2010–2019
Đi Giải Cứu: Chúng Ta Có Thể Làm Điều Đó Được
Tháng tư 2016


10:41

Đi Giải Cứu: Chúng Ta Có Thể Làm Điều Đó Được

Chúa đã cung cấp tất cả các công cụ cần thiết cho chúng ta để đi giải cứu những người bạn kém tích cực và ngoại đạo của mình.

Đấng Cứu Rỗi đã hiểu rõ sứ mệnh của Ngài để giải cứu con cái của Cha Thiên Thượng, vì Ngài phán:

“Con người đã đến cứu sự đã mất. …

[Cũng] thể ấy, Cha các ngươi ở trên trời không muốn, cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư mất.”1

Người mẹ hiền của tôi, Jasmine Bennion Arnold, đã hiểu rõ vai trò của bà để giúp giải cứu các con chiên bị thương hoặc đi lạc của Cha Thiên Thượng, kể cả con cháu của bà. Thật là một vai trò kỳ diệu của ông bà trong cuộc sống của các cháu của họ.

Mẹ tôi thường được chỉ định đi thăm và giảng dạy các chị em phụ nữ đang gặp khó khăn với đức tin của họ, các gia đình kém tích cực hoặc chỉ có một vài người là tín hữu; tuy nhiên, bà còn đi thăm vài người khác mà không ai chỉ định cho bà. Nói chung bà không chỉ đi thăm một lần một tháng, vì bà lặng lẽ lắng nghe, phục vụ người bị bệnh và đưa ra lời khuyến khích yêu thương. Mấy tháng cuối cùng của đời bà, bà phải nằm ở nhà nên bà đã bỏ ra nhiều thời giờ để viết thư cho họ, bày tỏ tình yêu thương, chia sẻ chứng ngôn của bà, và nâng đỡ những người đến thăm.

Khi chúng ta đi giải cứu, Thượng Đế ban cho chúng ta quyền năng, sự khuyến khích, và các phước lành. Khi Ngài truyền lệnh cho Môi Se phải giải cứu con cái Y Sơ Ra Ên, Môi Se đã sợ cũng giống như nhiều người trong số chúng ta đều sợ. Môi Se tự bào chữa khi nói: “Tôi vẫn chẳng phải một tay nói giỏi, vì miệng và lưỡi tôi hay ngập ngừng.”2

Chúa trấn an Môi Se:

“Ai tạo miệng loài người ra? … Có phải ta là Đức Giê Hô Va chăng?

“Vậy bây giờ, hãy đi; ta sẽ ở cùng miệng ngươi và dạy ngươi những lời phải nói.”3

Thật ra Chúa phán bảo Môi Se: “Ngươi có thể làm điều đó được!” Và các anh chị em biết là chúng ta cũng có thể làm được!

Tôi xin chia sẻ bốn nguyên tắc mà sẽ giúp đỡ trong nỗ lực giải cứu của chúng ta.

Nguyên tắc 1: Chúng Ta Không Được Trì Hoãn Việc Đi Giải Cứu

Anh Cả Alejandro Patanía, một cựu Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, kể câu chuyện về người em trai là Daniel lái tàu ra biển để chài lưới với những người bạn đánh cá của ông. Sau một lúc, Daniel nhận được một thông báo khẩn cấp rằng một cơn bão lớn đang thổi đến rất nhanh. Ngay lập tức, Daniel và những người bạn đánh cá của ông bắt đầu hướng vào cảng.

Ra khơi

Khi cơn bão trở nên dữ dội, động cơ của một chiếc tàu đánh cá gần đó ngừng chạy. Nhóm bạn đánh cá của Daniel nối một dây cáp vào chiếc tàu hỏng máy và bắt đầu kéo nó đến nơi an toàn. Họ thông báo qua radio để được giúp đỡ, vì với cơn bão ngày càng dữ dội, họ biết rằng họ cần được phụ giúp ngay lập tức.

Cơn bão đang hoành hành dữ dội

Trong khi những người thân đang lo lắng chờ đợi, thì những người đại diện từ nhóm canh gác bờ biển, hiệp hội những người đánh cá, và hải quân đã họp lại với nhau để quyết định chiến lược giải cứu hữu hiệu nhất. Một số người muốn đi ngay lập tức nhưng được cho biết là phải chờ đợi một kế hoạch. Trong khi những người đang gặp bão tiếp tục kêu cầu giúp đỡ, thì những người đại diện tiếp tục họp, cố gắng để thỏa thuận các thủ tục thích hợp và một kế hoạch.

