau để sẽ có hoa mộc lan tại lễ cưới của tôi, được tổ chức trong nhà thờ đạo Tin Lành của các tổ tiên của tôi. Nhưng vào ngày cưới của tôi, tôi không có cha mẹ ở bên cạnh và cũng không có hoa mộc lan, vì khi tôi cải đạo theo Giáo Hội được một năm, tôi đã đi đến Salt Lake City, Utah, để tiếp nhận lễ thiên ân trong đền thờ và được làm lễ gắn bó với David, là vị hôn phu của tôi.
Khi rời Louisiana và đến gần Utah, thì tôi thấy có một cảm giác bơ vơ trống trải tràn khắp châu thân tôi. Trước khi đám cưới, tôi sẽ ở với bà ngoại kế của David được mọi người trìu mến gọi là Dì Carol.
Bấy giờ tôi là một người xa lạ đối với Utah, sẽ ở trong nhà của một người lạ trước khi được làm lễ gắn bó vĩnh cửu với một gia đình mà tôi mới biết. (May thay tôi đã yêu thương và tin cậy người chồng tương lai của tôi và Chúa!)
Khi tôi đứng trước cửa nhà của Dì Carol, thì tôi đã muốn chùn bước. Cánh cửa mở ra---tôi đứng đó như một con thỏ đầy sợ hãi---và Dì Carol, không nói một lời, dang tay ra và ôm chầm lấy tôi. Bà là người không có con cái nên bà biết rằng---vì tấm lòng chăm sóc của bà biết như vậy---tôi cần một nơi để thuộc vào. Ôi, giây phút đó thật thoải mái và tuyệt vời biết bao! Nỗi lo sợ của tôi tan biến, và tôi có được một cảm giác như mình đang được neo chặt vào một nơi an toàn thuộc linh.
Tình yêu thương là dành một chỗ trong cuộc sống của mình cho một người khác, như Dì Carol đã dành cho tôi.
Theo nghĩa đen, những người mẹ đã dành chỗ trong cơ thể của mình để nuôi dưỡng thai nhi---và hy vọng dành ra một chỗ trong lòng khi họ nuôi dưỡng con cái---nhưng việc nuôi dưỡng không chỉ giới hạn trong việc cưu mang con cái mà thôi. Ê Va đã được gọi là “người mẹ” trước khi bà có con cái.4 Tôi tin rằng “làm mẹ” có nghĩa là “ban phát sự sống.” Hãy nghĩ đến nhiều cách các chị em ban phát sự sống. Điều đó có thể có nghĩa là ban phát cuộc sống tình cảm cho một cuộc sống vô vọng hoặc thuộc linh cho kẻ nghi ngờ. Với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể tạo ra một nơi chữa lành phần tình cảm cho người bị phân biệt, người bị từ chối, và người xa lạ. Trong những cách dịu dàng nhưng mạnh mẽ này, chúng ta xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Thưa các chị em, tất cả chúng ta đều đến thế gian với những ân tứ mang lại sự sống, nuôi dưỡng và làm mẹ bởi vì đó là kế hoạch của Thượng Đế.
Việc tuân theo kế hoạch của Ngài và trở thành một người xây dựng vương quốc đòi hỏi sự hy sinh vô vị kỷ. Anh Cả Orson F. Whitney viết: “Tất cả những gì chúng ta chịu đau khổ và phải chịu đựng, nhất là khi chúng ta kiên trì chịu đựng, … sẽ thanh tẩy tâm hồn chúng ta … và làm cho chúng ta trở nên dịu dàng và bác ái hơn … và chính là qua … nỗi vất vả và thống khổ chúng ta mới đạt được sự giáo dục … mà sẽ làm cho chúng ta giống như Cha Mẹ của mình ở trên trời hơn.”5 Những thử thách làm thanh tẩy này mang chúng ta đến với Đấng Ky Tô, là Đấng có thể chữa lành chúng ta và làm cho chúng ta được hữu ích trong công việc cứu rỗi.
Xây Đắp Vương Quốc qua Lời Nói và Chứng Ngôn
Chúng ta cũng xây đắp vương quốc khi nói và làm chứng về lẽ thật. Chúng ta tuân theo khuôn mẫu của Chúa. Ngài phán bảo và giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế. Thưa các chị em, chúng ta có thể làm như vậy được. Phụ nữ nói chung thường thích nói chuyện và tụ tập! Khi chúng ta làm việc dưới thẩm quyền chức tư tế đã được ban cho chúng ta, thì việc nói chuyện và tụ tập phát triển thành việc giảng dạy và hướng dẫn phúc âm.
