Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24: “Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ”


“Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24: ‘Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 9–15 tháng Năm. Dân Số Ký 11–14; 20–24,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

thung lũng sa mạc

Ngày 9–15 tháng Năm

Dân Số Ký 11–14; 20–24

“Các Ngươi Chớ Dấy Loạn cùng Đức Giê Hô Va, và Đừng Sợ”

Đại cương này nêu lên chỉ một vài trong số nhiều nguyên tắc quý giá trong sách Dân Số Ký. Hãy cởi mở với những nguyên tắc khác mà Thánh Linh có thể giúp anh chị em thấy được.

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

Kể cả khi đi bộ, cuộc hành trình từ đồng vắng Si Nai đến đất hứa tại Ca Na An thường sẽ không mất đến 40 năm. Nhưng đó là khoảng thời gian mà con cái Y Sơ Ra Ên cần có, không phải để vượt qua khoảng cách địa lý mà là để vượt qua khoảng cách thuộc linh: khoảng cách giữa con người thiên nhiên của họ và con người mà Chúa cần họ trở thành với tư cách là dân giao ước của Ngài.

Sách Dân Số Ký mô tả một vài trong số những gì đã xảy ra trong suốt 40 năm đó, kể cả các bài học mà con cái của Y Sơ Ra Ên cần học trước khi tiến vào đất hứa. Họ đã học về cách trở nên trung thành với các tôi tớ chọn lọc của Chúa (xin xem Dân Số Ký 12). Họ học về cách tin cậy quyền năng của Chúa, kể cả khi tương lai dường như vô vọng (xin xem Dân Số Ký 13–14). Và họ học được rằng việc thiếu đức tin hoặc không tin tưởng sẽ gây ra sự tổn hại thuộc linh, nhưng họ có thể hối cải và tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi để được chữa lành (xin xem Dân Số Ký 21:4–9).

Tất cả chúng ta đều giống như dân Y Sơ Ra Ên trong một vài phương diện. Tất cả chúng ta đều biết sẽ như thế nào khi ở trong vùng hoang dã thuộc linh, và chính những bài học đó của họ có thể giúp chúng ta chuẩn bị để bước vào đất hứa của riêng mình: tức là cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Để có được thông tin khái quát về sách Dân Số Ký, xin xem “Dân Số Ký” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Dân Số Ký 11:11–17, 24–29; 12

Sự mặc khải là có sẵn cho tất cả mọi người, nhưng Thượng Đế hướng dẫn Giáo Hội Ngài qua vị tiên tri của Ngài.

Trong Dân Số Ký 11:11–17, 24–29, hãy lưu ý vấn đề mà Môi Se phải đối mặt và giải pháp Thượng Đế đề ra. Anh chị em nghĩ Môi Se có ý gì khi ông nói ông mong rằng “cả dân sự của Đức Giê Hô Va đều là người tiên tri”? (câu 29). Trong khi suy ngẫm những câu này, anh chị em hãy xem xét những lời của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Thượng Đế có thật sự muốn phán bảo với các anh chị em không? Có chứ! … Ôi, có rất nhiều điều hơn nữa mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em biết được.” (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95).

Tuy nhiên, việc nói rằng ai ai cũng có thể là một người tiên tri không có nghĩa rằng tất cả mọi người đều có thể lãnh đạo dân của Thượng Đế theo cách Môi Se đã làm. Những tình tiết được ghi lại trong Dân Số Ký 12 đã cho thấy rõ điều này. Trong khi đọc chương này, anh chị em tìm thấy những lời quở trách nào? Anh chị em cảm thấy Chúa muốn mình hiểu điều gì về sự mặc khải cá nhân và việc nghe theo vị tiên tri?

Xin xem thêm 1 Nê Phi 10:17; Giáo Lý và Giao Ước 28:1–7; Dallin H. Oaks, “Hai Đường Dây Liên Lạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 83–86.

Dân Số Ký 13–14

Với đức tin nơi Chúa, tôi có thể hy vọng vào tương lai.

Trong khi anh chị em đọc Dân Số Ký 13–14, hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của dân Y Sơ Ra Ên. Anh chị em nghĩ tại sao họ muốn “trở về xứ Ê Díp Tô (Ai Cập)”? (Dân Số Ký 14:3). Có khi nào anh chị em giống những người này, cảm thấy bi quan về việc đi vào đất hứa không? Anh chị em sẽ mô tả sự không “đồng lòng” (có tinh thần khác) mà Ca Lép đã có bằng cách nào? (Dân Số Ký 14:24). Điều gì gây ấn tượng với anh chị em về đức tin của Ca Lép và Giô Suê, và anh chị em có thể áp dụng tấm gương của họ trong những tình huống mà anh chị em đối mặt ra sao?

Dân Số Ký 21:4–9

Nếu tôi hướng về Chúa Giê Su Ky Tô với đức tin, thì Ngài có thể chữa lành phần thuộc linh của tôi.

