“Ngày 5–11 tháng Mười Hai. A Ghê; Xa Cha Ri 1–3; 7–14: ‘Thánh cho Đức Giê Hô Va,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)
“Ngày 5–11 tháng Mười Hai. A Ghê; Xa Cha Ri 1–3; 7–14,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022
Ngày 5–11 tháng Mười Hai
A Ghê; Xa Cha Ri 1–3; 7–14
“Thánh cho Đức Giê Hô Va”
Việc đọc thánh thư mời gọi sự mặc khải. Hãy cởi mở với những sứ điệp mà Đức Thánh Linh mặc khải cho anh chị em trong khi anh chị em đọc A Ghê và Xa Cha Ri.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Sau hàng thập kỷ bị tù đày, một nhóm dân Y Sơ Ra Ên, có lẽ bao gồm các tiên tri A Ghê và Xa Cha Ri, được phép quay trở lại Giê Ru Sa Lem. Một số người trong nhóm này đã ghi nhớ Giê Ru Sa Lem trông như thế nào trước khi nó bị phá hủy. Hãy tưởng tượng những cảm nghĩ họ có khi trông thấy đống đổ nát mà đã từng là nhà, nơi thờ phượng, và đền thờ của họ. Đối với những ai tự hỏi liệu đền thờ có thể có lại “vinh quang khi trước của nhà” của Chúa không (A Ghê 2:3), tiên tri A Ghê đã nói những lời khích lệ của Ngài: “Khá can đảm [tất cả các ngươi trên đất này], và hãy làm việc; vì Ta ở cùng các ngươi, Đức Giê Hô Va phán vậy. … Chớ sợ hãi.” “Ta sẽ làm cho vinh quang đầy dẫy nhà này, … và Ta sẽ ban sự bình an trong chốn này.” (A Ghê 2:4–5,7,9.)
Nhưng không chỉ đền thờ thánh mới cần được tái thiết. Trong nhiều phương diện, dân của Thượng Đế đã bị hủy hoại về mặt thuộc linh. Và việc gây dựng lại một dân tộc thánh cần nhiều hơn là chỉ đẽo đá và sắp xếp chúng để xây lên một bức tường đền thờ. Ngày nay, các đền thờ mang câu khắc “Thánh cho Chúa,” và những chữ này áp dụng không chỉ cho tòa nhà mà còn cho lối sống. Việc khắc những chữ này lên “những lạc ngựa” và “mọi nồi ở trong Giê Ru Sa Lem” (Xa Cha Ri 14:20–21) chỉ hữu ích nếu như chúng cũng được khắc ghi vào mỗi tấm lòng. Sự thánh thiện thật sự đòi hỏi rằng những lời và luật pháp của Chúa “đến” (Xa Cha Ri 1:6) chắc chắn trong chúng ta, cho phép quyền năng Ngài thay đổi bản chất chúng ta để mà chúng ta trở nên thánh thiện giống như Ngài (xin xem Lê Vi Ký 19:2).
Để có thông tin khái quát về các sách A Ghê và Xa Cha Ri, xin xem “A Ghê” và “Xa Cha Ri” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
“Khá xem xét đường lối mình.”
Có nhiều điều quan trọng cần làm để tái thiết Giê Ru Sa Lem. Nhưng gần 15 năm đã qua kể từ sự quay trở về của dân Y Sơ Ra Ên, Chúa không hài lòng khi việc xây dựng đền thờ không được ưu tiên cao hơn (xin xem A Ghê 1:2–5; xin xem thêm E Xơ Ra 4:24). Trong khi anh chị em đọc A Ghê 1; 2:1–9, hãy suy ngẫm những câu hỏi như sau: Dân Y Sơ Ra Ên trải qua những hậu quả gì bởi vì họ chưa xây xong đền thờ? Chúa hứa ban các phước lành nào cho họ nếu họ hoàn thành việc xây cất nhà của Ngài? Anh chị em có thể nhân cơ hội này “xem xét đường lối mình”—nghĩ về các ưu tiên của anh chị em và cách anh chị em có thể sắp xếp chúng với các ưu tiên của Chúa.
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 95; Terence M. Vinson, “Các Môn Đồ Chân Chính của Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 9–11.
Chúa có thể làm cho tôi trở nên thánh thiện.
