Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 12–18 tháng Mười Hai. Ma La Chi: “Đức Giê Hô Va Có Phán: Ta Yêu Các Ngươi”


“Ngày 12–18 tháng Mười Hai. Ma La Chi: ‘Đức Giê Hô Va Có Phán: Ta Yêu Các Ngươi,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Kinh Cựu Ước năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 12–18 tháng Mười Hai. Ma La Chi,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2022

Hình Ảnh
Tượng Đấng Ky Tô

Ngày 12–18 tháng Mười Hai

Ma La Chi

“Đức Giê Hô Va Có Phán: Ta Yêu Các Ngươi”

Cái tên Ma La Chi có nghĩa là “sứ giả của ta” (Bible Dictionary, “Malachi”). Trong khi tìm hiểu sứ điệp của Ma La Chi dành cho Y Sơ Ra Ên, anh chị em tìm thấy sứ điệp nào cho cuộc sống của chính mình? Những lời của Ma La Chi liên quan như thế nào đến thời đại của chúng ta?

Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em

“Ta yêu các ngươi,” Chúa đã phán như vậy với dân Ngài qua tiên tri Ma La Chi. Nhưng dân Y Sơ Ra Ên, những người đã trải qua nỗi thống khổ và tù đày trong nhiều thế hệ, đã hỏi Chúa: “Chúa yêu chúng tôi ở đâu?” (Ma La Chi 1:2). Sau tất cả những gì Y Sơ Ra Ên đã trải qua, họ có lẽ tự hỏi liệu lịch sử của Y Sơ Ra Ên xa xưa có thật sự là một câu chuyện về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho dân giao ước của Ngài không.

Khi suy ngẫm về điều anh chị em đã đọc trong Kinh Cựu Ước năm nay, anh chị em tìm thấy bằng chứng nào về tình yêu thương của Thượng Đế? Thật dễ dàng để thấy nhiều ví dụ về những sự yếu kém và phản nghịch của con người. Mặc dù với tất cả những điều đó, Thượng Đế không bao giờ ngừng tìm đến trong tình yêu thương. Khi các con trai của Gia Cốp ngược đãi em trai Giô Sép, Chúa vẫn chuẩn bị một cách thức để cứu họ khỏi nạn đói (xin xem Sáng Thế Ký 45:4–8). Khi Y Sơ Ra Ên ta thán trong đồng vắng, Thượng Đế cho họ ăn bánh ma na (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 16:1–4). Ngay cả khi Y Sơ Ra Ên chối bỏ Ngài, đi theo những thần khác, và bị phân tán, Thượng Đế không bao giờ từ bỏ họ hoàn toàn mà còn hứa rằng nếu họ hối cải thì Ngài sẽ quy tụ và cứu chuộc họ với “lòng thương xót” (xin xem Ê Sai 54:7).

Khi nhìn theo khía cạnh này, Kinh Cựu Ước là một câu chuyện về tình yêu thương đầy nhẫn nại và bền bỉ của Thượng Đế. Và câu chuyện này tiếp tục ngày nay. “Mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh,” Ma La Chi đã tiên đoán (Ma La Chi 4:2). Chúa Giê Su Ky Tô thật sự đã đến, mang sự chữa lành về mặt thuộc thể và thuộc linh cho tất cả những ai đến cùng Ngài. Ngài là bằng chứng vĩ đại nhất về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho Y Sơ Ra Ên thời xưa và cho tất cả chúng ta.

Để có thông tin khái quát về sách Ma La Chi, xin xem “Ma La Chi” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

Hình Ảnh
hình biểu tượng học tập cá nhân

Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân

Ma La Chi 1–4

“Hãy trở lại cùng ta thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi.”

Trong thời của Ma La Chi, dân Y Sơ Ra Ên đã xây dựng lại đền thờ tại Giê Ru Sa Lem, nhưng với tư cách là một dân tộc, họ vẫn cần tái lập lại mối quan hệ của họ với Chúa. Trong khi học Ma La Chi, anh chị em hãy tìm những câu hỏi mà Chúa đặt ra cho dân Y Sơ Ra Ên hoặc họ đã hỏi Ngài. Hãy cân nhắc hỏi bản thân mình những câu hỏi tương tự (một số ví dụ được gợi ý bên dưới) để giúp anh chị em đánh giá mối quan hệ của mình với Chúa và đến gần Ngài hơn.

  • Làm thế nào tôi cảm thấy tình yêu thương Chúa dành cho mình? (xin xem Ma La Chi 1:2).

  • Những của lễ dâng hiến của tôi cho Chúa có thật sự tôn kính Ngài không? (xin xem Ma La Chi 1:6–11).

  • Trong những cách thức nào tôi cần “trở lại” cùng Chúa? (xin xem Ma La Chi 3:7).

  • Tôi có lấy cắp của Thượng Đế trong bất kỳ phương diện nào không? (xin xem Ma La Chi 3:8–11).

  • Thái độ của tôi trong những lúc khó khăn phản ánh những cảm nghĩ của tôi về Chúa như thế nào? (xin xem Ma La Chi 3:13–15; xin xem thêm 2:17).

Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Phàm Những Kẻ Ta Yêu thì Ta Quở Trách Sửa Phạt,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 97–100.

