“Hễ Ai … Tiếp Con Trẻ Nầy, Tức Là Tiếp Ta”
Trẻ em ngày nay tự thấy mình ở trong nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau và phức tạp. Chúng ta cần phải tìm đến những đứa trẻ đang cảm thấy cô đơn, bị bỏ lại, hoặc ở bên ngoài hàng rào.
Thượng Đế yêu thương trẻ em. Ngài yêu thương tất cả các trẻ em. Đấng Cứu Rỗi phán: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, … vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.”1
Trẻ em ngày nay tự thấy mình ở trong nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau và phức tạp.
Ví dụ, ngày nay, nhiều hơn gấp đôi số trẻ em ở Hoa Kỳ đang sống với chỉ một người cha hay mẹ so với cách đây 50 năm.2 Và có rất nhiều gia đình ít thống nhất hơn trong tình yêu thương đối với Thượng Đế và sẵn lòng để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Trong tình trạng thuộc linh đầy hoang mang càng ngày càng gia tăng này, phúc âm phục hồi sẽ tiếp tục mang đến tiêu chuẩn, lý tưởng, khuôn khổ của Chúa.
“Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn. …
“Vợ chồng có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình. … Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, [cùng] tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.”3
Chúng ta nhận thấy nhiều bậc cha mẹ tốt trên khắp thế giới, thuộc mọi tôn giáo, là những người yêu thương chăm sóc cho con cái của họ. Và chúng tôi chân thành biết ơn các gia đình trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được bao bọc trong sự chăm sóc của cha mẹ đã cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi, là những người được làm lễ gắn bó bởi thẩm quyền của chức tư tế, và gia đình họ đang học cách yêu thương và tin cậy Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Lời Khẩn Nài cùng Giới Trẻ
Nhưng hôm nay tôi xin khẩn nài cùng hàng trăm ngàn trẻ em, giới trẻ và người thành niên trẻ tuổi là những người đã không sinh ra trong khung cảnh được gọi là “gia đình hoàn hảo.”. Tôi không chỉ nói đến giới trẻ đã trải qua cái chết, sự ly dị, hoặc đức tin bị suy yếu của cha mẹ họ, mà còn nói đến hàng chục ngàn thiếu niên và thiếu nữ trên khắp thế giới đang chấp nhận phúc âm mà không có cha hay mẹ cũng trở thành tín hữu của Giáo Hội như họ.4
Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi này gia nhập Giáo Hội với đức tin lớn lao. Họ hy vọng trong tương lai, họ sẽ tạo ra một gia đình lý tưởng.5 Cuối cùng, họ trở thành một phần quan trọng của lực lượng truyền giáo của chúng ta, những người thành niên trẻ tuổi ngay chính, và những người làm lễ gắn bó trong đền thờ để bắt đầu gia đình riêng của họ.
Sự Nhạy Cảm
Chúng ta sẽ tiếp tục giảng dạy khuôn mẫu của Chúa về gia đình, nhưng bây giờ với hàng triệu tín hữu, và các trẻ em thuộc mọi hoàn cảnh gia đình trong Giáo Hội, chúng ta còn phải thận trọng và nhạy cảm hơn. Đôi khi văn hóa và cách nói của Giáo Hội chúng ta là khá đặc biệt. Các em trong Hội Thiếu Nhi sẽ không ngừng hát bài “Gia Đình Có Thể Sống Vĩnh Viễn với Nhau,”6 nhưng khi các em hát câu “Em rất vui mừng khi cha trở về nhà”7 hoặc “với cha mẹ dẫn đường,”8 thì không phải tất cả các em đều sẽ hát về gia đình riêng của mình.
Người bạn Bette của chúng tôi đã chia sẻ một kinh nghiệm của chị ở nhà thờ khi chị 10 tuổi. Chị ấy nói: “Giảng viên của chúng tôi chia sẻ một bài học về hôn nhân trong đền thờ. Chị ấy hỏi riêng tôi: ‘Bette này, cha mẹ của em không kết hôn trong đền thờ, phải không?’ [Giảng viên của tôi và các bạn trong lớp học] đều biết câu trả lời.” Bài học của giảng viên tiếp theo, và Bette tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất cho gia đình chị ấy. Bette nói: “Nhiều đêm tôi đã khóc. Khi tôi bị bệnh tim hai năm sau đó và nghĩ rằng tôi sắp chết, tôi đã hoảng sợ, nghĩ rằng mình sẽ cô đơn mãi mãi.”
Người bạn tên Leif của tôi đi nhà thờ một mình. Một lần, khi ở trong Hội Thiếu Nhi, anh ấy được mời đưa ra một bài nói chuyện ngắn. Anh ấy không có cha hay mẹ ở nhà thờ để đứng bên cạnh và giúp đỡ nếu anh ấy quên điều gì mình phải nói. Leif rất sợ hãi. Thay vì làm cho mình ngượng ngùng, anh ấy đã ngừng đi nhà thờ trong mấy tháng.
