Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 18–24 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 18–20: “Chúng Tôi Xin Làm Mọi Việc Đức Giê Hô Va Đã Phán Dặn”


“Ngày 18–24 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 18–20: ‘Chúng Tôi Xin Làm Mọi Việc Đức Giê Hô Va Đã Phán Dặn,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 18–24 tháng Tư. Xuất Ê Díp Tô Ký 18–20,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
núi

Một ngọn núi ở Ai Cập tương truyền là Núi Si Nai.

Ngày 18–24 tháng Tư

Xuất Ê Díp Tô Ký 18–20

“Chúng Tôi Xin Làm Mọi Việc Đức Giê Hô Va Đã Phán Dặn”

Chị Michelle Craig đã dạy rằng: “Là môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể nhận được sự soi dẫn và mặc khải cá nhân, phù hợp với các lệnh truyền của Ngài, mà dành riêng cho anh chị em” (“Khả Năng Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 21). Hãy ghi lại và làm theo sự soi dẫn mà anh chị em nhận được trong khi đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 18–20.

Ghi Lại Những Ấn Tượng Của Anh Chị Em

Cuộc hành trình của dân Y Sơ Ra Ên từ Ai Cập đến chân Núi Si Nai tràn đầy những phép lạ—những sự biểu lộ không thể chối cãi về quyền năng vô song, tình yêu thương, và lòng thương xót của Chúa. Tuy nhiên, Chúa có những phước lành dành sẵn cho họ mà hơn cả việc giải thoát họ khỏi Ai Cập và làm thỏa mãn cơn đói khát thể chất của họ. Ngài muốn họ trở thành dân giao ước của Ngài, “thuộc riêng” về Ngài, và là “một dân tộc thánh” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5–6). Ngày nay, những phước lành của giao ước này được mở rộng ra ngoài một quốc gia hay dân tộc. Thượng Đế muốn tất cả các con cái Ngài trở thành dân giao ước của Ngài, “vâng lời [Ngài], và giữ sự giao ước [Ngài]” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5), vì Ngài cho thấy lòng thương xót “đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến [Ngài] và giữ các điều răn [Ngài]” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:6).

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Xuất Ê Díp Tô Ký 18:13–26

Tôi có thể giúp “chia [gánh nặng]” trong công việc của Chúa.

Trong khi đọc lời khuyên nhủ Môi Se nhận được từ cha vợ của ông, Giê Trô, hãy suy ngẫm cách mà anh chị em có thể giống như những người “chân thật” (đôi khi được dịch là người “đáng tin cậy”) được mô tả trong câu 21. Làm thế nào anh chị em có thể giúp “chia [gánh nặng]” với các vị lãnh đạo Giáo Hội của mình? (câu 22). Ví dụ như, lời khuyên bảo này có thể áp dụng ra sao cho những nỗ lực phục sự của anh chị em?

Anh chị em cũng có thể suy ngẫm xem mình, có đôi khi giống như Môi Se, đang cố gắng ôm đồm quá nhiều không. Lời khuyên của Giê Trô có thể áp dụng cho anh chị em như thế nào?

Xin xem thêm Mô Si A 4:27; Henry B. Eyring, “Người Chăm Sóc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 121–124.

Hình Ảnh
người đàn ông đang bắt tay một phụ nữ

Phục sự những người khác là một cách mà chúng ta có thể tham gia vào công việc của Chúa.

Xuất Ê Díp Tô Ký 19:3–6

Dân giao ước của Chúa là một báu vật đối với Ngài.

Hãy suy ngẫm ý nghĩa của việc “thuộc riêng” về Chúa đối với anh chị em (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5). Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời giải thích cụm từ này: “Trong Kinh Cựu Ước, từ thuộc riêng (peculiar) được dịch ra từ tiếng Hê Bơ Rơ segullah, có nghĩa là ‘tài sản có giá trị,’ hoặc ‘báu vật.’ … Đối với chúng ta, việc được các tôi tớ của Chúa gọi là dân tộc thuộc riêng về Ngài là một lời ca tụng đầy vinh hạnh nhất” (“Children of the Covenant,” Ensign, tháng Năm năm 1995, trang 34). Biết rằng việc tuân giữ các giao ước làm cho anh chị em thành một “[báu vật] dành riêng” ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em sống?

Xin xem thêm bài của Anh Cả Gerrit W. Gong, “Thuộc Về Giao Ước,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 80–83.

Xuất Ê Díp Tô Ký 19:10–11, 17

Những kinh nghiệm thiêng liêng đòi hỏi sự chuẩn bị.

Chúa đã phán với Môi Se rằng con cái Y Sơ Ra Ên cần phải được chuẩn bị trước khi họ có thể “gặp Thượng Đế” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:10–11, 17) và giữ một giao ước với Ngài (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5). Anh chị em có thể làm gì để chuẩn bị cho những kinh nghiệm thiêng liêng trong cuộc sống mình, như là tham dự đền thờ hoặc dự phần Tiệc Thánh? Anh chị em có thể làm gì để chuẩn bị đầy đủ hơn cho những kinh nghiệm này? Hãy nghĩ về những sinh hoạt thuộc linh khác mà đòi hỏi sự chuẩn bị, và suy ngẫm cách mà sự chuẩn bị của anh chị em có thể ảnh hưởng đến loại kinh nghiệm mà anh chị em có.

