“Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm. Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34: ‘Chính Mình Ta Sẽ Đi cùng Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (Năm 2021)
“Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm. Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm
Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34
“Chính Mình Ta Sẽ Đi cùng Ngươi”
Không phải mọi nguyên tắc đầy ý nghĩa có trong thánh thư đều có thể được nhấn mạnh trong những đại cương này. Hãy nghe theo Thánh Linh để giúp anh chị em tập trung vào các lẽ thật mà anh chị em cần đến.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Có lý do để hy vọng rằng con cái Y Sơ Ra Ên sẽ giữ vững lòng trung thành với Thượng Đế sau khi Ngài mặc khải luật pháp của Ngài dành cho họ (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20–23). Mặc dù họ đã ta thán và nao núng trong quá khứ, nhưng khi Môi Se đọc lên luật pháp tại chân núi Si Nai, thì họ đã lập giao ước này: “Chúng tôi sẽ làm và vâng theo mọi lời Đức Giê Hô Va phán chỉ” (Xuất Ê Díp Tô Ký 24:7). Rồi Thượng Đế kêu gọi Môi Se đi lên núi, phán bảo ông dựng một đền tạm để “ta sẽ ở giữa họ” (Xuất Ê Díp Tô Ký 25:8; xin xem các chương 25–30).
Nhưng trong khi Môi Se đang ở trên đỉnh núi và học hỏi cách để dân Y Sơ Ra Ên có thể có được sự hiện diện của Thượng Đế ở giữa họ, thì dân Y Sơ Ra Ên tại chân núi lại đang làm một tượng vàng để thờ phượng. Họ mới vừa hứa sẽ “[không có] các thần khác,” mà họ đã “vội bỏ” các lệnh truyền của Thượng Đế (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3; 32:8; xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 24:3). Đó là một sự thay đổi đáng ngạc nhiên, nhưng chúng ta biết qua kinh nghiệm rằng đức tin và sự cam kết đôi khi có thể bị lấn át bởi tính thiếu kiên nhẫn, nỗi sợ hãi, hoặc nỗi nghi ngờ. Khi chúng ta tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của mình, thật là đầy khích lệ để biết rằng Chúa không từ bỏ Y Sơ Ra Ên thời xưa và Ngài sẽ không từ bỏ chúng ta—vì Ngài là “Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất Ê Díp Tô Ký 34:6).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Những giao ước của tôi cho thấy sự sẵn lòng của tôi để vâng theo luật pháp của Thượng Đế.
Trong khi đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 24:3–8 về việc dân Y Sơ Ra Ên lập giao ước để vâng theo luật pháp của Thượng Đế, anh chị em có thể nghĩ về các giao ước mà mình đã lập với Ngài. Giao ước của Y Sơ Ra Ên bao gồm các nghi thức khác với điều mà Thượng Đế yêu cầu ngày nay, nhưng anh chị em có thể nhận thấy một số điểm tương đồng, đặc biệt nếu suy ngẫm về những lẽ thật vĩnh cửu được tượng trưng hóa qua các nghi thức này.
Ví dụ, các câu 4, 5, và 8 nói đến một bàn thờ, của lễ thiêu các con vật, và máu. Những vật này tượng trưng cho điều gì, và chúng liên quan đến các giao ước của anh chị em như thế nào? Làm thế nào mà các giao ước của anh chị em có thể giúp anh chị em vâng theo “mọi lời [Chúa] phán”? (câu 7).
Xin xem thêm Môi Se 5:4–9; Becky Craven, “Cẩn Thận so với Tùy Tiện,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 9–11.
Tội lỗi là sự xa rời Thượng Đế, nhưng Ngài vẫn đưa ra đường lối để quay lại.
Bằng cách suy ngẫm về việc dân Y Sơ Ra Ên quá mau “bại hoại” như thế nào (Xuất Ê Díp Tô Ký 32:7) khi vi phạm các giao ước của họ, chúng ta có thể tránh những lỗi lầm tương tự. Trong khi đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8, hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của dân Y Sơ Ra Ên—khi anh chị em ở trong vùng hoang dã, Môi Se đã đi vắng 40 ngày, anh chị em không biết được liệu ông ấy có quay trở lại hay không hoặc khi nào ông ấy sẽ quay trở lại, và một cuộc chạm trán với dân Ca Na An để chiếm lấy đất hứa thì sắp sửa diễn ra (xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 23:22–31). Anh chị em nghĩ vì sao dân Y Sơ Ra Ên muốn một tượng thần bằng vàng? Tại sao tội lỗi của dân Y Sơ Ra Ên lại nghiêm trọng? Những câu này có thể gợi cho anh chị em suy ngẫm về những tình huống mà mình có thể bị cám dỗ để đặt sự tin cậy vào một ai đó hoặc vật gì đó ngoài Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có cảm thấy được soi dẫn làm bất cứ điều gì để anh chị em có thể hoàn toàn đặt Thượng Đế lên trên hết trong cuộc sống của mình không? Điều gì soi dẫn cho anh chị em về lời khẩn nài của Môi Se với Chúa trong Xuất Ê Díp Tô Ký 33:11–17?