Thân quyến nóng lòng chờ đợi

Cuối cùng khi họ tổ chức được một nhóm giải cứu thì một tiếng kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng đã đến. Cơn bão dữ dội đã bứt đứt dây cáp giữa hai chiếc tàu, và nhóm bạn đánh cá của Daniel đã đi lại để xem họ có thể cứu những người bạn đánh cá của mình không. Cuối cùng, cả hai tàu đều bị chìm và nhóm người đánh cá, kể cả em trai của Anh Cả Patanía là Daniel đã bị thiệt mạng.

Cả hai tàu đều bị đắm.

Anh Cả Patanía so sánh thảm kịch này với lời khuyên dạy của Chúa khi Ngài phán: “Các ngươi chẳng làm cho những con chiên mắc bịnh nên mạnh, … [hoặc] chẳng đem những con bị đuổi về, … [hoặc] chẳng tìm những con bị lạc mất… ta sẽ đòi lại chiên của ta nơi tay [các ngươi].”4

Anh Cả Patanía giải thích rằng, mặc dù chúng ta phải được tổ chức trong các hội đồng, nhóm túc số, tổ chức bổ trợ và thậm chí với tư cách là cá nhân, nhưng chúng ta không được trì hoãn việc đi giải cứu. Đôi khi nhiều tuần trôi qua, trong khi chúng ta nói chuyện về cách giúp đỡ các gia đình hoặc cá nhân có nhu cầu đặc biệt. Chúng ta cân nhắc xem ai sẽ đi thăm họ và cách để đến gần họ. Trong khi đó, các anh chị em bị thất lạc của chúng ta tiếp tục cần và thỉnh thoảng thậm chí còn cầu cứu và nài xin được giúp đỡ. Chúng ta không được trì hoãn.

Nguyên tắc 2: Chúng Ta Không Bao Giờ Được Bỏ Cuộc

Chủ Tịch Thomas S. Monson là người đã lên tiếng kêu gọi phải đi giải cứu, đã nói: “Các tín hữu của chúng ta cần phải được nhắc nhở rằng không bao giờ là quá muộn khi nói đến … các tín hữu kém tích cực của chúng ta … là những người có thể đã được coi là một nguyên nhân vô vọng.”5

Giống như nhiều các anh chị em, một số người mà tôi đã chia sẻ phúc âm chẳng bao lâu đã chịu phép báp têm hoặc trở lại hoạt động tích cực, và những người khác---chẳng hạn như người bạn ngoại đạo của tôi là Tim và người vợ kém tích cực của anh ta là Charlene còn mất nhiều thời gian hơn nữa.

Trong hơn 25 năm, tôi đã trò chuyện với Tim về phúc âm và đưa Tim và Charlene đến tham quan các đền thờ vào dịp mở cửa cho công chúng vào xem. Những người khác tham gia vào việc giải cứu, tuy nhiên Tim đã từ chối mỗi lời mời gặp gỡ những người truyền giáo.

Một ngày cuối tuần nọ, tôi được chỉ định chủ tọa một buổi đại hội giáo khu. Tôi đã yêu cầu chủ tịch giáo khu nhịn ăn và cầu nguyện về người nào mà chúng tôi nên đến thăm. Tôi đã sửng sốt khi ông ta đưa cho tôi tên người bạn của tôi là Tim. Khi vị giám trợ của Tim, chủ tịch giáo khu và tôi gõ cửa, thì Tim mở cửa ra, nhìn tôi, rồi nhìn vị giám trợ, và nói: “Giám trợ à, tôi tưởng là giám trợ nói với tôi là sẽ mang tới một người đặc biệt mà!”

Rồi Tim cười và nói: “Merv, mời vào.” Một phép lạ đã xảy ra ngày hôm đó. Giờ đây, Tim đã chịu phép báp têm, và anh cùng Charlene đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc.

Tim và Charlene tại đền thờ

Nguyên Tắc 3: Chỉ Đem Được Một Người về cùng Đấng Ky Tô Thôi, Thì Sự Vui Mừng của Các Ngươi Sẽ Lớn Lao Biết Bao!

Cách đây nhiều năm trong một đại hội trung ương, tôi đã nói về cách mà José de Souza Marques hiểu được những lời của Đấng Cứu Rỗi: “Nếu có ai trong số các ngươi mạnh mẽ trong Thánh Linh thì hãy dẫn theo một người yếu đuối đi với mình, để cho kẻ đó … cũng có thể trở nên mạnh mẽ.”6

Anh Marques biết tên của từng thành viên trong nhóm túc số chức tư tế của mình và nhận thấy rằng Fernando vắng mặt. Anh đi tìm Fernando ở nhà nó, sau đó đi tìm nó ở nhà của một người bạn, và thậm chí còn đi đến bãi biển nữa.