Các vị tiên tri Sách Mặc Môn biết câu chuyện được ghi trong Dân Số Ký 21:4–9 và hiểu được ý nghĩa thuộc linh của nó. 1 Nê Phi 17:40–41; An Ma 33:18–22; và Hê La Man 8:13–15 giúp anh chị em hiểu thêm điều gì về câu chuyện này? Trong khi học những đoạn thánh thư này, anh chị em hãy nghĩ về sự chữa lành thuộc linh mà mình mong đợi. Dân Y Sơ Ra Ên phải “nhìn con rắn bằng đồng” (Dân Số Ký 21:9) để được chữa lành. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn làm gì để “nhìn lên Vị Nam Tử của Thượng Đế với đức tin” một cách trọn vẹn hơn? (Hê La Man 8:15).

Xin xem thêm Giăng 3:14–15; Giáo Lý và Giao Ước 6:36; Dale G. Renlund, “Được Phước Lành Nhiều,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 70–73.

con rắn bằng đồng

Dân Y Sơ Ra Ên đã được chữa lành nhờ nhìn lên con rắn bằng đồng.

Dân Số Ký 22–24

Tôi có thể vâng theo ý muốn của Thượng Đế, ngay cả khi những người khác cố thuyết phục tôi không làm theo.

Khi Ba Lác, vua Mô Áp, biết rằng dân Y Sơ Ra Ên đang đến, ông cho gọi Ba La Am, một người nổi tiếng với những lời chúc phước và rủa sả. Ba Lác muốn người ấy làm suy yếu dân Y Sơ Ra Ên bằng cách rủa sả họ. Hãy lưu ý cách Ba Lác cố gắng thuyết phục Ba La Am (xin xem Dân Số Ký 22:5–7, 15–17), và nghĩ về những cám dỗ anh chị em gặp mà chống lại ý muốn của Thượng Đế. Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về câu trả lời của Ba La Am trong Dân Số Ký 22:18, 38; 23:8, 12, 26; 24:13?

Đáng buồn thay, dường như cuối cùng Ba La Am đã nhượng bộ trước áp lực và phản bội lại Y Sơ Ra Ên (xin xem Dân Số Ký 31:16; Giu Đe 1:11). Hãy suy ngẫm cách mà anh chị em có thể tiếp tục trung tín với Chúa mặc cho áp lực từ người khác.

hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Dân Số Ký 11:4–6.Thái độ của chúng ta có khi nào giống với thái độ mà dân Y Sơ Ra Ên thể hiện trong Dân Số Ký 11:4–6 không? Làm thế nào lời khuyên dạy trong Giáo Lý và Giao Ước 59:15–21 có thể hữu ích?

Dân Số Ký 12:3.Môi Se đã cho thấy rằng ông “rất khiêm hòa” trong Dân Số Ký 12 hoặc trong các đoạn thánh thư khác mà anh chị em đã đọc? Anh chị em có thể xem lại lời giải thích của Anh Cả David A. Bednar về sự nhu mì trong sứ điệp của ông “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 30–33) hoặc trong mục “Nhu Mì” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Chúng ta học được điều gì về cách để trở nên nhu mì hơn? Những phước lành nào có thể đến khi chúng ta làm như vậy?

Dân Số Ký 13–14.Hai thành viên (hoặc nhiều hơn) trong gia đình anh chị em có thể giả bộ “do thám” (Dân Số Ký 13:17) một phần khác trong nhà như thể nó là vùng đất hứa. Rồi mỗi người họ có thể báo cáo dựa theo Dân Số Ký 13:27–33 hoặc Dân Số Ký 14:6–9. Chúng ta học được điều gì về đức tin từ hai bản báo cáo khác nhau trong những câu này? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống như Ca Lép và Giô Suê hơn?

Dân Số Ký 21:4–9.Sau khi đọc Dân Số Ký 21:4–9, cùng với 1 Nê Phi 17:40–41; An Ma 33:18–22; và Hê La Man 8:13–15, gia đình anh chị em có thể làm một con rắn bằng giấy hoặc đất nặn và viết lên trên nó hoặc lên một mảnh giấy một vài điều đơn giản mà anh chị em có thể làm để “nhìn lên Vị Nam Tử của Thượng Đế với đức tin” (Hê La Man 8:15).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát đề nghị: “Đấng Cứu Chuộc Y Sơ Ra Ên,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 5.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy Của Chúng Ta

Hãy giúp gia đình anh chị em phát triển sự tự lực về phần thuộc linh. “Thay vì chỉ truyền đạt thông tin, hãy giúp [mọi người trong gia đình mình] tự khám phá ra các lẽ thật phúc âm trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri” (Giảng Dạy Theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 28).

Môi Se và con rắn bằng đồng

Moses and the Brass Serpent (Môi Se và Con Rắn Bằng Đồng), tranh do Judith A. Mehr họa