Ma La Chi 1:6–14

Chúa mong muốn “của lễ thanh sạch.”

Những lời của Chúa trong Ma La Chi 1 chỉ ra rằng các thầy tế lễ Y Sơ Ra Ên đã dâng những con vật dị tật và ốm yếu làm của lễ hy sinh trong đền thờ, là điều mà Chúa đã ngăn cấm (xin xem Lê Vi Ký 22:17–25). Những của lễ hy sinh này gợi ý điều gì về cảm nghĩ của các thầy tư tế dành cho Chúa? (xin xem Ma La Chi 1:13). Tại sao Chúa yêu cầu chúng ta dâng lên Ngài những của lễ tốt nhất của mình? Hãy nghĩ về những gì mà Chúa đã yêu cầu anh chị em phải hy sinh. Anh chị em có thể làm gì để dâng cho Ngài “của lễ thanh sạch”? (Ma La Chi 1:11; xin xem thêm 3:3).

Xin xem thêm Mô Rô Ni 7:5–14.

Ma La Chi 3–4

Những lời tiên tri của Ma La Chi đang được ứng nghiệm trong những ngày sau.

Khi Đấng Cứu Rỗi đến thăm Châu Mỹ, Ngài đã trích dẫn Ma La Chi 3–4 cho dân Nê Phi (xin xem 3 Nê Phi 24–25). Vào năm 1823, thiên sứ Mô Rô Ni đã chia sẻ những phần trong chính các chương này với Joseph Smith (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:36–39; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 2). Anh chị em nghĩ tại sao những lời của Ma La Chi được lặp lại nhiều lần đến vậy trong thánh thư? (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 27:9; 110:13–16; 128:17–18). Theo ý kiến của anh chị em, những sứ điệp nào từ Ma La Chi 3–4 dường như đặc biệt quan trọng đối với thời của chúng ta?

Khi Mô Rô Ni trích dẫn Ma La Chi 4:5–6 cho Joseph Smith, ông đã làm vậy với “nội dung hơi khác so với Kinh Thánh” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:36). Nội dung thay đổi của Mô Rô Ni bổ sung gì cho sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri này? Để biết thêm về sự hiện đến của Ê Li và cách lời tiên tri này được ứng nghiệm ngày nay, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:13–16 và sứ điệp của Anh Cả David A. Bednar “Lòng Con Cái Sẽ Trở Lại” (Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 24–27). Tại sao anh chị em biết ơn vì Ê Li đã đến?

Hình Ảnh
Ê Li hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland

Hình minh họa Ê Li hiện đến cùng Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland, do Robert T. Barrett thực hiện

Ma La Chi 3:8–12

Việc đóng tiền thập phân mở ra các cửa sổ trên trời.

Trong khi anh chị em đọc An Ma 3:8–12, hãy nghĩ về những kinh nghiệm đóng tiền thập phân của chính anh chị em. Cụm từ “mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi” (câu 10) có ý nghĩa gì đối với anh chị em?

Hình Ảnh
hình biểu tượng gia đình học tập

Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình

Ma La Chi 1:2.Gia đình anh chị em sẽ trả lời như thế nào câu hỏi trong Ma La Chi 1:2—“Chúa yêu chúng tôi ở đâu?” Có những bằng chứng gì về tình yêu thương của Chúa dành cho chúng ta?

Ma La Chi 3:8–12.Trong khi anh chị em đọc Ma La Chi 3:8–12, hãy mời mọi người trong gia đình chia sẻ các ý nghĩ hoặc cảm nghĩ của họ về việc đóng tiền thập phân. Chúng ta đã thấy những phước lành thuộc thể và thuộc linh nào đến từ việc đóng tiền thập phân? (xin xem David A. Bednar, “Các Cửa Sổ Trên Trời,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 17–20). Mọi người trong gia đình có thể thích vẽ tranh miêu tả những phước lành này và treo chúng lên một cửa sổ.

Ma La Chi 3:13–18.Việc thuộc về Chúa và là một trong những “cơ nghiệp” của Ngài có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Ma La Chi 4:5–6.Sau khi đọc những câu này, gia đình anh chị em có thể xác định những câu trả lời cho các câu hỏi sau đây về lời tiên tri của Ma La Chi: Ai? Về điều gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 2).

Làm thế nào lòng chúng ta trở lại cùng ông cha mình? Chúng ta được ban phước như thế nào khi làm điều đó? Cả gia đình chúng ta sẽ làm điều gì để nhận được các phước lành này?

Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.

Cải Thiện Việc Học Tập Cá Nhân

Hãy đặt câu hỏi trong khi anh chị em học. Trong khi học thánh thư, có thể có những câu hỏi đến với tâm trí anh chị em. Suy ngẫm những câu hỏi này và tìm kiếm câu trả lời.

Hình Ảnh
người phụ nữ vẫy chiếc khăn tay trắng với nhiều tổ tiên đứng phía sau

Mourning’s Hosanna (Lời Reo Hô Sa Na của Mourning), tranh do Rose Datoc Dall họa. Một người phụ nữ tên Mourning đứng trong thế giới linh hồn, được bao quanh bởi các tổ tiên mình. Người ấy vui mừng khi họ được giải thoát khỏi ngục tù thuộc linh.

In