Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24: “Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ”


“Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24: ‘Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi: năm 2022

Hình Ảnh
thung lũng sa mạc

Ngày 9–15 tháng Năm

Dân Số Ký 11–14; 20–24

“Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ”

Đại cương này không phải là một kịch bản. Thay vì thế, hãy sử dụng nó để có thêm ý tưởng và sự soi dẫn cho các sinh hoạt học tập mà sẽ ban phước cho các trẻ em trong lớp học của anh chị em.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Hình Ảnh
hình biểu tượng chia sẻ

Mời Chia Sẻ

Cho các trẻ em thấy một trong các bức hình trong đại cương này hoặc trong đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Hãy để các em chia sẻ với anh chị em bất cứ điều gì chúng biết về điều đang xảy ra trong bức hình.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Nhỏ Tuổi

Dân Số Ký 11:4–10

Tôi có thể biết ơn về những điều Thượng Đế đã ban cho mình.

Mặc dù Chúa đã làm những điều tuyệt vời cho con cái Y Sơ Ra Ên, nhưng họ vẫn thường tập trung vào những thứ họ chưa có. Giúp các trẻ em học cách biết ơn về những điều Thượng Đế đã ban cho chúng.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hỏi các em xem chúng có nhớ một số phép lạ mà Chúa đã thực hiện nhằm ban phước cho dân Y Sơ Ra Ên trong đồng vắng hay không. (Nếu các em cần sự giúp đỡ, hãy cho chúng thấy các bức hình từ đại cương ngày 4–10 tháng Tư trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình; xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 14:21–22; 15:23–25; 16:4.) Sau đó hãy tóm lược cho các em Dân Số Ký 11:4–10, và nhấn mạnh rằng Chúa không hài lòng vì dân Y Sơ Ra Ên đang phàn nàn. Giúp các em nghĩ về những cách mà chúng có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa.

  • Cùng nhau hát một bài hát về lòng biết ơn, chẳng hạn như “Đếm Các Phước Lành” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8). Mời mỗi em vẽ tranh về các phước lành mà Chúa đã ban cho chúng hoặc gia đình chúng. Khuyến khích các em nghĩ về hoặc nhìn vào bức tranh của chúng bất cứ khi nào chúng cảm thấy muốn phàn nàn về một thứ gì đó mà chúng không có.

Dân Số Ký 13:17–33; 14:6–9

Đức tin có thể giúp tôi không sợ hãi.

Khi Môi Se phái 12 người đi tìm hiểu về vùng đất hứa, 10 người trong số họ đã trở về trong sự lo sợ bởi vì những dân cư hùng mạnh sống ở đó. Hai trong số họ, Ca Lép và Giô Suê, không hề sợ hãi, bởi vì họ có đức tin nơi Chúa.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Sử dụng các bức hình hoặc tranh vẽ về nho, mật ong, người khổng lồ và châu chấu để kể ngắn gọn cho các em nghe về 12 người mà Môi Se đã phái đi để khám phá vùng đất hứa (xin xem Dân Số Ký 13:17–33; xin xem thêm chương “Bốn Mươi Năm trong Đồng Vắng” trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Cựu Ước). Giải thích rằng họ đã tìm được rất nhiều trái cây và các thức ăn khác (mời các em giả vờ ăn thức ăn), nhưng họ cũng lo sợ bởi vì dân cư ở đó rất cao to và mạnh mẽ (mời các em giả vờ lo sợ). Cho thấy một bức hình của Chúa Giê Su, và chỉ ra rằng hai người Y Sơ Ra Ên, Ca Lép và Giô Suê, đã không sợ hãi bởi vì họ có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Đọc cho các em nghe Dân Số Ký 14:9 và nói về một lần mà anh chị em đã sợ hãi nhưng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp anh chị em có được lòng can đảm. Giúp các em nghĩ đến những kinh nghiệm tương tự mà chúng đã có.

    Hình Ảnh
    những người đàn ông đang cho Môi Se thấy trái cây

    Mười người do thám Y Sơ Ra Ên đã sợ hãi; Giô Suê và Ca Lép đã có đức tin. © Lifeway Collection/được cấp giấy phép bởi goodsalt.com

Dân Số Ký 21:6–9

Tôi có thể chú tâm vào Chúa Giê Su Ky Tô.

Cũng giống như con cái Y Sơ Ra Ên đã được chữa lành bằng cách nhìn vào con rắn bằng đồng, các trẻ em trong lớp học của anh chị em nhận được sự cứu rỗi bằng cách chú tâm vào Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Bằng cách sử dụng trang sinh hoạt của tuần này hoặc bức hình từ đại cương của tuần này trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình, hãy kể cho các em điều đã xảy ra khi “những con rắn lửa” vào trại của dân Y Sơ Ra Ên (xin xem Dân Số Ký 21:6–9). Giúp các em hiểu cách mà con rắn bằng đồng cũng giống như Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 3:14–15). Sau đó hãy để các em thay phiên nhau sử dụng bức hình này để kể câu chuyện này cho nhau nghe.

  • Yêu cầu các em nhắm mắt lại trong khi anh chị em đặt một bức hình của Đấng Cứu Rỗi ở đâu đó trong phòng. Sau đó mời các em mở mắt ra, tìm kiếm bức hình, và nhìn vào nó. Hãy để các em thay phiên nhau đặt bức hình trong phòng. Mỗi lần các em tìm được bức hình, hãy giúp các em nghĩ về một điều gì đó chúng có thể làm để chú tâm vào Đấng Cứu Rỗi.