Chị Carol F. McConkie đã dạy: “Sự thánh thiện là việc đưa ra các lựa chọn mà sẽ để cho Đức Thánh Linh tiếp tục làm Đấng hướng dẫn của chúng ta. Sự thánh thiện là việc bỏ qua một bên những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta và trở thành ‘một thánh hữu qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô’ [Mô Si A 3:19]. … Niềm hy vọng của chúng ta nơi sự thánh thiện được tập trung vào Đấng Ky Tô, vào lòng thương xót và ân điển của Ngài” (“Vẻ Đẹp của Sự Thánh Thiện,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 9–10). Hãy ghi nhớ những lời giảng dạy này trong khi anh chị em đọc lời của Chúa, được ban qua tiên tri Xa Cha Ri, khẩn nài Y Sơ Ra Ên hãy trở nên thánh thiện hơn: Xa Cha Ri 1:1–6; 3:1–7; 7:8–10; 8:16–17. Lưu ý những điều Chúa yêu cầu Y Sơ Ra Ên làm để cho Ngài có thể làm họ nên thánh. Ngài đang giúp anh chị em trở nên thánh thiện hơn bằng cách nào?
Xa Cha Ri 2:10–11; 8:1–8; 14:9–11, 20–21 mô tả cuộc sống sẽ ra sao trong tương lai khi tất cả chúng ta đều ở cùng Chúa trong một trạng thái thánh thiện. Những mô tả này có thể mang ý nghĩa gì đối với những người đang xây dựng lại Giê Ru Sa Lem trong thời của Xa Cha Ri? Chúng có ý nghĩa gì đối với anh chị em?
Xa Cha Ri 9:9–11; 11:12–13; 12:10; 13:6–7; 14:1–9
Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si đã được hứa.
Một số điều Xa Cha Ri đã viết nói đến giáo vụ trần thế của Chúa Giê Su Ky Tô và cũng về Ngày Tái Lâm sau cùng của Ngài. Hãy so sánh những lời tiên tri sau đây của Xa Cha Ri với những đoạn có liên quan từ các sách thánh thư khác:
-
Xa Cha Ri 9:9–11 (xin xem Ma Thi Ơ 21:1–11; 1 Phi E Rơ 3:18–19)
-
Xa Cha Ri 11:12–13 (xin xem Ma Thi Ơ 26:14–16; 27:1–7)
-
Xa Cha Ri 12:10 (xin xem Giăng 19:37; Khải Huyền 1:7)
-
Xa Cha Ri 13:6–7; 14:1–9 (xin xem Ma Thi Ơ 26:31; Giáo Lý và Giao Ước 45:47–53)
Anh chị em biết được điều gì về Đấng Cứu Rỗi trong khi học những đoạn này? Tại sao là điều quan trọng cho anh chị em để hiểu những đoạn này?
Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si” (scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
A Ghê 1:2–7.Những câu này có thể gợi cho mọi người trong gia đình anh chị em “xem xét đường lối mình.” Có lẽ mọi người họ có thể diễn tả bằng hành động các cụm từ trong câu 6. Câu này dạy điều gì về việc xem trọng sự việc của thế gian hơn là những sự việc của Thượng Đế? Anh chị em có thể cùng nhau thảo luận về các ưu tiên của gia đình mình. Việc hát một bài như “Tôi Mong Muốn Giống Chúa Giê Su” (Liahona, tháng Tư năm 2012) có thể giúp gia đình anh chị em đánh giá được điều mà mọi người đang làm tốt và những khía cạnh nào có thể cải thiện.
-
A Ghê 2:1–9.Để giới thiệu những câu này, anh chị em có thể chia sẻ câu chuyện về Đền Thờ Provo City Center được xây dựng lại từ một đại thính đường thân yêu mà đã bị thiêu rụi. Trong khi gia đình anh chị em đọc A Ghê 2:1–9, anh chị em có thể mời mọi người suy nghĩ về một điều gì đó trong cuộc sống mà có thể giống như công việc xây dựng lại ngôi đền thờ đã từng bị phá hủy. Chúa gây dựng lại chúng ta như thế nào sau bi kịch hoặc nghịch cảnh?
-
Xa Cha Ri 3:1–7.Trong khi đọc những câu này, anh chị em có thể cho gia đình mình thấy những bộ quần áo bẩn. Giê Hô Sua có lẽ đã cảm thấy như thế nào khi ông đứng trước mặt thiên sứ trong bộ quần áo bẩn? Tội lỗi giống như quần áo bẩn như thế nào? Xa Cha Ri 3:1–7 dạy cho chúng ta điều gì về sự tha thứ? Rồi anh chị em có thể cùng nhau giặt quần áo và nói về quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.
-
Xa Cha Ri 8:1–8.Điều gì gây ấn tượng cho chúng ta về khải tượng của Xa Cha Ri về tương lai của Giê Ru Sa Lem? Chúng ta tìm thấy điều gì ở đó mà cũng muốn thấy trong cộng đồng của mình? Làm thế nào chúng ta có thể mời Đấng Cứu Rỗi vào “ở giữa [chúng ta]”?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát gợi ý: “Tôi Mong Muốn Giống Chúa Giê Su,” Liahona, tháng Tư năm 2012.