Trong khi tội lỗi của dân Y Sơ Ra Ên rất nghiêm trọng, câu chuyện này cũng chứa đựng sứ điệp về lòng thương xót và sự tha thứ của Thượng Đế. Xuất Ê Díp Tô Ký 34:1–10 dạy anh chị em điều gì về Đấng Cứu Rỗi? Làm thế nào để những việc làm của Môi Se thay cho dân Y Sơ Ra Ên nhắc nhở anh chị em về điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho toàn thể nhân loại? (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 32:30–32; Mô Si A 14:4–8; 15:9; Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5).
Bản Dịch Joseph Smith, Xuất Ê Díp Tô Ký 34:1–2 (trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư)
Sự khác biệt giữa hai bộ bảng đá mà Môi Se tạo ra là gì?
Khi Môi Se đi xuống núi, ông đã mang theo luật pháp được viết trên các bảng đá. Sau khi biết rằng dân Y Sơ Ra Ên đã vi phạm giao ước của họ, Môi Se đã đập vỡ các bảng đá (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 31:18; 32:19). Sau đó, Thượng Đế truyền lệnh cho Môi Se làm một bộ các bảng đá khác và mang chúng xuống núi trở lại (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 34:1–4). Bản Dịch Joseph Smith, Xuất Ê Díp Tô Ký 34:1–2 (trong phụ lục Sách Hướng Dẫn Thánh Thư) cho thấy rõ rằng bộ bảng đá đầu tiên gồm có những giáo lễ của “thánh ban” của Thượng Đế, tức là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Bộ bảng đá thứ hai gồm có “luật pháp của điều giáo lệnh xác thịt.” Đây là một luật pháp thấp hơn được điều hành bởi “chức tư tế thấp hơn” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:17–27), điều này là để chuẩn bị dân Y Sơ Ra Ên cho luật pháp cao hơn và chức tư tế cao hơn để họ có thể bước vào sự hiện diện của Thượng Đế một cách trọn vẹn hơn.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 31:12–13, 16–17.Sau khi đọc các câu này, có lẽ gia đình anh chị em có thể thảo luận câu hỏi của Chủ Tịch Russell M. Nelson về hành vi của chúng ta trong ngày Sa Bát: “Các anh chị em sẽ dâng lên Chúa dấu hiệu nào để cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Ngài?” (“Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 130). Gia đình anh chị em có thể tạo ra một vài dấu hiệu và đặt chúng xung quanh nhà mình để nhắc về cách mà anh chị em sẽ cho thấy tình yêu mến dành cho Chúa trong ngày Sa Bát.
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8.Để giúp gia đình anh chị em thảo luận về việc dân Y Sơ Ra Ên đã quay lưng lại với Thượng Đế ra sao, hãy cân nhắc việc tạo một con đường trên sàn nhà (hoặc tìm một con đường nhỏ gần nhà mình). Trong khi bước trên con đường đó, mọi người trong gia đình có thể nói về những cám dỗ mà chúng ta đối mặt khiến cho chúng ta “bỏ đạo [mà Chúa] truyền dạy.” Làm thế nào để chúng ta có thể ở lại trên con đường? Nếu chúng ta đi lạc lối, thì làm sao chúng ta quay trở lại được? Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta như thế nào?
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 32:26.Sau khi thấy dân Y Sơ Ra Ên thờ phượng một hình tượng, Môi Se đã hỏi: “Ai thuộc về Đức Giê Hô Va?” Làm thế nào để chúng ta cho thấy mình đang thuộc về Chúa?
-
Xuất Ê Díp Tô Ký 33:14–15.Mọi người trong gia đình có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ cảm thấy điều mà Thượng Đế đã hứa với Môi Se: “Chính mình ta sẽ đi cùng ngươi, và ta sẽ cho ngươi an nghỉ.”
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.