“Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm. Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34: ‘Chính Mình Ta Sẽ Đi Cùng Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm. Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022
Ngày 25 tháng Tư–ngày 1 tháng Năm
Xuất Ê Díp Tô Ký 24; 31–34
“Chính Mình Ta Sẽ Đi Cùng Ngươi”
Khi Môi Se chuẩn bị để dẫn dắt con cái Y Sơ Ra Ên đến vùng đất hứa, Chúa đã phán: “Chính mình ta sẽ đi cùng ngươi” (Xuất Ê Díp Tô Ký 33:14). Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy các trẻ em trong lớp của mình, hãy xem xét làm thế nào anh chị em có thể mời gọi sự hiện diện của Chúa để “đi cùng [anh chị em].”
Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Yêu cầu từng em chọn một tờ giấy được đánh số ngẫu nhiên. Sử dụng những số này để quyết định thứ tự để các trẻ em chia sẻ một điều gì đó chúng đang học được từ thánh thư ở nhà hoặc trong Hội Thiếu Nhi.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi
Việc tôn vinh ngày Sa Bát là dấu hiệu của tình thương yêu tôi dành cho Chúa.
Chúa đã phán cùng Môi Se rằng khi con cái Y Sơ Ra Ên giữ cho ngày Sa Bát được thánh, họ đã cho Ngài thấy rằng họ muốn được làm dân Ngài.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Vẽ một trái tim lên trên bảng, và hỏi các em xem biểu tượng này có nghĩa là gì. Giúp các em nghĩ về những điều khác mà có thể tượng trưng cho tình thương yêu, như một cái ôm hoặc một hành động phục vụ. Đọc cho các em nghe Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13. Giúp cho các em hiểu rằng khi chúng ta giữ cho ngày Sa Bát được thánh, đó là một dấu hiệu cho Chúa thấy rằng chúng ta thương yêu Ngài.
-
Nói cho các em về một số cách thức anh chị em cố gắng thể hiện tình thương yêu của mình dành cho Chúa vào ngày Sa Bát. Hãy để các em chia sẻ xem các em và gia đình của chúng làm điều này như thế nào. Mời các em sử dụng trang sinh hoạt của tuần này để chia sẻ thêm ý kiến.
Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8, 19–24
Tôi có thể đặt Chúa lên trên hết trong cuộc sống của mình.
Trong lúc Môi Se đang ngỏ lời cùng Chúa trên Núi Si Nai, con cái Y Sơ Ra Ên đã chọn thờ phượng một hình tượng bằng vàng thay vì thờ phượng Ngài. Câu chuyện này có thể nhắc cho các trẻ em mà anh chị em dạy nhớ rằng chúng ta không được để những thứ khác trở nên quan trọng với chúng ta hơn là Chúa.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Cùng với các em ôn lại ngắn gọn Mười Điều Giáo Lệnh, và nhấn mạnh hai điều giáo lệnh đầu tiên (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–6). Sử dụng chương “Mười Điều Giáo Lệnh” (trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước) để chia sẻ với các em câu chuyện từ Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8, 19–24. Nếu có thể, hãy để các em giúp anh chị em kể lại câu chuyện này. Giúp các em thấy được dân Y Sơ Ra Ên đã làm điều gì sai trong câu chuyện này (anh chị em có thể muốn nhắc cho các em nhớ lại hai điều đầu tiên trong Mười Điều Giáo Lệnh). Lẽ ra dân Y Sơ Ra Ên đã phải làm gì?
-
Cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su Ky Tô, cùng với hình ảnh về những thứ mà các trẻ em có thể dành thời gian để chơi, chẳng hạn như đồ chơi, trò chơi, và vân vân. Yêu cầu các em tìm kiếm bức hình cho thấy điều gì nên là quan trọng nhất đối với chúng ta. Chia sẻ với các em cách anh chị em được ban phước khi đặt Chúa lên trên hết trong cuộc sống của mình—thậm chí là trên cả những điều tốt đẹp khác.
Chúa đã đối diện để phán cùng Môi Se.
Sau khi Môi Se phá hủy con bò vàng, “Đức Giê Hô Va đối diện phán cùng Môi Se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Sự hiểu biết này có thể xây đắp đức tin của các em rằng Chúa là một Đấng có thật và yêu thương chúng.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Nói cho các em biết cảm nghĩ của anh chị em khi trò chuyện cùng một người bạn thân, và hỏi các em về cảm nghĩ của chúng. Đọc cho các em câu đầu tiên trong Xuất Ê Díp Tô Ký 33:11. Hỏi các em xem chúng nghĩ rằng tiên tri Môi Se có thể đã cảm thấy như thế nào. Kể cho các em nghe về những lần mà anh chị em đã cảm thấy gần gũi với Chúa, ngay cả khi anh chị em không tận mắt nhìn thấy Ngài.