Đi giải cứu Fernando

Cuối cùng anh cũng tìm thấy Fernando đang lướt sóng ngoài biển. Anh đã không chần chừ cho đến khi chiếc thuyền bị chìm, giống như trong câu chuyện về Daniel. Ngay lập tức anh bước xuống nước để giải cứu con chiên bị thất lạc của mình, và vui mừng đem nó về nhà.7

Bảo đảm rằng Fernando không rời bỏ bầy chiên

Sau đó, bằng cách liên tục phục sự, anh bảo đảm rằng Fernando không bao giờ rời bỏ bầy chiên một lần nữa.8

Tôi xin cập nhật cho các anh chị em biết điều đã xảy ra kể từ khi Fernando được giải cứu và chia sẻ niềm vui đến từ việc giải cứu dù chỉ một con chiên thất lạc. Fernando đã kết hôn với người yêu của mình là Maria, trong đền thờ. Bây giờ họ có 5 người con và 13 đứa cháu, tất cả đều tích cực trong Giáo Hội. Nhiều người thân khác và gia đình của họ cũng đã gia nhập Giáo Hội. Cùng nhau, họ đã nộp hàng ngàn tên của tổ tiên họ để tiếp nhận các giáo lễ đền thờ, và các phước lành vẫn cứ tiếp tục đến.

Gia đình Fernando

Fernando hiện đang phục vụ lần thứ ba với tư cách là giám trợ, và anh tiếp tục đi giải cứu, giống như anh đã được giải cứu. Mới gần đây anh đã chia sẻ: “Trong tiểu giáo khu của chúng tôi, có 32 thiếu niên thuộc Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn, 21 người trong số đó đã được giải cứu trong 18 tháng qua.” Với tư cách là cá nhân, gia đình, nhóm túc số, tổ chức bổ trợ, lớp học và thầy giảng tại gia cùng giảng viên thăm viếng, chúng ta đều có thể làm điều đó được!

Các thiếu niên của Fernando

Nguyên Tắc 4: Dù Tuổi Tác của Chúng Ta Là Bao Nhiêu, Chúng Ta Đều Được Kêu Gọi để Đi Giải Cứu

Chủ Tịch Henry B. Eyring nói: “Dù tuổi tác của chúng ta là bao nhiêu, khả năng của chúng ta ra sao, sự kêu gọi của chúng ta trong Giáo Hội là gì hoặc chúng ta đang sống ở đâu, thì chúng ta cũng đều được kêu gọi để cùng đoàn kết làm việc nhằm giúp [Đấng Cứu Rỗi] thu hoạch được nhiều người cho đến khi Ngài tái lâm.”9

Mỗi ngày càng có nhiều trẻ em, giới trẻ, các thành niên trẻ tuổi, và những người thành niên của chúng ta thuộc mọi lứa tuổi đang lưu tâm đến lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi để đi giải cứu: Xin cám ơn về nỗ lực của các anh chị em! Tôi xin chia sẻ một vài ví dụ:

Amy, 7 tuổi, mời người bạn tên là Arianna và gia đình của em này đến dự chương trình Hội Thiếu Nhi hàng năm trong lễ Tiệc Thánh. Một vài tháng sau, Arianna và gia đình của em ấy đã chịu phép báp têm.

Allan, một người thành niên trẻ tuổi, đã cảm thấy được soi dẫn để chia sẻ các video của Giáo Hội, Mormon Messages,, và các câu thánh thư với tất cả bạn bè của mình qua phương tiện truyền thông xã hội.

Chị Reeves bắt đầu chia sẻ phúc âm với mỗi người chào hàng qua điện thoại nào gọi cho chị.

James mời người bạn ngoại đạo của mình tên là Shane đến dự lễ báp têm của con gái mình.

Spencer gửi cho người chị kém tích cực của mình một đường liên kết về bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson tại đại hội và cho biết: “Chị ấy đọc bài nói chuyện đó và có hy vọng rồi.”

Chúa đã cung cấp tất cả các công cụ cần thiết cho chúng ta để đi giải cứu những người bạn kém tích cực và ngoại đạo của mình. Chúng ta đều có thể làm được điều này!

Tôi mời mỗi anh chị em hãy lưu tâm đến lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi để đi giải cứu. Chúng ta có thể làm điều đó được!

Tôi long trọng làm chứng rằng tôi biết Chúa Giê Su là Đấng Chăn Hiền Lành, Ngài yêu thương chúng ta và Ngài sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta đi giải cứu. Tôi biết Ngài hằng sống; Tôi biết điều đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.