Hình Ảnh
hình biểu tượng giảng dạy

Giảng Dạy Giáo Lý: Trẻ Em Lớn Tuổi

Dân Số Ký 12

Chúa muốn tôi tuân theo vị tiên tri của Ngài.

Dân Số Ký 12 chứa đựng một số bài học giá trị mà có thể giúp các em khi chúng nghe được người khác nói những điều không tử tế về vị tiên tri của Chúa hoặc về những vị lãnh đạo khác của Giáo Hội.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Nói cho các em biết rằng vào một dịp nọ, Chúa đã không hài lòng với A Rôn và Mi Ri Am, là anh và chị của Môi Se. Mời các em đọc Dân Số Ký 12:1–2 để biết lý do tại sao. Theo các câu 5–8, Chúa đã cảm thấy như thế nào khi A Rôn và Mi Ri Am nói nghịch lại vị tiên tri của Ngài?

  • Giúp các em nghĩ đến các ví dụ về những người trong thánh thư mà đã tuân theo vị tiên tri và được ban phước (ví dụ, xin xem Sáng Thế Ký 7:7; 1 Nê Phi 3:7). Một số điều mà vị tiên tri tại thế đã dạy chúng ta là gì? Chúng ta được ban phước như thế nào khi tuân theo những lời giảng dạy của ông?

Dân Số Ký 21:4–9

Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng để chữa lành cho tôi về mặt thuộc linh.

Nhiều người Y Sơ Ra Ên đã chết vì họ đã không có đức tin rằng Chúa sẽ chữa lành cho họ nếu họ nhìn vào con rắn bằng đồng (xin xem An Ma 33:18–20). Làm thế nào anh chị em có thể giúp các trẻ em mà mình dạy có đức tin vào quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô?

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các em vẽ tranh về điều chúng đọc được trong Dân Số Ký 21:4–9. Hãy để các em sử dụng những bức tranh của chúng để kể lại câu chuyện này. Yêu cầu từng em chọn ra một trong những đoạn thánh thư sau đây và chia sẻ điều mà nó giúp chúng ta hiểu thêm về câu chuyện này: Giăng 3:14–15; 1 Nê Phi 17:41; An Ma 33:18–20; Hê La Man 8:13–15; Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  • Viết lên trên bảng một câu hỏi như Chúng ta có thể làm gì để “nhìn lên Vị Nam Tử của Thượng Đế với đức tin”? (Hê La Man 8:15). Cho mỗi em một tờ giấy, và mời chúng viết xuống càng nhiều càng tốt những câu trả lời mà chúng có thể nghĩ ra cho câu hỏi này. Thu những tờ giấy lại, đọc to một vài câu trả lời, và mời các em thảo luận về cách mà việc làm theo những điều này có thể giúp chúng ta khi chúng ta cần quyền năng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi.

Dân Số Ký 22–24

Tôi có thể tuân theo ý muốn của Thượng Đế, ngay cả khi những người khác cố gắng thuyết phục tôi không làm vậy.

Ba Lác đã cố gắng thuyết phục Ba La Am để rủa sả dân Y Sơ Ra Ên, nhưng Ba La Am biết rằng điều này trái với ý muốn của Thượng Đế. Tấm gương của Ba La Am có thể giúp các em khi chúng bị áp lực để bất tuân Thượng Đế.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Tóm lược cho các em Dân Số Ký 22:1–18, nhấn mạnh cách mà Ba La Am từ chối rủa sả dân của Thượng Đế, mặc dù Ba Lác, vua của Mô Áp, đã hứa cho ông vinh dự và sự giàu sang. Yêu cầu các em tra cứu những câu sau đây để tìm các cụm từ mà chúng cảm thấy là thể hiện sự quyết tâm của Ba La Am để tuân theo Thượng Đế: Dân Số Ký 22:18; 23:26; 24:13. Mời các em chọn ra một cụm từ mà chúng thích và viết lên một cái thẻ để giúp chúng nhớ vâng lời Chúa.

  • Nói với các em về những tình huống khi bạn bè hoặc người khác có thể cố gắng thuyết phục chúng làm một điều gì đó sai trái, giống như Ba Lác đã làm cho Ba La Am. Sự cam kết của Ba La Am đối với Chúa đã giúp ông chống lại áp lực từ Ba Lác như thế nào? Mời các em thực hành đối phó với các tình huống như thế này bằng cách dùng những lời như của Ba La Am.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập

Khuyến Khích Việc Học Tập ở Nhà

Mời các em chia sẻ một điều gì đó với gia đình chúng, chẳng hạn như một bức hình, một câu thánh thư, hoặc một bài hát, để thể hiện điều chúng học được trong Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy mở lòng cho những thúc giục từ Thánh Linh. “Thường thì những giây phút giảng dạy tốt nhất thật là bất ngờ—ví dụ, khi một người nào đó chia sẻ một kinh nghiệm hoặc hỏi một câu hỏi mà dẫn đến một cuộc thảo luận có ý nghĩa. … Sẵn lòng thay đổi kế hoạch của mình nếu cần để tuân theo những thúc giục các anh chị em nhận được” (Giảng Dạy theo Cách Của Đấng Cứu Rỗi, trang 10).

In