-
Cùng nhau hát một bài hát mà biểu lộ cảm nghĩ của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su về chúng ta, chẳng hạn như “Tình Yêu Và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19). Cho thấy các bức hình về việc Đấng Cứu Rỗi thể hiện tình thương yêu đối với người khác (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 36, 41–43, 46–47). Khuyến khích các em chia sẻ cảm nghĩ của chúng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su.
Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi
Việc tôn vinh ngày Sa Bát là dấu hiệu của tình thương yêu tôi dành cho Chúa.
Việc giữ cho ngày Sa Bát được thánh có thể dễ dàng hơn—và vui vẻ hơn—cho các em khi chúng nhận ra rằng đó là dấu hiệu của sự cam kết của chúng đối với Chúa.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Đặt ra cho các em một vài câu hỏi để giúp chúng hiểu ý nghĩa của một dấu hiệu—ví dụ: “Những dấu hiệu nào cho các em biết rằng mùa xuân đang đến hoặc các em đang bị cảm?” Mời các em đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13, 16–17 và tìm kiếm từ “dấu.” Chúa đã phán điều gì là một dấu giữa Ngài và chúng ta? Tại sao dấu này lại quan trọng như vậy?
-
Mời các em thay phiên nhau giải thích tại sao chúng chọn tôn vinh ngày Sa Bát.
-
Mời các em viết xuống tất cả những điều chúng nghĩ rằng có thể làm được vào ngày Chủ Nhật để cho Chúa thấy rằng chúng thương yêu Ngài. Khuyến khích các em chia sẻ một vài điều từ bản liệt kê của chúng. Mời các em đem bản liệt kê của chúng về nhà, chia sẻ với gia đình, và tham khảo bản liệt kê ấy bất cứ khi nào chúng cần thêm ý kiến về điều nên làm trong ngày Sa Bát.
Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8, 19–24
Tôi có thể đặt Chúa lên trên hết trong cuộc sống của mình.
Một sứ điệp từ câu chuyện trong Xuất Ê Díp Tô Ký 32 là về tầm quan trọng của việc tuân giữ hai điều đầu tiên trong Mười Điều Giáo Lệnh—không được thờ phượng bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì ngoài Chúa.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Yêu cầu các em chia sẻ bất cứ điều gì chúng biết về câu chuyện của A Rôn làm ra con bò vàng cho dân Y Sơ Ra Ên thờ phượng. Nếu các em cần giúp đỡ, hãy bảo chúng tham khảo Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–8, 19–24, hoặc chia sẻ với chúng chương “Mười Điều Giáo Lệnh” (trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Tại sao việc dân Y Sơ Ra Ên thờ phượng hình tượng là sai? (Anh chị em có thể bảo các em tham khảo hai điều đầu tiên của Mười Điều Giáo Lệnh trong Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–6.)
-
Giúp các em nghĩ ra ví dụ về những thứ mà người ta có thể bị cám dỗ để thờ phượng thay vì thờ phượng Chúa—những điều mà khiến chúng ta không chú ý đến Ngài. Sau đó hãy yêu cầu các em chia sẻ ví dụ về những điều mà giúp chúng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi và thờ phượng Ngài.
Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–5, 21–24
Tôi có thể bênh vực cho sự ngay chính.
Khi dân Y Sơ Ra Ên nhờ A Rôn làm một hình tượng bằng vàng, ông đã đồng ý, mặc dù điều này là sai (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:20). Xem xét làm thế nào anh chị em có thể khuyến khích các em bênh vực cho sự ngay chính, ngay cả khi những người khác gây áp lực để chúng không làm.
Các Sinh Hoạt Khả Thi
-
Mời các em đọc riêng hoặc theo cặp Xuất Ê Díp Tô Ký 32:1–5, 21–24, và chia sẻ điều chúng nghĩ rằng A Rôn nên làm khi dân Y Sơ Ra Ên nhờ ông làm một con bò vàng. A Rôn đã có thể giúp dân ông như thế nào?
-
Giúp các em nghĩ về những tình huống chúng có thể gặp phải khi người khác nhờ chúng làm một điều gì đó mà chúng biết là sai. Yêu cầu các em chia sẻ ý kiến với nhau về điều nên làm trong những tình huống đó.
Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà
Mời các em chia sẻ với gia đình chúng bất kỳ ý kiến nào chúng đã nghe được hôm nay về cách để giữ cho ngày Sa Bát được thánh.