Chị Julie B. Beck, cựu chủ tịch trung ương Hội Phụ Nữ, dạy: “Khả năng hội đủ điều kiện, tiếp nhận, và hành động theo sự mặc khải cá nhân là kỹ năng duy nhất, quan trọng nhất mà có thể đạt được trong cuộc sống này. … Khả năng này đòi hỏi một nỗ lực có ý thức.”6
Sự mặc khải cá nhân từ Đức Thánh Linh sẽ thúc giục chúng ta học hỏi, nói, và hành động theo lẽ thật vĩnh cửu—lẽ thật của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta càng noi theo Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ càng cảm nhận được tình yêu thương và sự hướng dẫn của Ngài; chúng ta càng cảm nhận được tình yêu thương và sự hướng dẫn của Ngài, thì chúng ta sẽ càng muốn nói và giảng dạy lẽ thật như Ngài đã làm, cho dù chúng ta gặp phải sự chống đối.
Cách đây vài năm, tôi đã cầu nguyện để có được những lời để nói nhằm bảo vệ vai trò làm mẹ khi tôi nhận được một cú điện thoại nặc danh.
Người gọi điện thoại hỏi: “Chị có phải là Neill Marriott, mẹ của một gia đình đông con không?”
Tôi vui vẻ đáp: “Vâng!” Tôi hy vọng sẽ nghe người ấy nói một câu gì giống như sau: “Ồ, thật là tuyệt vời!”
Nhưng không! Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của người ấy khi giọng nói của người ấy vang lên trong điện thoại: “Tôi rất khó chịu thấy chị mang con cái vào hành tinh đông đúc này!”
Tôi lắp bắp: “Ồ, tôi hiểu cảm nghĩ của chị.”
Người ấy ngắt lời: “Không đâu—chị không hiểu đâu!”
Rồi tôi rên rỉ: “Vâng, có lẽ tôi không biết.”
Người ấy bắt đầu giận dữ nói về điều lựa chọn rồ dại của tôi để làm mẹ. Trong khi người ấy tiếp tục nói, tôi đã bắt đầu cầu nguyện để được giúp đỡ và một ý nghĩ nhẹ nhàng đến với tâm trí: “Chúa sẽ nói gì với người ấy?” Tôi có cảm tưởng mình đang được củng cố và đã có được can đảm khi nghĩ đến Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi đáp: “Tôi hài lòng được làm mẹ, và tôi hứa với chị là tôi sẽ làm hết khả năng của mình để nuôi nấng con cái tôi theo cách mà chúng sẽ làm cho thế giới này thành một nơi tốt hơn.”
Người ấy đáp: “Vâng, tôi hy vọng chị sẽ làm được như vậy!” và cúp máy.
Đó không phải là một điều quan trọng---xét cho cùng tôi đang đứng an toàn trong nhà bếp của tôi! Nhưng theo cách nhỏ bé riêng của tôi, tôi đã có thể cất tiếng bênh vực cho gia đình, cho những người mẹ, và những người nuôi nấng vì hai điều (1) tôi hiểu và tin tưởng giáo lý của Thượng Đế về gia đình, và (2) tôi cầu nguyện để có được những lời để truyền đạt các lẽ thật này.
Việc sống riêng biệt và khác biệt với thế gian sẽ đưa đến một số lời chỉ trích, nhưng chúng ta phải neo chặt mình vào các nguyên tắc vĩnh cửu và làm chứng về những điều đó, cho dù phản ứng của thế gian có là gì đi nữa.
Khi chúng ta tự hỏi: “Chúng ta phải làm chi?” thì hãy suy ngẫm về câu hỏi này: “Đấng Cứu Rỗi liên tục làm điều gì?” Ngài nuôi dưỡng. Ngài tạo dựng. Ngài khuyến khích sự phát triển và sự tốt lành. Thưa các chị em phụ nữ, chúng ta có thể làm được những điều này! Các em thiếu nhi, có ai trong gia đình các em cần tình yêu thương và lòng tử tế của các em không? Các em cũng hãy xây dựng vương quốc bằng cách nuôi dưỡng những người khác.
Sự sáng tạo thế gian của Đấng Cứu Rỗi, dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, là một hành động nuôi dưỡng hùng mạnh. Ngài cung cấp một chỗ để chúng ta tăng trưởng và phát triển đức tin nơi quyền năng chuộc tội của Ngài. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là nơi cuối cùng của sự chữa lành và hy vọng, sự tăng trưởng và mục đích. Tất cả chúng ta đều cần một chỗ thuộc linh và thể chất để thuộc vào. Là các chị em phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi, chúng ta có thể tạo ra chỗ này; đó chính là một nơi thánh.
Trách nhiệm quan trọng của chúng ta là trở thành các phụ nữ tuân theo Đấng Cứu Rỗi, nuôi dưỡng với sự soi dẫn, và sống theo lẽ thật một cách dũng mãnh. Khi chúng ta cầu vấn Cha Thiên Thượng làm cho chúng ta trở thành những người xây dựng vương quốc của Ngài, thì quyền năng của Ngài sẽ tuôn tràn vào bên trong chúng ta và chúng ta sẽ biết cách nuôi dưỡng, cuối cùng trở thành giống như các cha mẹ thiên thượng của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.