Xuất Ê Díp Tô Ký 20

Thượng Đế đầy nhân từ.

Trong khi đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 20, hãy nghĩ đến việc ghi lại điều nào trong Mười Điều Giáo Lệnh mà anh chị em cảm thấy mình đang tuân theo và điều nào mình có thể tuân giữ một cách trung tín hơn. Anh chị em có thể chọn một điều giáo lệnh để cải thiện và rồi nghiên cứu điều giáo lệnh đó một cách chi tiết hơn bằng cách đọc các thánh thư có liên quan (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư tại trang mạng scriptures.ChurchofJesusChrist.org) hoặc các sứ điệp đại hội (xin xem phần đề tài trên trang mạng conference.ChurchofJesusChrist.org). Cân nhắc thêm vào việc nghiên cứu những phước lành đến với những người mà tuân giữ các giáo lệnh. Những phước lành này cho thấy lòng nhân từ và tình yêu thương của Thượng Đế đối với anh chị em như thế nào?

Xin xem thêm bài của Carole M. Stephens, “Nếu Ngươi Yêu Mến Ta thì Hãy Tuân Giữ Các Giáo Lệnh của Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 118–120.

Xuất Ê Díp Tô Ký 20:1–7

Là điều quan trọng để đặt Chúa lên trên hết trong cuộc sống của tôi.

Việc đọc Xuất Ê Díp Tô Ký 20:1–7 có thể thúc giục anh chị em nghĩ về những ưu tiên trong cuộc sống của mình—anh chị em còn có thể viết chúng xuống theo một danh sách. Một số “các thần” hoặc “tượng chạm” khả dĩ nào (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–4) mà anh chị em có thể bị cám dỗ để ưu tiên hơn Thượng Đế? Làm thế nào việc đặt Chúa lên trên hết có thể giúp anh chị em với những điều quan trọng khác trong cuộc sống mình? Anh chị em được soi dẫn làm gì để gia tăng sự tập trung của mình vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Xin xem thêm bài của Dallin H. Oaks, “Không Có Các Thần Khác,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 72–75.

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Xuất Ê Díp Tô Ký 18:8–12.Chứng ngôn của Môi Se về sự giải cứu của Thượng Đế đã có ảnh hưởng gì đến Giê Trô? Chúa đã thực hiện những việc lớn lao nào cho gia đình chúng ta? Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với ai? Làm thế nào chúng ta bảo tồn những kinh nghiệm đó cho các thế hệ tương lai?

Xuất Ê Díp Tô Ký 18:13–26.Những câu này có thể soi dẫn cho gia đình anh chị em nghĩ về sự phục vụ của các vị lãnh đạo Giáo Hội ở địa phương mình, như là vị giám trợ, các lãnh đạo giới trẻ, hoặc những giảng viên Hội Thiếu Nhi. Họ có những trách nhiệm nào mà dường như “nặng nề quá sức” (Xuất Ê Díp Tô Ký 18:18) cho một người để gánh vác một mình? Chúng ta có thể làm gì để giúp san sẻ bớt các gánh nặng của họ?

Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17.Hãy nghĩ về một cách thức ý nghĩa để thảo luận Mười Điều Giáo Lệnh cùng cả gia đình. Ví dụ như, anh chị em có thể viết những điều giáo lệnh trong Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17 lên mười mảnh giấy. Rồi các thành viên trong gia đình có thể phân chia chúng thành hai nhóm: (1) tôn kính Thượng Đế và (2) yêu thương người khác (xin xem thêm Ma Thi Ơ 22:36–40). Nghĩ đến việc chọn một hoặc hai điều giáo lệnh mỗi ngày trong tuần này và cùng nhau thảo luận giáo lệnh đó kỹ hơn. Ví dụ như, làm thế nào việc tuân giữ giáo lệnh này củng cố gia đình chúng ta? Đấng Cứu Rỗi đã vâng giữ giáo lệnh này như thế nào?

Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12.Để hiểu rõ hơn Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12, có thể hữu ích nếu gia đình anh chị em tìm những định nghĩa của từ “hiếu kính.” Rồi mọi người có thể lập một danh sách những việc chúng ta có thể làm mà sẽ hiếu kính cha mẹ mình. Anh chị em có thể hát một bài về việc hiếu kính cha mẹ, như là “Cảm Tạ Cha Yêu Dấu” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 61).

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Bài hát gợi ý: “Dạy Con Bước Đi Vào Lẽ Thật,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 66.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy tìm một thời gian phù hợp với anh chị em. Việc học thánh thư sẽ dễ dàng hơn khi anh chị em có thể học tập mà không bị gián đoạn. Hãy tìm một thời gian phù hợp với anh chị em, và làm hết sức để học hỏi một cách kiên định vào thời gian đó mỗi ngày.

Hình Ảnh
Môi Se cầm hai phiến đá

Hình minh họa Môi Se cầm Mười Điều Giáo Lệnh, do Sam Lawlor thực hiện

In