“Đức Chúa Giê Su gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ …
“Mà phán rằng hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta.”9
Lòng Tin và Các Ân Tứ Thuộc Linh
Những đứa trẻ và giới trẻ này được phước với tấm lòng tin tưởng và các ân tứ thuộc linh. Leif nói với tôi: “Tôi hiểu theo nguyên tắc cơ bản rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha của tôi và Ngài biết tôi và yêu thương tôi.”
Người bạn tên Veronique của chúng tôi nói: “Khi tôi học được những nguyên tắc phúc âm và nghiên cứu Sách Mặc Môn, thì giống như tôi đang nhớ về những điều mà tôi biết rồi nhưng đã quên.”
Người bạn của chúng tôi tên Zuleika đến từ Alegrete, Brazil. Mặc dù gia đình của chị không có tôn giáo, nhưng lúc 12 tuổi, Zuleika bắt đầu đọc Kinh Thánh và đi đến các nhà thờ địa phương, tìm kiếm để biết thêm về Thượng Đế. Với sự cho phép miễn cưỡng của cha mẹ mình, chị ấy đã học với những người truyền giáo, đạt được một chứng ngôn, và chịu phép báp têm. Zuleika nói với tôi: “Trong cuộc thảo luận, tôi đã được cho thấy một tấm hình Đền Thờ Salt Lake và được cho biết về các giáo lễ gắn bó. Từ lúc đó, tôi đã có ước muốn rằng một ngày nào đó tôi sẽ bước vào ngôi nhà của Chúa và có một gia đình vĩnh cửu.”
Trong khi hoàn cảnh trên trần thế của một đứa trẻ có thể không được lý tưởng, nhưng di sản thuộc linh của một đứa trẻ là hoàn hảo, vì nguồn gốc thật sự của một người là một con trai hay con gái của Thượng Đế.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Hãy giúp các con cái của Thượng Đế hiểu được điều gì là có thật và quan trọng trong cuộc sống này. Giúp họ phát triển sức mạnh để lựa chọn các lối đi mà sẽ giúp họ được an toàn trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.”10 Chúng ta hãy dang rộng vòng tay và mở rộng lòng mình nhiều hơn nữa. Những người trẻ tuổi này cần thời gian và chứng ngôn của chúng ta.
Brandon đã gia nhập Giáo Hội tại Colorado khi còn học trung học. Em đã nói với tôi về những người đã tìm đến giúp đỡ em cả trước lẫn sau khi phép báp têm của em. Em ấy nói: “Tôi đã ở trong nhà của các gia đình đang sống theo phúc âm. Điều đó cho tôi thấy một tiêu chuẩn mà tôi cảm thấy mình có thể có trong gia đình riêng của mình.”
Veronique, sinh ra ở Hà Lan, học cùng trường với con gái của chúng tôi là Kristen khi chúng tôi sống ở Đức. Veronique nhận xét: “Các học sinh nào là tín hữu Giáo Hội đều có một ánh sáng trong diện mạo của họ. Tôi đã nhận biết rằng ánh sáng đó đến từ đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo những lời giảng dạy của Ngài.”
Người bạn của tôi tên Max đã chịu phép báp têm vào lúc tám tuổi. Cha của anh ta không phải là tín hữu của giáo hội nào cả, và Max có thể chọn đi hoặc không đi nhà thờ.
Khi còn là một thiếu niên, sau khi không đi nhà thờ trong vài tháng, Max cảm thấy cần phải quay trở lại nhà thờ, và vào một buổi sáng Chủ Nhật, em ấy quyết định sẽ trở lại nhà thờ. Nhưng quyết tâm của em bị suy yếu khi đến gần cửa nhà thờ; em cảm thấy lo lắng.
Một vị giám trợ mới đang đứng trước cửa nhà thờ ở đó. Max không biết ông ta, và em cảm thấy chắc chắn là vị giám trợ đó không biết Max. Khi Max đến gần, thì vị giám trợ vui mừng bắt tay em và nói: “Max, rất vui được gặp em!”
Max nói: “Khi ông ta nói ra những lời đó thì một cảm giác ấm áp đến với tôi và tôi biết là mình đã làm điều đúng.”11
Việc biết được tên của một người nào đó có thể tạo ra một sự khác biệt.
“Và [Chúa Giê Su] truyền lệnh cho họ hãy đem các trẻ nhỏ lại [với Ngài] …
“Rồi Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng.
“Và khi làm như vậy xong, Ngài lại khóc.”12
Giới Trẻ Chưa Được Làm Phép Báp Têm
Theo lời yêu cầu của các cha mẹ, nhiều người trẻ tuổi yêu mến phúc âm đã đợi nhiều năm để được làm phép báp têm.
Cha mẹ của Emily ly dị khi em còn nhỏ, và em đã không được cho phép để chịu phép báp têm cho đến khi 15 tuổi. Người bạn tên Emily của chúng tôi ca ngợi một người lãnh đạo của Hội Thiếu Nữ là người “luôn luôn tìm đến và giúp củng cố chứng ngôn của [em ấy].”13
Colten và Preston là hai thiếu niên sống ở Utah. Cha mẹ của họ ly dị, và họ đã không được cho phép để chịu phép báp têm. Mặc dù không thể chuyền Tiệc Thánh nhưng họ mang bánh đến nhà thờ mỗi tuần. Và mặc dù họ không thể vào đền thờ để chịu phép báp têm với giới trẻ khi tiểu giáo khu của họ đi đền thờ, hai anh em họ tìm kiếm tên của những người trong gia đình ở trung tâm lịch sử gia đình cạnh nhà họ. Ảnh hưởng lớn nhất trong việc giúp giới trẻ của chúng ta cảm thấy được mời tham gia là nhờ giới trẻ ngay chính khác.
Anh Cả Joseph Ssengooba
Tôi kết thúc với tấm gương của một người bạn mới, một người mà chúng tôi đã gặp cách đây một vài tuần trong khi đi thăm Phái Bộ Truyền Giáo Zambia Lusaka.
Anh Cả Joseph Ssengooba là người Uganda. Cha của anh qua đời khi anh lên bảy tuổi. Lúc chín tuổi, mẹ và người thân của anh không thể chăm sóc cho anh, nên anh tự chăm sóc lấy mình. Lúc 12 tuổi, anh gặp những người truyền giáo và chịu phép báp têm.
Joseph kể cho tôi nghe về ngày đầu tiên của anh ở nhà thờ. “Sau lễ Tiệc Thánh, tôi nghĩ đó là lúc để về nhà, nhưng những người truyền giáo giới thiệu tôi với Joshua Walusimbi. Joshua nói với tôi rằng anh ấy sẽ là bạn của tôi, và anh ấy đưa cho tôi một quyển Children’s Songbook [Sách Ca của Thiếu Nhi] để tôi sẽ không phải đi tay không vào Hội Thiếu Nhi. Trong Hội Thiếu Nhi, Joshua lấy thêm một chiếc ghế để bên cạnh ghế của mình. Chủ tịch Hội Thiếu Nhi mời tôi ra đứng trước phòng và yêu cầu cả Hội Thiếu Nhi hát cho tôi nghe bài: ‘Tôi Là Con Đức Chúa Cha.’ Tôi cảm thấy rất đặc biệt.”
Vị chủ tịch chi nhánh đưa Joseph đến với gia đình Pierre Mungoza, và anh ta đã ở với gia đình đó bốn năm kế tiếp.
Tám năm sau, khi Anh Cả Joseph Ssengooba bắt đầu công việc truyền giáo, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy người huấn luyện anh là Anh Cả Joshua Walusimbi, chính là cậu bé mà đã làm cho anh cảm thấy được chào đón vào ngày đầu tiên của anh trong Hội Thiếu Nhi. Còn vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh là Chủ Tịch Leif Erickson, chính là cậu bé mà đã ngừng đi họp Hội Thiếu Nhi vì sợ hãi phải đưa ra một bài nói chuyện. Thượng Đế yêu thương các con cái của Ngài.
Các Trẻ Em Chạy Đến
Cách đây vài tuần, khi vợ tội, Kathy và tôi ở Châu Phi, chúng tôi đến thăm Mbuji-Mayi, nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Vì giáo đường không đủ chỗ cho 2.000 tín hữu nên chúng tôi nhóm họp ở ngoài trời dưới mái che làm bằng những tấm nhựa và cột trụ là mấy cây tre. Khi buổi họp bắt đầu, chúng tôi có thể thấy hàng chục trẻ em đang nhìn vào chúng tôi, đang bám vào các thanh sắt rèn ở bên ngoài hàng rào bao quanh tòa nhà. Kathy thì thầm với tôi: “Neil này, anh có nghĩ rằng anh có thể muốn mời các em đó vào không?” Tôi đến gần Chủ Tịch Giáo Hạt Kalonji ở bục giảng và hỏi ông có muốn mời các em ở bên ngoài hàng rào vào bên trong tham gia không.
Trước nỗi ngạc nhiên của tôi, với lời mời của Chủ Tịch Kalonji, các em ấy không những đi vào mà còn chạy vào nữa---hơn 50 em, có lẽ 100 em---một số em mặc quần áo rách rưới và đi chân không nhưng tất cả đều cười rạng rỡ và với vẻ mặt phấn khởi.
Tôi vô cùng xúc động trước kinh nghiệm (TN dung ở đay kỳ lắm và không đúng nữa. Như tôi đã giải thích trước kia TN là từ ghép của Trải Qua và Kinh Nghiệm. Đây là ý kiến Chú Thể; xin đừng sửa nếu không có từ nào hay hơn) này và coi đó là biểu tượng của việc chúng ta cần phải tìm đến giới trẻ đang cảm thấy cô đơn, bị bỏ lại, hoặc ở bên ngoài hàng rào. Chúng ta hãy nghĩ về họ, chào đón họ, ôm lấy họ, và làm hết sức mình để có thể củng cố tình yêu thương của họ dành cho Đấng Cứu Rỗi. Chúa Giê Su phán: “Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta.”14 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.